Nghệ sĩ sân khấu Ngày ấy… bây giờ

Năm 1963, sáu nghệ sĩ cùng đoạt giải Thanh Tâm là Bạch Tuyết, Mộng Tuyền, Trương Ánh Loan, Tấn Tài, Thanh Tú, Diệp Lang. Trong số đó, có thể nói NSƯT Bạch Tuyết là người vẫn còn làm nghề cho tới bây giờ.
Nhận giải năm 18 tuổi

Giải Thanh Tâm đến tay Bạch Tuyết khi chị đang hát cho đoàn Út Trà Ôn, vở Tàn một kiếp hoa, lúc vừa 18 tuổi. Một cô bé sớm mồ côi mẹ, rồi cha gửi đi học trường dòng, sống theo nền nếp của các ma sơ, rồi học trung học, được giới thiệu làm quen với những tay đàn cự phách như Ba Luông, Chân Vân, Vũy Chỗ, lân la xin hình nghệ sĩ sau mỗi đêm diễn cải lương, khi rảnh thì ngồi vẽ hình Út Bạch Lan, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga trên giấy cho… đỡ nhớ. Thật sự chưa bao giờ Bạch Tuyết nghĩ sẽ theo nghề hát. Vậy mà, vẫn theo, như một định mệnh.

16 tuổi bước vào cánh màn nhung, hát tỉnh được hơn 1 năm thì nghệ sĩ Út Trà Ôn đem về hát chung với ông ở đoàn Thống Nhất do ông làm bầu, khoảng 1 năm sau thì đoạt ngay giải thưởng. Con đường nghệ thuật sao mà sáng sủa đến mức ngỡ trong mơ. Chưa kể, vài năm sau đó chị lại đoạt giải Kim Khánh và được phong “Cải lương chi bảo”. Dồn dập những niềm vui…

 

NSƯT Bạch Tuyết vai Thái hậu Dương Vân Nga 

Nhưng Bạch Tuyết nói: “Thật sự tôi không quá vui như mọi người tưởng. Tôi sống với các ma sơ, quen được rèn luyện tính kỷ luật, biết kiềm chế, vui buồn gì cũng không quá bung ra, mà bình tĩnh nhận lấy. Buồn quá cũng không gục ngã, vui quá cũng không kiêu căng. Sau này khi tiếp cận Phật giáo, tôi mới biết đó là tính thiền, thong dong tâm trí”. Chị rung động nhất là lần được nghệ sĩ Thanh Nga trao tặng huy chương. Đó là người mà chị ái mộ cho mãi đến sau này.

Được giải thưởng, Bạch Tuyết vẫn không thay đổi. Chị nói: “Tôi thường lân la chơi với mấy cô chuyên múa vũ trong đoàn và mấy anh nhạc sĩ. Bởi mình vẫn còn phải học hỏi dài dài chứ không được lơ là”.

Sau giải Thanh Tâm, hợp đồng của Bạch Tuyết lên vù vù, tính ra vàng thì có thể mua mấy căn nhà một lúc. Và đoàn Dạ Lý Hương ngấp nghé mời chị. Về Dạ Lý Hương, Bạch Tuyết cùng với nghệ sĩ Hùng Cường đã làm nên “cặp sóng thần”, bán vé  không thể tả, và tốn biết bao giấy mực của báo chí. Rồi Bạch Tuyết về đoàn Tấn Tài một thời gian, sau đó ngưng hát để… đi học. Mãi đến khi nghệ sĩ Thanh Nga mất, Nhà hát Trần Hữu Trang mời chị xuất hiện trở lại trong vở Dương Vân Nga, và tiếp theo là Đời cô Lựu, lại gây một phen xôn xao dư luận.

Nghệ sĩ… tài tử

Thực sự, Bạch Tuyết không hề hát liên tục năm này qua tháng nọ, mà chị cứ đứt quãng từng chặng. Đang hát nửa năm với Út Trà Ôn, chị đòi nghỉ để ôn thi tú tài. Hồi xưa nhà nghèo, nên vừa học xong lớp đệ tứ (lớp 10 bây giờ), chị phải theo gánh hát. Đi hát mà cứ thèm học, cứ mơ trở lại trường, lấy bằng tốt nghiệp. Cho nên, khi vừa có tiền kha khá là chị nghỉ, có khi nửa năm, có khi 1 năm, thậm chí để lấy bằng cử nhân văn khoa hoặc bằng thạc sĩ, tiến sĩ, chị không ngần ngại nghỉ hát luôn mấy năm trời. Học tới chừng nào “đã” thì thôi. Chuyện hát thì còn đó, lo gì. Và mỗi lần tái xuất, chị lại có những vai rất hay, khán giả ấn tượng mạnh mẽ. Hát kiểu đó quả là… tài tử!

 

 

Nghệ sĩ Thanh Nga trao huy chương vàng Thanh Tâm cho nghệ sĩ Bạch Tuyết (trái)

Bạch Tuyết cười: “Tôi không thích làm trối chết, dù là đang giai đoạn hái ra tiền. Cứ thong dong chọn cái gì mình thích. Đời ngắn ngủi lắm, có bao nhiêu tiền cũng không bù được tri thức. Tới giờ này, tôi vẫn còn tự học bằng cách đọc rất nhiều”. Có lẽ đó là một trong những điểm khiến Bạch Tuyết khác biệt với nhiều nghệ sĩ. Có người thích thì khen chị nỗ lực vươn lên, làm tự hào cho nghệ sĩ cải lương vốn bị xem là ít học. Người không thích thì chê bai chị. Chị biết hết. Và lại cười: “Ở sao cho vừa lòng người! Mình biết mình hạnh phúc là được rồi!”.

Mấy chục năm nay, nghệ sĩ Bạch Tuyết làm giám khảo cho rất nhiều cuộc thi cải lương. Chị tìm thấy hình ảnh của mình ngày xưa, cho nên vừa nghiêm túc, công bằng, lại vừa ân cần dìu dắt. Chị dìu dắt cả những đàn em đang học ở các trường nghề có khoa văn hóa phương Đông và ở trường sân khấu chuyên nghiệp. Tranh thủ thời gian rảnh, chị viết trường ca cải lương, kịch bản cải lương, viết sách Phật giáo. Hình như chị chưa có tuổi già dù đã 66 tuổi.

Từ 1991 đến nay, giới cải lương có một giải thưởng lớn là giải Trần Hữu Trang. Thực ra, giải này là sự tiếp nối của giải Thanh Tâm (ra đời năm 1958, đến 1968 mới chấm dứt).
Sau khi ra mắt, giải Thanh Tâm trở nên danh giá trong làng sân khấu. Ngoài tiêu chuẩn ca diễn xuất sắc, giải Thanh Tâm còn đòi hỏi tiêu chuẩn đạo đức, cho nên nghệ sĩ luôn rèn luyện, phấn đấu. Việc chấm giải rất lạ, không hề có một cuộc thi nào diễn ra. Ban giám khảo sẽ đi xem tất cả các vở tuồng trong năm, chọn ra tuồng hay, nghệ sĩ giỏi rồi cuối cùng mới ngồi lại bình bầu. Vì thế, nghệ sĩ phải luôn trong tư thế “thi” suốt cả năm, hết năm này lại năm khác, hết suất này tới suất khác. Thậm chí phải luôn sống tử tế, vì chỉ cần tai tiếng là coi như bị loại.

Nghệ sĩ Thanh Nga là người duy nhất nhận giải Thanh Tâm lần đầu tiên.

Hoàng Kim
(Theo Thanh Niên)