Những người gửi “hồn” vào Hát Then

Hát Then là loại hình nghệ thuật văn hoá dân gian luôn có sức sống khá mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái… Ngày ngày đi lên nương làm rẫy, đêm đêm lại quay quần bên bếp lửa cùng nhau hát lên những bài Then cổ như Cốc tính, Sự tích mác ngỏa, then kì yên giải hạn, cáp tơ hồng…

 

Hát Then là loại hình nghệ thuật văn hoá dân gian luôn có sức sống khá mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái… Ngày ngày đi lên nương làm rẫy, đêm đêm lại quay quần bên bếp lửa cùng nhau hát lên những bài Then cổ như Cốc tính, Sự tích mác ngỏa, then kì yên giải hạn, cáp tơ hồng…

Trải qua thời gian, điệu hát Then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu là linh hồn trong đời sống văn hóa của bà con nơi đây. Nhưng để điệu hát Then phát triển đến ngày hôm nay, một phần lớn nhờ công của những con người đã gìn giữ, thổi hồn vào điệu hát Then độc đáo này.

Hát Then, hát bằng cả tấm lòng

Từ khi được thưởng thức điệu hát Then trong một đêm biểu diễn hát Then tại Hà Nội tôi đã mê say đắm điệu hát độc đáo này. Mặc dù không lớn lên trên quê hương hát Then nhưng những bài hát Then của đồng báo các dân tộc vùng cao như ngấm vào máu khiến tôi nuôi hy vọng sẽ có một ngày được lên “vương quốc” của điệu hát nổi tiếng này để có thể nghe tiếng hát ngọt ngào từ những nghệ nhân nơi đây. May thay, nhân Liên hoan đàn Tính – hát Then lần thứ 3 được tổ chức tại tỉnh Bắc Cạn, tôi có dịp được tìm về cái nôi của làn điệu hát Then, khao khát đi tìm những nghệ nhân sống chết với nghệ thuật hát Then, đi tìm một kho tàng di sản quý và những “báu vật sống”.

Nói đến nghệ nhân hát Then, nhiều người chỉ cho chúng tôi đến gặp nghệ nhân Nông Trọng Quyết. Tiếp chuyện với chúng tôi anh Quyết rất phấn khởi. Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống hát Then tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn nhưng con đường đến với hát Then, đàn Tính của anh Nông Trọng Quyết như một thứ duyên thầm. “Từ nhỏ khi nghe hát Then tôi đã rất ấn tượng và quyết phải học cho bằng được, hát Then gắn liền với cuộc đời tôi từ đó”. Anh Quyết cho biết “Theo quan niệm dân gian, Then có nghĩa là Thiên, Thiên tức là “trời”, được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, trong đời sống của người Tày cổ, nó được dùng trong những sự kiện trọng đại hay lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn…Đồng bào Tày quan niệm, những điệu then giúp gửi lời cầu khấn đến nhà trời”.

 

Anh còn kể cho chúng tôi một truyền thuyết đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác gắn liền với môn nghệ thuật văn hóa dân gian đặc sắc này “Truyền thuyết xưa kể rằng: Cây đàn Tính có 12 dây, mỗi khi tiếng đàn Tính cất lên, cỏ cây muông thú, vạn vật trên thế gian đều bị mê hoặc. Đến cả thần tiên trên trời cũng bị mê tiếng đàn mà trở nên lười nhác, bê trễ công việc. Thấy sự nguy hiểm  của cây đàn, Ngọc Hoàng bèn sai bèn sai tước đi 10 dây, chỉ để lại 2 dây như bây giờ. Nhưng không vì thế mà đàn mất đi sức hút với con người”. “Hát Then không có đàn Tính cũng chẳng khác nào bữa cơm thiếu muối, và hát Then không có đàn Tính, điệu Then của người Tày không thể bay cao, vang xa”, anh cho biết.

Từ tình yêu với nghệ thuật hát Then, bao năm nay anh miệt mài tìm kiếm những điệu Then cổ để gửi đến những người mê hát. Nhiều lời Then cổ tưởng như đã mất được anh tìm lại, trở thành “di sản” trong kho tàng văn hoá dân tộc Tày. Không chỉ dừng lại ở ở việc sưu tầm, biên soạn, anh còn sáng tác, đặt lời cho những làn điệu Then ca ngợi tình yêu lao động, lứa đôi và tình yêu quê hương đất nước. Những điệu Then sinh động do anh sáng tác, đặt lời đã khơi dậy tình yêu, sự đam mê ở nhiều thanh niên dân tộc.  Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, anh đã giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc liên hoan hát then như: Huy chương vàng các tiết mục tấu sáo Mông và hát Then “Người chiến sĩ biên cương”, năm 1986 tại Hội diễn lực lượng vũ trang Quân khu I, Huy chương vàng tiết mục “Đêm trăng bản Mông” tại Ngày hội văn hoá các dân tộc tỉnh Thái Nguyên và gần đây đạt Huy chương vàng giọng hát dân ca dân tộc tại Liên hoan tiếng hát phát thanh truyền hình Việt Nam và là tác giả đoạt giải A đặt lời hay nhất.

9 đời dành cho Then trong một gia đình

 

Bản Tinh bé nhỏ nằm nép mình trên sườn núi, mây trắng giăng giăng bay lượn. Ở đó lúc nào cũng ngân lên tiếng hát ngọt ngào của nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền. Khi nói về hát Then, đôi mắt ông sáng lên lạ lùng. Ông cho biết, từ bé, niềm đam mê then dường như đã ngấm vào máu, vào tâm hồn. “Trong Then có nhiều loại gồm Then cầu phúc, cầu tài, lộc, Then kỳ yên giải hạn, Then buồn, vui, nhưng tất cả đều mang một âm hưởng dịu dàng, ấm cúng chất chứa bao tâm sự về cuộc sống của con người.

Dòng Then của gia đình ông được thừa nhận là một loại hình nghệ thuật tín ngưỡng cổ, thể hiển dưới ngôn ngữ hán nôm. Dòng Then cổ này hình thành trong một gia đình có dòng dõi là người hát then, nếu trong họ có người qua đời thì phải có người nối dõi” – Ông cho biết. Ông không nhớ điệu hát Then trong gia đình ông có từ khi nào, chỉ nhớ đến đời ông đã là đời thứ 9, không chỉ vậy con cháu ông đều thuộc lầu làu từng tích Then, từng làn điệu múa Then.
Biết tôi là người yêu Then, ông không ngần ngại biểu diễn một trích đoạn trong Lẩu then Phò mã. Ở cái tuổi 83 nhưng những làn điệu Then của ông vẫn say đắm  lắm, ngọt ngào lắm và làm ngất ngây những người mê điệu Then cổ.

Báu vật điệu hát Then

Tại liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính lần thứ III, chúng tôi rất ấn tượng khi nghe tác phẩm then “Cốc Tính” do nghệ nhân Lưu Đình Bạo (Xã Dương Sơn – Thị xã Bắc Kạn biểu diễn. “Cốc Tính” có nghĩa là “sự tích về cây đàn Tính” giải thích cho mọi người hiểu rằng  tại sao cây đàn Tính từ 12 dây nay chỉ còn 3 dây. Tâm sự với chúng tôi ông Bạo cho biết, ông rất tự hào khi được đại diện cho tỉnh Bắc Cạn biểu diễn điệu hát Then tại liên hoan”. Nói về hát Then, ông cho biết “Hát Then có nhiều bài bản, làn điệu. Người Tày, người Nùng không kể tuổi tác, giới tính, những người mê tín cũng như không mê tín rất thích nghe hát Then. Một vài tộc khác như người Mông, Việt ở trong vùng cũng tiếp nhận thể loại hát này trong đời sống tinh thần của mình. Lời hát theo hình thức diễn xướng tổng hợp ca nhạc. Đàn Tính, múa, diễn với nhiều tình huống khác nhau. Đảm nhiệm chức năng của một diễn viên tổng hợp. Họ vừa hát, tự đệm, vừa múa và diễn để thể hiện nội dung câu hát, đôi khi còn biểu diễn cả những trò nhai chén, dựng trứng…”
Trong nghệ thuật hát Then ở Bắc Cạn, ông Lưu Đình Bạo một nghệ nhân cao tuổi, người đang giữa một kho tàng Then cổ, sản phẩm vô giá đó hơn lúc nào hết cần phải được lưu giữa, bảo tồn và phát huy. Nói về việc lưu truyền loại hình Then bản địa này ông Bạo hiện đã truyền lại cho 2 người con trai trong gia đình những bài Then cổ truyền thống và đặc sắc nhất nhưng bên cạnh lòng tự hào vì có 8 đời theo nghề hát. Hầu hết những bài Then phổ biến mà ông vẫn thường sử dụng chính là sản phẩm mà được truyền lại từ thế hệ đi trước, điều đó chính là sự ban phước, để đời, lòng tự tôn của một dân tộc, chúng được nâng niu như một bảo bối mà ở đó chỉ có dòng họ Lưu mới biết. Sau nhiều năm cống hiến và đóng góp cho thành tựu văn hoá của tỉnh, ông Bạo được công nhận là nghệ nhân. Hai lần tham gia Liên hoan hát Then, đàn Tính toàn quốc tổ chức tại Quảng Ninh và Cao Bằng ông Bạo đều nhận giải thưởng với các tác phẩm  “Vọng én”, và “Con trẻ đầy tháng”.

Hát then là di sản văn hóa – Tại sao không ?

Hát Then vốn sản phẩm sáng tạo của rất nhiều thế hệ đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái. Trải qua thời gian, những sản phẩm văn hóa này đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng báo các dân tộc miền núi phía Bắc.  Hát Then luôn có sức sống mãnh liệt trong đời sống nhân dân. Là niềm tự hào đối với người dân tộc Tày, Nùng, Thái. Hát Then là nghệ thuật có sức lan toả mạnh mẽ. Hiện nay, một số đồng bào người Tày, Nùng, Thái ở khu vực phía Bắc, chuyển đến sinh sống ở những vùng quê mới ở các tỉnh phía cực Nam của Tổ quốc đã mang theo nghệ thuật truyền thống này và ở đó, hát Then – đàn Tính đã có sức sống của nó.

Trên thực tế, nếu chúng ta không tranh thủ khai thác để các nghệ nhân truyền dạy cho con cháu thì giá trị đặc sắc của nghệ thuật này sẽ bị mai một. Con đường giúp cho hát Then, đàn Tính luôn tồn tại và có sức sống mãnh liệt bởi hiện nay ở nhiều nơi, người dân vẫn phát huy nghệ thuật này không chỉ trên sân khấu mà còn diễn trong ngày lễ tết, tổ chức cầu an, cầu may, chúc thọ…Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để khắc phục và phát huy những thế mạnh của những nghệ nhân cao tuổi, Sở VH – TT và DL Bắc Kạn cũng đã tổ chức mời các nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy loại hình nghệ thuật này cho thế hệ trẻ. Đồng thời, tỉnh còn gắn hát Then – đàn Tính với làm du lịch, vừa góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giúp đồng bào có công ăn việc làm cải thiện cuộc sống, vừa tăng thêm phần hấp dẫn đối với du khách khi đến với Bắc Kạn.

Một thông tin đáng mừng đối với những nghệ nhân hát then nói riêng và đông đảo người mê làn điệu then nói riêng đó là Bộ VHTT&DL đã có đề xuất ý kiến sẽ xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận hát Then – đàn Tính là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Vấn đề là xây dựng vào thời điểm nào, chứ hát Then – đàn Tính hoàn toàn xứng đáng được vinh danh