Cặp đôi nổi tiếng của nghệ thuật Bài chòi

Để có được những thành công trong hành trình nghệ thuật, hai vợ chồng nghệ sĩ đất võ đã phải hy sinh về vật chất, cố gắng giữ nghề trong khi nghệ thuật truyền thống không được coi trọng. Dòng chảy cuộc đời hai vợ chồng vốn không lung linh như ánh đèn sân khấu. 

Từ cách nói chuyện, lý giải vấn đề, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hoài Huệ luôn có chất giọng dõng dạc, khỏe khoắn và lúc nào cũng đầy ý tưởng cho nghệ thuật Bài chòi. Làm sao để tiếp tục ăn sâu bám rễ trong lòng công chúng, nhất là khi Bài chòi vừa được UNESCO ghi danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại? Vợ chồng Hoài Huệ rất trăn trở, bởi đó là vinh dự, nhưng cũng là áp lực đối với những người nghệ sĩ yêu Bài chòi.

Cặp đôi nổi tiếng của nghệ thuật Bài chòi
Vợ chồng nghệ sĩ nhiều lần được tôn vinh vì những cống hiến cho Bài chòi

May mắn được thừa hưởng năng khiếu từ gia đình truyền cho, cả hai vợ chồng nghệ sĩ Hoài Huệ, Hồ Thu đều cố gắng để vai diễn thành công nhất. Ngay cả khi ở thời điểm các môn nghệ thuật truyền thống không được coi trọng, trong đó có Bài chòi,  thì họ vẫn vững tâm giữ lửa nghề.

Nghe Hoài Huệ giới thiệu về những cán bộ tiền bối, càng thấy anh là người không chỉ tự hào mà vô cùng coi trọng truyền thống gia đình. “Cha tôi là NSƯT Nguyễn Hoài Ân, nổi tiếng với biệt danh Tám Kèn của Đoàn Dân ca liên khu V (tiền thân của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định), mẹ tôi là diễn viên chèo tuồng Thanh Hảo, quê gốc ở Thái Bình, con gái một ông bầu hát nổi tiếng. Còn chị gái tôi là NSND Thu Hiền, công tác ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam…Nhưng quan trọng hơn thế, tôi là người ham học hỏi, với tinh thần phát huy cao độ truyền thống ấy. Nếu có kiếp sau tôi vẫn nguyện làm nghệ thuật”.

Hoài Huệ là lớp diễn viên khóa I Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Nghĩa Bình 1978-1981 (Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Bình Định ngày nay) – thế hệ được đào tạo bài bản và chủ lực của Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định mấy chục năm qua. Còn vợ anh là NSND Hồ Thu, cũng sinh ra trong gia đình truyền thống nghệ thuật. Ông nội chị là nghệ sĩ Hồ Quý – trưởng một đoàn ca kịch từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Bố chị là nghệ sĩ Thu An, nguyên Trưởng đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định.

Tiếp lời chồng, NSND Hồ Thu chia sẻ, từ nhỏ chị đã được nghe mẹ ru với những câu hát đằm thắm. Rồi lớn lên lại được theo bố đi diễn. “Tôi nghe rồi thấm, sau đó thì yêu. Năm bẩy tuổi tôi đã biết hát những câu đơn giản. Cha tôi phát hiện giọng hát của tôi có triển vọng và đào tạo tôi”, Hồ Thu kể.

Nghệ sĩ Hồ Thu còn chia sẻ thêm, là con nhà nòi, được học bài bản và quan trọng hơn những người thầy đầu tiên trong gia đình mấy đời làm nghệ thuật giúp anh chị định hướng rõ ràng sự nghiệp, để từ đó có thể thăng hoa.

Hồ Thu nhấn mạnh: “Anh Hoài Huệ và tôi lại được gặp và trở thành vợ chồng và có thể giúp đỡ nhau rất nhiều khi công tác cùng đoàn. Cái duyên khiến chúng tôi đến với nhau là năm 1978, cùng học ở Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Nghĩa Bình. Vì đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định thiếu diễn viên nên khi còn đi học, tôi và Hoài Huệ được chọn về bổ sung lực lượng. Công tác cùng đơn vị, đó là điều kiện để tương hỗ cho nhau”.

Nghệ thuật Bài chòi vừa mang tính trình diễn, vừa mang tính thực hành xã hội. Người xem cùng một lúc được thưởng ngoạn nhiều thể loại, nhiều thành phần nghệ thuật khác nhau như thơ, trò diễn, trích đoạn sân khấu, dân ca, chuyện kể và cả diễn tấu nhạc cụ… Cái hay riêng là ở chỗ kể chuyện nhưng không giống như lối kể chuyện thông thường mà có động tác, nhạc cụ phụ họa. Nên muốn hay và tạo ấn tượng thì người diễn viên phải có năng khiếu, sức khỏe. Hoài Huệ và Hồ Thu đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của nghề.

Để được như ngày hôm nay, với nhiều thành quả và vinh quang nếu không có sự bổ trợ giúp đỡ cho nhau, thì hai vợ chồng nghệ sĩ đã chẳng trở thành một “cặp đôi hoàn hảo” đến thế. Phải làm sao để diễn xuất ăn ý, phải bỏ qua “rào cản” vợ chồng để làm việc với tư cách là đồng nghiệp, chịu nghe nhau góp ý, sửa cho những “hạt sạn” để vai diễn được tròn trịa. Suốt nhiều năm, hai người là cặp đôi diễn viên nhập vai chính. Nếu Hoài Huệ là Chế Mân thì Hồ Thu sẽ là Huyền Trân công chúa; nếu Hoài Huệ là chàng hoàng tử Kha Láp đa tình thì Hồ Thu sẽ là nàng công chúa Tô Lan xinh đẹp; nếu Hoài Huệ trong vai Quang Trung thì Hồ Thu sẽ là nàng Ngọc Hân…

Với Hoài Huệ, anh đã để lại ấn tượng với nhiều vai nổi tiếng như vai Chế Mân trong “Huyền Trân công chúa”, vai Pơ-Rin trong vở “Chuyện tình nàng Si ta”,  vai Vạn Lịch trong “Đồng tiền Vạn Lịch”… Còn Hồ Thu sắm vai các nhân vật Xuân Nương trong vở “Lâm Sanh – Xuân Nương”, Thoại Khanh trong vở “Thoại Khanh Châu Tuấn”… Khi xem chị thể hiện vai thằng nhỏ trong vở “Đứa con tôi” tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2003, nhà viết kịch Lê Duy Hạnh phải thốt lên: “Hồ Thu là đào thương (bi) mà không ngờ vào vai này lại tốt, lại đột phá đến thế”. Năm đó, vai diễn này mang về cho chị tấm Huy chương vàng.

3Suốt gần 40 năm làm nghề, đảm nhận hơn 90 vai chính, vợ chồng NSND Hoài Huệ – NSND Hồ Thu đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của cuộc đời. Nhìn vào cách họ diễn trên sân khấu, giới chuyên môn nhận ra rằng, họ luôn biết tiết chế sự dồn nén để tạo bùng vỡ về cảm xúc những lúc cao trào. Bởi vậy, từ vai diễn cổ điển, dã sử đến hiện đại, đề tài dân tộc hay chuyển thể từ nước ngoài, cuộc hóa thân nào cũng được thể hiện sống động.

Để có được những thành công trong hành trình nghệ thuật, hai vợ chồng nghệ sĩ đất võ đã phải hy sinh về vật chất, cố gắng giữ nghề trong khi nghệ thuật truyền thống không được coi trọng. Dòng chảy cuộc đời hai vợ chồng vốn không lung linh như ánh đèn sân khấu.

Hoài Huệ nói: “Năm 1989 đến năm 1996 là quãng thời gian khó khăn khủng khiếp mà chúng tôi đã phải cố gắng rất nhiều. Kinh phí đầu tư giảm, nghệ sĩ chỉ được hỗ trợ 20% lương, còn lại phải tự bươn chải. Ngay cả bây giờ đây, đời sống của nghệ sĩ Bài chòi cũng hết sức khó khăn, nhiều người phải kết hợp làm việc khác nữa để có thêm thu nhập. Đến đây tôi cũng phải khẳng định, cái gien gia đình nó mạnh lắm. Nó xóa nhòa mọi ranh giới vật chất, tạo ra sự đồng cảm và tạo nên động lực để khắc phục”.

Từ năm 1993, NSND Hoài Huệ là Phó trưởng đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, từ năm 2010, anh đảm nhận cương vị làm Trưởng đoàn, từ đó áp lực cũng tăng lên vì phải lo đối ngoại, chăm lo đời sống cho anh em. Còn chị Hồ Thu hiện đang dạy năm lớp dân ca tại Bình Định, cố gắng truyền cảm hứng, “kéo” giới trẻ trở lại với nghệ thuật truyền thống, đồng thời tiếp tục để Bài chòi là món ăn tinh thần trong đời sống người dân Trung bộ. Song theo anh nếu không có sự giúp sức, chung tay chia sẻ thì công sức của những người nghệ sĩ như anh cũng chỉ như muối bỏ biển.

Ngô Thục Miên
Theo hoibaonganhang.vn