Tại Festival Huế 2010, lần đầu tiên Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế trình diễn chương trình Lễ nhạc Phật giáo (tại Liễu Quán tối 9.6) và múa “Lục cúng hoa đăng” (7.6 tại chùa Từ Đàm) đúng như nguyên bản.
Nét độc đáo của tán, tụng VN
Lễ nhạc Phật giáo Huế trình diễn tại Festival Huế 2010 với ba nội dung chính: Lễ Bật Phật khai kinh (trình với đức phật những công việc mở đầu); Lễ Bạt độ giải oan (nhổ sạch gốc rễ oan gia) và Lễ đăng đàn chẫn tế (cầu nguyện cho những hương hồn không nơi nương tựa).
Lễ nhạc Phật giáo không những giữ vị trí quan trọng trong kho tàng âm nhạc dân tộc ta mà còn được bạn bè thế giới đón nhận. Năm 1997, Lễ nhạc Phật giáo Huế được mời sang dự Festival Âm nhạc trí tưởng tượng tại Đài Phát thanh Pháp. Năm 1998, một lần nữa Lễ nhạc Phật giáo Huế được mời trình diễn tại Nhà Văn hoá thế giới Paris (Pháp). Buổi trình diễn đã được ghi lại và phát hành 20 nghìn đĩa. Với thời lượng 90 phút, đĩa này đã được các nhà nghiên cứu thế giới bình chọn là 1 trong 10 đĩa CD hay nhất năm 98 về âm nhạc Phật giáo.
Hoà thượng Thích Giác Đạo – Phó Thư ký, Chánh văn phòng Ban trị sự Phật giáo Thừa Thiên-Huế, người có mặt trong đoàn Lễ nhạc Phật giáo Huế tại Festival Âm nhạc trí tưởng tượng tại Đài Phát thanh Pháp năm 1997 – nhớ lại: “Nhiều người Pháp khi xem chúng tôi biểu diễn xong đều có chúng nhận xét là “rất lạ với chúng tôi nhưng chúng tôi thấy tâm hồn thanh thản. Các vị sư đã đem đến cho chúng tôi một tâm linh rất Việt Nam”. Vậy cái gì đã làm nên “một tâm linh rất Việt Nam” ấy?”.
GS Trần Văn Khê nhận xét: Lễ nhạc Phật giáo Việt Nam nói chung và Huế nói riêng thuộc trường phái tán tụng Bắc tông (cùng với Ấn Ðộ, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản). Tuy có cùng trường phái, nhưng lại không có một thể nhạc Phật giáo chung cho các nước Ðông Á, như cách hát “chant grégorien” chung cho các nước Tây Âu… là bởi lời kinh giống nhau nhưng nét nhạc của các tụng, tán, tuỳ mỗi nước, mỗi vùng mà thay đổi. Ở ta, nhạc Phật giáo bắt nguồn từ nhạc dân tộc, mang hơi điệu nhạc dân gian, nhạc thính phòng, nhạc dân khấu và nhạc lễ trong cung đình VN.
Nét nhạc của các bài tụng, tán rất phong phú và tế nhị, lại thay đổi tuỳ theo miền, theo vùng. Mà thang âm, điệu thức dùng trong những bài tán, tụng rất gần thang âm điệu thức của tiếng hát ru, những điệu dân ca đặc biệt của mỗi vùng. Nhạc mang tính chất thanh thản, nghiêm trang, đôi khi buồn man mác, mà không bi lụy. Nhạc gợi một bầu không khí trang nghiêm trầm lặng, giúp cho người tụng kinh và người nghe kinh có thể tập trung tư tưởng vào nghĩa của lời kinh. Gần đây, cách tụng, tán, trong Phật giáo Việt Nam có xu hướng đi đến chỗ giản dị hoá.
Múa “Lục cúng hoa đăng” nguyên bản
Tối ngày 7.6 tại chùa Từ Đàm, điệu múa “Lục cúng hoa đăng” của nhà Phật đã làm nức lòng hàng ngàn du khách và người dân Huế. Theo Hoà thượng Thích Giác Đạo, đây là điệu múa được phục dựng thành công một cách chi tiết, tròn vẹn cả nội dung và hình thức vào năm 2003, đúng như nguyên bản của Phật giáo sau hơn 30 năm vắng bóng.
Trên nền cổ nhạc Phật giáo, điệu múa được phân bố thành 3 phần chính: Triệu thỉnh Tiên đồng bái Phật; hành đàn Song lục và chồng bình dâng phẩm cúng; kết chữ “thiên hạ thái bình” và tự quy hồi đàn. Điệu múa được 30 tăng sinh thể hiện. Theo từng điệu tán ngân nga, du dương, trầm tĩnh, tiếng kèn tiếng trống, tiếng não bạt đánh liên hồi, các vũ sinh là các vị tăng sinh được hoá trang thành các vị tiên, đầu đội mũ trang kim, mình mặc áo mã tiên, chân đeo xà phù xuất hiện kèm theo tiếng hô, ứng rất uy dũng.
Các điệu múa “Hành đàn bái Phật”, “Vấn liên đăng” (các vũ sinh kết với nhau theo hình hoa sen), “Vấn kết thằng” (vũ sinh kết với nhau theo hình sợi giây), “Vấn tứ châu” (kết với nhau tại 4 góc đàn) xen kẽ có rất nhiều điệu múa phức tạp phối hợp nhịp nhàng giữa cổ tay, cổ chân, thân mình trong cùng một điệu múa như “Hội Phật tiền”, “Nhạn giới”, “Hoa khai hoa hạp”.
Theo nhiều tài liệu Phật giáo, vũ khúc “Lục cúng hoa đăng” có tên ban đầu là “lục cúng” (6 lần cúng) có từ thời cổ, do các vị sư Ấn Độ truyền vào nước ta. Hằng năm khi vụ mùa được bội thu, tại các chùa lớn thuộc các hạt Thuận Thành, Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Thường Tín – các nơi thờ Phật Tứ Pháp – những lúc có tổ chức các lễ lớn đều biểu diễn vũ khúc này để dâng hương, hoa, đèn, trà, quả, thực lên Tam Bảo.
Ở Huế, các vị Tăng am tường và đã từng trình diễn về vũ khúc này hiện còn sống cũng chỉ biết vũ khúc “Lục cúng hoa đăng” là do chư Tổ truyền lại. Đồng thời, trong các thế hệ thầy Tổ của Phật giáo xứ Huế đều có nhiều vị rất giỏi và điêu luyện về vũ khúc này. Tuy nhiên đến đời Minh Mạng (1820 – 1840), vua sai Viện Hàn lâm học tập, tiếp nhận và sửa lại vũ khúc này thàh một vũ khúc cung đình. Cái tên “Lục cúng hoa đăng” chính thức có từ thời ấy.
So với “Lục cúng hoa đăng” của nhã nhạc cung đình Huế, điệu múa này trong Phật giáo vẫn còn bảo lưu được sự phong phú về hình thức, sự đa dạng về nội dung. Đặc biệt, chức năng, tính chất, môi trường diễn xướng và mục đích của nó vẫn còn giữ gìn trọn vẹn.
Trong khi Nhã nhạc cung đình Huế do môi trường diễn xướng không còn giữ nguyên như thời phong kiến cho nên “Lục cúng hoa đăng” của cung đình đã không còn bảo lưu được chức năng nghi lễ của nó. Công việc phục hồi hiện tại cũng chỉ đạt đến 60%. Và do mục đích giới thiệu, phục vụ du lịch là chủ yếu, nên vậy vũ khúc này chưa bao giờ được trình diễn có tính bài bản trọn vẹn.