Dân ca là những bài hát cổ truyền do nhân dân sáng tác, được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác và được nhân dân ca hát theo phong tục tập quán của từng địa phương, dân tộc, để phát huy các giá trị của dân ca các dân tộc Tày, Nùng, Mông đã lưu giữ, bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ.
Dân ca có 2 thành phần quan trọng cấu thành là âm nhạc và lời ca. 2 thành phần đó gắn bó với nhau, nhưng mỗi thành phần đều có chức năng riêng và những đặc điểm riêng. Âm nhạc đã làm cho lời ca thêm uyển chuyển đậm đà bay bổng. Lời ca đưa đến người nghe tình cảm ý nhị sâu xa của đối tượng gửi gắm.
Với người Tày, qua bài Khao noọng khao nàng (Liên hoan cùng bạn gái) của đoàn quân then sau khi hoàn thành hành trình lên mường trời trở về trần gian, có cuộc liên hoan với các nàng tiên, ở Khau Các, Khau Gài, người trần cũng nhận áo nàng tiên tặng. Hát then nằm trong phạm trù dân ca, tình yêu giữa nàng tiên cùng người trần cũng chân chất mặn mà “Nghỉ ngơi búng thượng phương tam ký/ Tiên nữ liền kẻ slửa đâư đang/Noọng kẻ slửa bâư chang tức thí/Slửa noọng chao hẩư vỉ then quan/Slửa noọng nủng pây tàng au dặm/Rụ gạ pây thúc nặm bấu rằm/Slửa noọng nủng hâng văn bấu khát/Tốc khảu pầy mìn hác bấu thư/Tiên nự chao khảu mừ hử chúa/Cốc gường rẳp au slửa tức thì/Trạng lẳc bít khảu mừ tiên nự/Chả loóc như vô sự bấu yăng…” (Tạm dịch: Dừng chân nghỉ ngã ba mường trời/Tiên nữ bèn cởi áo đang mặc/Em cởi áo mớ trong tức thì/Áo em trao cho chàng quan then/Áo em mặc đi đường lấy mát/Cho dù đi gặp mưa không ướt/Áo em mặc lâu ngày không rách/Rơi vào lửa áo cũng không cháy/Tiên nữ giao vào tay cho chúa/Trưởng quan đón lấy áo tức thời/Chàng vụng cấu vào tay tiên nữ/Giả vờ như vô sự không thưa…).
Cũng từ trong dân ca hát then Tày, ta thường được nghe bài Phát tàng (Mở đường) lời đã hay hòa trong âm nhạc bay bổng, vang lên tình cảm thật hào sảng. “Tứn lố noọng păn chang/Tứn lố pỉ noọng rà/Pỏ chài hẳm mạy luông pây cón/Mẻ nhình hẳm mạy ón rèo lăng/Tàng thoỏc hẩư dân phàng/Phát tàng hẩư dân quá/Tàng nẩy tàng pây lẩy pây nà/Tàng nẩy tàng pây mà tàng tẩư/Tốc tỉ nẩy noọng chải/Công viểc lầu khoái khoái đã xong/Củ pác khuyên mọi cần cỏi nghị”. (Tạm dịch: Dậy thôi nàng văn chương/Dậy thôi anh em ta/Con trai đẵn cây to đi trước/Con gái chặt cây nhỡ theo sau/Mở đường cho dân qua/Mở đường cho dân lại/ Đường này đường đi ruộng lên nương/Đường này đường đi về nơi nọ/Đến nơi này ta nghỉ/Công việc ta nhanh nhanh đã xong/Cất lời mời chàng nàng cùng nghỉ).
Khúc hát có đàn tính đệm lời, cả gường và sở cùng những người đến xem buổi hát then đều hừng hực như cùng trong một khí thế hăng hái lên đường lao động công ích: “Phát tàng hẩư dân quá/Tàng nẩy tàng pây rẩy pây nà…” (Tạm dịch: Mở đường cho dân lại/Đường này đường đi ruộng lên nương…).
Dân ca Nùng có bài Sli Nùng Lòi nổi tiếng vì tình cảm của họ khi đã giao kết. Lời ca ban đầu chắc là chỉ của một lứa đôi (Chàng là Vàn Cồ, Quảng Uyên, nàng là Xinh Van, Hạ Lang) nhưng bài hát dân ca được lưu truyền đã trở thành tâm tình của mọi thanh niên đang tuổi yêu một thuở: “Vàn Cồ chao kít đủi Xính Van/Cừn vằn kin dú slim bố an/Vảng piền nổc tẻ bên pay nuống/Cần tẻo Quảng Uyên cần Hạ Lang…” (Tạm dịch: Hoan Ca giao kết với Thanh Hoan/Đêm ngày lòng dạ cứ bàn hoàn/Giá là chim anh tìm bay tới/Người ngả Quảng Uyên người Hạ Lang…).
Dân ca của dân tộc Mông vô cùng phong phú khi ta đọc quyển Dân ca Mèo (Mông) của Doãn Thanh sưu tầm nghiên cứu, xuất bản những năm 60 thế kỷ trước. Bài Khống mí nhủa (Ru em) thật êm ái. Trong lúc mẹ của em đang vất vả, mồ hôi rơi cùng chiếc cuốc bướm không ngừng nghỉ trên nương dốc; chắc em không hiểu nỗi cực nhọc của những bà mẹ Mông đi làm rẫy vất vả. Người chị hát, ru em ngủ giúp mẹ với những câu hát da diết: “Ơ.. ơ…Mí na h’cầu h’chẩu chi cùa tầu ơ…/Nh’tỉ da lầu chi mùa h’dua h’plê h’plẩu ơ…/Ơ mí Nhủa h’câu xênh chi cùa lau ơ…” (Tạm dịch: Em có biết nghe không/chị đang ru em/và nói những lời hát lạc quan lắm…).
Bài hát cứ lặp đi lặp lại, êm ái, kỳ diệu thay cái ngủ đưa em vào giấc mộng thơ ngây mơ hồ. Từ đó, ta có thể liên tưởng đến bài hát Vén noọng (Ru em) của người Tày “Nèn ới nen… nén noọng nén nèn/Nèn đắc nèn đí/ Nèn thả pí pây lí au pya/Nèn thả mé pây nà au luổm/Đảy tua luốm pác đeng/ Đảy tua mèng pác cắm/Au luốm cỏm mà pjầu/Au luốm lầu mà mắm/Luốm lẻp đảy soong vầu/ Luốm lầu đảy roong buốc/Nổc choóc đảy lai tua/Tua nâng pây mí ỏm…” (Tạm dịch: Ngủ ơi ngủ… Em hãy ngủ môi đỏ/Được con ve môi thâm/Muỗm cánh cộc mớm ăn bữa chiều/Muỗm cánh dài mớm em/Muỗm gầy được hai đùm/Muỗm béo được hai ống/Chim sẻ bắt nhiều con/Một con đi giặt tã…).
Người Dao tiền có nhiều bài dân ca gọi chung là dung. Tộ dung là đọc thơ có âm điệu hấp dẫn, páo dung (hát trữ tình), hạo dung… Trong đó, Dung pái là bài dân ca hỏi thăm nhau của người Dao. Hát rằng: “Chí muổn châm/Châm chây hai chiêu a hai viển a miền/Châm chây hai chiêu ô viển khe/In hò tài tháo chiêu muôn ồ chìn/Xút bú chiêu chưởng có nhụt tào a chưởng có a thìn/Chưởng lìu coong xiu doi xai mỉn/ Khuy in tài kít u phang a lìn..” (Tạm dịch: Xin hỏi em/Là khách châu nào a hay người huyện nào/Em ở châu nào huyện nào/Cớ sao em lại tới trước cửa nhà này/ Nói cho biết/Chung ánh trăng soi a chung ánh mặt trời/Rửa mặt nước suối cùng chung dòng/Ta chung lửa khói với ta chung một nhà…).
Điểm qua mấy bài dân ca trên của 4 dân tộc anh em Tày, Nùng, Mông, Dao, chúng ta có thể khẳng định mỗi dân tộc có nền dân ca phong phú, song ai cũng nhận thấy các thiếu phụ trẻ hôm nay trong các bản làng dân tộc, khi con khóc không biết hát ru cho con ngủ. Không biết sử dụng âm nhạc êm ái (dù là bài hát hiện đại) để ru con. Lỗi ấy do các bậc cha mẹ không truyền lại cho con cháu, mà cũng là lỗi ở nhận thức thời đại, có mấy người quan tâm và thấy được giá trị dân ca, tuy ai cũng biết dân ca chứa đựng bản sắc dân tộc, mà bản sắc dân tộc là thẻ căn cước vào đời của một cá nhân trong dân tộc ấy. Ví như một người Tày mà lại không biết hát một bài dân ca người Tày, sao có thể nói tôi là người Tày được?
Để phát huy các giá trị dân ca cần có tổ chức để sưu tầm. Tại tỉnh ta, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh ngày càng phát triển, thu hút những người nhiệt tình tham gia. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho công tác phát huy giá trị dân ca. Nói dân ca trước tiên là âm nhạc. Bản thân mỗi bài dân ca gồm nhiều yếu tố: Giai điệu, nhịp điệu, tiết tấu, hòa thanh, phức điệu, khúc thức… Cần tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm sưu tầm, dụng cụ chuyên dụng thu thập các bài dân ca. Mở các lớp truyền dạy rộng rãi trong nhân dân. Có như vậy mới lưu giữ, bảo tồn và phát huy được các làn điệu dân ca của từng dân tộc trường tồn với thời gian.
Theo Baocaobang.vn