Điệu then vang giữa Sài Gòn

Hát then, làn điệu đặc trưng của dân tộc Tày – Nùng tưởng chỉ có thể sinh sôi nảy nở tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng hiện làn điệu này lại có sức sống mới giữa chốn phồn hoa đô hội của Sài thành.

LB Đàn tính – Hát then trong một buổi biểu diễn văn nghệ giao lưu Hội đồng hương Cao Bằng tại TP.HCM.

Tự hào hát điệu tình quê

Được thành lập từ đầu năm 2013, CLB Hát then – Đàn tính sinh viên (thuộc Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM) đã trở thành một nơi sinh hoạt bổ ích của các sinh viên người dân tộc Tày – Nùng đang học tập tại thành phố. Hàng tuần tại đây, các em sinh viên dân tộc Tày – Nùng đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố vẫn miệt mài tập, hát những bài hát then của dân tộc để gửi những tình cảm tha thiết về quê hương xứ sở.

Gặp các thành viên trong CLB trong một buổi sinh hoạt, chúng tôi mới cảm nhận hết được niềm đam mê ca hát cũng như tình cảm mà các bạn gửi gắm về quê hương qua làn điệu đặc trưng của dân tộc. Dù bận học hành, cũng như làm thêm nhưng các buổi sinh hoạt CLB, thành viên đều có mặt đầy đủ.

Đến nay, với gần 20 thành viên trong CLB, ai cũng có thể tự chơi đàn tính (nhạc cụ không thể thiếu khi hát then) và hát then. Các bài hát với nội dung ca ngợi về cảnh đẹp, tình yêu quê hương đất nước, các nét văn hóa của các dân tộc Tày – Nùng… luôn được các bạn thể hiện nhiệt tình, say mê. Điều đáng ghi nhận nhất tại CLB này là sự nỗ lực gìn giữ, phát triển làn điệu âm nhạc dân tộc của các thành viên. Để có thể hát then – đàn tính được thuần thục như ngày hôm nay ít ai biết rằng những “nghệ sĩ” ấy lại khởi đầu bằng con số không. Hầu hết các thành viên không ai biết hát then – đàn tính, nhưng vì đam mê các bạn không quản ngại tìm thầy chỉ dẫn rồi tìm tòi học tập trên mạng trong một thời gian dài.

Lúc ở nhà em không quan tâm đến hát then và cũng hay nhút nhát nhưng khi sinh sống tại thành phố và tham gia CLB em mới thấy bị cuốn hút bởi hát then, đàn tính. Phải mất 3 tháng em mới chơi được đàn và hát được. Được đứng biểu diễn hát những bài hát về quê hương bằng làn điệu của dân tộc mình là điều rất tự hào” – Nông Hồng Chinh (dân tộc Tày)- sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM nói. Tương tự, Mai Hương (dân tộc Nùng)- sinh viên Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cho biết: “Ở nhà, ba mẹ và bà ngoại rất thích nghe hát then, đàn tính nên em tự học đàn, hát được một thời gian khá lâu. Khi biết có một sân chơi chung cho các sinh viên dân tộc Tày – Nùng, em tham gia ngay. Em nghĩ CLB không chỉ là nơi giao lưu, gặp gỡ giữa các bạn mà còn là nơi góp phần gìn giữ làn điệu của dân tộc mình”.

Nhân rộng tình yêu

“Đối với những người con xa, khi cất lên làn điệu của dân tộc mình cũng là cách để gợi nhớ và thêm yêu quê mình hơn. Chúng em đều là những người trẻ và đều có mong muốn làm sao để điệu hát then mãi được lưu giữ, phát triển dù ở bất cứ nơi nào”.
Nông Tuyết Nhung – thành viên CLB

Lương Văn Danh (dân tộc Tày, sinh viên Đại học Sư phạm TP.HCM)- Chủ nhiệm CLB Hát then – Đàn tính sinh viên cho biết, CLB được thành lập với thành phần là sinh viên dân tộc Tày – Nùng quê quán ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Các thành viên tại đây có đặc điểm chung là đều đam mê ca hát, yêu làn điệu dân tộc mình và mong muốn được giới thiệu, quảng bá văn hóa dân tộc Tày – Nùng đến với các bạn sinh viên. Chính vì vậy các bạn phải tiết kiệm tiền, làm thêm để mua đạo cụ, trang phục biểu diễn, thậm chí thời gian đầu CLB còn phải sinh hoạt ở ngoài công viên.

CLB Hát then – Đàn tính sinh viên đã đi biểu diễn giao lưu văn nghệ tại các trường đại học trên địa bàn TP.HCM cùng một số chương trình do Thành đoàn tổ chức và nhận được nhiều sự ủng hộ. “Mong ước của chúng em là năm nay CLB có thêm nhiều cơ hội giao lưu với sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại thành phố. Đây không chỉ là hoạt động văn nghệ đơn thuần mà vấn đề chính là chúng em muốn mọi người biết đến những nét văn hóa độc đáo của dân tộc và cảnh đẹp của quê hương Cao Bằng, Lạng Sơn” – Lương Văn Danh nói
.