Hát Then – Đàn tính không phải là then cúng vía nhưng là một sinh hoạt nghệ thuật thể hiện sâu sắc tình yêu âm nhạc Then của đồng bào Tày, Nùng, Thái

THEN là tín ngưỡng cúng vía của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Người làm nghề tín ngưỡng cúng vía là các ông Then, bà Then. Ở Cao Bằng, ông Then còn được gọi là Dàng; ở Lạng Sơn, Dàng gọi là Then Tậc (tức Then đực).

Hát Then là nghệ thuật âm nhạc trong nghi lễ tín ngưỡng Then. Hát Then quán xuyến toàn bộ quá trình hành lễ Then. Không có hát, không có đàn tính, không có xóc nhạc đệm cho hát trong quá trình hành lễ không gọi là Then. Đây là điều nổi trội về nghệ thuật làm cho Then trở thành hình thức thờ cúng có sức hấp dẫn rất lớn trong đời sống người Tày, Nùng, Thái.

Hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn được các nghệ nhân coi là nơi phát tích của hai phong cách hát Then. Cao Bằng là Then Võ và Lạng Sơn là Then Văn. Then Võ hát khỏe khoắn, tiết tấu linh hoạt; Then Văn hát uyển chuyển, mềm mại.

Song song tồn tại với Then, người Tày, Nùng còn có nhiều hình thức cúng vía khác như Mo, Tào và Pựt. Pựt là hình thức cúng bái có nhiều điểm tương đồng với Then. Người làm Pựt có hát, có đàn tính, có xóc nhạc đệm theo được gọi là Pựt tính. Người làm Pựt chỉ có xóc nhạc gõ rủng rẻng theo điệu nói vần gọi là Pựt nhạc. Pựt tính còn được gọi là Then. Pựt nhạc thì chỉ gọi là Pựt. Mo, Tào có nhiều điểm khác biệt với Then, Pựt.

Khi làm Then cúng vía, đàn tính, giọng ca và xóc nhạc là ngôn ngữ đồng hành cùng khói hương. Lời ca, tiếng đàn là phương tiện duy nhất đưa người ngồi dự lễ Then du ngoạn cùng đoàn quân âm binh của thầy Then mang lễ vật dâng lên thần linh ở khắp ba mường: mường Đất, mường Trời và mường Nước.

Gần bốn nghìn câu thơ, với muôn vàn câu chuyện, từ chuyện đời sống, chuyện bản mường, chuyện chim muông, chuyện tình yêu đến chuyện phu phen tạp dịch … đã làm cho lễ cúng Then trở thành màn trình diễn nghệ thuật lôi cuốn, có khả năng đưa con người chìm đắm vào miền siêu thực.

Trong đám khói hương mộng mị, giọng hát, tiếng đàn của thầy Then nhập vào tiếng nhạc ngựa rộn ràng đưa hồn người ngồi dự lễ Then đi vào nhiều miền kỳ thú. Đây làng Lười, nơi “Con trai nằm sấp chờ ăn cơm trưa / Con gái tân nằm ngửa để chờ cơm / Đào ao bằng cái bát / Phát nương bằng cái bàn tay”; đây “Làng dốt chăn lợn bằng đít /  Đào núi đào từ cửa nó ra / Dắt trâu trắng dắt đằng đuôi / Đuổi trâu trắng đuổi cái đít đi trước / Dốt dốt lắm trở thành ngu”; rồi “Ngựa xe mường Then lên đến làng Hút thuốc giữa đường / Làng hút thuốc phiện môi đen như nhọ nồi / Bỏ con bé không trông nom / Bỏ con đỏ không ngó không nhìn / Cổ tay mỏng dính”.

Tiếng hát thầy Then còn kể cho người ta nghe nhiều câu chuyện tình kỳ thú. Đây, câu chuyện tình của nàng Thanh Thảo. Nàng là con Tiên sa thiên nữ. Nàng bị cha mẹ ép duyên từ bé. Nàng “Lấy chồng không phải mùa, lấy người mình không phải lòng”. Nàng bỏ trốn khỏi nơi cao sang chạy vào rừng sâu. Nàng vượt hết suối này sang suối khác, đồi này qua đồi nọ. Nàng hái lá ngón ăn để chết. Nàng chết trong rừng không có bát cơm đơm đầy. “Hồn nàng xuống dương thế ăn chay / Ăn chay với mường Then, mường Muột / Nàng mới được hóa thành cây Thanh thảo trong rừng”.

Then không chỉ kể chuyện người mà Then còn kể chuyện tình của mình nơi thượng giới. Chuyện kể rằng: Một lần dẫn đoàn quân Then vào rừng lấy gỗ bắc cầu. Đoàn quân đi mãi tận sơn lâm cùng cốc mà cũng không tìm được gỗ quý. Bỗng nàng tiên xuất hiện và ngỏ lời kết bạn với quan Then (còn gọi là quan Trạng). Nàng nói:  nàng là con thượng đấng Thích Ca bị lạc vào chốn rừng xanh núi thẳm và phải ẩn thân nơi đây. Ngày ngày nàng làm bạn cùng chim muông, ăn đào tiên để sống. Hôm nay gặp quan Trạng, nàng muốn được cùng quan Trạng kết duyên. Quan Trạng nghe tiên nói vội đáp lời:“Nàng nói muốn kết duyên cùng Trạng / là nói lời thật sự hay chơi”. Nếu nàng nói thật thì khi xong việc trở về Trạng sẽ đón. Tiên đồng ý làm vợ Trạng với điều kiện Trạng phải đánh cờ với Tiên. May mắn nhờ có sự trợ giúp của Chúa đại ngàn, cuộc cờ với Tiên, Trạng đã thắng. Tiên cởi áo hoa trao cho Trạng làm kỷ vật và nói:“Áo em đã trao tặng cho người / Để em mang chê cười thiên hạ / Xin chàng đừng rũ bỏ tội em / Em sẽ đợi ngày chàng hồi quán”. Quan Trạng nói “Mai ngày về ta sẽ đón nàng / Ta sẽ sống bên em mãi mãi”.

Còn đây, cuộc chia tay đầy nước mắt của đôi vợ chồng người phu chèo đò. Quan đi bắt phu ra lệnh “Đi hay không cũng bảo cho hay / Đéo mẹ cha chúng bay quen thói / Việc quan tao đã nói hôm qua / Hẹn giờ tý canh ba có thuyền / Thương chồng hãy bảo chồng cho hết / Không bàn đi bàn lại gì nhiều / Nếu chống lệnh cho quân đến trói”. Anh phu thuyền buồn bã than vắn thở dài. Thương chồng, người vợ khuyên: Anh ơi đừng lo, hãy gắng đi lần này, lần sau mình sẽ tính. Vợ chồng mình nghèo chẳng có gì, mai ngày anh về “Ta sẽ đi gánh nước nuôi thân / Hoặc là đi ăn xin cũng được / Anh ơi chớ chuốc phiền vào thân”. Anh phu thuyền vội vã ra đi, áo sống không kịp mặc. Anh lặng lẽ “Bỏ vợ con không biết đằng sau / Vợ con ăn gì để đợi / Nhà họ còn có năm ba / Nhà ta thì hàn đơn tử ấu / Lấy gì ăn như họ dưỡng thân / Thân con gái tự lo mỗi khúc / Bỏ nhà cửa đói rách đơn lưu”.

Những đêm Then, những câu chuyện Then diễn ra trong suốt trường kỳ lịch sử đã trở thành những buổi trình diễn nghệ thuật phản ánh chân thực đời sống của người Tày, Nùng, Thái hàng trăm, hàng nghìn năm nay.

Đã thành tập tục, một nhà tổ chức lễ Then là cả họ tham gia, cả lân bang làng xóm tham gia. Họ đến không chỉ để thỏa mãn, để gửi gắm sự tin cậy vào khả năng siêu phàm của thầy Then – người có khả năng cứu giúp người thân tai qua nạn khỏi, gặp được vận may trong cuộc đời, mà còn đến để được nghe tiếng tính, giọng hát kể chuyện của thầy Then để thỏa mãn sự khao khát âm nhạc, sự thích thú những câu chuyện kể.

Cái trường kỳ lịch sử nghệ thuật ấy làm cho tiếng đàn, lời ca Then thấm sâu vào tình cảm, rồi trở thành vô thức để mỗi khi tiếng đàn Then cất lên lại gõ vào cái vô thức ấy làm hiện lên tất cả những gì có trong lễ Then.

Có một thời, Then bị cấm, người làm Then bị ngưng hành nghề. Tuy nhiên cái khát khao nghe Then trong cộng đồng thì không bao giờ biến mất. Cộng đồng đã tìm cách để được nghe Then, được xem biểu diễn Then ngay trong cái thời kỳ nghiệt ngã ấy. Cách làm tốt và hiệu quả nhất đã diễn ra là hát những bài Then, hát những điệu Then không cần làm lễ Then. Bài Then thì có cả lời ca trong các lễ Then, còn điệu Then thì viết vào đó những lời ca có nội dung phản ánh đời sống con người đương thời. Thế thì Then mới được các nhà quản lý xã hội khi đó chấp nhận.

Câu chuyện “Nghe hát Then khỏi bệnh” của ông Phạm Tuất, tác giả cuốn “Then Tày Đăm” do Hội Văn nghệ dân gian – Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin ấn hành, là câu chuyện khá thú vị về giá trị của âm nhạc Then trong đời sống của người Tày, Nùng, Thái một thời nó bị cấm đoán.

Tác giả Phạm Tuất viết: “Trong dịp đi điền dã, sưu tầm ở một vùng Tày đăm (đen) tôi gặp ké Vương, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã kể lại: Có một gia đình họ Hà, ông bố ốm đã lâu, thấy sức ngày càng suy kiệt, ông bảo vợ lên gặp tôi cầu xin cho được mời thầy Then về, để nghe một khúc hát Then. Ông uống thuốc hàng năm ròng mà bệnh không thuyên giảm, không biết sống chết lúc nào. Tôi hẹn đến chiều tối sẽ trả lời. Rồi tôi đi gặp mấy thành viên của Ban Nếp sống văn hóa xã, Trưởng ban Văn hóa, Bí thư, Thanh niên, Công an, Hội Phụ nữ xã…, cuối cùng các thành viên cũng thấy, người ốm chỉ mong ước được nghe một khúc hát Then thôi, đâu có phải là mê tín dị đoan, bói toán gì mà ngăn cấm. Và ông già họ Hà được toại nguyện, đêm ấy ông được nghe thầy Then hát, trên bàn thờ không một đốm nhang, thầy Then hát đường Than Pang Khoăn (số, vía). Rồi thật lạ kỳ, từ cái đêm được nghe hát Then, sáng hôm sau ông đã ngúc ngoắc dậy, rồi ăn thấy ngon miệng, sức khỏe ông già họ Hà dần dần hồi phục… Sau chuyện đó, Ban Nếp sống văn hóa xã họp và điều chỉnh quy ước cho phù hợp, vì cứ để như trước đây thì cứng nhắc quá trong việc thực hiện về tín ngưỡng của nhân dân”.

Lối hát những bài Then, những điệu Then không phụ thuộc vào lễ Then đã được cộng đồng thực hành là như vậy. Mục đích để làm thỏa mãn những cơn thèm nghe Then của những người nghiện nhạc Then. Đây là lối làm khôn khéo của cộng đồng Then nhằm mục đích giữ Then trong đời sống, khi lệnh cấm Then được ban hành.

Đến nay, khi lễ Then được phép hoạt động trở lại, các ông bà Then được phép hành nghề thì cộng đồng Then Tày, Nùng, Thái vẫn giữ nguyên lối sinh hoạt hát Then kiểu này, với tên gọi Hát Then – Đàn Tính.

Hát Then – Đàn Tính mặc dù sinh ra từ Then nhưng không phải là Then, bởi nó không có gì liên quan gì đến đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái. Nhưng về mặt nghệ thuật học, nó lại làm thỏa mãn nhu cầu được sáng tạo nghệ thuật biểu diễn, sáng tạo âm nhạc từ Then (cách tân âm nhạc Then) của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái hiện đại.

Trong cuộc khảo sát Then gần đây ở 10 tỉnh miền núi phía Bắc, chúng tôi nhận thấy cách hát Then, cách chơi đàn Then của các thầy Then trẻ, các thầy Then trung niên đã có những ảnh hưởng sâu sắc từ nghệ thuật chơi đàn của các nghệ sĩ Hát Then – Đàn Tính và nhiều người trong họ là các thầy Then trẻ cũng có nguồn âm nhạc từ Hát Then – Đàn Tính trước khi trở thành thầy Then. Khi trình diễn họ chú ý nhiều tới cách thức luyến láy làm cho giai điệu hát đẹp hơn, diễn cảm sâu sắc hơn. Họ sử dụng nhiều ngón kỹ thuật phức tạp như mổ kép, bật dây, ngắt tiếng, vẩy ngón là những kĩ thuật được các thầy dạy đàn tính cho các học trò trong các trường nghệ thuật miền núi phía Bắc từ những năm 60 của thế kỷ XX đến ngày nay.

Cuộc song hành nghệ thuật âm nhạc của lễ Then với nghệ thuật âm nhạc của Hát Then – Đàn Tính chắc chắn không làm ảnh hưởng xấu đến nhau mà nó còn có sự tương tác, bổ trợ nghệ thuật cho nhau. Sự tương tác ấy đang và sẽ sinh ra những nghệ sĩ cúng Then có giọng hát, tiếng đàn được cộng đồng yêu mến.

Chuyện trò với chúng tôi, ông Then Tày Hoàng Văn Tâm, sinh 1981, pháp danh Huyền Công ở số nhà 12 ngõ 5, đường Trần Quang Khải, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn nói: “Khi tôi hát trường đoạn Then Cầu hồn, trong không khí tĩnh lặng, bài hát làm cho bao nhiêu người cảm động rơi nước mắt”. Câu nói ấy đã đủ chứng minh cho sự quan tâm đến nghệ thuật âm nhạc trong Then của các thầy Then trẻ.

Hát Then – Đàn Tính đã trở thành một hình thức sinh hoạt Liên hoan nghệ thuật cộng đồng. Nghệ thuật ấy càng phát triển, người Tày, Nùng, Thái càng yêu Then. Tuy nhiên, không thể coi Hát Then – Đàn Tính là giải pháp để bảo tồn tín ngưỡng Then.

Theo chúng tôi, tín ngưỡng Then tự nó đã có đầy đủ khả năng để bảo tồn. Bởi lẽ trong cuộc sống của con người hiện đại, nhất là con người ở những nước đang phát triển như Việt Nam thì cái may, cái rủi trong kinh doanh, khi thăng lúc trầm trong sự nghiệp luôn đeo bám họ, vì vậy, họ vẫn cần một tín ngưỡng cùng song hành làm cứu cánh.

Một quá trình lịch sử đã đủ để chúng ta nhận biết: Tín ngưỡng Then chưa bao giờ mất đi trong đời sống của đồng bào Tày, Nùng, Thái. Nếu nói cần bảo tồn Then thì điều quan trọng: cần chúng ta có một thái độ trân trọng là đủ.