Thực tiễn sinh động ở Việt Nam với đặc điểm có nhiều tộc người chung sống, tính đa dạng đặc thù văn hóa nổi trội nên khả năng ứng dụng văn hóa dân gian giải quyết các nhiệm vụ cuộc sống càng phong phú và cấp bách, nhất là tại các vùng miền núi nhiều dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhiều thành tố văn hóa dân gian không còn tồn tại như một thực thể mà như “vỡ vụn” và biến đổi cả cấu trúc, chức năng. Một số thành tố văn hóa dân gian như đã bị mất đi cơ sở xã hội, vì không còn môi trường nuôi dưỡng và phát triển, một số thành tố thì đang phải trải qua một quá trình “giải cấu trúc” (như ý kiến của GS, TS Tô Ngọc Thanh). Tuy như vỡ vụn, song các mảnh vỡ của văn hóa dân gian vẫn tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội đương đại. Các thành tố ngữ văn dân gian, nghệ thuật dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống,… tuy không tồn tại theo cả một cấu trúc, cả một hệ thống như trước đây nhưng lại trở thành một bộ phận được “tái cấu trúc”, góp phần tạo nên bộ mặt văn hóa của xã hội đương đại.
Ở vùng đồng bằng hoặc đô thị xuất hiện ngày càng nhiều các loại hình văn hóa dân gian mô phỏng với ý nghĩa là các tư liệu, mảnh vỡ, không nằm trong bối cảnh gốc nhưng theo GS, TS Ngô Đức Thịnh lại “gây ấn tượng bằng thị giác và thính giác hoặc mang lại niềm vui thích về mặt thẩm mỹ như trang phục, biểu diễn trong lễ hội, âm nhạc hay ẩm thực, những tư liệu thích hợp này đã tách ra khỏi bối cảnh ban đầu của chúng và để sử dụng theo một cách mới cho một nhóm công chúng khác”. Văn hóa dân gian mô phỏng còn xuất hiện phổ biến với tên gọi văn nghệ quần chúng. Dù đã có nhà khoa học phê phán hình thức nghệ thuật dân gian mô phỏng này nhưng trên thực tế nó lại đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa ở cơ sở, thu hút lượng khán giả đông đảo ở các kỳ hội diễn, các cuộc liên hoan, các “ngày văn hóa”. Đặc biệt ở các điểm du lịch cộng đồng từ Mai Châu, Mộc Châu, đến Mường Thanh, Mường Lò,… Rất nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật (nhất là múa) chủ yếu đều thuộc loại hình văn hóa dân gian mô phỏng. Hiện nay xu hướng khôi phục lễ hội, hoặc tổ chức các lễ hội du lịch đang diễn ra khắp nơi đều dựa vào chất liệu của văn hóa dân gian mô phỏng. Vì vậy, đã làm cho văn hóa dân gian mô phỏng có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, cần được nghiên cứu dưới góc độ văn hóa dân gian ứng dụng.
Văn hóa dân gian đô thị lại nghiên cứu các thành tố văn hóa dân gian đã thích ứng và “chung sống” với người dân đô thị. Nó tập trung nghiên cứu về đời sống văn hóa của cư dân nhập cư cũng như dân cư “đô thị gốc”. Các yếu tố của văn hóa dân gian (nhất là tập quán, phong tục) đã chi phối đặc điểm cư trú cũng như quá trình “xóa đói, giảm nghèo” của một bộ phận người nhập cư. Đặc biệt, tín ngưỡng dân gian chi phối hầu hết gia đình cư dân đô thị với nhiều hiện tượng khác nhau như thờ “thần tài”, cúng ngày rằm, mồng một, quan niệm “mở hàng” ở các cửa hàng,… rồi phong tục tập quán đón Xuân, mừng nhà mới, cùng với đó là các ngày lễ liên quan tới kỷ niệm lớn của đất nước, lễ hội kiểu mới như “ngày lễ tình yêu” (14-2), lễ Nô-en,… tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa dân gian mới. Như vậy, cần tập trung nghiên cứu cả văn hóa dân gian đô thị, hay nghiên cứu quá trình hình thành các xu hướng thích nghi văn hóa của những nhóm di dân vào đô thị, nghiên cứu các phố nghề, làng nghề ở thành phố hoặc ven các thành phố, các loại hình kinh tế phi chính thức, các đặc trưng văn hóa, nếp sống, sinh hoạt văn hóa của người dân cũng như hoạt động tín ngưỡng -tôn giáo tác động đến đời sống cư dân đô thị. Và khi nghiên cứu văn hóa dân gian đô thị, còn cần chú trọng nghiên cứu sản phẩm nghệ thuật ngôn từ như giai thoại, ca dao, tục ngữ mới xuất hiện, và các phong tục tập quán cũ và mới đang vận hành trong xã hội đô thị… Các nhà nghiên cứu Folklore không phải điền dã ở nông thôn, miền núi, mà tập trung nghiên cứu ở ngay tại gia đình mình, tổ dân phố, ngõ xóm nơi cư trú. Kết quả nghiên cứu văn hóa dân gian đô thị sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý trong công tác quy hoạch, phát triển đời sống kinh tế – văn hóa ở khu dân cư, nắm bắt tâm trạng, nhận thức, thái độ của người dân để điều chỉnh, thực thi chính sách,…
Hiện nay, văn hóa dân gian ứng dụng đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Làn sóng du lịch ồ ạt đổ bộ đến các làng, bản vùng cao.
Nhiều điểm du lịch ở Mai Châu (Hòa Bình), Mường Thanh (Điện Biên), Sa Pa (Lào Cai), Bản Đôn (Đác Lắc),… thu hút rất đông du khách. Chính quyền địa phương đều xác định văn hóa là nguồn lực của du lịch, nhưng khai thác nguồn lực văn hóa (nhất là văn hóa dân gian) như thế nào lại là vấn đề phức tạp. Ở một số tỉnh, thậm chí cả tỉnh miền núi, đều học theo mô hình làng văn hóa dân tộc để đầu tư xây dựng thành điểm du lịch, song không biết rằng du khách (nhất là du khách nước ngoài) không muốn xem một cái làng du lịch mà ở đó từ cảnh quan, nhà cửa đến sinh hoạt văn hóa đều phục chế, làm giả. Như vậy, các hoạt động du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (từ quy hoạch, chính sách ở tầm vĩ mô đến việc tổ chức các điểm du lịch, văn hóa) đòi hỏi phải có sự tham gia của văn hóa dân gian ứng dụng. Theo chúng tôi, bất cứ việc quy hoạch hoặc xây dựng sản phẩm du lịch ở đâu cũng cần các nhà văn hóa dân gian ứng dụng tư vấn đánh giá trữ lượng, giá trị tài nguyên du lịch nhân văn, đề xuất phương án khai thác, xây dựng sản phẩm. Phát triển du lịch bền vững đang là định hướng chung của ngành du lịch, đòi hỏi việc khai thác tài nguyên du lịch một cách hợp lý vì lợi ích của thế hệ tương lai chứ không chỉ vì lợi ích của thế hệ hiện tại. Phát triển du lịch bền vững cũng yêu cầu phải xây dựng quan hệ thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường, hài hòa xã hội, bảo vệ lợi ích cộng đồng cư dân bản địa, bảo vệ di sản văn hóa, tôn trọng sự đa dạng văn hóa tộc người. Trong định hướng phát triển du lịch bền vững đòi hỏi sự tham gia tích cực của văn hóa dân gian ứng dụng.
Phong trào xây dựng nông thôn mới đã và đang được triển khai từ miền núi đến đồng bằng, từ vùng người Kinh đến vùng cư trú của dân tộc thiểu số, đã thu được một số kết quả tích cực, xuất hiện nhiều mô hình trở thành điểm sáng ở nông thôn,… Nhưng vẫn còn không ít bất cập, hạn chế, nhất là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân chủ yếu là các nhà hoạch định chính sách còn thiếu am hiểu thực tiễn ở miền núi, không nắm vững đặc điểm văn hóa dân gian, đặc trưng văn hóa tộc người,… nên đã xây dựng các tiêu chí không phù hợp. Ở miền núi, vùng cao diện tích đất canh tác ít, diện tích mặt bằng để gieo trồng lương thực còn hạn chế, nhưng các tiêu chí nông thôn mới lại quy hoạch, xây dựng các trụ sở, các thiết chế văn hóa thể thao quá rộng dẫn đến tình trạng không xã nào ở vùng cao đáp ứng được tiêu chí “cứng nhắc” như vậy. Dường như các nhà hoạch định chính sách chưa hiểu về đặc điểm sinh hoạt chợ vùng cao, về điều kiện và nhu cầu mở chợ ở vùng cao nên thời kỳ đầu có chủ trương mỗi xã muốn đạt tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới phải xây dựng một chợ của riêng xã đó. Dẫn đến tình trạng nhiều xã đua nhau xây chợ nhưng chợ xây xong lại bỏ hoang, vì người dân không đến họp chợ, hoặc không họp vào điểm chợ được quy hoạch. Tương tự như vậy, các tiêu chí về môi trường, về giao thông, về quy hoạch, về thủy lợi,… có nhiều điểm chưa phù hợp với miền núi, thậm chí là không thể thực hiện được. Trong khi đó rất nhiều vấn đề tri thức dân gian trong sản xuất, quản lý xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống,… lại ít được vận dụng và phát huy.
Đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rất nhiều kế hoạch, chương trình, đề án, dự án,… được triển khai ở khắp mọi miền. Nhưng các chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án này có đến với người dân không, người dân có nhiệt tình tham gia hay không? Các dự án lớn được xây dựng có tác động như thế nào đến đời sống của nhân dân, nhất là những tác động của văn hóa – xã hội ra sao? Những vấn đề như vậy đòi hỏi sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (cũng như nhà nhân học). Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian với tư cách là người am hiểu nhất về bản sắc văn hóa các dân tộc, am hiểu nếp sống, tri thức dân gian, do đó họ có điều kiện trở thành nhà tư vấn cung cấp các thông tin để xây dựng và thực thi chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án; đồng thời, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cũng trở thành người thẩm định, đánh giá kết quả thực hiện chính sách, dự án đó.