Nghệ nhân ưu tú Bùi Quốc Thi được coi là “cung văn đại thụ” trong làng chầu văn ở Hà Nội hiện nay. Không chỉ hát văn trong hầu đồng, bằng sự sáng tạo của mình, ông đã đưa chầu văn đến gần hơn với công chúng dưới chiều cạnh giá trị nghệ thuật.
Cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật hát Chầu văn
Nghệ nhân Bùi Quốc Thi là thế hệ thứ 4 trong gia đình có truyền thống hát chầu văn ở quê hương Vân Đình, Ứng Hòa (Hà Nội). Ông được thừa hưởng những giá trị tinh túy, nguyên vẹn của hát văn cổ từ cha ông để lại. Từ khi còn nhỏ tuổi, ông đã bắt đầu học hát. Có vốn chữ Nho, thêm ngón đàn nguyệt gia truyền từ nhiều đời cùng với năng khiếu bẩm sinh nên ông học rất nhanh và sớm cảm nhận được những tinh hoa của loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Năm 14 tuổi, ông đã tự mình đi hát tại các đền phủ gần nhà.
Nghệ nhân Bùi Quốc Thi chia sẻ: “Trước kia, tôi chỉ hát cho những gia đình khá giả, tiểu thương giàu có, vì họ mới có tiền để tổ chức được những giá đồng hát chầu văn. Điều đó khiến cho nghi lễ tín ngưỡng nhuốm màu mê tín nên bị cấm đoán suốt một thời gian dài. Tiếc cho một loại hình âm nhạc đặc sắc của dân tộc đang có nguy cơ mai một, tôi luôn trăn trở làm thế nào để giới thiệu những giá trị của hầu đồng đến với khán giả để mọi người xem, hiểu và thấy được giá trị độc đáo của hoạt động tín ngưỡng này”.
Với mong muốn ấy, nghệ nhân Bùi Quốc Thi đã từng bước đưa nghệ thuật hát văn đến gần hơn với công chúng qua các chương trình giao lưu nghệ thuật truyền thống hay các đêm diễn quần chúng của làng. Theo ông “hát chầu văn không nhất thiết phải có hầu đồng”, chính vì thế ông đã đưa Chầu văn ra những không gian rộng hơn bằng cách sử dụng những bài thơ để phổ nhạc dùng trong hát chầu văn như bài “Vân Đình quê ta”, hay tự sáng tác những bài có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước như “Ơn Đảng Bác Hồ”.
Hiện nay, trong giới nghề, nghệ nhân ưu tú Bùi Quốc Thi được coi như là một trong những “cung văn đại thụ”, người nắm giữ không ít tinh hoa hát chầu văn đất Hà Thành ngày nay. Với giọng hát thanh cao, hào sảng, trẻ trung, khi nghe ông hát, không ai nghĩ đó là giọng hát của một người đã gần 60 tuổi. Ông đã sưu tầm và lưu giữ được hàng trăm bài hát với khoảng 50- 60 làn điệu khác nhau trong đó có gần 20 làn điệu hát văn cổ.
Nghệ nhân ưu tú hát chầu văn Bùi Quốc Thi.
Đưa chầu văn đến gần hơn với công chúng
Không chỉ là một nghệ sĩ đi hát, Nghệ nhân Bùi Quốc Thi luôn tâm nguyện truyền dạy lại nghệ thuật hát văn cho thế hệ sau để bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Ông đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn hát văn xứ Đoài để thường xuyên đưa nghệ thuật hát văn vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng thông qua các hội thi, hội diễn. Hiện nay, CLB Hát văn xứ Đoài có gần 50 thành viên tham gia sinh hoạt. Nhiều thành viên ở các tỉnh xa như Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… cũng đến xin học hát. Không chỉ dạy học niêm luật, sự trau chuốt, lề lối, tinh túy trong cách hát, nghệ nhân Bùi Quốc Thi còn dặn dò học trò sống làm sao cho tròn đạo lý, đồng thời tìm cách đưa giá trị nghệ thuật hát văn đến gần hơn với công chúng. Hiện nay, nhiều học trò của ông đã trở thành những cung văn nổi tiếng.
Nhưng với ông, hạnh phúc hơn cả là đã truyền được ngọn lửa đam mê sang con trai và cháu nội. Con trai của ông-Bùi Thành Đạt, 33 tuổi là một cung văn có tiếng trong “làng Chầu văn”. Bùi Thành Đạt cho biết “Từ khi còn nhỏ, tôi thường xuyên được nghe ông hát, bố hát, những làn điệu văn cứ thế ngấm tâm hồn khiến tôi cũng say mê như bố. Hiện nay, tôi đã hát những làn điệu cơ bản, biết gõ phách để phụ bố đi diễn và truyền dạy cho những học viên trong CLB Hát văn xứ Đoài. Bố tôi cũng xác định để tôi nối nghiệp gia đìn. Hiện nay, đứa con trai hơn 2 tuổi của tôi cũng bắt đầu bập bẹ tập hát văn”.
Bên cạnh việc sưu tầm, sáng tác, truyền dạy và đưa nghệ thuật hát văn đến gần với công chúng, nghệ nhân ưu tú Bùi Quốc Thi cùng với các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã tham gia biên soạn và xuất bản nhiều cuốn sách về nghệ thuật hát văn, tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ông cũng là người đóng góp một phần công sức để đưa di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016.
Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, năm 2015, nghệ nhân Bùi Quốc Thi vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Ông cũng nhiều lần được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của TP. Hà Nội.
Nguồn: Theo Hồng Minh cinet.vn