TP – Làm “ông bầu” vẫn đang là mốt: hết “bầu” bóng đá, lại “bầu” phim ảnh, ca nhạc… Cha đẻ của “Kể chuyện ngày mùa” cũng nhanh nhạy với thời cuộc. Gần mười năm trước Thao Giang đã lên ngôi “bầu” nhưng lại chọn một lĩnh vực thiên hạ làm ngơ: “Bầu” gánh hát xẩm.
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ – Người khôn người tới chốn lao xao”. Muốn gặp Thao Giang không khó, cứ đến Đình Hào Nam, bởi trụ sở Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam do ông sáng lập đang nằm ở đó.
Gặp nhạc sỹ mới biết tại sao ngày xưa các giảng viên âm nhạc lại chọn ông học đàn nhị (chứ không phải piano hay bất kỳ một nhạc cụ mang hơi tây nào khác).
Khuôn mặt ông rặt nét Á Đông hiền lành với cặp kính to tròn ngồ ngộ như nhân vật Nobita trong truyện tranh Nhật Bản. Chẳng biết “ông bầu” bóng đá khoái chém gió ra sao, còn “ông bầu” gánh hát xẩm Đồng Xuân hình như chẳng biết “chém gió” là gì, vừa kể chuyện ông vừa cười vui vẻ, chẳng cần che đậy sự kém tiền của mình.
Chàng nhà quê thành “phù thủy”
Sẽ may mắn cho những ai được tận thấy Thao Giang trổ tài “phù thủy” trên đàn nhị khiến nó phát ra tiếng người, xem cái cách ông búng đàn, không thể không nể. Nhưng mối duyên với đàn nhị của ông lại do… xô đẩy mà thành.
Năm 1968, ông thi đỗ vào Nhạc viện: “Chắc các thầy thấy tôi quê mùa thì cho học nhạc dân tộc. Thầy xem tay rồi phán, thằng này học nhị được, chứ tôi nào biết nhị là gì, violon là gì đâu?”.
Chẳng bao lâu, ông đã nhận ra thứ nhạc cụ mà ông đang học có phận “chiếu dưới”. Nhưng chàng trai đất Thanh Oai không chịu “bó tay” với sự sắp đặt: “Thấy các bạn chơi nhạc hiện đại lên biểu diễn độc tấu hiên ngang, tôi tự hỏi, sao nhạc cụ dân tộc lại đì đẹt thế này”.
Đem thắc mắc hỏi “lão làng” trong nghề, ông nhận được câu trả lời: “Cái này chơi nhạc khác”. Nhưng càng học ông càng không tin lời “lão làng” và nung nấu quyết tâm “nguyên lí như nhau, ta sẽ chế ra cây đàn nhị mới “đọ” được nhạc cụ tây”.
May mắn ông được gặp nhạc sỹ Lê Yên. Vị nhạc sỹ tài hoa đã củng cố niềm tin cho Thao Giang. Ông bảo: “Đàn nhị có nhiều chức năng khác nhau, có thể đánh trong dàn bát âm, trong tuồng, chèo, cải lương, dân ca… Bây giờ ta phải khai thác được khả năng diễn tấu của nó thì sẽ nâng tầm đàn nhị”.
Tác giả “Bộ đội về làng” đưa ra tấm gương khích lệ tinh thần Thao Giang: “Papagini chỉ chơi với một dây, hai dây, tại sao cậu không nhìn vào đó mà noi theo?”.
Thao Giang bắt tay vào công cuộc cách tân đàn nhị, với việc đầu tiên, học “sáng tác dân tộc” từ nhạc sỹ Lê Yên. Việc học sáng tác càng khiến ông cảm nhận sự thô sơ của nhạc cụ, cần thiết phải đổi mới.
Bài toán đặt ra: Cách tân làm sao để đàn nhị của ta khác đàn nhị Trung Quốc? “Nếu kéo lên âm sắc giống Trung Quốc thì hỏng”.
Vật lộn ngày đêm, ban đầu ông lấy dây violon đưa vào, không thành, lại sang tận Gia Lâm xin dây điện của máy bay, tuốt ra lắp vào làm dây đàn nhị, kéo thử lại thấy cứng.
Sau nhiều thử nghiệm, Thao Giang đã thắng. Dây đàn nhị mới là dây thép, thay cho dây cước, dây tơ trước đây, một cuộc cách mạng mở rộng âm vực cho đàn nhị.
Công trình này đã được Thao Giang mang đi báo cáo, triển lãm từ năm 1979 nhưng chưa bao giờ ông nghĩ tới việc đăng ký bản quyền, dù bây giờ khắp nơi từ Nam chí Bắc đều đang sử dụng công trình của ông.
(Cũng giống như việc phong tặng danh hiệu, ông không tính chuyện làm hồ sơ xin xet tặng danh hiệu NSƯT hay NSND, dù rằng, đủ tiêu chuẩn. Ông nói: “Tôi bận nhiều việc không có thời gian. Mà nếu thấy tôi xứng đáng thì xét tặng, chứ làm hồ sơ thì tôi không làm”).
Thao Giang cũng là người có công kéo đàn nhị trong đám ma ra sân khấu quốc tế đọ với nhiều nhạc cụ hiện đại khác, với tư cách nhạc cụ độc tấu. Ông từng giành huy chương trong đại hội thanh niên thế giới lần thứ 9 tại Bungari với tiếng đàn nhị. Về sáng tác, cho đến nay khó có tác phẩm độc tấu đàn nhị nào vượt qua được “Kể chuyện ngày mùa” của Thao Giang.
“Ông bầu” gánh xẩm chợ Đồng Xuân
“Cả thời thanh xuân” Hỏi Thao Giang, mất bao nhiêu năm để cách tân đàn nhị? Ông trả lời như vậy và cười. |
Tuổi trẻ bận bịu với nhị rồi lăn lộn qua nghiên cứu, giảng dạy, ở tuổi về chiều ông lại vướng vào xẩm (cũng dễ hiểu, vì nhị với xẩm, khác chi răng với môi).
Nếu cụ Hà Thị Cầu tôn vinh xẩm làng quê thì Thao Giang lại làm sống lại xẩm Hà thành, đã rơi vào quên lãng: “Từ năm 2005 tôi đã sưu tầm hát xẩm tàu điện, tôi thấy đây là di sản quí”.
Trong khi nghĩ đến xẩm không ít người liên tưởng đến ăn xin, ăn mày thì Thao Giang lại cảm nhận: “Xẩm thành thị tha thiết như dân ca Nga, đi vào lòng người êm dịu, từ từ. Nếu xẩm làng quê khai thác chất liệu ca dao cũ thì xẩm Hà thành lại hát những bài của Nguyễn Bính, Á Nam Trần Tuấn Khải… Tức là những bài hát có tác giả đàng hoàng”.
Tính bác học trong xẩm Hà thành ngày càng thu hút Thao Giang tìm hiểu. Về sau ngoài xẩm tàu điện, ông thu lượm thêm xẩm hát trên sông nước, hát trong nhà tơ (xẩm thính phòng), xẩm chợ.
Để giới thiệu diện mạo đầy đủ của xẩm Hà Nội tới công chúng, Thao Giang đã tổ chức một gánh hát biểu diễn tới 30 buổi khắp các phố cổ, vào dịp kỷ niệm Đại lễ.
Trong khi âm nhạc dân tộc và nhiều loại hình sân khấu truyền thống đang khát người xem thì con số 30 buổi diễn khắp phố cổ của gánh hát Thao Giang thật đáng nể. Gần chục năm nay, cứ thứ bảy hàng tuần, ông lại đưa gánh hát của mình biểu diễn miễn phí ở chợ Đồng Xuân.
“Ông bầu” nào cũng đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu còn khi hỏi đến tài chính Thao Giang chỉ cười: “Ồ, miễn phí mà. Không có tiền đâu”. Gặng hỏi ông cũng “bật mí”: Mỗi buổi diễn gánh hát được “tài trợ” sáu triệu đồng”.
Giật mình, nghĩ tới cát xê của mấy sao nhạc trẻ. Nghi ngờ: “Chắc buổi diễn nào anh cũng đãi khán giả món ăn như nhau, kinh phí hạn hẹp, làm sao “nấu ăn” ngon được?”.
Thao Giang lắc đầu: “Không đâu, phải đổi mới chứ. Không đổi mới thì ai chịu xem. Gần chục năm rồi, chưa có cuối tuần nào chúng tôi nghỉ diễn ở Đồng Xuân. Hồi trước mỗi buổi chỉ kéo dài một tiếng 15 phút, bây giờ lên tới hai tiếng rồi, vì yêu cầu của công chúng”.
Chẳng hiểu Thao Giang lấy đâu sức mạnh để đeo đuổi âm nhạc dân gian, vốn không thức thời: “Chúng tôi cố gắng hết sức. Chân lý cuối cùng: Nhân dân sáng tạo ra, nếu chúng ta làm tốt nhân dân nuôi dưỡng”, ông đáp.
“Sếp” không lương
“Cái mác” của Thao Giang bây giờ đủ sức lòe những kẻ hám danh lợi. Ngoài vai trò “bầu” gánh xẩm ông còn đang giữ vị trí Phó giám đốc của Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. “Chức to thế, chắc anh cũng kiếm được?”.
Ông lại cười: “Không có gì đâu. Lương của tôi lại dành để phát triển trung tâm. Tôi nói với giám đốc, giáo sư Khang (GS.TS Phạm Minh Khang), lương về hưu của chúng ta cũng tạm ổn, nên thu nhập ở đây ta dành cho các em, để nuôi nấng thế hệ trẻ”.
Hiện tại, Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đang phối hợp với Học viện Âm nhạc Huế, làm một việc vô cùng quan trọng: đào tạo hệ đại học âm nhạc dân gian, lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc nước nhà.
Có một chuyện Thao Giang kể nghe như… cổ tích: Vì lao động miệt mài, nên năm ngoái ông đổ bệnh nặng, phải nhập viện.
Đã lên bàn phẫu thuật nhưng do bác sỹ ở bộ phận gây mê có sơ suất, ông được tạm cho về. Không ngờ, từ ngày trở về, Thao Giang lại khỏe ra, như chưa từng có bệnh. Chắc vì ông “dại” nên trời thương chăng?
Không có trụ sở thì kêu Thành Hoàng
Chắc chẳng có trường học nào lại nằm trong đình như trường học do Thao Giang và những cộng sự thành lập. Nói đến cơ duyên được vào đình, vị nhạc sỹ này lại tâm đắc: “May được dân thương”.
Ông nhớ lại những ngày đầu gian khó: “Khi mới thành lập tất cả là con số không: Không người, không trụ sở, không tiền. Hồi ấy, tôi có thuê một trụ sở nhỏ để làm việc. Có vị vào thăm đã nói: “Cả trung tâm lớn thế này, mà trụ sở lại như chuồng cu”.
Thế mà đến cái chuồng cu ấy cũng không giữ được, người ta đòi nhà. Đang lúc lấn bấn, không tìm ra nơi chuyển đi, ông nói nửa đùa, nửa thật: “Phải xem Thành Hoàng ở đâu, ta tới kêu mới được”.
Chẳng ngờ hôm sau có mấy người ở đình Hào Nam đến nhờ ông luyện tập giúp cho đội văn nghệ của bà con khu vực đó. Thao Giang vui vẻ nhận lời. Cái sự hồn nhiên, nhiệt tình của ông đã giúp ông tìm ra lối thoát: Trung tâm đang bơ vơ đã có nơi an cư ngay trong đình.
Một căn nhà cấp bốn với đồ đạc đơn sơ chỉ có biển hiệu Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam là ngẩng cao kiêu hãnh nhưng Thao Giang rất đỗi hài lòng: “Từ chỗ không có trụ sở, bây giờ đã có rồi nhé. Lại ở ngay trong đình được chở che nên trung tâm lớn nhanh lắm”.
Ngoài việc đào tạo sinh viên đại học, Trung tâm của nhạc sỹ Thao Giang vẫn mở nhiều lớp học cho những ai yêu thích nghệ thuật dân tộc với mức giá “rẻ bèo”. Riêng những người yêu xẩm, Trung tâm sẵn sàng dạy miễn phí.
Báo giấy