NSƯT Xuân Hanh nghỉ hưu 10 năm vẫn đắm đuối với chèo

“Anh còn vấn vít tơ vương, vẫn yêu vẫn nhớ vẫn thương một người”. Câu hát chèo vọng ra từ chiếc radio trên tầng ba của khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) – nơi Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Hanh sống. Xuân Hanh thuộc thế hệ “vàng” của Nhà hát Chèo Hà Nội, là người chuyển thể kịch bản vở Quan lớn về làng – tác phẩm gây tiếng vang khi giành tới bốn Huy chương vàng tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2011.

NSUT Xuân Hanh

Về hưu tròn 10 năm, ông sống cùng con trai út trong căn nhà rộng chừng 20 m vuông. Không gian chật chội nên mọi vật dụng thiết yếu trong nhà được nghệ sĩ kê gọn, treo cao nhằm chừa diện tích đặt chiếc giường ngay gian khách. Phía cuối nhà, cây đàn nguyệt cùng ông dọc ngang đất nước nhiều năm gác gọn trên nóc tủ, bụi bám mờ trục dây. Sẵn tập kịch bản cầm trên tay, nghệ sĩ nhấp chén nước đượm giọng, cao hứng hát trích đoạn chèo ông viết chưa lâu. Không trống chầu, đàn sáo hỗ trợ, nghệ sĩ vỗ tay tạo nhịp, khi thì đung đưa theo điệu hát. Ca được một đoạn, giọng ông dần chuyển khàn đục, hụt hơi và khó ngân dài.

Tuổi gần 70, Xuân Hanh mắc chứng tiền đình gây chóng mặt, thoái hóa đốt sống cổ và nhịp tim thiếu ổn định. Vì vậy, nhiều lúc việc viết lách của nghệ sĩ bị gián đoạn. Hễ đặt bút ghi chép mươi phút là người ông bủn rủn do máu không đủ lên não. Việc đi lại của nghệ sĩ cũng bị hạn chế. Những hôm ốm mệt, ông ngồi nhà hướng dẫn học trò tập vở bằng cách hát mẫu qua điện thoại. Ông bảo: “Tôi gần như đọc trên nhịp vì đâu đủ sức nữa mà ca”. Để duy trì thể trạng, nghệ sĩ phải phụ thuộc vào nhiều loại thuốc, chi phí mỗi tháng hết hai triệu đồng.

NSUT Xuân Hanh hát trích đoạn ” Người về nơi đất cũ”

Con trai út nghệ sĩ là diễn viên của Nhà hát Chèo Hà Nội. Lịch tập, diễn bận rộn nên anh ăn cơm nhà hát nhiều hơn cơm nhà. Người dân trong khu tập thể đã quen với hình ảnh Xuân Hanh hàng sáng dậy sớm đi chợ, tay cầm mớ rau xách túi thịt, rồi xắn tay vào bếp. Người không hiểu chuyện hay thắc mắc vợ đâu mà để ông tất tả với việc nội trợ. Người rõ gia cảnh thì giục ông tái hôn, sau còn có người chăm nom lúc đau ốm.

Thơ nghệ sĩ viết tặng vợ quá cố sau hai năm bà mất.

Vợ mất 18 năm nhưng chưa một lần Xuân Hanh mảy may tính chuyện gắn bó cuộc đời với phụ nữ thứ hai. Nghệ sĩ cũng chẳng than phiền cảnh sống vừa làm cha, làm mẹ. Những lần bạn bè rỉ tai mối lái, Xuân Hanh cười xòa rồi lảng đi. Thậm chí có phụ nữ trung niên từng mạnh dạn đến nhà ngỏ ý làm thân nhưng ông tìm cách từ chối khéo bởi nghệ sĩ còn yêu vợ, canh cánh nỗi lo con trai 40 tuổi chưa yên bề gia thất.

Nghệ sĩ đa cảm, mau nước mắt khi gợi kỷ niệm về bạn đời. Ngoài đắm mình trên chiếu hát, Xuân Hanh còn thích làm thơ. Mỗi vần thơ nghệ sĩ sáng tác được ghi chép cẩn thận vào hai cuốn sổ, có mục lục và tháng năm hạ bút. Trong hơn 100 bài viết, ông dành nhiều trang giãi bày về vợ và cuộc sống đơn thân. Đọc lại dòng chữ mờ nhòe trên trang giấy ngả vàng, Xuân Hanh lạc giọng, mắt ngân ngấn. Nỗi trống trải gần hai mươi qua trong ông khó có thể san lấp. “Nhưng buồn mãi sao được, vẫn phải vui, phải sống để con cái khỏi khổ, không bơ vơ”, ông nói. Trong mắt ông, vợ là phụ nữ dung dị, tằn tiện và hết lòng quán xuyến, gánh vác công việc nhà chồng. Thuộc mẫu người thẳng tính, nóng nảy nhưng nghệ sĩ thổ lộ ông chưa bao giờ to tiếng với vợ

Dù nghỉ hưu, kép chính vang danh một thời của Nhà hát Chèo Hà Nội vẫn cặm cụi gắn bó nghệ thuật cổ truyền. Ông dành thời gian vào nghiên cứu, chuyển thể tác phẩm kịch nói sang thể loại chèo. Hiện tại, ông cùng đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang chuẩn bị dàn dựng vở Người về nơi đất cũ cho Nhà hát Chèo Quân đội.

Mới đây, NSƯT Xuân Hanh có tên trong danh sách đặc cách xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Biết tin, người dân khu tập thể mừng cho ông sau nhiều lần gửi hồ sơ thất bại. Nghệ sĩ kể về đến đầu ngõ, từ thợ cắt tóc, người trông xe rối rít: “Ối trời ơi! Nghệ sĩ Nhân dân về làng”. Xuân Hanh bối rối liền cắt ngang: “Khổ quá, đó mới chỉ là vòng hai thôi, còn vòng ba, bốn nữa. Các bà chúc mừng sớm, tôi xấu hổ lắm”.

Với Xuân Hanh, bất kể danh hiệu nào cũng mang giá trị tinh thần, khích lệ người làm nghề tận tâm cống hiến. Thời diễn liên tỉnh, bát cơm và vội, mồ hôi chảy giọt trên lớp phấn dày cộp nay không còn nhưng NSƯT Xuân Hanh vẫn nhớ như in giai đoạn hoàng kim của nghề diễn. Ông gắn bó với Nhà hát Chèo Hà Nội từ năm 1985. Nhắc tới Xuân Hanh, khán giả nhớ tới vai “kép độc” (phản diện) Sararicon – công tử ngạo mạn – trong vở Mối tình Đuôngnali. Cuối những năm 1980, Xuân Hanh cùng đoàn diễn tại Đà Lạt. Nhân vật Sararicon của ông bị người xem ghét đến nỗi khi diễn viên ra chào màn, khán giả ở dưới hô hào: “Đánh chết nó đi”, thậm chí họ chỉ lên tặng hoa cho người thủ vai chính diện. Trước lời cay nghiệt của khán giả dành cho nhân vật, nghệ sĩ hạnh phúc vì bản thân đã nhập vai thành công.

Đầu những năm 1990, Nhà hát Chèo Hà Nội công diễn Ngọc Hân công chúaĐêm hội Long Trì ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội). Vở chèo ăn khách tới nỗi ngày diễn ba suất liền không nghỉ. Tranh thủ giờ giải lao, diễn viên để nguyên mặt ăn vội cơm trong cặp lồng hay lót dạ bằng bát phở, bánh mì để lấy sức diễn suất tối.

Trước khi đầu quân cho Nhà hát Chèo Hà Nội, “chàng Sararicon” nhỏ thó, gầy ốm ngày ấy trưởng thành từ phong trào văn nghệ vùng cao. Học hết lớp bảy, nghệ sĩ cao 1,43 m, nặng 43kg nên không đủ điều kiện nhập ngũ. Ông theo anh rể lên nông trường Hà Tuyên (nay là Tuyên Quang) làm công nhân. Dần dần, vì có giọng hát hay và khả năng sáng tác, Xuân Hanh lọt vào “mắt xanh” của ban lãnh đạo Đoàn Chèo Hà Nội. Buổi đầu, Xuân Hanh được giao vai chính diện – hoàng tử Pơ Liêm – trong vở Nàng Sita. Thế nhưng, điểm yếu về ngoại hình của Xuân Hanh khiến nhân vật lên sân khấu không tạo được hiệu ứng khán giả. Về sau, NSND Dương Ngọc Đức sắm cho Xuân Hanh những vai phản diện.

Giờ đây, sức yếu, nghệ sĩ ví mình như kiếp tằm trả nợ dâu. Ông lo lắng lớp diễn viên trẻ của Nhà hát dù được đào tạo bài bản, trình độ cao vẫn hát chệch nhịp, hơi không chắc chắn. Thỉnh thoảng ghé thăm đơn vị cũ, Xuân Hanh thẳng miệng mắng học trò vì diễn thiếu lửa, hời hợt khi hóa thân nhân vật.

Nguồn: Theo Trọng Trường – Giải trí/ Vnexpress