Đàn Bầu trong dòng chảy thời gian

Gần đây có dư luận: Việt Nam rất có thể sẽ mất quyền đối với cây đàn bầu- cây đàn vốn được coi là nhạc cụ thuần Việt hiếm hoi. Nguyên nhân chính là do các thông tin đưa đến cho biết, tại Trung Quốc, nhất là ở vùng Quảng Tây, người ta đã đưa đàn bầu vào dạy trong một số trường phổ thông; còn tại Trường Đại học Dân tộc tỉnh này có phân khoa đàn bầu. Theo đó, một số học giả Trung Quốc cố gắng tìm chứng cứ để cho rằng cây đàn bầu có nguồn gốc từ Trung Quốc, của Trung Quốc.

Trước thông tin ấy, một số nhà nghiên cứu âm nhạc, người chơi đàn bầu Việt Nam đã lên tiếng khẳng định cây đàn bầu là của Việt Nam và cho rằng cần phải có biện pháp để thế giới công nhận điều đó.

Vấn đề này đã nóng lên trong dư luận, được nhiều người quan tâm, trong đó không khỏi có sự lo lắng.

1.

Do sự thiếu hụt của các nguồn văn bản chính thức, nên đàn bầu cũng như một số nhạc cụ khác đang sử dụng tại Việt Nam khó xác định nguồn gốc chính xác. Đó cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, với những gì có được, vẫn hoàn toàn có thể khẳng định cây đàn bầu xuất phát từ Việt Nam, cho dù thế giới cũng có nhiều cây đàn một dây nhưng đàn bầu không giống với bất cứ cây đàn nào, và trên thực tế nó đã phát triển ở trình độ cao hơn hẳn, đặc biệt là về mặt âm sắc, tính năng của nhạc cụ cũng như sự phổ biến trong đời sống xã hội.

Trong dàn nhạc cung đình trước đây, không có đàn bầu. Nhưng trong xã hội, nó lại là nhạc cụ thân thuộc với cộng đồng. Đàn bầu trước hết là công cụ mưu sinh của những người hát rong. Cùng với cây đàn đơn sơ, dễ làm, dùng để đệm cho hát, cây đàn một dây đã theo những người hát rong đi khắp các làng quê, và cả chốn thị thành. Hầu như, không một nhóm hát xẩm nào lại không sử dụng đàn bầu.

Nhiều truyền thuyết về cây đàn này cũng đều xuất phát từ Việt Nam mà không tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Điểm chung trong các truyền thuyết là câu chuyện của những người lao động lương thiện, có số phận kém may mắn, được trời (Phật/ông bụt) cho cây đàn để kiếm sống. Là cây đàn sinh ra trong cuộc sống lao động khốn khó của tầng lớp thấp trong xã hội, nên đàn bầu cũng thường tấu lên nỗi lòng ai oán, giai điệu thường chậm rãi da diết nhưng không quá bi ai, vật vã. Trải qua hàng trăm năm ẩn hiện trong chốn nhân gian, với số phận khá long đong, thăng trầm qua các biến cố của lịch sử, đàn bầu vẫn có một sức sống mạnh mẽ, phi thường. Biết bao thế hệ nghệ nhân vô danh, trong đó công lao đáng kể thuộc về những người hát Xẩm- đã truyền nội lực sống cho cây đàn, và đàn Bầu vẫn tồn tại như một minh chứng cho biểu hiện sinh động của tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nhạc hội đàn Bầu lần thứ nhất, sau đó là hội thảo đàn Bầu do Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam tổ chức năm 1978 đã thu hút đông đảo các nghệ nhân, nghệ sĩ ở nhiều lứa tuổi tham gia và đóng góp những ý kiến quý báu cho sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn đàn Bầu. Tại hội thảo này, người ta đã được xem và nghe những nghệ nhân như cụ Nguyễn Văn Quang, cụ Nguyễn Ngọc Thư (Hải Phòng) vừa chơi đàn bầu vừa hát Xẩm; cụ Nguyễn Văn Nguyên vừa chơi nhị – hồ, bầu vừa hát xẩm. Đặc biệt cụ Thân Đức Chinh là người khiếm thị, vừa chơi đàn bầu và hát, chân phải gõ trống con, chân trái gõ song loan rất ấn tượng. Gần đây, NSND Xuân Hoạch cũng đang phục dựng lại cây đàn bầu xẩm ngày xưa trong chiếu xẩm cũng gây được tiếng vang tốt.

Gần đây nhất là sự ra đời của câu lạc bộ “Nghệ thuật đàn Bầu Việt Nam” vào tháng 12 năm 2014 đã phối hợp với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Nhạc hội đàn Bầu năm 2014, 2015, quy tụ được nhiều nghệ sĩ đàn bầu, cả chuyên nghiệp và không chuyên ở các vùng miền trong và ngoài nước về tham dự. Ngoài những trao đổi về nghề, chương trình biểu diễn nghệ thuật đã cho thấy sức sống của đàn bầu trong các thế hệ nối tiếp nhau thật bền bỉ. Nhạc hội mở ra như một tiếng chuông thức tỉnh những người yêu âm nhạc dân tộc, là động lực thúc đẩy sự nỗ lực cố gắng hơn nữa trong việc truyền bá tinh hoa của dân tộc mình đến với cộng đồng của các nghệ sĩ chơi đàn bầu.

Nhiều nhà nghiên cứu, nhạc sĩ các nước đã được nghe, yêu thích và tìm hiểu về cây đàn bầu Việt nam cũng có những nhận xét rất nghĩa tình về cây đàn, trong đó có thi sĩ Mary (Pháp) và Blaga Dimitrova (Bungari). Mary viết: Đàn bầu thật giống với con người Việt Nam/ Nghèo của mà giàu lòng nhân ái/ Giản dị mà thanh cao/ Đơn sơ mà phong phú.

Còn nhà thơ Blaga Dimitrova thì ca ngợi cây đàn bầu:

Xúm lại trong bóng chiều
Chúng tôi nghe, kinh ngạc
Một cây đàn cổ Việt Nam
Những ngón tay như củi khô
Lay bởi cơn gió lạ kỳ
Gẩy trên một dây đàn duy nhất
Và bỗng dưng nảy ra suối hát
Tiếng chim kêu, tiếng người nấc
Một điệu ru con, một trận bão về
Rồi dây một mình
Tự vọng mãi tiếng ngân nga
Tôi run rẩy như tôi hóa cây ca
Và tôi hiểu: khi dây căng rất mực
Căng đến mức
Sắp đứt – thì đây
Cả vũ trụ về rung động trên dây…

(Người dịch: Xuân Diệu)

Còn với người Việt Nam, từ xa xưa đã có câu: “Đàn bầu ai gẩy người nghe/ làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”. Các cụ dặn con cháu như vậy vì rằng tiếng đàn bầu quyến rũ quá, dễ làm người ta say đắm. Trong xã hội phong kiến phụ nữ được dạy phải “tam tòng, tứ đức” nên không thể để ngoại cảnh lôi kéo, làm hỏng tiết hạnh và đánh mất gia đình. Suy cho cùng lời dăn dạy ấy xuất phát từ lo ngại sự ảnh hưởng quá lớn của tiếng đàn bầu.

Sau này, đàn bầu cũng xuất hiện nhiều trong thơ ca hiện đại Việt Nam. Ví dụ như nhà thơ Tiến Lê hình dung đàn Bầu như:“Một dây nũng nịu đủ lời/ Nửa bầu chứa cả đất trời âm thanh”. Hay như trong bài thơ của Sương Anh: “Lâng lâng theo tiếng tơ lay/ Nỗi lòng ai trút đắng cay giãi bày/ Cây đàn chỉ có một dây/ Bao tình ấp ủ theo tay thay lời/ Xót thương thân phận con người/ Đêm đêm đàn gẩy…giọt đời chứa chan”. Còn trong bài thơ “Đất nước đàn bầu”, Lưu Quang Vũ có những câu rất nặng lòng gắn đàn bầu với số phận đất nước:

Gió mùa thu
Tiếng đàn bầu nức nở
Chiều chiều ra ngõ
Sông dài cá lội biệt tăm
Thương cha nhớ mẹ
Mênh mông chớp bể mưa nguồn
…Bốn bể Cà Mau, mũi đất Hà Tiên
Với Kinh Bắc, Tràng An chung ruột thịt
Tiếng đàn bầu réo rắt
Lý ngựa ô, Lý ngựa ô
Như gió cuộn trên bình nguyên cháy khô
Ngựa ô chạy ướt đầm thân mảnh dẻ
Thương con ngựa ô xa mẹ
Bây giờ ăn cỏ nơi đâu ?
Tiếng đàn bầu, tiếng đàn bầu mong nhớ
Trong gió lộng, dưới mặt trời xứ sở
Vẫn cồn cào những cơn khát khôn nguôi…

Như vậy, đàn bầu đã là máu thịt của người Việt Nam từ trong sâu thẳm xa xưa. Nên cho dù bất cứ ai cũng không thể nhận rằng cây đàn bầu Việt Nam là của nước họ.

2.

Ngay từ năm 1956, đàn bầu đã được đưa vào giảng dạy chính quy tại Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cái nôi của nền âm nhạc chuyên nghiệp. Từ đây, đã dần hình thành một hệ thống các trường âm nhạc chuyên nghiệp trong cả nước, tạo điều kiện cho âm nhạc truyền thống đặc biệt là đàn bầu ngày càng phát triển mạnh mẽ, có vị trí xứng đáng cùng với các dòng âm nhạc khác – nhất là trong lĩnh vực độc tấu và hòa tấu.

Việc đưa cây đàn có nguồn gốc dân gian vào một cơ sở đào tạo âm nhạc chính quy cho thấy tầm nhìn của những người quản lý văn hóa, đồng thời một lần nữa nói lên giá trị biểu cảm to lớn của bản thân cây đàn. Từ đây, nhu cầu học để hiểu, để biểu diễn đàn bầu ngày càng tăng dần theo thời gian. Việc vận dụng phương pháp ký âm trên năm dòng kẻ trong học và biểu diễn đàn bầu cũng mở ra hướng phát triển mới cho cây đàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhạc sĩ nghiên cứu và viết các tác phẩm mới cho đàn bầu một cách dễ dàng hơn. Kể từ đó, trong Khoa nhạc cụ truyền thống, đàn bầu luôn có vị trí quan trọng.

Gần một thế kỷ đã qua, chúng ta đã kiên trì, nỗ lực trong việc đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ, giảng viên, nhạc công trong biểu diễn đàn bầu. Thành công của sự nghiệp đào tạo đó đã được khẳng định, những thế hệ nghệ sĩ, giảng viên đàn bầu trưởng thành từ hệ thống đào tạo tại các trường âm nhạc đã trở thành những nhân tố tích cực nối tiếp nhau tôn vinh, quảng bá cây đàn bầu, phát huy tinh hoa âm nhạc dân tộc Việt Nam, xứng đáng là “Người giữ lửa và tiếp lửa” của truyền thống văn hóa âm nhạc nước nhà.

Được sự hỗ trợ của công nghệ khoa học, cây đàn bầu điện ra đời với âm lượng lớn hơn cây đàn bầu mộc đã góp phần giúp các nghệ sĩ đàn bầu sáng tạo thêm nhiều kĩ thuật mới, thủ pháp diễn tấu mới, làm tăng thêm sức biểu cảm của cây đàn. Sự cải tiến về âm thanh (bobin điện), về hình dáng, về việc thêm hệ thống dây phụ trợ,… Những cải tiến đó có được, có chưa được nhưng đều có thể coi là lối mở cho cây đàn bầu, vừa giữ được cốt cách truyền thống, vừa tiếp cận được với dòng chảy của đương đại.

Riêng về lĩnh vực biểu diễn, theo thời gian lớp này “gối đầu” lớp khác là những nghệ sĩ tài danh được xã hội thừa nhận. Đó là NSUT Nguyễn Văn Tiếu, nguyên diễn viên Đoàn Ca Múa nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam) đã dùng mô-bin cắm trên mặt đàn Bầu nhằm khuyếch đại âm thanh qua amply bằng loa giấy để biểu diễn vào những năm 1950; NSUT Nguyễn Mạnh Thắng diễn viên đoàn Nghệ thuật Quân đội mang đàn Bầu có mô-bin điện để phục vụ bộ đội và dân công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tới năm 1957, ông cũng là người đầu tiên giới thiệu tiếng đàn Bầu Việt nam với bạn bè quốc tế ở Liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới tại Matxcơva (Thủ đô của Liên Xô cũ) và đã mang về Huy chương Vàng đầu tiên cho cây đàn bầu Việt Nam. Cùng với NSUT Nguyễn Mạnh Thắng, NSUT Nguyễn Đức Nhuận nguyên là diễn viên đàn bầu, thuộc lớp diễn viên đầu tiên của Đoàn Ca múa Nhân dân miền Nam (nay là Đoàn nghệ thuật Ca múa nhạc Bông Sen) thường xuyên biểu diễn phục vụ nhân dân, chiến sĩ trong nước, ông cũng là người mang cây đàn Bầu ra biểu diễn nhiều nước trên thế giới và đạt Huy chương Vàng trong liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới tại Vacsava (Ba Lan) năm 1958. NSUT Đức Nhuận còn là người có công lớn trong các bước tiến về kỹ thuật diễn tấu của cây đàn bầu với việc sáng tạo và đưa vào đàn bầu nhiều kỹ thuật mới như: Gẩy 2 chiều, vê, bật thực âm cùng cách chơi tạo ra bồi âm kép qua nhiều tác phẩm do chính ông sáng tác như: “Vũ khúc Tây Nguyên”, “Quê tôi giải phóng”, “Vũ khúc xuân quê hương”…, đã làm phong phú thêm khả năng diễn tấu của cây đàn, tạo điều kiện thuật lợi cho đàn bầu khi thể hiện những sáng tác mới mang âm hưởng của thời đại.

Một thời kháng chiến, vào những năm 60 -75 của thế kỷ trước, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng bào cả nước, bộ đội các chiến trường đã từng say mê tiếng đàn bầu Đức Nhuận với những “Ru con Nam Bộ”, “Hà Nội – Huế – Sài Gòn”, “Vũ Khúc Tây Nguyên”, “Quê tôi giải phóng”…Tiếng đàn bầu của NSUT Mạnh Thắng với bài ” Vì miền Nam” đã như tiếng kèn xung trận, nối tình quân dân, trong công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và tiếng đàn bầu đã làm bạn bè khắp năm châu kinh ngạc, thán phục…

Trong thập kỉ 80-90 của thế kỉ XX, cây đàn bầu giữ vị trí quan trọng trong đời ống âm nhạc nước nhà. Những năm đó, số người theo học đàn bầu khá nhiều, gười yêu thích tiếng đàn bầu còn nhiều hơn, bạn bè quốc tế cũng yêu mến văn hóa Việt Nam nhiều hơn thông qua tiếng đàn bầu và nhiều nghệ sĩ đàn bầu để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả như: NSUT Đoàn Anh Tuấn, NSUT Xuân Ba, NS Thanh Chương, NS Ngọc Hướng, NS Hồ Khắc Chí… kế nghiệp và phát huy ngón đàn của các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ đi trước, nhiều nghệ sĩ đàn bầu đã mang cây đàn đi biểu diễn khắp các sân khấu trong và ngoài nước phục vụ đông đảo khán thính giả ở mọi tầng lớp khác nhau với nhiều thể loại âm nhạc, mang vinh quang về cho đàn bầu bằng rất nhiều những tấm huy chương cả ở trong và ngoài nước, như NSND Nguyễn Thanh Tâm, NSND Nguyễn Tiến, NSND Hoàng Anh Tú, NSUT Phan Kim Thành, NSUT Đỗ Toàn Thắng, NSUT Hoàng Xuân Bình, NSUT Nguyễn Kim Anh, NSUT Nguyễn Mai Thủy, NSUT Bùi Lệ Chi, NSUT Hồ Hoài Anh, NS Mai Văn Hiên, NS Ngô Trà My, NS Nguyễn Lệ Giang, NS Trần Hương Giang, NS Lê Hoài Phương, NS Nguyễn Quang Hưng… Các thế hệ nghệ sĩ đã tiếp nối tài năng và tâm huyết với cây đàn bầu của những người đi trước, để mạch nối cội nguồn không bao giờ đứt đoạn.

Vì giá trị to lớn của cây đàn bầu mà nhiều nhạc sĩ tên tuổi đã có những sáng tác hay dành riêng cho nó. Trong số đó, không thể không nói tới các tác phẩm “Vì miền Nam” của Huy Thục, “Cung đàn đất nước”, “Buổi sáng sông Hương” của NGND Xuân Khải, “Dòng kênh trong” của Nhạc sĩ Hoàng Đạm, “Vũ khúc Tây Nguyên” của NSUT Đức Nhuận, “Niềm tin tất thắng” của  Khắc Chí, “Xúy Vân” của  Ngô Quốc Tính, “Khoang cá đầy”, “Một dạ sắt son” của Văn Thắng, “Gửi đến Ngự Bình” của NGUT Quốc Lộc, “Thoáng quê” của NSND Thanh Tâm, “Nhịp cầu quê hương” của NSUT Toàn Thắng…

Đàn bầu không chỉ diễn tấu với dàn nhạc dân tộc mà còn được nhiều tác giả viết cho đàn bầu độc tấu với dàn nhạc giao hưởng như tác phẩm: Concertino cho đàn bầu và dàn nhạc với tựa đề “Biển quê hương” của Trần Quý; Khúc “Khởi nhạc” của Trọng Bằng, Giao hưởng thơ “Quê hương” của Nguyễn Xinh và gần đây là “Hồn đất mẹ” của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, “Đối thoại”, “Sắc Xuân” của Đỗ Hồng Quân…, “Cụ Rùa” của Robert Casteels (Singapore)…

Cũng cần nói thêm rằng, trong quá trình biểu diễn, đàn bầu đã thể hiện không ít tác phẩm âm nhạc nước ngoài- đó chính là sự “gặp gỡ” của âm nhạc với những nền văn hóa khác nhau. Trong đó có thể kể đến các tác phẩm: Phiên chợ Ba Tư (Albert Ketelby); Sakura (Dân ca Nhật Bản), La Habana tươi đẹp (Cuba), Danupe xanh (Johann Strauss); Hotel California (Ban nhạc Eagles)…

3.

Trên nền tảng gây dựng rất nhiều năm, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ những người vô danh đến hữu danh…, cây đàn bầu đã có vị trí trong đời sống âm nhạc, đời sống xã hội. Tuy nhiên, trước sự giao thoa văn hóa ngày càng lớn, trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ, mạng điện tử internet, trước vô vàn các trường phái, các dòng âm nhạc- thì âm nhạc cổ truyền nói chung và cây đàn bầu nói riêng đang lâm vào tình thế khó khăn. Khó khăn ấy là tất yếu, nhưng quan trọng là phải tìm được lối ra, để không bị nhấn chìm. Theo tôi, vấn đề quan trọng là làm gì để phát huy cây đàn bầu trong đời sống âm nhạc hiện nay. Đó mới là cốt lõi giúp cây đàn bầu vẫn giữ được vị trí của nó. Và chỉ có như vậy mới khẳng định rõ ràng cây đàn bầu là của người Việt Nam, rồi từ đó lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Cùng với những nỗ lực bảo tồn, tiếp sức cho cây đàn từ phía chính quyền, các tổ chức âm nhạc, các nhà mạnh thường quân… đã đến lúc chúng ta phải từng bước nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận cây đàn bầu là một giá trị văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Việt Nam. Cần phải làm điều đó vì mấy lẽ sau:

-Thứ nhất, đàn bầu là nhạc cụ của người Việt Nam, có mặt và có vị thế trong đời sống xã hội Việt nam từ rất nhiều năm. Nó có gốc gác, có lý lịch, có truyền thống từ trong các truyền thuyết, giai thoại dân gian.

-Thứ hai, đàn bầu trong đời sống đương đại đã có vị trí vững chắc, được thừa nhận và đưa vào giảng dạy tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp như một cây đàn dân tộc không thể thiếu trong gần một thế kỷ qua.

-Thứ ba, đàn bầu có mặt ở nhiều dàn nhạc, nhà hát trong khắp cả nước và luôn có vị trí riêng.

-Thứ tư, đàn bầu với tư cách là một giá trị văn hóa Việt Nam thường xuyên được giới thiệu ở nước ngoài như một “đại sứ âm nhạc”; và trên thực tế nhiều người nước ngoài yêu quý Việt Nam cũng từ tiếng đàn bầu.

-Thứ năm, với sự diễn tấu độc đáo của mình, cây đàn bầu Việt Nam đủ tư cách đóng góp cho sự phong phú của  nhạc cụ thế giới.

-Thứ sáu, công nhận đàn bầu với giá trị văn hóa độc lập là để khẳng định cây đàn bầu Việt Nam, từ đó có kế hoạch, có cách thức để bảo tồn các giá trị cổ điển của cây đàn; đồng thời hòa nhập vào dòng chảy của đời sống âm nhạc đương đại.