Tháng 12/2013, UNESCO đã chính thức công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, là một trong số 11 di sản phi vật thể của Việt Nam đã được vinh danh. Tuy nhiên những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đặc biệt này đang gặp nhiều khó khăn…
Di sản bây giờ ra sao?
Để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, đờn ca tài tử Nam Bộ phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe mà UNESCO đưa ra như: Được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh phía Nam; Đờn ca tài tử liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hoà hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc…
Sân khấu hóa đờn ca tài tử.
Các di sản của Việt Nam khá nhiều nhưng con số được công nhận rất ít trong đó có đờn ca tài tử Nam Bộ. Từ lâu đờn ca tài tử được xem là một trong những thể loại đặc trưng của vùng đất Nam Bộ được hình thành cách đây hơn 100 năm và giữ gìn, phát triển cho đến ngày nay. Thời gian qua, các địa phương ở Nam Bộ từ cấp xã, phường, thị trấn đến cấp tỉnh, thành đang có nhiều cố gắng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản đặc biệt này. Rất nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm sinh hoạt đờn ca tài tử được thành lập. Các cuộc thi, liên hoan đờn ca tài tử thường xuyên được tổ chức.
Đặc biệt Bộ VHTTDL đã quyết định tổ chức Festival Đờn ca tài tử luân phiên ở 21 tỉnh thành khu vực phía Nam. Thông qua Festival Đờn ca tài tử nhằm tạo ra sân chơi cho các tỉnh, thành giao lưu, trao đổi và học hỏi. Đờn ca tài tử còn gắn liền với phát triển du lịch, hầu hết các khu du lịch, khu sinh thái hay các đại danh điều có sinh hoạt đờn ca tài tử, nó không chỉ là một nghề kiếm sống mà còn là một món ăn tinh thần.
Ở Nam Bộ có những gia đình không những 1 thế hệ mà 3 đến 4 thế hệ đều tham gia sinh hoạt thể loại âm nhạc này, đây là nơi nuôi dưỡng bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử từ đời này sang đời khác.
Tuy nhiên những hình thức tổ chức sinh hoạt đờn ca tài tử như trên đang được xem là nhất thời và chưa căn cơ. Việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển đờn ca tài tử còn rất hạn chế. Đa số các câu lạc bộ sinh hoạt không thường xuyên và những người tham gia sinh hoạt là những người lớn tuổi rất ít thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt; sự quan tâm của các ngành có chức năng chưa đúng mức, chưa xây dựng được một đề án bảo tồn lâu dài, căn cơ, đa số thế hệ những người hát đờn ca tài tử điều đã lớn tuổi nên việc truyền dạy còn rất hạn chế. Những nghệ nhân hát đờn ca tài tử điều vì sự đam mê chứ không phải là để kiếm sống.
Câu chuyện đưa âm nhạc dân tộc trong đó có đờn ca tài tử vào học đường đang là vấn đề đặc biệt quan tâm, các lãnh đạo, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, giới văn nghệ sĩ, điển hình là cố GS Trần Văn Khê đã thí điểm giảng dạy và trình diễn đờn ca tài tử tại một số điểm trường trong đó có Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TPHCM) sau một thời gian ngắn đã thành công ngoài mong đợi, các trường ở TPHCM, Bạc Liêu mặc dù không giảng dạy trên lớp nhưng đã tổ chức các buổi ngoại khóa mời các diễn giả giới thiệu và trình diễn về đờn ca tài tử. Qua những buổi ngoại khóa đó các em học sinh rất thích thú, yêu thích âm nhạc dân tộc hơn.
Trách nhiệm không của riêng ai
Sau khi đờn ca tài tử được công nhận là di sản văn hoá, câu hỏi về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản luôn được đặt ra. Tuy nhiên qua tìm hiểu và những phản ánh của các địa phương, nhà quản lý văn hoá và các nghệ sĩ, đến nay sự quan tâm này vẫn chưa tương xứng.
Cụ thể, việc đầu tư cho các CLB đờn ca tài tử ở các cấp, địa phương chưa đúng mức. Quá trình đổi mới phương pháp sinh hoạt để thu hút giới trẻ tham gia còn chậm, thậm chí là chưa có gì, vẫn là cách sinh hoạt kiểu truyền thống. Phải xây dựng được một cơ chế hỗ trợ cho các nghệ nhân đờn ca tài tử để họ có thể “sống được” với cái nghề mà mình tâm huyết.
Mặc dù các trường đã đưa đờn ca tài tử vào giảng dạy nhưng chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm và chưa có sự đầu tư, chưa có sự đồng bộ về giáo trình và phương pháp giảng dạy. Cách nuôi dưỡng tốt nhất và con đường gần nhất là đưa âm nhạc dân tộc tới thế hệ trẻ là đưa âm nhạc vào học đường, để cho giới trẻ thấy được cái hay cái đẹp của đờn ca tài tử để từ đó giới trẻ mới nhìn ra trách nhiệm của mình. Có thể nói đưa đờn ca tài tử vào học đường là yếu tố sống còn của thể loại âm nhạc này. Còn nhớ cố GS Trần Văn Khê từng chia sẻ: “Phải để trẻ em nghe âm nhạc dân tộc trước khi nghe âm nhạc nước ngoài”, điều này cho thấy rằng phải đưa đờn ca tài tử vào cấp học nhỏ nhất chứ không phải đến cấp 2 hoặc cấp 3 mới đưa vào giảng dạy.
Đờn ca tài tử đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể, đây là niềm tự hào của dân tộc nói chung của người dân vùng đất Nam Bộ nói riêng. Vấn đề bảo tồn và phát huy thể loại âm nhạc đặc biệt này cần sự chung tay của cả xã hội chứ không phải của cá nhân…
Nguồn: Theo Trần Quang / daidoanket.vn