Trong dòng chảy tiến lên không ngừng của đời sống xã hội, âm nhạc đương đại càng ngày càng phát triển mạnh mẽ, song song với điều này âm nhạc truyền thống dần bị lu mờ, các nghệ nhân của âm nhạc dân tộc cũng đang phải gồng mình chống đỡ với cuộc đua theo thị hiếu âm nhạc của khán giả.
Sự “ghẻ lạnh” của khán giả trẻ với âm nhạc truyền thống
Hơn 4000 năm văn hiến dựng nước và giữ nước, nền văn hóa Việt Nam dần được hình thành và phát triển với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú và độc đáo. Trong đó tâm hồn người Việt cổ được dìu dắt và xây dựng với những thể loại âm nhạc như chèo, tuồng, ca trù, hát xoan, quan họ, hát sli, hát lượn … ở miền Bắc. Những người con miền Trung lại da diết với những điệu hò, ví, dặm, nhã nhạc cung đình Huế… Người dân Nam Bộ chắc chắn không xa lạ gì với cải lương, tân cổ….
Trong số đó, Nhã nhạc Cung đình Huế, Quan họ, Ca Trù, hát xoan, Đờn ca tài tử, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của Thế giới, nhưng dường như những loại hình nghệ thuật cổ này rất ít nhận được sự chú ý, nhất là giới trẻ.
Điều này thể hiện qua các chương trình ca nhạc, các ca sĩ sẽ ưu tiên chọn nhạc thị trường, nhạc nước ngoài để biểu diễn. Những chương trình này thay vì chú trọng vào vấn đề chất giọng của ca sĩ thì trang phục và vũ đạo sẽ được đầu tư trau chuốt hơn. Thần tượng âm nhạc của giới trẻ hiện nay đa phần là các ca sĩ Hàn Quốc, các ca sĩ trẻ thường hát các ca khúc thị trường.
Những ca khúc viết về quê hương đất nước, những thể loại âm nhạc cổ chỉ còn xuất hiện trong các chương trình nghệ thuật, hay các liên hoan văn nghệ chuyên biệt. Sự hẩm hiu của loại hình âm nhạc truyền thống còn được thể hiện qua việc báo chí “ghẻ lạnh” khi những tin bài không còn nói nhiều đến các chương trình này nữa.
Sự thay đổi cần thiết nào cho âm nhạc dân tộc?
Trước thực trạng âm nhạc dân tộc đang bị lu mờ như vừa nêu, trong các cuộc Hội thảo của Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã đưa ra nhiều ý kiến mang tính xây dựng, nhưng thực sự cũng chưa khả thi với vấn đề này.
Xưa kia, khi thị trường âm nhạc chưa có sự rộng mở, du nhập nhiều yếu tố văn hóa nước ngoài, thì một lẽ tất nhiên, nhạc truyền thống như một dòng suối mát, ấp ôm nuôi dưỡng những tâm hồn trẻ. Nhưng với sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay, cùng hệ thống chương trình giáo dục dành phần nhiều cho âm nhạc đương đại thì đương nhiên vốn âm nhạc dân tộc của giới trẻ chỉ còn là những kiến thức chắp vá.
Để hiểu rõ điều này chúng ta có thể nhìn một lượt các giáo trình sư phạm từ cấp tiểu học trở lên, thời lượng dạy học cho thể loại âm nhạc dân gian không nhiều, chỉ giới hạn trong một vài bài dân ca ít ỏi. Truyền thông cũng không có xu hướng chú ý vào nhạc truyền thống, vậy thì làm sao giới trẻ có thể hiểu và yêu âm nhạc truyền thống.
Hiện nay, âm nhạc cổ truyền chỉ còn xuất hiện ở môi trường đào tạo sinh viên nhạc đặc thù, với sự chuyển mình chậm trễ, cùng những giá trị nguyên bản của nhạc dân tộc đang dần được thay thế bằng các nhạc cụ dân tộc cải tiến, những tác phẩm dân gian đa âm cũng đang làm mất dần giá trị truyền thống gốc của các thể loại nhạc dân gian.
Chúng ta có thể học hỏi như ở một số nước Châu Á khác, họ có một nền âm nhạc truyền thống đặc sắc, được nhiều bạn bè quốc tế biết đến, và đương nhiên nội lực trẻ của quốc gia họ về âm nhạc truyền thống cũng rất mạnh. Ngay ở sân bay của các nước Ấn Độ, Trung Quốc… trên kệ sách ngoài phòng chờ lúc nào cũng có những tài liệu viết về nghệ thuật dân gian nước họ, những tờ rơi giới thiệu về các chương trình âm nhạc truyền thống sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới ở đất nước họ.
Trong điều kiện hội nhập và mở cửa, với sự ảnh hưởng của nhiều luồng văn hóa khác nhau, để bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật âm nhạc dân tộc, chúng ta cần phải có những động thái cụ thể, xây dựng kế hoạch từ bộ môn âm nhạc trong nhà trường, cho đến phương thức truyền thông cho những loại hình nghệ thuật này, để mai này, những nét văn hóa đẹp nghìn đời của cha ông không bị mai một và lay lắt như hiện giờ.