Câu chuyện vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật tưởng chừng chỉ có ở âm nhạc, điện ảnh, văn học… Tuy nhiên, hiện nay đến cả lĩnh vực sân khấu kịch, cải lương vấn nạn này cũng “không tha” khiến những người làm nghề càng bức xúc.
Sân khấu cũng “nóng” vấn đề vi phạm bản quyền
Tưởng chừng ít xảy ra việc đánh cắp bản quyền tác phẩm nhưng thời gian gần đây trên lĩnh vực sân khấu đã xuất hiện việc các nghệ sĩ trẻ vô tư “đánh cắp”, “xài chùa” những trích đoạn, tác phẩm sân khấu mà không hề xin phép. Khi tác giả tình cờ phát hiện lên tiếng phản ứng thì họ tiếp tục phân bua “không biết” hoặc “quên xin phép” (?!).
Không còn là câu chuyện của riêng ai, hành động quen dùng miễn phí, không xin phép tác giả, chủ sở hữu… của một số nghệ sĩ trẻ trong thời gian gần đây không còn là hiện tượng cá biệt. Phần lớn các vi phạm bản quyền thời gian qua “nóng” trên các gameshow truyền hình. Các thí sinh, nghệ sĩ trẻ vô tư đánh cắp ý tưởng vở diễn, vai diễn… đưa vào tiết mục dự thi, chương trình của mình mà không hề có sự đồng ý của tác giả. Diễn viên Gia Bảo mỗi lần vi phạm tác quyền đều xin lỗi nhưng sau đó lại luôn luôn… vi phạm. Điển hình việc sử dụng vai diễn, chi tiết trong trích đoạn của Má ơi, tía Dzìa! của Sân khấu kịch Idecaf trong tiết mục dự thi của mình ở chương trình Sao nối ngôi. Chỉ đến khi nghệ sĩ Thành Lộc lên tiếng chỉ trích thì Gia Bảo mới vội vàng… xin lỗi. Nhưng cũng chỉ thời gian ngắn sau đó, chính Gia Bảo lại một lần nữa phạm lỗi khi dựng lại vở Đời cô Lựu nhưng không hề xin phép NSND Huỳnh Nga và gia đình ông. Hay như mới đây nhóm cà phê kịch Đời cũng bị phản ứng vì vô tư dàn dựng chuyển thể sang kịch từ các vở kinh điển Bên cầu dệt lụa; Tô Ánh Nguyệt…
Ba tôi lúc sinh thời từng muốn đốt hết những kịch bản của ông vì có nhiều nghệ sĩ sử dụng chất xám của ông với thái độ thiếu tôn trọng. Thậm chí họ đã tự ý chỉnh sửa mà không có sự đồng ý của tác giả…” (Nghệ sĩ QUẾ TRÂN, con gái của cố NSND Thanh Tòng)
Tác giả Xuyên Lâm cũng từng bức xúc trên trang cá nhân của mình khi thấy kịch bản Nợ sữa chuyển thể từ truyện ngắn Hiu hiu gió bấc của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bị đạo diễn Vũ Trần sử dụng trong Kịch cùng Bolero. Soạn giả Hoàng Song Việt cũng có nhiều tác phẩm bị các đài truyền hình sử dụng mà không trả tác quyền, thậm chí chỉ cần hỏi xin phép. Tác giả cho rằng, những tác phẩm cải lương bị sử dụng bằng việc chế tác, biến đoạn mà không đề tên trong phần tác giả là việc không thể chấp nhận được.
Chính vì những lùm xùm trong vấn đề bản quyền tác giả nên có những gia đình nghệ sĩ đã tuyên bố không cho phép sử dụng kịch bản của ông, cha mình. Trong đó có hai soạn giả nổi tiếng, có nhiều tác phẩm kinh điển trong sân khấu cải lương là cố NSND Nguyễn Thành Châu và NSND Thanh Tòng. Nghệ sĩ Quế Trân, con gái của cố NSND Thanh Tòng đã từng lên tiếng: “Ba tôi lúc sinh thời từng muốn đốt hết những kịch bản của ông vì có nhiều nghệ sĩ sử dụng chất xám của ông với thái độ thiếu tôn trọng. Thậm chí họ đã tự ý chỉnh sửa mà không có sự đồng ý của tác giả…”.
Việc hai gia đình của hai soạn giả, đạo diễn nổi tiếng cực chẳng đã không cho phép sử dụng tác phẩm của ông, cha họ đã nói lên vấn đề nghiêm trọng đến nhường nào. Bởi trong giới sân khấu, việc trao đổi, hỏi xin phép một tác phẩm, tác giả không hề khó khăn như các loại hình khác. Nhưng phần lớn, những người làm nghề trẻ đã quên đi điều quan trọng đó là sự tôn trọng. NSƯT Trần Minh Ngọc, người đã đạo diễn nhiều tác phẩm nổi tiếng của sân khấu cho rằng có hai nguyên nhân chính của việc này: Thứ nhất, họ chạy theo áp lực thời gian, không chịu nghĩ, không chịu sáng tạo, lấy cái có sẵn của người khác làm của mình. Thứ hai chạy theo lợi nhuận, không muốn trả tiền mà muốn sử dụng miễn phí, đây là suy nghĩ ích kỷ mà người làm nghệ thuật phải tránh xa. “Tôi thấy trong đời sống sân khấu không phải tác giả nào cũng khó khăn. Nhưng những người sử dụng nó lại phớt lờ, không tôn trọng tác giả thì trách sao họ không lên tiếng phản ứng. Bản thân tôi là đạo diễn khi xin phép tác giả nổi tiếng, họ không những vui mừng mà còn tạo điều kiện cho mình dàn dựng vở diễn tốt nhất. Trong thời hiện đại không khó để liên hệ tác giả hoặc sở hữu tác phẩm. Vậy tại sao lại không tôn trọng quyền tối thiểu của họ”, NSƯT Trần Minh Ngọc nói.
Sao không đi làm “khai sinh” cho “đứa con tinh thần” của mình?
Đành rành việc vi phạm bản quyền tác giả văn học, nghệ thuật là hành vi cần lên án nhưng các tác giả cũng cần có ý thức hơn với “đứa con tinh thần” của mình. Trả lời phóng vấn Văn Hóa, đại diện Cục Bản quyền, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) đều cho rằng, vấn đề quan trọng để giải quyết thực trạng này chính là việc nâng cao ý thức bảo hộ tài sản trí tuệ. Bản thân chủ sở hữu các tác phẩm cũng cần tự ý thức trong việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của mình. Đăng ký bảo hộ quyền tác giả không chỉ giúp chủ sở hữu có quyền sử dụng chính tác phẩm của mình mà còn giúp chủ sở hữu có thể tiến hành các biện pháp hành chính và hình sự để xử lý hành vi xâm phạm bản quyền.
Khi phát hiện những vi phạm sở hữu trí tuệ, đối tượng bị xâm hại bản quyền cần đưa ngay sự việc ra cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo Điều 220, Luật Sở hữu trí tuệ, các cơ quan có trách nhiệm xử lý các vụ việc có vi phạm xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm thanh tra, các cơ quan như công an, hoặc tòa án.
Một trong những cái khó của việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại VN chính là nhận thức của các nhóm đối tượng trong xã hội về vai trò của quyền này chưa đầy đủ. Các tranh chấp liên quan tới tài sản cá nhân là quan hệ dân sự. Cơ quan hành chính, tòa án chỉ thụ lý khi bản thân tác giả có đơn khiếu kiện đến cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, khi các tác giả không lên tiếng thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ không có cơ sở để thực thi xử lý các vi phạm, vì vậy để thực hiện quyền lợi của mình khi bị xâm phạm, các tác giả cần có tiếng nói bằng văn bản gửi đến cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có giám định quyền tác giả, quyền liên quan và xử lý các hành vi vi phạm. Quan trọng nhất, chính các tác giả cần có sự chuyển dịch trong suy nghĩ và hành động để tự bảo vệ tài sản của mình, không thể chờ đợi sự phát hiện sai phạm từ phía báo chí hay sự “bảo vệ” từ các cơ quan quản lý cho “đứa con tinh thần của mình”.
Nguồn: Theo Mai Linh- Anh Đào báo Văn hóa