Dân ca Xứ Nghệ
Dân ca xứ nghệ – niềm tự hào của văn hóa Hồng Lam
Trong tâm thức của mỗi con người đất Việt thì những làn điệu ca dao, dân ca được xem là món ăn tinh thần vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong đời sống. Những câu dân ca mượt mà, thắm đượm nghĩa tình đó được đúc kết từ lời ăn tiếng nói đầy mộc mạc chân chất, từ cái hay cái đẹp và tinh tuý trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, dân ca xứ Nghệ được xem là viên ngọc sáng ngời trong hoạt động văn hoá dân gian.
Dân ca xứ Nghệ bắt nguồn từ đâu?
Dân ca xứ Nghệ là những bài hát cổ truyền do chính người dân sáng tác từ ngày xưa và được lưu truyền, gìn giữ cẩn thận từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây là những tinh hoa văn hoá đã được cha ông ta gạn lọc và gọt giũa qua các thế hệ dựa vào những câu tục ngữ và ca dao. Nó mang tính chất tổng hợp bao gồm: lời nhạc, động tác, điệu bộ kết hợp với diễn xướng…
Có thể nói rằng, dân ca xứ Nghệ là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của cả người dân 2 tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh. Làn điệu này là một di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đã từng được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại được UNESCO công nhận vào ngày 27/11/2014 tại thủ đô Paris nước Pháp.
Loại hình nghệ thuật đặc biệt này được phổ biến rộng rãi trong đời sống của cộng đồng người dân xứ Nghệ, được hát và ứng dụng trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, từ ru con, hay dệt vải, trồng lúa…
Ý nghĩa đặc biệt của dân ca xứ Nghệ
Mỗi bài dân ca xứ Nghệ mang trong mình những nhịp điệu và tiết tấu vô cùng phong phú với nhiều hình tượng đặc sắc, tế nhị, sinh động và duyên dáng. Nó gắn bó với những kỷ niệm hết sức thân thương và gần gũi, gợi nhớ những tình cảm trìu mến với quê hương xóm làng; gắn chặt với các phong tục tập quán đặc trưng của từng vùng miền.
Mỗi làn điệu dân ca xứ Nghệ đều thể hiện trí tuệ, cũng như phẩm chất tinh hoa trong tư duy, lối sống giản dị của con người Việt Nam qua từng năm tháng. Những câu ca vừa mang nét dung dị, trữ tình lại vừa gợi nhớ, gợi thương với hồn người xa quê, để không thể nguôi đi ước mong một lần được nghe câu hò ví dặm thấm đượm tình người, tình đất của xứ Nghệ… Dân ca xứ Nghệ chính là bản sắc tâm hồn, diện mạo, cũng như cốt cách của người dân mảnh đất địa linh nhân kiệt này.
Đó là những làn điệu ngân nga êm đềm hát ru đưa trẻ thơ vào giấc ngủ, nuôi lớn tâm hồn và chắp cánh cho những ước mơ bay cao bay xa. Đó là những điệu hát giao duyên vừa hài hước, vừa dí dỏm thông minh, vừa sâu lắng thiết tha, lặng lẽ ngân vang trên những dòng sông và sau luỹ tre làng. Bên cạnh đó cũng là lời ca nhằm ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng, kính hiếu với các bậc cha mẹ, lòng thủy chung son sắt với vợ chồng, về cách ứng xử tinh tế giữa con người với nhau…
Các ca khúc dân ca xứ Nghệ nổi bật
Có thể kể đến một số thể loại dân ca xứ Nghệ điển hình như: hát ví; hát dặm Nghệ Tĩnh; hát ru; hay hò Nghệ Tĩnh và hát ghẹo… Đặc biệt, bài “Mời trầu” là một trong số những bài dân ca xứ Nghệ cực kỳ tiêu biểu, được diễn xướng nhiều nhất. Theo đó, miếng trầu thơm đượm tình làng nghĩa xóm, tuy mộc mạc quê nhà nhưng lại đậm đà đằm thắm. Ngoài ra còn có bài: Đường vô xứ Nghệ, Điệu ví dặm là em, Thương về xứ Nghệ… cũng được đông đảo thính giả yêu thích và lắng nghe thường xuyên.
Gắn với những làn điệu dân ca xứ Nghệ, chắc hẳn không thể không nhắc đến ca sĩ tên tuổi như Anh Thơ, Lê Mận, Ngọc Thúy…. Họ là những người góp phần lan tỏa cái hay cái đẹp của dân ca xứ Nghệ đến với bạn bè khắp mọi vùng miền Tổ quốc.
Với lớp ngôn từ mượt mà sâu lắng, tha thiết diễn tả những nỗi lòng sâu kín và tinh tế khiến cho bất kỳ ai mỗi lần nghe là một lần thấu cảm, một lần đưa tâm hồn ta về với nguồn cội, để biết sống và ước mơ. Dân ca Xứ Nghệ ngày nay tồn tại như một biểu tượng đầy vững chãi trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam – như con thuyền lênh đênh chở hồn người về neo đậu bến quê nghĩa tình.