Nghệ sĩ Linh xẩm: Giữ hồn nghệ thuật hát Xẩm

Hát Xẩm là bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc gắn bó lâu đời với người Việt, đặc biệt là tại các địa phương đồng bằng Bắc Bộ như: Bắc Giang, Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa… Loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt này bắt nguồn và gắn bó với cuộc sống dân dã nơi thôn quê, với cuộc sống phồn hoa nơi thị thành và kẻ chợ…

Hát Xẩm là bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc gắn bó lâu đời với người Việt, đặc biệt là tại các địa phương đồng bằng Bắc Bộ như: Bắc Giang, Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa… Loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt này bắt nguồn và gắn bó với cuộc sống dân dã nơi thôn quê, với cuộc sống phồn hoa nơi thị thành và kẻ chợ…

Nghệ sĩ Linh xẩm và các “học trò” tái hiện một chiếu xẩm truyền thống
tại chương trình “Tết Việt 2018”

Tuy nhiên, từ sau những năm 1970 đến nay, hát Xẩm dần mai một và rơi vào quên lãng. Hiện nay, số lượng các chiếu xẩm hay những nghệ sĩ gắn bó với hát xẩm chỉ còn “đếm trên đầu ngón tay”. Bắt nguồn từ những nguyên nhân  đó, các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu thuộc giáo phường Đình làng Việt đã thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn hát xẩm với mong muốn gìn giữ, tiếp nối mạch chảy của hát Xẩm trong dòng chảy âm nhạc đương đại của Việt Nam. Trong đó, nghệ sĩ Đào Bạch Linh (Linh xẩm) (từ Hải Phòng) là một trong những nghệ nhân trẻ giành nhiều tâm huyết vào công cuộc gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát Xẩm. Anh cũng chính là một trong những học trò cuối cùng của nghệ nhân Hà Thị Cầu – nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20.
Anh tâm sự, “Mình đến với hát Xẩm cách đây đã hơn chục năm. Gia đình mình không có truyền thống về nghệ thuật nhưng sau khi tiếp xúc mình rất có tình cảm và yêu thích loại hình nghệ thuật này bởi nó chứa đựng rất nhiều cung bậc tình cảm hỉ, nộ, ái, ố. Đứng trước bất cứ một vấn đề gì xẩm có đầy đủ các cung bậc từ vui vẻ đến châm biếm, mỉa mai. Trước cách mạng có xẩm dân vận, trong quá trình xóa mù chữ có xẩm bình dân học vụ, hay xẩm tàu điện. Bên cạnh đó, hát xẩm có môi trường diễn xướng đặc biệt, thường ở nơi kẻ chợ, tập trung đông người như ở hội đình, hội làng, hội chùa… Như vậy, các nghệ nhân đã đặt vào từng câu hát xẩm rất nhiều tình cảm và loại hình nghệ thuật này cũng rất gần gũi với đời sống nhân dân.”
Đúng như chia sẻ của nghệ nhân Linh Xẩm, hát Xẩm là loại hình “hát nói kể chuyện”, giai điệu hình thành dựa trên thanh điệu tiếng Việt và ngữ điệu lời văn. Tính chuyên nghiệp của hát Xẩm được quy định chặt chẽ ở bốn yếu tố: tính chất văn học, làn điệu (cấu trúc âm nhạc), nhạc khí và môi trường diễn xướng. Đặc biệt, hát Xẩm có một hệ thống các làn điệu thể hiện nhiều trạng thái tình cảm khác nhau, mỗi một làn điệu đều có những nét đặc trưng riêng. Trong đó các nghệ nhân thường sử dụng 12 làn điệu, đó là: Xẩm Thập Ân, Xẩm Huê Tình, Xẩm Hà Liễu, Xẩm Ba Bậc, Xẩm Trống Quân, Xẩm Hò Khoan, Xẩm Phồn Huê, Xẩm Chợ, Xẩm Sai, Xẩm Ngâm và Hát Ai. Ngoài ra còn có làn điệu Tàu Điện do các nghệ nhân hát Xẩm hành nghề ở Hà Nội sáng tạo. Cái hay của xẩm ở chỗ nghệ nhân luôn phải vừa hát, vừa diễn tấu nhạc cụ cùng lúc. Đây cũng là đặc điểm độc đáo của nghệ thuật hát xẩm mà không phải ai cũng có thể học và thực hành.
Con đường đến với hát Xẩm của nghệ nhân Linh Xẩm cũng gặp không ít khó khăn. Trước tiên là ở trình độ thanh nhạc, sau đó là việc cân bằng giữ việc học xẩm và học đại học, và khó khăn nhất chính là việc tiếp cận những chỉ dạy của nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Anh chia sẻ: “Lúc học xẩm mình vẫn còn là sinh viên, lúc đó điều kiện đi lại không có, bởi mình theo học nghệ nhân Hà Thị Cầu ở rất xa, tận Ninh Bình. Nhưng cái khó nhất ở chỗ nghệ nhân Hà Thị Cầu là người thầy rất giỏi nhưng cụ lại không phải là cô giáo, thế nên để học được cụ rất khó. Vì vậy phải đến năm thứ 3 tôi mới “thấm” xẩm”.
Nhưng nếu như trong quá khứ Xẩm thường hát ở những nơi đông người qua lại như bến sông, bãi chợ, sân đình và hát để kiếm kế sinh nhai thì ở giai đoạn hiện nay môi trường trình diễn này đã không còn. Thay vào đó là những môi trường trình diễn mới, ít nhiều có ảnh hưởng bởi yếu tố chuyên nghiệp hóa. Việc phục dựng các làn điều cổ, việc giữ được cái cổ truyền của nghệ thuật hát xẩm trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Gắn bó với xẩm ở giai đoạn môn nghệ thuật này thoái trào, nghệ nhân Linh xẩm vẫn luôn “đau đáu” với công cuộc phục hưng hát xẩm. “Thực ra mà nói nghệ nhân hành nghề giờ gần như “tuyệt chủng”. Chúng tôi hát nhiều nhưng chủ yếu là do đam mê và vẫn phải có thêm nghề khác nữa. Hiện nay, hát xẩm đang bị mai một, trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa có nhưng hành động mạnh mẽ để vực dậy bộ môn nghệ thuật truyền thống này”, anh Linh chia sẻ.
Song hành với việc đi biểu diễn giao lưu để quảng bá và phát triển nghệ thuật hát xẩm, anh Linh vẫn thường xuyên hướng dẫn và truyền nghề cho các thành viên ở câu lạc bộ hát xẩm Hải Phòng (với khoảng hơn 20 thành viên) để cùng đàn hát cho nhau nghe và gìn giữ ngọn lửa đam mê với xẩm.
Tuy nhiên, “để giữ được nghệ thuật hát xẩm, đầu tiên mình phải làm nó sống lại với đúng khuôn mặt của nó; để phát triển nghệ thuật hát xẩm hơn nữa thì không chỉ bản thân chúng tôi phải nỗ lực mà ngay cả các cơ quan chức năng cũng phải nổ lực hỗ trợ chúng tôi biểu diễn, giao lưu, đồng thời có sự đầu tư thật xứng đáng”, anh Linh khẳng định.
 Theo: Gia Linh / cinet.vn