Hai vở diễn Đời Như Ý và Cõng mẹ đi chơi của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã thu hút đông khán giả đến rạp Thủ Đô. Đây là tín hiệu mới của sàn diễn cải lương đầy sức trẻ
Xu hướng đạo diễn trẻ gầy dựng sân khấu cải lương đã nhận được sự quan tâm chú ý đáng kể của công chúng với 2 vở diễn nổi bật là Đời Như Ý và Cõng mẹ đi chơi. Hai đạo diễn trẻ Phan Quốc Kiệt và Bùi Quốc Bảo đã thực sự ghi thêm điểm cộng trong hành trang nghệ thuật sau quá trình lăn lộn với nghề.
Cảm nhận vẻ đẹp của nghệ thuật dân tộc
Màn mở, sân khấu trống vài phút để khán giả choáng ngợp trước khung cảnh làng quê mộc mạc, yên bình trong câu chuyện của Đời Như Ý. Đạo diễn Phan Quốc Kiệt đã tạo nên bố cục không gian đúng chất Nam Bộ xưa để khán giả cảm nhận được hết cái đẹp từ cảnh trí, không như lâu nay khán giả của cải lương cứ quen mở màn là thấy diễn viên dù chưa cất tiếng nói. Chăm chút từng cảnh trí, đạo cụ; gia cố từng bước chân của nhân vật, Phan Quốc Kiệt đã tạo nên một phiên bản cải lương Đời Như Ý hoàn toàn khác với sân khấu kịch.
Vốn là vở diễn đình đám của Nhà hát Thế Giới Trẻ, kịch bản mang tính văn học sâu sắc đã được soạn giả Hoàng Song Việt trau chuốt, đặt lời ca thật mượt mà, da diết, trong đó chuyển tải những thông điệp nhân nghĩa đậm chất cải lương. Khán giả khóc khi xem cảnh 2 đứa con nuôi của Hai Đời bị buộc phải chia cắt, để lại bến sông người cha mù lòa và bà mẹ bị bệnh tâm thần. Con gái của nghệ sĩ Tú Sương, bé Hồng Quyên, diễn xuất sắc vai bé Như và bé Gia Nguyên, con trai của nghệ sĩ Lê Hồng Thắm, đã diễn thật xúc động vai bé Ý.
Giúp 2 diễn viên nhí này thăng hoa trên sân khấu thực sự là một kỳ công của đạo diễn Phan Quốc Kiệt. Có thêm sự góp mặt hiệu quả của 2 diễn viên nhí đã khiến người xem rung động sâu sắc và cảm nhận được cái hồn tinh túy của nghệ thuật ca diễn được chuyển tải từ những thế hệ tương lai.
Chất liệu ngồn ngộn từ cuộc sống
Vốn là đạo diễn trẻ chắc tay bên sân khấu kịch, sự cống hiến của Bùi Quốc Bảo dành cho Nhà hát Thế Giới Trẻ được chứng minh bằng việc doanh thu của sân khấu xã hội hóa này ngày càng tăng. Khi sáng tác Cõng mẹ đi chơi, anh đã đưa rất nhiều chất liệu từ cuộc sống vào kịch bản. Sau đó, tác giả Hùng Dũng chuyển thể cải lương và Bùi Quốc Bảo lại một lần nữa thử thách mình qua việc dung nạp đời sống đương đại vào vở nhưng vẫn phải giữ được cái hồn của cải lương.
Bùi Quốc Bảo đã rất thận trọng khi quyết định kết thân với bộ môn này. Đạo diễn đã bám vào một thông điệp rất thực tế và khiến người xem nhận thấy phần nào đó tâm hồn của chính mình trên sàn diễn – đó là sự quan tâm tới những thân phận khác và tình người trĩu nặng trong cuộc sống. Những đứa trẻ bị bỏ rơi dễ dàng dính vào cạm bẫy. Những em bé không may bị tâm thần nhưng lại nhận được sự chăm sóc và cao cả hơn là tình người dành cho mảnh đời côi cút…
Khán giả trẻ trong rạp khóc sướt mướt khi xem bà mẹ có cá tính nóng nảy nhưng lại rất thương yêu các con, sẵn sàng nhận phần đau khổ để nuôi đứa con bị tâm thần dù gia cảnh nghèo khó.
Chất trẻ đáng ghi nhận ở 2 đạo diễn đang dấn thân vào cuộc gầy dựng lại sự quan tâm của khán thính giả đối với sân khấu cải lương đó là chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các bậc tiền bối. Đâu đó vẫn còn dấu ấn của những mảng, miếng xử lý của thế hệ các thầy cô song nổi bật vẫn là những khám phá mới mẻ mà nghệ thuật cải lương muốn hướng đến công chúng đương đại.
Về âm nhạc, cảnh trí và cả phục trang, cả 2 đạo diễn đã làm mới được vở diễn bằng khá nhiều chiêu thức xử lý từ sân khấu kịch nói khiến vở diễn trẻ trung và tới gần khán giả hơn nhưng không làm mất đi cái tinh túy nhất của cải lương. Diễn xuất của nghệ sĩ được chú trọng nâng cao với những dồn nén đẩy tới cao trào kịch tính và thay vì chỉ cho khán giả cảm giác ai oán, bi thương thì cải lương của 2 đạo diễn trẻ được vuốt nhẹ bằng những bài bản, câu vọng cổ ngọt ngào hơn là “hét” lên những thông điệp chát chúa. Xem xong vở diễn, có thể cảm nhận sự dịu mát, ngọt ngào như được uống ngụm nước dừa mát ngọt! Cảm xúc theo chân người xem rời rạp Thủ Đô về đến tận nhà và thầm mong sẽ quay lại để được khóc cười cùng đạo diễn trẻ qua nhiều vở cải lương khác nữa…
Tạo ra kết nối với khán giả đương đại
“Hai gương mặt đạo diễn trẻ này vốn không xa lạ với kịch và cải lương. Họ từng là khán giả ngồi trong góc khán phòng của nhiều vở diễn nên khi đặt mình vào hàng ghế người xem, họ đã biết điều gì cần làm, điều gì cần bỏ. Hai vở cải lương mới đóng dấu chất lượng của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang trong thời buổi khó khăn đối với sân khấu lại là tâm huyết sáng tạo của 2 đạo diễn trẻ. Điều đó cho thấy ban giám đốc nhà hát này đã mạnh dạn giao vở cho đạo diễn trẻ, tạo cơ hội cho thế hệ nghệ sĩ đương đại và cũng góp phần làm bền chặt hơn sợi dây kết nối với khán giả của nghệ thuật đương đại” – đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc nói.