Tiểu sử nghệ sĩ nhân dân ca trù Quách Thị Hồ

Quách Thị Hồ (11 tháng 6 năm 1909 – 4 tháng 1 năm 2001) là một nghệ nhân ca trù nổi tiếng. Bà là người đầu tiên đưa tiếng hát ca trù của Việt Nam ra nước ngoài. Năm 1988, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

 

                                Nghệ sĩ nhân dân Qúach Thị Hồ và bà Nguyễn Thị Phúc hồi trẻ

Tiểu sử

Bà sinh ngày 11 tháng 06 năm 1909 tại làng Ngọc Bộ, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, Hưng Yên (trước thuộc tỉnh Bắc Ninh, nơi sản sinh nhiều làn điệu quan họ). Bà sinh ra trong một gia đình có nghiệp đàn hát lâu đời. Mẹ bà cũng là một ả đào có tiếng. Lên 6 tuổi, bà đã theo mẹ đi hát. Bà được mẹ vỗ lòng và truyền nghề cho. Mẹ bà từng đoạt giải nhì (Á Nguyên) tại cuộc thi hát ở Hải Dương. Còn bà, nổi tiếng từ những năm 30 của thế kỷ XX. Nhiều người còn kể, khoảng năm 1939-1941, có chầu hát ở nhà bà, quan viên đi hát đã phải chi tới 4 chỉ vàng (100 đồng tiền Đông Dương cũ).

Năm 1930, bà đi ra Hà Nội hát, sau đó làm chủ nhà hát Vạn Thái ở phố Bạch Mai. Bà trở thành đào nương nổi tiếng cùng với bà Nguyễn Thị Phúc. Sau Cách mạng tháng 8, rồi kháng chiến chống Pháp, bà đi hát ở Vĩnh Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên.

Năm 1954, hoà bình lập lại ở miền Bắc, bà làm cộng tác viên cho chuyên mục ngâm thơ của Đài tiếng nói Việt Nam cùng với bà Nguyễn Thị Phúc. Do hoàn cảnh lúc này nghệ thuật ca trù bị coi là tàn dư của chế độ phong kiến cũ nên những đào kép đều từ bỏ nghề Tổ. Năm 1976, Giáo sư Trần Văn Khê từ Pháp trở về Hà Nội và tìm gặp các nghệ nhân ca trù. Tại đây ông đã ghi âm tiếng hát của bà đem đi giới thiệu với thế giới. Năm 1978, Hội đồng Âm nhạc Quốc tế của UNESCO và Viện Nghiên cứu Quốc tế về Âm nhạc đã trao tặng bà bằng danh dự cho công lao “gìn giữ một di sản nghệ thuật truyền thống quý báu của Việt Nam, một vốn quý của nhân loại”. Năm 1983, băng ghi âm tiếng hát của bà đại diện cho Việt Nam đã được xếp hạng nhất tại Liên hoan Quốc tế Âm nhạc Truyền thống châu Á ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Năm 1984, bà tham gia bộ phim tư liệu Nghệ thuật ca trù của đạo diễn Ngô Đặng Tuất và hội ngộ cùng các nghệ nhân khác như Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Hào, Chu Văn Du, Nguyễn Thế Tuất, Phó Đình Kỳ, Đinh Khắc Ban, Phó Thị Kim Đức, Phạm Thị Mùi. Quách Thị Hồ đã trở thành nghệ nhân ca trù tiêu biểu của Việt Nam. Giọng hát của bà đã được Đài tiếng nói Việt Nam thu âm, phát sóng rộng rãi trên sóng phát thanh của Đài. Năm 1988, bà được nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, là nghệ nhân ca trù duy nhất nhận danh hiệu này.

 

                                     Bà  là người đầu tiên mang tiếng hát ca trù ra nước  ngoài

Bà mất tháng giêng năm 2001, khiến bao nhiêu người tiếc nuối, vì mất một nghệ sĩ ca trù hàng đầu ở nước ta.

Giọng hát và sự nghiệp

Bà sở hữu một giọng hát đặc biệt, cùng tiếng phách điêu luyện đã chinh phục nhiều người thưởng thức. Nhiều người đánh giá giọng hát của bà như:

“Có người ví tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi một tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài ấy. Tiếng hát ấy vừa cao sang bác học, vừa mê hoặc ám ảnh, diễn tả ở mức tuyệt đỉnh nhất các ý tứ của các văn nhân thi sĩ gửi gắm trong các bài thơ. – Vũ Khang
“Chất giọng khỏe, đanh, sắc như đổ vàng vào tai người nghe, chất giọng đầy uy quyền có thể hiếp đáp được người nghe” – Trần Ngọc Linh
Một trong những kĩ thuật đặc trưng nhất của bà là kĩ thuật đổ hột hay nảy hạt – một kĩ thuật thường thấy trong chèo, tuồng và cả quan họ. Giáo sư Trần Văn Khê và Trần Quang Hải cho rằng kĩ thuật đổ hột trong giọng hát của bà là đặc trưng của nghệ thuật hát ả đào. Tuy nhiên Trần Ngọc Linh lại phản bác ý kiến này. Ông cho rằng: kĩ thuật đổ hột hoàn toàn không có trong bất cứ nghệ nhân cũ nào khác, hay cũng không được nhắc đến trong bất kì tác phẩm nghiên cứu nào về ca trù trước đây, điều đó chứng tỏ đổ hột hoàn toàn không phải là kĩ thuật Ca trù. Để giải thích về giọng hát đặc biệt của bà, ông cho rằng đổ hột là yếu tố tự nhiên trong giọng hát của bà, tiếp thu từ người mẹ và giáo phường ở Kinh Bắc – cái nôi của nghệ thuật quan họ. Sau này những cô đầu trong nhóm Ca trù Thái Hà đã bắt chước kĩ thuật này của bà qua những băng ghi âm của bà. Nhóm đã thực hiện nhiều chuyến lưu diễn, thông qua sự giới thiệu của ông Trần Văn Khê, đưa tiếng hát ca trù ra thế giới và những điều này đã gây ra sự nhầm lẫn trong giới nghiên cứu ca trù về kĩ thuật đổ hột.

Trong những năm thập niên 1950-1970, nghệ thuật ca trù không có chỗ đứng do bị coi là tàn tích của chế độ phong kiến cũ. Nhiều đào nương kép đàn đã phải bỏ nghề, bỏ Tổ. Nhưng chỉ có bà là người dám tự nhận mình là một cô đào, sống với Tổ và nghề, như câu nói dũng cảm mà bà đã từng nói: “Tôi sẵn sàng đeo biển trước ngực đi trên phố để nói tôi là người hát Ca trù”.

Liên hoan âm nhạc quốc tế năm 1976, bà đoạt giải nhất, được nhận bằng khen ở Iran. Tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế 1978 ở Mông Cổ, bà chiếm tới hai giải: giải nhất và giải Hàn Lâm.  Khi tiếng hát ca trù lần đầu tiên được vang danh trên thế giới, bà đã được ghi nhận là một trong những nghệ nhân ca trù tiêu biểu. Cũng từ đây, nghệ thuật ca trù đã dần được khôi phục, và được biết đến là một trong những di sản quý báu của Việt Nam và nhân loại Bà còn đoạt giải thưởng cao về âm nhạc do UNESCO tổ chức ở Bình Nhưỡng… Bà được phong Nghệ sĩ Nhân dân năm 1988. Nhiều nhà nghiên cứu đương thời như Trần Văn Khê, Ngô Linh Ngọc, Lý Khắc Cung… và nhiều nhà báo đã viết về bà…

Những năm cuối đời, tuổi đã ngoại 80, bà giành thời gian để truyền nghề cho lớp nghệ sĩ thế hệ sau như: Thúy Đạt, Thanh Hoài, Vũ Kim Dung, Ngọc Huyền, Thúy Hòa v.v…

Có thể nói Quách Thị Hồ là người đã có công đóng góp lớn trong việc khôi phục, quảng bá và phát triển nghệ thuật ca trù. Giọng hát của bà cũng được nhiều nghệ sĩ học hỏi như nhóm Ca trù Thái Hòa và nghệ sĩ Thúy Loan.

                                     Nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ sở hữu một giọng hát đặc biệt

Tán thưởng

Nghệ nhân Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc đã được nhắc tới trong Giai thoại về một chầu hát không tiền khoáng hậu của Thạch Lam (ký tên Hoài Điệp Thứ Lang).
Nhà thơ Trần Huyền Trân đã viết bài thơ Sầu chung để tặng cho bà:
“Tự cổ sầu chung kiếp xướng ca:  Mênh mông trời đất vẫn không nhà/Người ơi mưa đấy? Hay sênh phách/ Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa…/Thôi khóc chi ai kiếp đọa đầy/ Tỳ bà tâm sự rót nhau say/ Thơ ta gửi tặng người ngâm nhé/ Cho vút giọng sầu tan bóng mây”

Nhà viết kịch Tào Mạt, tác giả vở chèo bộ ba “Bài ca giữ nước”, sinh thời làm thơ và viết thư pháp, tặng Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ:Năm bà 76 tuổi, Nghệ sĩ nhân dân Tào Mạt đã viết tặng bà:

Trang tặng Quách Thị Hồ nghệ sĩ
“Bắc cách, Nam phong, cung dữ thương,
Hà Mô lục tuế trại Thu Nương,
Ca trường lạc hội mai tiêu phẩm
Thất bát hồ cầm hựu nhất chương”
dịch là:

Trân trọng tặng nghệ sĩ Quách Thị Hồ
Bắc cách, Nam phong, cung dữ thương
Hà Mô sáu tuổi sánh Thu Nương
Ca tàn, hội vãn hương mai ngát,
Bảy tám hồ cầm lại một chương

Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài cũng tìm đến ngôi nhà chật hẹp ở ngõ Văn Chương thăm bà. Họ đến từ Mỹ, Pháp, Australia… nhiều Việt kiều về nước từng nghe bà hát và ngâm thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng đến thăm với tấm lòng đầy ngưỡng mộ.

Trong một hồi ký in trên tạp chí Văn, số 36, ra ngày 15/6/1965 ở Sài Gòn, Hoài Điệp Thứ Lang (một bút danh khác của Đinh Hùng) nhắc lại cái đêm nhóm Tự Lực Văn Đoàn, trước năm 1945, xuống nhà hát của danh ca nổi tiếng ở Ngã Tư Sở là Bạch Liên, Nguyễn Tuân bữa đó cũng có mặt, đã tụ họp được cả 4 danh ca ở mấy xóm cô đầu nổi tiếng đất Hà thành xưa (Khâm Thiên, Vạn Thái, Vĩnh Hồ, Ngã Tư Sở…) là: “Hai chị em Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm (hai giọng ca đệ nhất thời danh), dì Trương Bẩy (một đào hát đã nhiều tuổi mà giọng hát vẫn còn độc đáo), Bích Thạch Hồn (một danh kỹ hát rất khuôn và có nghệ thuật pha trà tuyệt hảo), Hồ Vạn Thái giỏi chữ nho, nổi tiếng với những bài “Tương Tiến Tửu” và “Tiền, hậu Xích Bích Phú…”.

Hồ Vạn Thái được nhắc ở đây chính là nghệ sĩ Quách Thị Hồ, vì hồi đó bà có nhà hát ả đào ở xóm Vạn Thái…

Nhà nghiên cứu Văn Tâm nhắc lại đêm hát ca trù ở Văn Miếu, bà Quách Thị Hồ, từng hát ca trù cho Bác Hồ nghe. Ông viết: “Hai danh ca Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc, trong một chương trình ca nhạc chung, từng có dịp hát ca trù cho Bác Hồ nghe tại Văn Miếu, Hà Nội. Đó là chiều mồng Một tết Nguyên đán năm Nhâm Dần (5/2/1962).

Ba hôm sau, một cán bộ Bộ Văn hóa tìm gặp nhà thơ Chu Hà (người trong Ban tổ chức) tỏ ý lo ngại: “Hôm mồng Một tết ấy, sao “dám” hát ả đào?”. Chu Hà cho vị cán bộ văn hóa mẫn cán nhưng trình độ nghiệp vụ còn “hạn chế” đó biết, suốt hơn 2 giờ, Bác Hồ “chăm chú xem các tiết mục” (trong đó tất nhiên có ca trù) với vẻ tâm đắc hiếm có” (dẫn theo Nguyễn Đức Mậu, trong “Ca trù nhìn từ nhiều phía”, Nhà xuất bản VHTT – 2003, trang 549).

Là người mê ca trù, nghiên cứu ca trù nhiều năm, nhà thơ Ngô Linh Ngọc, nhắc đến Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ với những lời mến mộ tài năng, đầy kính nể.

còn viết thêm trong một dịp khác: “Hát ca trù chính là hát lên những bài thơ, với yêu cầu diễn cảm ý thơ, tình thơ, cao nhất. Vì vậy, đào nương phải học “nhả chữ” cho thật giỏi. Lão nghệ sĩ Quách Thị Hồ thường dạy các học trò: Khi hát “cái lộc bình nó rơi” thì hình như nó đang rơi thật trướ

Bài nào bà hát cũng có cốt cách riêng, những khúc nhấn, luyến riêng, không thể trộn lẫn được. Vẫn phong độ hát ấy, nhưng người nghe đắm đuối khi bà hát, mà sau bài hát là những dư âm, những ảnh hình đọng lại vẫn còn những nét khó quên… Hát “Thiên Thai”, đĩnh đạc đàng hoàng… Hát “Hương Sơn phong cảnh” thì núi non như hiện ra trước mắt; còn “Tỳ Bà Hành”, đoạn chốt, đoạn cuối câu hát vẫn trong mà cũng nghẹn ngào chia sẻ với cô kỹ nữ bến Tầm Dương và chàng Tư Mã đất Giang Châu…

Một người mê ca trù từng nói: “Giọng Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ, trời cho đã đành, nhưng còn nhờ thâm niên và khổ luyện. Đó là giọng hát đẹp, quý hiếm, “bắt tròn, bắt chợt, buông chữ, nhả chữ”, tiếng nào cũng đầy nhạc cảm, đầy dư âm…” Muốn đạt đến trình độ ấy, phải học “luyến” chữ cho thật khéo. Nghe bà Hồ luyến từng chữ của “Tỳ Bà Hành”, thì cứ như mỗi chữ là một cái hình tròn, tiếng hát công phu uốn theo đủ hết các vành tròn của chữ, không để hở một ly nào trong lời thơ…

CD, đĩa nhạc

CD Ả đào – Nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ do Viện âm nhạc sản xuất
Trên Đài Tiếng nói Việt Nam, thỉnh thoảng phát lại giọng hát điêu luyện của bà trong các bài “Hương Sơn phong cảnh”, “Tỳ Bà Hành”… về đêm khuya, nghe như thấy núi, thấy mây, thấy tiếng suối tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh!

Nguồn: Hội ca trù thăng Long

Các bạn có thể nghe thê những bài hát ca trù khác:

  1. Người đẹp không lấy lần hai
  2. Lời thề non nước
  3. Hồng hồng tuyết tuyết
  4. Hương Sơn Phong Cảnh
  5. Tỳ bà hành
  6. Cánh bèo
  7. Đêm xuân nghe khúc ca trù
  8. Dâng hương ngày giỗ tổ
  9. Sắc biếc màu xanh
  10. Trường An hoài cổ