Một thế kỷ sân khấu cải lương: Tôn vinh Thầy Ba Đợi

Thầy Ba Đợi là tên vở cải lương sẽ lên sàn diễn nhân kỷ niệm một thế kỷ ra đời sân khấu cải lương.

Vở do Nhà hát cải lương Việt Nam và Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang phối hợp thực hiện, quy tụ đến 60 diễn viên cả hai miền. Đồng đạo diễn vở Thầy Ba Đợi là NSƯT Triệu Trung Kiên – phó giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam, cũng là người khởi xướng thực hiện chương trình.

 

Nhân vật thầy Ba Đợi sẽ do 4 nghệ sĩ thể hiện: NSƯT Xuân Vinh – giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Lê Tứ và Quang Khải. – Ảnh: GIA TIẾN, LINH ĐOAN, NVCC 

Vừa vào Sài Gòn trong hành trình “du Nam” hai tháng để chỉ đạo thực hiện vở diễn, anh có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ.
– Tôi cùng tác giả kịch bản đã ấp ủ ý tưởng về vở diễn hơn một năm nay. Là người hoạt động trong lĩnh vực cải lương, tôi luôn mong muốn làm chương trình gì đó ý nghĩa nhân kỷ niệm một thế kỷ sân khấu cải lương ra đời.
Rất may tôi đã được sự ủng hộ của NSND Trần Ngọc Giàu (chỉ đạo nghệ thuật), soạn giả Hoàng Song Việt (trưởng ban tổ chức). Có nhiều vị tiền bối có công trong việc hình thành nên bộ môn nghệ thuật độc đáo này.
Tuy nhiên thầy Ba Đợi (tên thường gọi của nhạc sư Nguyễn Quang Đại) đóng vai trò quan trọng nhất. Có thể nói không có nhạc sư Nguyễn Quang Đại có thể đã không có sân khấu cải lương. Một người có công trạng như thế nhưng các thế hệ hậu sinh vẫn còn ít người biết về ông.
Tìm kiếm mọi tư liệu về nhạc sư Nguyễn Quang Đại
* Vở diễn lần này quy tụ diễn viên cả hai miền Nam – Bắc. Anh có cảm thấy áp lực?
– Khi chưa vào đây tôi khá lo lắng, nhiều lúc thấy hoảng. Tuy nhiên, hiện tại có vẻ ổn vì anh em nghệ sĩ trong này ủng hộ rất nhiệt tình.
Mọi người nói sân khấu cải lương trong này đang có rất nhiều khó khăn, nên anh em rất vui và sẵn sàng đón nhận, khuyến khích những dự án hay, tốt dành cho cải lương.
Về diễn viên, phía Bắc có NSND Vương Hà, NSND Hoàng Đạt, NSƯT Xuân Vinh… Phía Nam có NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hùng Minh, NSƯT Quế Trân…
Hiện tại chúng tôi thuê một căn chung cư ở đường Võ Văn Kiệt (Q.1) để anh em phía Bắc vào có nơi nghỉ, đây cũng là nơi các nghệ sĩ tập luyện trước khi đưa êkip ra ráp với sân khấu. Như vậy anh em nghệ sĩ sẽ có khoảng 1 tháng rưỡi tập luyện vở diễn.
* Tư liệu về nhạc sĩ Ba Đợi còn rất ít, anh có gặp khó khăn trong quá trình xây dựng kịch bản?
– Tôi và tác giả kịch bản từng về đình Vạn Phước (Long An) – nơi đặt bài vị của nhạc sư Nguyễn Quang Đại – để tìm hiểu nhưng tiếc là không có nhiều tư liệu.
Tôi tìm đọc khá nhiều và nhờ anh em trong giới, trong đó có nhạc sĩ Tám Kỳ, thạc sĩ Huỳnh Khải, ai có tài liệu hay nhờ hỗ trợ, vì vậy trong kịch bản này gần như những tư liệu nào có được về ông chúng tôi đều tận dụng hết. Bên cạnh tư liệu, chúng tôi có sử dụng thủ pháp hư cấu nghệ thuật.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ là tác giả kịch bản Thầy Ba Đợi sau một số kịch bản anh đã viết cho nhà hát chúng tôi như Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế, Hừng đông…
Anh viết cảnh nào xong là chúng tôi chuyển ngay cho anh Hoàng Song Việt và anh Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương. Anh Việt là soạn giả phía Nam giàu kinh nghiệm, nên đã góp phần làm kịch bản thêm đậm đà màu sắc văn hóa vùng miền Nam Bộ.
Tiếp tục các dự án tập trung nghệ sĩ hai miền
* Sau một loạt vở diễn có sự tham gia của xã hội hóa như Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế, Vua Phật, Hừng đông, Ni sư Hương Tràng…, các anh có tiếp tục “cả gan” thực hiện xã hội hóa 100% với vở Thầy Ba Đợi?
– Nói thật đến giờ này chúng tôi vẫn chưa vận động đủ kinh phí để thực hiện. Chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế chi phí để không quá làm phiền các nhà tài trợ.
Khát vọng của chúng tôi trong tương lai còn muốn tiếp tục “bén rễ” ở thị trường nhiều cơ hội nhưng cũng muôn vàn thách thức ở phía Nam. Anh em chúng tôi dự định tiếp tục thực hiện chương trình tập trung nghệ sĩ Bắc – Nam như thế.
Tôi cho rằng con đường tháo gỡ khó khăn cho cải lương vẫn là xã hội hóa. Ngoài Bắc gần như không có thị trường nghệ thuật, trong khi miền Nam lại có.
Cần lắm những mạnh thường quân nâng đỡ bước đầu cho những dự án tâm huyết của chúng tôi. Khi chúng tôi vượt qua khó khăn và tạo niềm tin cho khán giả về một sân khấu cải lương đã được đổi mới, khi ấy chúng tôi sẽ đi bằng chính đôi chân mình.
Về lâu dài chúng tôi mong muốn hoạt động này sẽ dành cho việc thử nghiệm những yếu tố mới. Cái mới đó không hẳn phải là những gì to tát, mà trước tiên là loại bỏ những nhược điểm khiến một số khán giả hôm nay không mặn mà với nghệ thuật cải lương.
Điều quan trọng là phải xóa bỏ được những định kiến, sự cực đoan từng làm cải lương đã khó, nay còn khó hơn.
Hãy chấp nhận cho những thử nghiệm đua nhau nở rộ. Tồn tại được hay không sẽ giống như quá trình chọn lọc tự nhiên.
4 nghệ sĩ vào vai thầy Ba Đợi
 
Vở cải lương Thầy Ba Đợi (đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên – Lê Trung Thảo) là câu chuyện về nhạc sư Nguyễn Quang Đại (1855 – không rõ năm mất).
 
Khi vua Hàm Nghi bị Pháp đày sang châu Phi, ông Đợi hưởng ứng chiếu Cần Vương vào Nam Kỳ chống Pháp, mang theo di sản quý báu là nhã nhạc cung đình Huế.
 
Trong quá trình lưu lạc, ông từng bước “dân dã hóa” âm nhạc cung đình Huế, kết hợp với dân ca Nam Bộ, vừa sáng tác vừa cải biên và hệ thống hóa để tạo thành âm nhạc tài tử được lưu giữ trong đời sống người dân Nam Bộ cho đến tận bây giờ.
 
Vở sẽ diễn vào hai đêm 28 và 29-4 tại nhà hát Bến Thành, một đêm tại tỉnh Long An, nơi đặt bài vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại, và có thể ở một số tỉnh thành phía Bắc. Các đêm diễn không bán vé.
 

Ngày 28-4, một cuộc tọa đàm khoa học với chủ đề Một thế kỷ sân khấu cải lương Việt Nam cũng sẽ được Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương tổ chức tại TP.HCM. 

Nguồn: Linh Đoan / tuoitre.vn