Nhớ người hát xẩm đêm trăng

Sau khi đọc bài “Chuyện ít biết về ông Tổ nghề hát xẩm ở Việt Nam”, bạn đọc Đăng Nguyễn (Xuân Lộc, Thanh Thủy, Phú Thọ) đã có bài viết liên hệ đến ngày xưa được nghe hát xẩm trong các đêm trăng ở làng quê ông.

Một gánh hát xẩm ngày trước.

Quê tôi ở ven bờ sông Đà, người dân quanh năm ngày tháng chỉ biết cày cấy. Con người chẳng mấy ai thoát khỏi lũy tre làng. Ngày ấy đám trẻ con chúng tôi được theo chú, theo anh đi xem hát xẩm. Người hát xẩm không biết đến từ đâu, chỉ biết ông đi khắp ven sông từ làng này đến làng khác. Người hát xẩm thường là người khiếm thị, đi hát xẩm làm nghề nuôi thân. Đồ nghề của họ gồm một chiếc đàn bầu, một cây sáo trúc, một chậu đồng, một mảnh chiếu cói.

Mỗi khi người hát xẩm về làng, hàng trăm người tụ tập quây quần quanh người hát xẩm. Nhạc dạo ban đầu của người hát xẩm bằng tiếng đàn bầu nỉ non thánh thót. Tiếp đến là những câu vọng cổ, ca trù, làn điệu xẩm xoan… Sau đó “khán giả” giao duyên, mỗi người đều có những câu ca dao nghĩ trước từ nhà đem ra để nhờ người hát xẩm lên giọng ca giúp. Cứ thế đến tận khuya, trăng lên quá đỉnh đầu, trời lấm tấm sương đêm mọi người mới ra về. Nhờ những câu hát xẩm giao duyên mà có những đôi trai gái thành chồng thành vợ.

Ngày nay, không còn tiếng hát xẩm đêm trăng nữa, thay vào đó là những đoàn chèo, đoàn văn công, đoàn cải lương của tỉnh, của trung ương về phục vụ. Những ánh đèn sáng trưng, tiếng loa inh ỏi, nghệ sĩ được hóa trang lộng lẫy, điệu múa quay cuồng… nhưng tôi vẫn không quên được tiếng hát xẩm ngày xưa giữa đêm trăng thanh gió mát của làng quê yên tĩnh.

Đặng Nguyễn (Xuân Lộc, Thanh Thủy, Phú Thọ)