Cải lương có lẽ phát triển rực rỡ nhất vào khoảng giữa thập niên 1950 đến giữa thập niên 1970. Giai đoạn này xuất hiện một thế hệ nghệ sĩ tuyệt vời mà sau này mọi người thường gọi là ‘thế hệ vàng’, nay vẫn khắc sâu trong lòng khán giả.
Nghệ sĩ Chí Tâm và NSƯT Thanh Kim Huệ trong vở Lan và Điệp
Những ông vua không ngai
Trước đó, cải lương đã có một thế hệ nghệ sĩ quá giỏi, nhưng đến thập niên 50 – 60 – 70 thế kỷ trước thì “thế hệ vàng” được ghi nhớ nhiều nhất. Có thể điểm qua những cái tên vô cùng quen thuộc như: Út Trà Ôn, Hữu Phước, Út Bạch Lan, Thành Được, Thanh Nga, Tấn Tài, Phượng Liên, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Dũng Thanh Lâm, Thanh Sang, Thanh Hải, Thanh Kim Huệ, Thanh Tuấn, Lệ Thủy, Chí Tâm, Mỹ Châu, Minh Phụng, Minh Vương, Minh Cảnh, Ngọc Giàu, Thanh Thanh Hoa, Diệu Hiền, Ngọc Hương, Ngọc Bích, Thanh Nguyệt, Hồng Nga, Bạch Lê, Văn Hường…
Mỗi nghệ sĩ có một chất giọng đặc sắc không trộn lẫn với ai, họ đã làm nên những câu vọng cổ và tuồng cải lương để đời. Ai không có giọng ca mùi như Diệp Lang, Nam Hùng, Hùng Minh, Hoàng Giang, Bảo Quốc, Kim Ngọc, Kiều Mai Lý, Văn Chung, Trường Xuân chẳng hạn, thì lại có khả năng đóng độc lẳng hoặc đóng hề cực kỳ giỏi, với giọng thoại nhấn nhá rất điêu luyện, làm nên những nhân vật trong các tuồng cải lương hấp dẫn.
Thời ấy, báo chí và khán giả đã phong cho nhiều nghệ sĩ những danh hiệu rất hay, nên có nhiều “ông vua không ngai” xuất hiện. Út Trà Ôn với chất giọng chân phương đúng chất người Nam bộ, được gọi là “Vua vọng cổ” vì ông ca nhiều bài đến mức kỷ lục. Út Bạch Lan thì tha thiết, u buồn, nên người ta gọi bà là “Sầu nữ”. Thanh Hải ngâm thơ theo giọng Tao đàn cực kỳ quyến rũ nên được phong “Vua Tao đàn”. Thanh Nga là “Nữ hoàng cải lương” vì bà sang trọng, lộng lẫy, tài sắc vẹn toàn. Tấn Tài là “Hoàng đế đĩa nhựa”. Bạch Tuyết là “Cải lương chi bảo” vì bà diễn quá điêu luyện. Minh Phụng được mệnh danh “Hoàng tử cải lương” vì đẹp trai, lên sân khấu khiến mê mẩn người xem…
Rồi thì lối ca diễn đặc biệt của “thế hệ vàng” cũng đã khắc sâu vào lịch sử cải lương. Minh Vương giọng cao vút, réo rắt ngọt ngào, đoạt Khôi nguyên Vọng cổ. Lệ Thủy trong veo như hồn nhiên cùng cuộc đời. Thanh Kim Huệ luyến láy bất ngờ, giọng ca trẻ mãi không già. Thanh Sang trầm ấm, chững chạc. Thanh Tuấn điêu luyện trong nhả chữ, bay lượn. Ngọc Hương buồn da diết, nhói lòng. Mỹ Châu giọng trầm không ai qua nổi, và có cách xuống câu vọng cổ lạ vô cùng. Ngọc Giàu ca như nhung căng lụa trải…
Những người “đo ni đóng giày” cho nghệ sĩ
Vọng cổ và cải lương giai đoạn này đi song song, xuất hiện rất nhiều bài hay và tuồng hay. Một thế hệ soạn giả vàng cũng ra đời, có biệt tài “đo ni đóng giày” cho nghệ sĩ. Đầu tiên là soạn giả Viễn Châu. Ông đã viết hơn 2.000 bài vọng cổ và hơn 50 vở cải lương, giúp nghệ sĩ thăng hoa. Út Trà Ôn với Tình anh bán chiếu bất hủ. Minh Cảnh với Võ Đông Sơ. Ngọc Giàu với Đêm tàn Bến Ngự… Dấu ấn rất lớn của Viễn Châu là ông đã sáng tạo ra thể loại tân cổ giao duyên, đưa vọng cổ lên một bậc phát triển mạnh mẽ. Nhiều bài tân cổ giao duyên của các tác giả khác cũng đã chiếm lĩnh thị trường như Câu chuyện đầu năm (Minh Vương – Thanh Kim Huệ ca), Thương về miền Trung (Thanh Tuấn ca), Nỗi buồn hoa phượng (Minh Phụng – Hương Lan ca), Trương Chi Mỵ Nương (Mỹ Châu – Thanh Tuấn ca)…
Nguồn: Theo báo Thanh niên