“Lão tướng Tuồng” Mịch Quang ra đi ở tuổi 100

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã từ trần vào 18h15 ngày 14.2.2018, hưởng thọ 100 tuổi. Mịch Quang được giới sân khấu trân trọng coi ông là “Lão tướng” của ngành Tuồng , ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2017 với hai tác phẩm:Đặc trưng nghệ thuật Tuồng và Khơi nguồn mĩ học dân tộc.

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang tên thật là Nguyễn Thế Khoán, sinh năm 1917 trong một gia đình yêu nước dòng dõi khoa bảng ở Bình Định, mảnh đất “địa linh nhân kiệt” nơi phát tích của vị anh hùng dân tộc Quang Trung và danh nhân văn hóa Đào Tấn. Kháng chiến chống Pháp, ông là cán bộ tuyên văn trung đoàn 94 ở Liên khu 5. Từ năm 1954, tập kết ra Bắc, Mịch Quang hoạt động trên nhiều lĩnh vực VHNT. Ông đã sớm tiếp thu được những tinh hoa văn hoá truyền thống của quê hương, sau bao nhiêu năm học tập, lao động sáng tạo không mệt mỏi, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã có nhiều đóng góp có giá trị trên 2 lĩnh vực: nghiên cứu và soạn giả sân khấu. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1999, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.

Ông là soạn giả có nhiều vở Tuồng và Cải lương nổi tiếng như: Giảm tô, Má Tám, Trần Hưng Đạo, Áo vải cờ đào, Phất cờ nương tử, Thanh gươm hát bội…  Các công trình nghiên cứu của ông: Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc được Giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 1995, Đặc trưng nghệ thuật Tuồng được Giải thưởng Ủy ban Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1996, Khơi nguồn mỹ học dân tộc”, “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống và hơn 80 tiểu luận đăng trên các tạp chí… từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng cho được hệ thống lý luận cơ bản của nghệ thuật dân tộc, phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc. Mịch Quang là một trong những người mở đường, đặt những viên gạch đầu tiên và đạt được những thành tựu quan trọng xây dựng sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống. Ông cũng là người đầu tiên giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Đào Tấn và trong suốt nửa thế kỷ qua vẫn tiếp tục có những công trình nghiên cứu sâu sắc về Đào Tấn – nhà yêu nước, nhà hoạt động sân khấu kiệt xuất, một nhà thơ lỗi lạc của dân tộc.

Cho đến nay, nhiều phát hiện, khám phá về nghệ thuật truyền thống dân tộc của Mịch Quang đã trở thành tài sản chung của giới nghệ thuật học dân tộc. Các khái niệm như “hiện thực tả ý”, “phương pháp mô hình hóa”, “sân khấu tổng thể tích hợp”, “tự sự kịch tính trữ tình”, “cấu trúc động mở” hay các phạm trù mỹ học dân tộc như “cái hùng”, “cái hậu”, “cái nhu” do Mịch Quang tổng kết đã được các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc có uy tín như GS Hoàng Châu Ký, GS.NSND Trần Bảng, GS Hồ Sĩ Vịnh, PGS.TS Tất Thắng, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong, GS.TS Trần Văn Khê… cùng nhiều nhà nghệ thuật học thế hệ sau vận dụng và phát triển.

Thành công nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Mịch Quang là tác phẩm Kinh dịch với nghệ thuật truyền thống (Sân khấu – Âm nhạc – Mỹ thuật) được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Hàng chục các tác phẩm vừa nghiên cứu khoa học, vừa sáng tác nghệ thuật, vừa nêu lên những kinh nghiệm quý báu của mình từ bao năm gắn bó với sân khấu của ông như chuyên luận xuất sắc về danh nhân Đào Tấn, về âm nhạc Cải lương, Bài chòi, về mỹ thuật dân tộc, những kịch bản sân khấu Kịch thơ, Tuồng, Cải lương được đánh giá cao…

Thực tiễn nghiên cứu sáng tác và biểu diễn nghệ thuật dân tộc hiện nay đang đặt ra những vấn đề bức xúc trong việc bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật của cha ông để lại. Trong tình hình đó, những công trình nghiên cứu và sáng tác của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang càng thêm có ý nghĩa và giữ nguyên giá trị thời sự, bổ ích cho những người đang hoạt động nghệ thuật dân tộc hôm nay. Thật may là trước ngày Mịch Quang mất, Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN đã phối hợp với gia đình, đồng nghiệp để tổ chức Lễ mừng thọ và Hội thảo “100 năm Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang” đã có những đánh giá khoa học về những công lao đóng góp trong sự nghiệp của ông đối với ngành nghệ thuật dân tộc. Tang lễ nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang được tổ chức vào ngày 21.2.2018 (tức ngày 6 tháng Giêng âm lịch) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

“Những kịch bản của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang sáng tác từ ngôn ngữ đến cấu trúc, hình tượng nhân vật được ông đầu tư rất công phu, đặc biệt là nhân vật người phụ nữ. Điểm mạnh của Mịch Quang là ông biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa những mảng miếng, trò diễn của Tuồng truyền thống như Thượng thành, Qua ải, Ngũ biến… để nâng lên làm bà đỡ cho các lớp trò”.
(NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)

 ​”Tôi đã tìm thấy cảm hứng và thích thú, kính phục “lão tướng Tuồng” Mịch Quang trong suy nghĩ, lý giải những vấn đề “hóc búa” ở mỗi công trình. Cũng vì các công trình của ông từ lý luận đến các vở tuồng đều mang tính phản biện rất cao và luôn là người phát hiện vấn đề. Đây chính là yếu tố quan trọng đã đưa Mịch Quang thành “đại bút” trong ngành nghiên cứu nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại”.

(PGS.TS Trần Trí Trắc)

 

 

Nguồn: Theo Đào Anh  vanhoaonline.vn