Giữ lửa chèo

Nếu cây lúa gợi nhớ quê hương năm tấn thì người yêu Thái Bình yêu cả những giọng hát chèo trong trẻo mà thoạt đến làng An Phú (xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, TP Thái Bình) từ đầu thôn, ta đã nghe thấy những tiếng hát chèo rộn ràng, ấm áp, vang lên mời gọi thiết tha

Chẳng mặn mà nhan sắc, chẳng ánh mắt dao cau, cũng chẳng có đôi tay thon nhỏ nuột nà móng hồng móng đỏ, những người nông dân yêu say hát chèo của làng lũ lượt đến với sân khấu chèo bằng những cái tên mộc mạc, đôi tay chai sần và làn da nâu rám nắng, bộ trang phục cũ xin được của Đoàn chèo Thái Bình…

Chèo An Phú được phục dựng lại sau nhiều năm mai một
Thời hoàng kim
Bà Nguyễn Thị Chiến, Đội trưởng chèo An Phú bảo rằng, làng An Phú không phải đến giờ mới có đội chèo, người già nhất trong làng khi lớn lên đã thấy bố theo gánh hát.
Thời bấy giờ trong làng có chừng bốn đội văn nghệ, ba đội hát chèo và một đội tuồng thay phiên nhau hát tại làng và phục vụ các công trình quốc gia Bắc Hưng Hải, công trình Cống Lân, phong trào năm tấn.
Không những thế, đội chèo còn đi biểu diễn tại nhiều huyện khác trong tỉnh và có bán vé. Gánh chèo đi xa dùng xe bò lọc cọc để chở đạo cụ, đuốc, đèn măng sông. Các diễn viên gò lưng, người kéo, người đẩy xe bò đi biểu diễn nên mới có câu hát: “Ai sinh ra cái xe bò/Đoàn chèo An Phú kéo gò lưng tôm”.
Khi đất nước bước vào thời kì chiến tranh, hết thảy đàn ông ra trận, nên mất cả “kép” lẫn “công”. Trong các đêm diễn, người ta chỉ còn thấy lác đác những nữ diễn viên ở lại hát chay, đánh đàn… miệng.
Sau này đội chèo giải tán vì thiếu thốn cả kinh phí và lực lượng. May mắn thay, đến năm 2003, thấy người dân khát vọng có một gánh chèo làng, những cựu diễn viên của gánh chèo năm xưa đã rủ nhau tụ họp cùng nhau góp công sức để dựng lại đội chèo mới.
Khi tất cả đã sẵn sàng, sự đồng thuận của mọi người lên cao, đội chèo ra đời với quy mô như một nhà hát với đầy đủ đội trưởng, diễn viên, nhạc công, đạo cụ…
Anh Nguyễn Văn Rĩu, một trong những thành viên đầu tiên của đội chèo An Phú, đôi tay thoăn thoắt trộn vữa, cho biết: “Từ ngày thành lập đội chèo đến nay, tối nào các thành viên chúng tôi cũng tập hợp tại đình làng để học hát chèo với sự chỉ dạy của các diễn viên cũ và NSƯT Xuân Lựu (đoàn chèo Thái Bình). Đến nay, đội chèo làng có thể biểu diễn hàng chục vở: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Hoàng Trừu kén vợ, Tấm Cám, Khúc hát Dương Xuân, Bài ca hạnh phúc… hàng chục tích chèo, trích đoạn và hàng trăm câu chèo cổ được truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Chị Thao, Bí thư chi đoàn thôn nói rằng chị biết hát chèo từ nhỏ “vì ngày nào mẹ chả hát chèo”, ra đường gặp người hát chèo. Những đứa trẻ lớn lên trong những câu chèo cổ của bà, của mẹ,của chị nên chèo ngấm vào máu lúc nào không biết.
Nhưng vì còn bận học, rồi bận công tác xã hội nên chị chỉ gắn bó với chèo trong những buổi biểu diễn qua các bài hát ngắn ngủi. Sau này, lấy chồng, sinh con, đỡ con bận con mọn được chồng vận động, hàng xóm khuyến khích, năm 2008, chị Thao tham gia vào chiếu chèo làng khi đã bước sang tuổi 33. Trong các vở chèo, chị thường sắm các vai công chúa, tiểu thư khuê các…
Son phấn chẳng át mùi ruộng đồng
Những người nghệ sĩ – nông dân ban ngày trồng lúa nhổ khoai, buổi tối vẫn tích cực tham gia tập luyện hát chèo. Họ hát mọi lúc mọi nơi, hát khi vui mừng gặp mặt, hát khi chia tay hẹn ngày tái hợp…
“Có chị em mải chợ búa, bán buôn quanh năm suốt tháng, nhưng đến giờ tập chèo mọi người vẫn tham gia đầy đủ. Tập xong, lại về sắp xếp gánh hàng để ngày mai kịp phiên chọ sớm. Mỗi lần được mời đi diễn, thù thao có khi chỉ là bữa cơm đạm bạc, thúng khoai, cân đậu nhưng ai cũng hào hứng, phục vụ nhiệt tình để đáp lại tấm lòng của bà con nhân dân nơi đó”, bà Nguyễn Thị Chiến cho biết.
Tâm huyết thì có thừa nhưng việc duy trì đội chèo lại không hề đơn giản, bởi hầu hết từ trang phục biểu diễn đến son phấn, đạo cụ tập tành đều do diễn viên tự trang bị. Anh Rĩu hằng ngày đi lái máy cày thuê vẫn cố gom nhặt rồi nhờ người lên phố mua dùm cây quạt, trâm cài khăn, cái áo… phục vụ sân khấu.
Ruộng nhà chị Thao trồng rau nhưng không bán cho người buôn mà chị tự đi bán ở chợ để thêm tiền mua trâm cài tóc, trang sức biểu diễn.
 Anh Thiên ban ngày áo đẫm mồ hôi trên các giàn giáo xây dựng để có thu nhập và sắm sanh trang phục biểu diễn. Họ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, thế mà không ai bảo ai cứ lầm lũi làm việc và cất cao tiếng hát.
Có lẽ vì thế nên những buổi biểu diễn mừng năm mới, mừng hội làng, tiễn tân binh lên đường… các “diễn viên” xúng xính trong những bộ trang phục cũ sờn nhưng vẫn thăng hoa dưới những lớp trang điểm vụng về vai nho sinh, quan huyện, công chúa, tiểu thư… Và đôi khi trên sân khấu, phía sau ánh đèn và xống áo ông hoàng bà chúa ấy là những bắp chân còn lấm bùn, mái tóc còn vương cuống rạ.
Quả là quý biết bao những con người của ruộng đồng lam lũ đã cố vật lộn mưu sinh vẫn đau đáu đam mê nhằm bảo tồn nghệ thuật hát chèo cổ.
Sau mỗi ngày lấm lem việc đồng áng, họ lại hòa mình vào những tích chèo cổ, cất lên những lời ca, tiếng hát pha sương gió, thấm sâu vào từng đường gân thớ thịt người dân quê hương năm tấn.
Nguồn: Theo báo đại đoàn kết