Ở nước ta, nhiều vùng quê có làn điệu dân ca riêng, nhưng có lẽ Quan họ Bắc Ninh và Dân ca Nghệ Tĩnh được nhiều người yêu thích nhất. Hai làn điệu dân ca này trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại đã đáp ứng nguyện vọng của số đông thính giả.
Cái mạnh của Quan họ Bắc Ninh là trữ tình, duyên dáng…còn Dân ca Nghệ Tĩnh sâu lắng, đầy lòng thương cảm, nặng tình nặng nghĩa. Khi nói chuyện về Truyện Kiều, tôi thường lưu ý với bạn đọc rằng, một trong những yếu tố tạo nên thiên tài của Nguyễn Du là bản thân ông được giao hòa dòng máu của hai vùng văn hóa chứa hai làn điệu dân ca nổi tiếng của quê bố Nghệ Tĩnh và quê mẹ Bắc Ninh. Nhiều câu thơ viết như rút ruột của tác giả Truyện Kiều rất gần với chất thương cảm trong dân ca Nghệ Tĩnh: “Thiếp từ ngộ biến đến giờ / Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa / Bấy chầy gió táp mưa sa / Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn…” . Hoặc: “Phận bèo bao quản nước sa/ Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh”… “Chất thương cảm” này không chỉ đối với đại thi hào Nguyễn Du, mà còn là thế mạnh của nhiều nhà thơ xứ Nghệ khác. Đấy là vì từ trong dòng máu, từ trong nôi, người dân Nghệ Tĩnh đã tiếp thu đặc trưng của làn điệu dân ca quê mình, phần nhiều thể hiện qua các câu ví, giặm. Về thể loại, các nhà thơ xứ Nghệ ảnh hưởng nhiều ở thể giặm, thơ năm chữ, và với nhiều nhà thơ vùng này, tác phẩm xuất sắc nhất của họ cũng được sáng tác theo thể này, như Thăm lúa của Trần Hữu Thung và Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng theo cảm nhận của tôi, bên cạnh thể lục bát, các nhà thơ xứ Nghệ là những người thích sáng tác thể thơ ngũ ngôn hơn các nhà thơ của vùng quê khác. Ngay như khi đã có tuyệt tác Truyện Kiều theo thể lục bát rồi, có người còn viết lại tác phẩm này bằng thơ ngũ ngôn, gọi là “Kiều Giặm”!
Nhân đây tôi muốn trở lại một vấn đề mà nhiều bạn đọc quan tâm là dặm hay giặm, vì trong nhiều văn bản khác nhau, từ này thường được viết khác nhau như thế. Ta biết rằng, dân ca, xuất xứ là thể hát truyền khẩu từ người này qua người khác, khi chưa hề có văn bản. Sau đó người ta mới ghi lại để có văn bản, nghĩa là âm có trước, chữ có sau. Trong tiếng Việt hai phụ âm d và gi chỉ dùng để ghi một âm như nhau, vì vậy dặm hay giặm đều được cả. Tuy nhiên, tôi đồng ý với giáo sư Tô Ngọc Thanh, trong trường hợp này, ta nên chọn giặm, vì từ dặm vốn đã có nghĩa là một đơn vị chiều dài rồi. Và trong hồ sơ tôn vinh của UNESCO, cũng được viết là ví, giặm, chúng ta nên dựa vào. Còn tại sao lại gọi là hát giặm? Trong ngôn ngữ Nghệ Tĩnh, giặm là động từ mang ý nghĩa chèn vào, thêm vào chỗ trống, chỗ thưa. Khi ruộng lúa cấy xong bị cua cắn mất nhiều bụi, người ta phải cấy bổ sung vào, được gọi là “cấy giặm”. Trong hát giặm, lời gồm nhiều khổ thơ ngũ ngôn, mỗi khổ thường năm câu, trong đó câu thứ năm được nhắc lại nguyên xi hoặc thay vài từ của câu thứ tư, coi như câu thứ năm được giặm vào phần cuối của khổ thơ bốn câu. Đó là đặc trưng của hát giặm và trở thành tên gọi của làn điệu này.
Cũng như nhiều người con sinh ra, lớn lên ở xứ Nghệ, bài dân ca đầu tiên tôi được nghe là bài Phụ tử tình thâm. Đây là một bài hát giặm, không ai rõ tác giả và có từ thời nào, nhưng hầu như bà mẹ nào cũng thuộc để ru con, lời ru là lời thủ thỉ tâm sự dạy con luôn phải nghĩ đến công lao, tình cảm bố mẹ để lớn lên tìm cách ăn ở, cư xử cho hợp đạo làm con:
Phụ tử tình thâm
Công thầy nghĩa mẹ
Con đừng tiếng tăm nặng nhẹ
Đừng tiếng tăm nặng lời
Đừng cả tiếng dài hơi
Nói mẹ cha sao nên
Cãi mẹ thầy sao phải…
Bài hát ru này dựa chính vào điệu giặm, nhưng không cứng nhắc thể thơ ngũ ngôn và câu giặm không nhất thiết phải nằm cuối mỗi khổ thơ. Nghĩa là trong dân gian, làm điệu giặm cũng đa dạng, phong phú lắm.
Nhưng dân ca không chỉ đến với trẻ thơ bằng lời ru của mẹ, của bà… nghĩa là có những lời ca không phải sinh ra dưới mái nhà, mà đến từ phía ngoài lũy tre. Làng tôi khá gần sông Lam, ngày còn bé tí, chưa đến tuổi cắp sách đến trường, có những đêm khuya thanh vắng chợt vọng về lời hát, mà sau này tôi mới biết đó là Ví đò đưa:
Đò anh xuôi, em có muốn xuôi không
Qua Đò Rồng anh đợi, tới Vực Cung anh chờ!
Những câu hò khuya khoắt như thế cứ xa dần, xa dần và đưa tôi chìm sâu vào giấc ngủ.
Có người nhận xét rằng, tính cách người Nghệ rất quyết liệt, không thích lưng chừng, đã làm điều gì thì làm đến tận cùng, đã nói thì nói sao cho thật hết ý mình, không giữ gìn, tránh né… Tính quyết liệt đã có sẵn trong dân ca từ ngày xưa, không vùng nào có lời bộc bạch tình yêu quyết liệt như dân ca xứ Nghệ:
Em thương anh cha mẹ nỏ ưng
Chặn em đi cửa trước, em lại vòng cửa sau…
Dù đập em chín chục, một trăm
Đập rồi em đứng dậy vẫn nhất tâm lấy chàng!
Mấy ai trong tình yêu, nhất là trong dân ca, có được những lời gan ruột như thế!
Người Nghệ sống giữa quê hương gần gũi với các làn điệu dân ca như cơm ăn, nước uống và khí trời, quen đến mức có khi dường như quên đi sự tồn tại của nó! Người Nghệ xa quê thì ngược lại, trong nỗi nhớ quê có nỗi nhớ dân ca. Một người Nghệ điển hình, đạt kỷ lục về số năm xa quê là Bác Hồ, những ngày bôn ba tìm đường cứu nước cũng như khi sống ở Thủ đô với cương vị Chủ tịch nước, Bác luôn nhớ quê hương. Những năm ở chiến khu Việt Bắc, nhớ nhà không thể về được, Bác bèn trồng hai cây bông bụt, thứ cây quen thuộc của nhà Bác ở Kim Liên, bên cạnh phòng làm việc, để ngoài giờ làm việc, nhất là những buổi chiều hôm, Bác ngồi một mình nhìn cây cho vơi nỗi nhớ nhà. Còn khi ở Thủ đô, nhiều khi nhớ quay quắt một làn điệu dân ca, Bác cho mời các ca sĩ của xứ Nghệ ra hát ở Phủ Chủ tịch. Nữ nghệ sĩ Song Thao của Đoàn văn công Nghệ An là người được nhiều lần hát phục vụ Bác, chị kể rằng có khi đang hát, nhìn khuôn mặt Bác thấy những giọt lệ tụ đầy khóe mắt, làm cho mắt chị cũng rưng rưng.
Người sáng tác thêm làn điệu dân ca thành công nhất, có lẽ là ông Nguyễn Trung Phong, nguyên trưởng đoàn Văn công Nghệ An. Đó là điệu “Giận mà thương”. Rất tiếc là hơn nửa thế kỷ nay, chúng ta chưa thật công bằng trong việc ghi công ông, khi chỉ giới thiệu Giận mà thương là dân ca Nghệ Tĩnh. Giới thiệu như vậy không sai, nhưng không đủ. Sự thật bất cứ một làn điệu dân ca nào cũng do con người cụ thể sáng tác ra, rồi theo năm tháng được cộng đồng nâng cấp lên. Khi không biết được ai là tác giả thì chúng ta chỉ giới thiệu chung là dân ca. Còn điệu Giận mà thương thì khác. Năm 1958, miền bắc thành lập các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều hình thức tuyên truyền cho việc này. Có lẽ sau đấy không lâu, Nguyễn Trung Phong sáng tác vở ca kịch “Khi ban đội vắng nhà”, phần lớn dùng các giai điệu dân ca đã có, nhưng riêng đoạn người vợ khuyên chồng không nên nhân khi ban đội vắng nhà, không ai giám sát, bỏ bê công việc của hợp tác mà lên Đô Lương (ngược lường) để đi buôn (thường là buôn chè) thì ông sáng tác ra một làn điệu hoàn toàn mới, trước đó chưa từng có:
Vì thương anh nên em bàn với mẹ
Phải ngăn anh không đi chuyến ngược Lường
Giận thì giận
Mà thương thì thương…
Vì không biết xuất phát từ nội dung của vở ca kịch, nên có nhiều ca sĩ không hiểu “ngược lường” là gì, nên đã hát thành “ngược đường”. Như vậy, Nguyễn Trung Phong là người sáng tác thêm giai điệu cho dân ca xứ Nghệ thành công nhất. Về sau, nhiều nhạc sĩ phát triển dân ca xứ Nghệ để sáng tác những ca khúc đương đại. Theo nhạc sĩ Huy Thục, nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên sử dụng chất liệu dân ca xứ Nghệ khi sáng tác ca khúc là Nguyễn Tài Tuệ, với bài hát “Xa khơi”. Sau đó nhiều nhạc sĩ khác đã thành công trong công việc này như Trần Hoàn, Thuận Yến, An Thuyên…
Với tôi, một nhà thơ, có sáng tác được một số bài thơ thấm đẫm tình người, được bạn đọc thuộc lòng và tâm đắc, tôi biết rằng những bài thơ đó có nguồn cội sâu xa từ dân ca xứ Nghệ.
Vương Trọng