Nghệ thuật truyền thống: Có hiểu mới yêu

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, đối với nghệ thuật truyền thống, cần sự thấu hiểu, từ đó sẽ nảy sinh tình yêu.

  “Có thể có “tình yêu sét đánh” với loại hình nghệ thuật nào đó nhưng vẫn phải hiểu mới đi đến tình yêu bền vững. Từ sự hiểu sẽ giúp mỗi người có niềm yêu thích và nuôi dưỡng đam mê để bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc”.
 Từ sân đình đến… sân trường
 Nhóm Chèo 48h ra đời năm 2014 với sứ mệnh truyền cảm hứng về nghệ thuật cổ truyền đến công chúng hiện đại, đặc biệt là giới trẻ thông qua các hình thức tiếp cận gần gũi, sáng tạo, qua đó khơi dậy niềm yêu thích, tự hào về giá trị bản sắc dân tộc, thúc đẩy những hành động bảo tồn và phát huy hiệu quả. Có thể nói, thời gian qua, chiếu chèo vốn được tổ chức ở sân đình thì nay được “trải ra” ở hội trường trường đại học (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội), thu hút không ít bạn trẻ từng chỉ chạy theo những loại hình âm nhạc thời thượng, tìm về với những giai điệu của nguồn cội.
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Ngọc dạy cách đánh trống chèo
Trong quá trình học kéo đàn nhị, đàn nguyệt, đánh trống, và luyện đôi câu hát theo làn điệu chèo cổ, nhiều bạn trẻ bỗng thấy yêu nghệ thuật truyền thống lúc nào không hay. Tham gia các chiếu chèo hàng tuần này thường lên đến hàng trăm người, minh chứng một thực tế rằng người trẻ không quay lưng với nghệ thuật truyền thống. Họ khát khao được tìm hiểu, được trải nghiệm nghệ thuật truyền thống. Thế nhưng, “trong suốt thời gian đi học ở trường, chúng em học về âm nhạc nhưng chưa từng được nghe, được dạy về chèo, xẩm, chầu văn… Đó là sự thiệt thòi khi chúng em không được tiếp xúc từ sớm để trân quý và yêu nghệ thuật truyền thống” – Ngô Văn Hảo, học viên lớp Chèo 48h bộc bạch.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng: “Văn hóa dân gian lắng đọng những trầm tích, nét đẹp. Và những gì thuộc về mỹ thuật được tích lũy hàng nghìn năm vẫn sẽ luôn được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và cách làm của Chèo 48h chính là những bước đi như vậy”.

Đầu tư xứng đáng và có cách làm tốt
Bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc cổ truyền là con đường tất yếu đối với sự phát triển âm nhạc của mỗi dân tộc trong sự hội nhập với các nền văn hóa khác trên thế giới. Tuy nhiên, việc truyền dạy âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ ở Việt Nam hiện nay còn nhiều khó khăn. Tại nhiều địa phương, những làn điệu dân ca đã được tạo dựng và gìn giữ từ bao thế hệ chỉ còn được kế thừa ở những nghệ nhân lớn tuổi. Tuy thế hệ trẻ vẫn trân trọng di sản văn hóa âm nhạc truyền thống của quê hương, nhưng không có khả năng diễn xướng một cách chính xác.

Có nhiều vở diễn đương đại lấy cảm hứng từ chất liệu âm nhạc truyền thống, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn chia sẻ: “Khi còn đi học, tôi rất ghét nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên sau khi được đi biểu diễn ở nhiều nơi, tôi nhận thấy cái mà tôi vốn ghét xưa kia mới là cái vốn quý, là ruột thịt của tôi. Giữa cộng đồng thế giới, chúng ta phải có bản sắc, chính là những làn điệu chèo, câu hát xẩm hay trích đoạn chầu văn, chứ không cần những cái giống họ. Những người trẻ nên hiểu điều này trước hết, sau đó sẽ lựa chọn thích hay không thích nghệ thuật truyền thống”.

Lý giải điều này, NSƯT Vũ Ngọc chia sẻ, nghệ thuật dân tộc, đặc trưng là tả ý, lấy cái nọ để nói cái kia. Đồng thời, hình thức sinh hoạt nghệ thuật âm nhạc dân tộc thường gắn với môi trường xã hội, lịch sử. “Thanh niên hôm nay khó có thể học thuộc và cảm thụ được hết vẻ đẹp những bài hát ví nếu không có vốn liếng trải nghiệm cuộc sống. Do đó, trong thời đại ngày nay, các nhà nghiên cứu không chỉ bảo tồn mà cần giải thích, tìm hướng đào tạo người thưởng thức. Nếu người xem chỉ cảm nhận bằng cảm tính thì không thể hiểu được cái sâu xa, ý nghĩa ẩn chứa trong các loại hình văn hóa truyền thống” – NSƯT Vũ Ngọc nói.
Thực tế, trong cuộc sống hiện đại, chèo cũng như các thể loại âm nhạc cổ truyền khác nên chấp nhận sự cạnh tranh. Văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại tồn tại song hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh nghệ thuật truyền thống chưa được coi trọng, theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, “chúng ta nên thắp lửa để người ta yêu mến văn hóa truyền thống, gìn giữ và phát triển nó. Muốn vậy, cần có sự đầu tư xứng đáng và cách làm tốt. Lực lượng nghiên cứu phải đưa ra nhiều công trình tốt hơn, nghiêm túc hơn, đi vào thực chất, khách quan. Các nhà quản lý thấu hiểu sâu sắc hơn để đưa ra những quyết sách đúng đắn”.
Nguồn: Daibieunhandan
Ý kiến bạn đọc