Tác giả đưa ra những so sánh giữa nghi lễ Lên đồng của người Việt và lễ Then của người Tày ở Việt Nam. Bài viết tập trung so sánh ba vấn đề chính thuộc về Lên đồng và Then: mối quan hệ giữa âm nhạc và trạng thái nhập định và vai trò của âm nhạc trong quá trình thực hành nghi lễ;
bản sắc tộc người được biểu hiện trong nhạc lễ như thế nào; việc sân khấu hóa và di sản hóa các nghi lễ tín ngưỡng và việc tôn vinh nghi lễ tín ngưỡng như một di sản văn hóa phi vật thể sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ý nghĩa của trình diễn âm nhạc.
Bài viết này đưa ra những so sánh giữa nghi lễ Lên đồng của người Việt và lễ Then của người Tày ở Việt Nam. Tôi đã tiến hành những nghiên cứu sâu rộng về nghi lễ Lên đồng từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, tuy nhiên với lễ Then tôi có rất ít trải nghiệm thực tế, vì thế tôi chủ yếu dựa vào thông tin từ các học giả Việt Nam để xem xét. Bài viết sẽ tập trung so sánh ba vấn đề chính thuộc về Lên đồng và Then: mối quan hệ giữa âm nhạc và trạng thái nhập định và vai trò của âm nhạc trong quá trình thực hành nghi lễ; bản sắc tộc người được biểu hiện trong nhạc lễ như thế nào; bàn về việc sân khấu hóa và di sản hóa các nghi lễ tín ngưỡng và việc tôn vinh nghi lễ tín ngưỡng như một di sản văn hóa phi vật thể sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ý nghĩa của trình diễn âm nhạc.
Nghi lễ Lên đồng đóng vai trò trung tâm trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Hệ thống thần linh, vốn là xương sống của tín ngưỡng này, bao gồm các vị thánh ở các hàng: Mẫu, Tướng quân Trần Hưng Đạo, Quan, Chầu, Ông hoàng, Cô và Cậu. Khi Lên đồng, một ông đồng hay bà đồng có thể thỉnh nhiều vị thánh ở các hàng. Trong nghi lễ, một nhóm nhạc nhỏ sẽ biểu diễn các bài Chầu văn cho mỗi giá hầu khi một vị thánh giáng. Trong một số bài viết tôi đã đưa ra ý kiến âm nhạc Chầu văn đóng nhiều vai trò trong quá trình thực hành nghi lễ (Norton 2004, 2009, 2013). Âm nhạc tác động vào tâm thần của người hành lễ, gây cho họ cảm giác hưng phấn, từ tâm thức họ cảm nhận được sự hiện diện của thánh thần và âm nhạc Chầu văn, bằng cách đó âm nhạc dẫn đến sự giáng ngự của các vị thánh. Khi thánh ngự đồng, âm nhạc tô điểm cho các động tác nghi lễ và thôi thúc người ta nhảy múa; nếu không có “đàn ngọt hát hay”, việc ngự đồng sẽ không kéo dài. Khoảng thời gian hát các bài văn chầu chính là thời gian phần lễ diễn ra và những thao tác, cử chỉ của người hành lễ cũng sẽ cuốn theo âm nhạc được trình diễn. Lời văn chầu tái hiện nghi lễ và gợi nhớ đến lịch sử.
Việc xem xét vai trò của âm nhạc trong quá trình thực hành lễ Then là rất khó khăn bởi trên thực tế có nhiều loại hình lễ Then khác nhau và có những khác biệt lớn trong cách thực hành lễ Then ở các tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Cao Bằng và Lạng Sơn. Cũng nên lưu ý rằng không chỉ có người Tày mà còn có nhiều dân tộc thiểu số khác ở miền Bắc Việt Nam cũng thực hành lễ Then. Sự đa dạng đó khiến cho việc khái quát thực hành lễ Then rất khó khăn. Tuy nhiên, một số học giả cũng đã thực hiện việc phân loại lễ Then. Nguyễn Thị Yên chia Then thành bốn loại hình: 1) Then chúc tụng (dùng cho mục đích chúc tụng trong đám cưới và các lễ kỷ niệm); 2) Then bói (dùng cho mục đích xem bói và chữa bệnh); 3) Then đi hành nghề (lễ Then nhỏ nhằm xin gia chủ cho phép thực hiện một số việc lễ bái liên quan đến thành viên trong gia đình); và 4) Lẩu Then (lễ Then lớn trong đó có Lẩu Then cấp sắc – một trong những nghi thức cầu kỳ nhất được tổ chức trong nhiều ngày để chứng nhận một người chính thức trở thành thày Then (Nguyễn Thị Yên 2010: 100-103) [1]. Tính đa dạng cũng được thể hiện ở số lượng những vị thần được thờ cúng trong Then. Đó là một loạt những “hồn”/“ma” (phi), thiên tướng và linh hồn tổ tiên, cùng với rất nhiều nam và nữ thần trong Phật giáo và Đạo giáo như Ngọc Hoàng và Phật Bà Quan Âm (Ngô Đức Thịnh 2004: 425-429; Nguyễn Thị Yên 2010: 215-235). Âm nhạc trong lễ Then bao gồm phần hát và phần đệm của một hoặc nhiều tính tẩu và chùm xóc nhạc. Trong một vài phân đoạn của những lễ Then lớn, đôi lúc người ta dùng cả những nhạc cụ gõ khác như chũm chọe và trống.
Một số học giả Việt Nam cũng đã xem xét Then trên phương diện phân biệt giữa shaman giáo và đồng bóng. Theo nghiên cứu của Mircea Eliade về sự xuất hồn, một shaman (thày pháp) “được cho là có thể rời khỏi thể xác của mình để lên cõi trên hay xuống âm phủ” (Eliade 1989 [1951]: 5). ‘Chuyến đi kỳ diệu’ của các shaman trái ngược với hình thức bị nhập khi các vị thánh giáng ngự vào các ông/bà đồng. Theo các học giả Việt Nam, thày Then nên được coi là shaman bởi họ ‘xuất hồn’ trong quá trình thực hành một vài nghi lễ (Võ Quang Trọng 2004; Ngô Đức Thịnh 2004: 442; 449), trong khi đó những người thực hành nghi lễ Lên đồng là các ông/bà đồng với vai trò là phương tiện cho thần linh giáng ngự. Tuy nhiên, trong lễ Then, trạng thái nhập định của thày Then gần với nhập hồn hơn là xuất hồn (Nguyễn Thị Yên 2010: 188; Ngô Đức Thịnh 2004).
Nhiều học giả từ thời Eliade đã đặt câu hỏi về căn cứ để phân biệt giữa shaman và nhập đồng (Lewis 1989 [1971]), thực tế trong những nghiên cứu gần đây, thuật ngữ nhập đồng và shaman đôi khi vẫn được dùng như những từ đồng nghĩa. Tuy nhiên, khảo sát của Gilbert Rouget về mối quan hệ giữa âm nhạc và trạng thái nhập định cũng chỉ ra sự khác nhau giữa xuất và nhập hồn (Rouget 1985 [1980]). Rouget cho rằng có “ba điểm khác biệt giữa xuất và nhập hồn: xuất hồn đến cõi trên/thánh thần nhập vào; có kiểm soát hồn nhập/không kiểm soát được hồn nhập; nhập tự nguyện/nhập không tự nguyện” (1985 [1980]: 132). Về thuật ngữ âm nhạc, Rouget chỉ ra một điểm khác biệt cơ bản: shaman là những người tự chơi nhạc (musicant) còn ông/bà đồng là những người thưởng thức nhạc lễ do người khác chơi (musicated). Shaman tự chơi nhạc để “đưa mình đến thế giới vô hình trước mắt những người tham dự, còn ông/bà đồng thưởng thức âm nhạc do cung văn chơi và nhờ đó đến được trạng thái nhập định” (1985 [1980]: 132). Rouget cho rằng trong shaman giáo, âm nhạc có vai trò giống như câu thần chú (incantatory) vì nó “mở ra một thế giới vô hình” (1985 [1980]: 319) và “mang đến phép thuật” (1985 [1980]: 131). Điều này khác với âm nhạc trong Lên đồng vì âm nhạc Lên đồng có chức năng làm cho ông/bà đồng “thích nghi với sự nhập định” của mỗi “nhân vật được định hình” (identificatory) trong nội dung văn chầu (Rouget 1985 [1980]: 321-326). Nói cách khác, âm nhạc giúp bản thân ông/bà đồng và những người tham dự nhận biết vị thánh nào ngự đồng. Tóm lại, Rouget cho rằng âm nhạc nhập đồng tham gia vào “những bước: thỉnh các thánh, thôi thúc người dự lễ nhảy múa, kết nối con người với thánh thần, gợi lên những cảm xúc đặc biệt. Âm nhạc không có quyền năng nào khác hơn. Ngược lại, ít nhất trong một số nghi lễ thuộc shaman giáo, âm nhạc đã thể hiện chức năng chuyển đổi thế giới… Đó là phép lạ: khi giọng điệu, từ ngữ và âm nhạc, cùng với sức mạnh của khí nhạc từ các nhạc cụ tạo nên quyền năng giống như câu thần chú” (1985 [1980]: 131).
Sự khác nhau giữa xuất hồn/nhập hồn (shamanism/possession), người hành lễ tự chơi nhạc/nghe nhạc do người khác chơi (musicant/musicated) và âm nhạc với vai trò như thần chú mở ra thế giới vô hình/ âm nhạc để xác định vị thánh giáng đồng (incantatory/identificatory) được chỉ ra bởi Rouget sẽ rất thú vị khi chúng ta xem xét trong trường hợp của Lên đồng và Then. Các ông/bà đồng thưởng thức âm nhạc (musicated) do cung văn chơi trong suốt lễ Lên đồng còn các thày Then tự mình chơi nhạc (musicant). Âm nhạc thực sự có khả năng giúp nhận biết sự nhập đồng vì nhờ nghe các bài văn chầu trong lễ Lên đồng, các con nhang đệ tử dự hầu có thể biết được vị thánh nào giáng. Tuy nhiên, chầu văn không đơn thuần chỉ xác định vị thánh nào nhập, mà còn góp phần không nhỏ trong việc “tạo ra” sự hiện diện của vị thánh đó. Cũng như việc ông/bà đồng bắt buộc phải khoác lên mình y phục đại diện cho các vị thánh để thực hiện nghi lễ, mỗi vị thánh và âm nhạc đại diện cho vị thánh đó cũng gắn liền với nhau. Người nghe định hình được các vị thánh và thần tích về các vị thánh đó cũng được tái hiện hết sức sống động thông qua âm nhạc và lời ca của văn chầu. So với Lên đồng, âm nhạc trong Then đóng vai trò như thần chú hay là để xác định vị thần linh nào giáng ngự, hay nó còn gây ra hiệu ứng nào khác? Bản thân tôi cần nghiên cứu sâu hơn mới có thể tìm ra câu trả lời, tuy nhiên ý kiến của một số học giả cũng cho tôi một vài gợi ý. Ngô Đức Thịnh khẳng định chùm xóc nhạc được sử dụng trong lễ Then chính là “biểu tượng của âm binh Then”, ông cũng cho rằng khí nhạc và hát cũng thúc đẩy con người hòa nhập với thần linh (Ngô Đức Thịnh 2004: 442). Võ Quang Trọng tin rằng tính tẩu và chùm xóc nhạc thể hiện rất hiệu quả “âm thanh những bước chân dồn dập của đoàn âm binh khi khởi hành và khiến cho không khí buổi lễ sôi nổi hơn” (Võ Quang Trọng 2004: 418; xem thêm Nguyễn Thị Yên 2010:134). Lời ca cất lên trong suốt buổi lễ cũng là những câu chuyện, là thần thoại về các vị thần và những linh hồn. (Nguyễn Thị Yên 2010; Ngô Đức Thịnh 2004: 443-444). Tuy nhiên, cần lưu ý là các thày Then biểu diễn nhiều thể loại âm nhạc khác nhau tùy thuộc vào nơi hành lễ và nội dung buổi lễ. Như sự vắng mặt đôi lúc của âm nhạc trong lễ Lẩu Then cấp sắc đã đặt ra câu hỏi về mối quan hệ của âm nhạc và việc duy trì trạng thái nhập định. Tóm lại, cần có những nghiên cứu sâu hơn để tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho vai trò thực sự của âm nhạc trong lễ Then.
Các công trình nghiên cứu âm nhạc dân tộc học về ‘âm nhạc và tính tộc người’ đã xem xét chức năng biểu thị bản sắc tộc người của âm nhạc (xem Stokes 1994; Radano và Bohlman 2000). Trong nghi lễ Lên đồng và Then, âm nhạc và tính tộc người hòa quyện vào nhau theo nhiều cách. Khi Lên đồng, ông/bà đồng kết nối với các vị thánh từ các miền của Việt Nam trong đó có những vị có nguồn gốc từ các dân tộc thiểu số ở vùng rừng núi phía Bắc và miền Trung Việt Nam. Nhiều vị chầu bà được thỉnh trong nghi lễ Lên đồng là người dân tộc thiểu số, ví dụ như Chầu Mười là người Tày và Chầu Lục là người Nùng (Ngô Đức Thịnh 1996: 34). Quê hương, giới tính và dân tộc của các vị thánh được thể hiện thông qua âm nhạc và lời ca trong các bài văn chầu về các vị nữ thánh ở Nhạc phủ, Địa phủ và các nam thần. Ví dụ, nhóm các điệu “Xá” tấu cho những giá hầu các vị thánh nữ ở Nhạc phủ (trong đó có nhiều vị thánh là người dân tộc thiểu số) đem đến không khí của miền rừng núi bằng tính chất âm nhạc của những dân tộc thiểu số ở Việt Nam, như khi Chầu Mười ngự đồng, cung văn thường chơi một điệu “Xá” đặc biệt được gọi là “Xá dây Tố Lan” mà âm nhạc trong điệu Xá này gợi lên bản sắc của dân tộc Tày. Một điểm đặc biệt của “Xá dây Tố Lan” là hai dây của đàn nguyệt – loại nhạc cụ chính được dùng để đệm cho các bài Chầu văn ở miền Bắc – được lên theo quãng bảy thứ, một quãng không phổ biến so với cách lên dây theo quãng bốn Đúng hay quãng năm Đúng. Không có mối liên hệ nào giữa đàn nguyệt lên dây ở quãng bảy thứ để chơi “Xá dây Tố Lan” và cách lên dây tính tẩu của người Tày vì hai dây của tính tẩu thường được lên theo quãng bốn Đúng hoặc quãng năm Đúng (Phạm Nguyên 1978: 350)[2]. Âm nhạc trong lễ Then cũng không có ảnh hưởng trực tiếp nào đến điệu “Xá dây Tố Lan”. Việc “Xá dây Tố Lan” không có mối liên quan trực tiếp gì với âm nhạc trong Then cũng không đáng ngạc nhiên bởi nói chung giữa nhóm các điệu “Xá” và âm nhạc ‘dân tộc thiểu số’ vốn không có mối quan hệ nào. Hơn cả việc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các loại hình âm nhạc của các tộc người thiểu số, việc âm nhạc Lên đồng có biểu thị tính tộc người – cũng như y phục, thái độ và những điệu múa mà các vị nữ thánh thể hiện khi giáng đồng – sẽ phát huy khuôn mẫu của bản sắc trong sự giao thoa tộc người, thể hiện ở tính nữ, bản chất tự nhiên, trạng thái hạnh phúc, đơn giản, sinh động. Việc chúng ta gán những đặc tính tộc người vào trong nghi lễ Lên đồng thực ra là công nhận những khuôn mẫu và nó sẽ cản trở thay vì thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau về văn hóa. Tuy nhiên, các học giả văn hóa dân gian Việt Nam cũng cho rằng việc thực hành những nghi lễ này có giá trị đáng kể thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa người Việt và các nhóm dân tộc thiểu số (xem Ngô Đức Thịnh 1992: 140). Khi mà các học giả Việt Nam đang nỗ lực để Lên đồng, một nghi lễ tín ngưỡng từng bị coi là mê tín dị đoan, được công nhận là chính thống, thì việc xuất hiện những ý kiến như vậy là có thể hiểu được. Quan điểm cho rằng Lên đồng là nghi lễ đa văn hóa là đánh đồng nó với học thuyết chủ nghĩa dân tộc nhằm gom đa dạng các nhóm dân tộc thiểu số vào một “cộng đồng” chung bị chi phối bởi dân tộc Việt.
Tính tộc người thể hiện trong âm nhạc Then hoàn toàn khác với âm nhạc Lên đồng. Cây tính tẩu chơi trong lễ Then được coi là biểu tượng của bản sắc dân tộc Tày. Trong “Lễ hội thành Tuyên”, một sự kiện lớn diễn ra ở thành phố Tuyên Quang vào tháng 9 năm 2015, tính tẩu trở thành trung tâm lễ hội, là biểu tượng cho tộc người. Trên sân khấu, rất nhiều vũ công chạy dọc theo cờ hiệu và múa với những cây tính tẩu trên tay như một cách thể hiện họ là người Tày, đỉnh điểm là một mô hình cây tính tẩu rất lớn được diễu hành trước toàn thể khán giả. Tuy nhiên, trong lễ Then, các vị thần không được phân rõ theo các dân tộc thiểu số khác nhau như đối với các nữ thánh khi Lên đồng. Những điểm khác biệt trong cách biểu hiện tính tộc người trong nghi lễ Then và Lên đồng này rất thú vị trong bối cảnh nền chính trị bản sắc ở Việt Nam hiện nay. Các dân tộc thiểu số cũng được tích hợp trong hệ thống tín ngưỡng của Đạo Mẫu, trong khi đó cây tính tẩu luôn được coi là biểu tượng cho bản sắc tộc người Tày trong lễ Then. Người Tày được phân biệt rõ với người Việt trong lễ Then nhưng trong nghi lễ Lên đồng, người Việt thỉnh cả những vị thánh người dân tộc thiểu số giáng đồng và thể hiện sự giao thoa tộc người trong đó. Những cách biểu thị tính tộc người trái ngược như vậy trong hệ thống tín ngưỡng thể hiện ở nghi lễ Lên đồng và Then dường như ngụ ý về luận thuyết chủ nghĩa dân tộc và sự không cân xứng trong tương quan giữa dân tộc Việt và các dân tộc thiểu số.
Để kết bài, tôi sẽ nói qua về vấn đề sân khấu hóa và di sản hóa các nghi lễ tín ngưỡng. Việc đưa Lên đồng ra khỏi không gian tín ngưỡng để trình diễn trên sân khấu đã được Nhà hát Chèo thực hiện từ đầu thập niên 90 với tiết mục ‘Ba giá đồng’ trình diễn bởi các nghệ sĩ của nhà hát (xem Norton 2009). Từ cuối những năm 2000, các ông/bà đồng cũng bắt đầu ‘biểu diễn’ Lên đồng cho những người bình thường xem. Cả những đoàn Chèo của nhà nước và bản thân các ông/bà đồng đó đều đang thực hành lễ nhập đồng trên sân khấu như một sự vinh danh ‘di sản’ và ‘văn hóa quốc gia’. Tương tự như vậy, âm nhạc Then thường được biểu diễn trên sân khấu của các lễ hội được thiết kế để thể hiện ‘di sản của tộc người’. Việc biểu diễn nhạc lễ như một loại hình giải trí trên sân khấu di sản đặt ra cho chúng ta một câu hỏi về tầm quan trọng của tín ngưỡng ở đây. Trong Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” diễn ra tại thành phố Tuyên Quang vào tháng 9 năm 2015 đã có một cuộc tranh luận sôi nổi về giới hạn nào cho việc đem âm nhạc Then ra khỏi thực hành tín ngưỡng của nó và có nên coi đó là một loại hình văn hóa dân gian hơn là âm nhạc tín ngưỡng hay không. Đối với cả Lên đồng và Then, việc biến tín ngưỡng và nghi lễ thành di sản sẽ xóa nhòa ranh giới giữa trình diễn sân khấu và thực hành nghi lễ, giữa mục đích giải trí và thực hành đức tin.
Song song với việc thế tục hóa âm nhạc tín ngưỡng, lễ Then và nghi lễ Lên đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu cũng được công nhận là di sản và đều sẽ được đề cử để được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Mặc dù việc được UNESCO công nhận sẽ đem lại nhiều lợi ích, đặc biệt là tăng thêm uy tín cho các loại hình văn hóa, nâng cao nhận thức của cộng đồng và đem đến sự công nhận của quốc tế, nhưng nó cũng đồng thời tiềm ẩn nhiều mối nguy và cạm bẫy. Hình thức quản lý văn hóa bởi các cấp từ cao xuống thấp ở cả tầm quốc tế và quốc gia đặt ra các vấn đề cần giải quyết liên quan đến quyền sở hữu, kiểm soát và quản lý văn hóa ở cấp địa phương (xem Titon 2009; Norton 2014). Ví dụ, việc lạm dụng các loại hình văn hóa địa phương để thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc và bản sắc dân tộc có thể sẽ hạn chế sự đa dạng trong phương pháp bảo tồn văn hóa bền vững, và còn có thể cản trở sự thay đổi và tiến bộ. Các tiêu chí của UNESCO đối với di sản văn hóa phi vật thể có đề cập đến vai trò của các cộng đồng, các nhóm và các cá nhân, trong khi sự đồng lòng của những người thực hành văn hóa không phải lúc nào cũng đạt được và nhiều cá nhân, tập thể vẫn cảm thấy khó khăn hoặc thậm chí bị bỏ quên bởi chính các biện pháp bảo tồn trong chương trình hoạt động cấp quốc gia và quốc tế. Chính phủ và các tổ chức quốc tế về lĩnh vực văn hóa đang đứng trước thách thức là phải thúc đẩy bộ máy quản lý văn hóa để khuyến khích sự đa dạng, sáng tạo và sự tham gia, chứ không chỉ coi những thực hành văn hóa và tín ngưỡng như một nguồn lực giúp củng cố bản sắc dân tộc và phát huy văn hóa Việt Nam ở trong nước và trên trường quốc tế.