Ngọt ngào khúc hát dân ca Jrai

Giữa muôn vàn các ca khúc nhạc trẻ, nhạc Tây, nhạc Hàn… khiến giới trẻ quay cuồng điên đảo, thì vẫn còn đó những những bài hát dân ca Jrai với thanh âm trong trẻo và vẻ đẹp hồn nhiên, mộc mạc như chính hồn chất đời thực con người. Theo sức sống của nghệ thuật truyền miệng, hát dân ca vẫn như mạch nước ngầm tưới mát tâm hồn những “nghệ sỹ làng” nơi đại ngàn.

Trong giờ khắc thiêng liêng của hữu linh vạn vật hay chút xúc cảm nghệ sỹ bất chợt được đánh thức bởi chút men say của rượu ngấm lẫn cái bung biêng của đất trời đủ, dân ca lại đến với họ. Họ hát bằng cảm xúc, âm nhạc Jrai bất kể thời nào cũng giàu nhạc điệu và cảm xúc. Lời ca lúc trầm lúc bổng, lúc dìu dặt, khoan thai bắt người nghe phải nhíu mày, tập trung cao độ hết mức để lắng nghe, lúc lại vút lên như tiếng gió. Chính điều đó làm nên nét gợi cảm riêng biệt cho âm nhạc truyền thống của người Jrai.

Phong cảnh nên thơ của một buôn làng Jrai ở Krông Pa. Ảnh: Lê Hòa
Phong cảnh nên thơ của một buôn làng Jrai ở Krông Pa. Ảnh: Lê Hòa

… Ở buôn Chư Jê (Ia Rsai-Krông Pa), già Rah Lan H’Nhich được dân làng phong là người hát dân ca hay nhất buôn hiện nay. Bà cũng là người thuộc nhiều bài hát dân ca nhất làng. Các cô gái trong làng muốn học hát dân ca đều phải tìm đến bà. Người ta yêu mến và kính trọng bà nhiều phần vì lẽ đó.

Rah Lan H’Tấp là một trong những học trò cưng của già H’Nhich. Cô gái khá năng nổ, nhanh nhẹn và hoạt bát, rất tích cực tham gia hoạt động phong trào ở địa phương dù đã là “gái 2 con”. H’Tấp hiện là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Chư Jê. Từ nhỏ, H’Tấp đã yêu các bài hát dân ca, tình yêu đó được tiếp thêm ngay trong những buổi đi làm đổi công với chị em trong làng, H’Tấp nghe mọi người hát và hát theo. Đến khi trưởng thành, lại nắm giữ cương vị phụ trách công tác hội tại địa phương, H’Tấp càng có điều kiện phát huy thêm khả năng và niềm đam mê của mình. “Khi Hội Phụ nữ phát động cuộc thi “Phụ nữ giỏi giang, đảm đang, duyên dáng”, mình đã chọn ngay hát dân ca cho phần thi tài năng. Hát dân ca rất khó, nếu hời hợt và vô tâm, bạn không thể hát được dù đó là môn nghệ thuật của chính dân tộc mình”-H’Tấp chia sẻ.

H’Tâp nói rằng, cô thích nhất bài hát “Rơngai plơi chư”-bài hát ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, đức tính hy sinh và chịu thương, chịu khó của người phụ nữ Jrai trong những tháng ngày chồng đi chinh chiến xa, các bà, các mẹ ở nhà lên rẫy lao động để cuôi con, nuôi các chiến sỹ bộ đội. Giai điệu ngọt ngào và nhẹ nhàng của bài hát thuyết phục H’Tấp ngay từ lần đầu tiên cô được nghe già H’Nhich hát. Và đó cũng là bài hát H’Tấp chọn cho phần dự thi của mình tại hội thi “Phụ nữ giỏi giang, đảm đang, duyên dáng” do Hội LHPN huyện Krông Pa tổ chức.

Rah Lan H’Tấp-một trong những cô gái trẻ hát hay và thuộc nhiều bài hát dân ca ở Ia Rsai. Ảnh: Lê Hòa

Lê Hòa H’Tấp chia sẻ rằng, để hát được dân ca hay, từ chính tấm lòng mình phải yêu các bài hát dân ca và phải có cảm xúc. “Các bài hát dân ca là ngẫu hứng, mộc mạc và giản dị như chính cuộc sống đời thực. Nếu tâm hồn không lay động trước cuộc sống, sẽ không thể cất lên những câu hát đậm hơi thở cuộc sống. Trải qua bao đời, dân ca vẫn sống bằng một tình yêu mãnh liệt dù chỉ tồn tại qua hình thức truyền miệng”-H’Tấp, cho biết.

… Buôn Mlah (xã Phú Cần-huyện Krông Pa) hiện là buôn Jrai còn giữ được những nét thuần chất đặc trưng của một bản làng Jrai ở Krông Pa. Một ngôi làng đẹp về nhiều nghĩa: địa thế đẹp, phong cảnh đẹp và những nét văn hóa đẹp còn được lưu giữ. Mlah tự hào là một trong những nơi còn có nhiều người biết hát dân ca nhất hiện nay ở Krông Pa. “Làng mình hầu hết mọi người đều biết hát nhưng hát hay có tiếng thì có 4 người. Ksor Blich hát giỏi nhất, nó mới mất thôi, khi tuổi đời tròn 30. Giờ thì còn Nay Pin, Ksor Kol… Lúc làng có lễ hội hay bất cứ lúc nào muốn hát, chúng chỉ cần cất tiếng hát thì cả con chim trên rừng cũng ngừng bay. Làng rất mừng là lũ trẻ chúng nó yêu mến nghệ thuật hát dân ca, chứ không như nhiều nơi khác”-trưởng thôn Mlah-ma Linh, nói với chất giọng tự hào. Vậy nhưng, những làng buôn còn giữ được nét truyền thống văn hóa ấy như Mlah chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay trước sức hút từ vô vàn các thể loại âm nhạc giải trí sôi động và “hợp mốt” khác.

Không như nhiều bạn trẻ khác, H’Tấp hay Nay Pin, Ksor Kol… vẫn tha thiết yêu lời hát, câu ca được cha ông tích tụ tự bao đời. Những lời hát dẫu không trẻ trung và “hợp mốt” song lại chứa nặng những giá trị văn hóa dân tộc. “Già chỉ mong chúng nó giữ được vốn quý ấy, nó là tài sản lớn của buôn Mlah mình”-ma Linh giọng trầm ngâm.

Ông Phùng Anh Kiểm-Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Krông Pa, cho biết: Krông Pa hiện là nơi còn lưu giữ một số lượng lớn các bài hát dân ca Jrai trong quần chúng nhân dân. Khó có thể đưa ra một con số thống kê chính xác về số lượng các bài hát bởi hầu hết chúng được lưu giữ bằng hình thức truyền miệng. Các năm qua, được sự quan tâm của tỉnh và địa phương, công tác sưu tầm các bài hát đã dần được chú trọng và đầu tư, tuy nhiên vẫn còn rất hạn chế so với yêu cầu thực tế.

Nhiều nghệ nhân ở các làng biết nhiều bài hát dân ca nay đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe và trí nhớ hạn chế. Điều này gây sức ép trực tiếp tới công tác sưu tầm, bảo tồn và phát triển các bài hát dân ca, nhất là trong điều kiện hiện nay khi giới trẻ đang thờ ơ với âm nhạc và nghệ thuật truyền thống. Trước nguy cơ mai một này, rất cần có sự chung tay, góp sức từ nhiều phía để cùng với ngành văn hóa gìn giữ lấy nghệ thuật văn hóa độc đáo và mang đậm tính nhân văn.