Sức sống bền bỉ của tuồng

Mỗi lần được đứng trên sân khấu biểu diễn trước hàng chục, hàng trăm khán giả chăm chú lắng nghe, những nghệ sĩ trót mang nghiệp với tuồng như được tiếp thêm sức mạnh.

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, tuồng vẫn có một vị thế riêng trong dòng chảy văn hóa xứ Quảng. TRONG ẢNH: Một cảnh trong vở tuồng Trần Bình Trọng do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn. (Ảnh do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cung cấp)

Làng Khánh Đức được dân xứ Thanh-Nghệ lập giữa đầu thế kỷ XIX khi vua Minh Mạng cho cắt bốn tổng của huyện Duy Xuyên và một tổng của huyện Lễ Dương (nay là huyện Thăng Bình) lập nên huyện Quế Sơn. Trong khoảng thời gian này, một nhóm nghệ sĩ hát bội từ kinh thành Huế đưa vợ con băng qua vùng đất Phú Xuân vào lập ngôi làng nhỏ trên vùng đất Khánh Đức, đặt tên Đức Giáo và lấy xướng ca làm nghề.1. Tư liệu về nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ghi rõ, giai đoạn đầu đến cuối thế kỷ XIX, trên vùng đất Quảng Nam hình thành 2 gánh hát Đức Giáo (nay thuộc xã Quế Châu, huyện Quế Sơn) và Khánh Thọ (nay là TP. Tam Kỳ); họ lưu diễn khắp nơi, từ làng trên xóm dưới, che bạt làm rạp giữa bãi làng.

Gánh Đức Giáo đi diễn khắp nơi, thỉnh thoảng được mời vào cung đình phục vụ nhà vua. Những lúc hưng thịnh, gánh chia làm 2 đội thay nhau đi biểu diễn. Nay, vùng Quế Châu,  các cụ cao niên vẫn ngâm nga câu xướng “Hữu đinh vô điền, xuất ca chi các huyện hạt, dĩ thu ngân sung nạp ngân đinh” (Có đinh mà không có ruộng, đi hát khắp các huyện hạt lấy tiền để nạp thuế đinh) hay “Đức Giáo vô địa lập chùy dĩ xướng ca vi nghệ” (Làng Đức Giáo không mảnh đất cắm dùi lấy xướng ca làm nghề) để nhắc lại một thời quá khứ vàng son của gánh hát dân gian này.

Trong khi đó, gánh hát Khánh Thọ tương truyền có từ thời Gia Long (1802-1820) do một nhóm ăn mày lập gánh mua vui rồi thành nghiệp, được xem là gánh hát của người nghèo, được yêu thích bởi sự dân dã, gần gũi với đời sống thường nhật của người dân.

Vào thời huy hoàng nhất, gánh Khánh Thọ được biết đến với những tên tuổi như ông Giờ, ông Thuyền, ông Thi, ông Trí, ông Nhi, ông Từ, Bảy Xiên, Tám Xẹo, Sáu Xẻ… Đặc biệt, thấy được nhu cầu thưởng thức của khán giả, nhiều người như ông Nhưng Ấm, ông Nhồng đã tách ra lập gánh hát riêng.

Cùng với sự hưng thịnh của Đức Giáo và Khánh Thọ, khoảng đầu thế kỷ XX, trên khắp vùng Quảng Nam-Đà Nẵng, nhiều trường tuồng, rạp hát ra đời như Chú Châu (Hội An), Bàu Toa (xã Đại Thanh, huyện Đại Lộc), Trường Tuồng Vĩnh Điện (thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn), Miếu Bông (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang)…

Lúc này, nghệ thuật tuồng có sự chuyển biến mạnh mẽ, bên cạnh nghệ thuật biểu diễn dân gian, sân khấu quần chúng đã xuất hiện thêm loại hình sân khấu giải trí, mua vui cho những khán giả có điều kiện về kinh tế.

Một thời gian dài, diễn tuồng đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân xứ Quảng. Sân bãi đầu làng, cuối xóm mỗi khi có đoàn tuồng về biểu diễn thường chật kín người xem. Thế nhưng, như nhiều loại hình giải trí khác, theo dòng lịch sử phát triển của dân tộc, nghệ thuật tuồng cũng bị ảnh hưởng, không chỉ mang nội dung truyền thống mà có xu hướng đổi mới, mở ra giai đoạn tuồng tiểu thuyết, tuồng xuân nữ, tuồng kiếm hiệp, tiếp thu những giá trị của nghệ thuật cải lương miền Nam để làm phong phú hình thức diễn tuồng. Cùng với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, nghệ sĩ tuồng đã có những vở diễn khai thác đề tài yêu nước, tiêu biểu như Kiều Quốc Sĩ, Anh Lan, chị Lan của soạn giả Tống Phước Phổ…

2. Ngày 8-6-2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là món quà quý giá với nhiều thế hệ nghệ sĩ tuồng đã và đang công tác tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Tiền thân là Đoàn tuồng Giải phóng Quảng Nam, thành lập ngày 21-7-1967 tại căn cứ kháng chiến khu V, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trải qua bề dày gần 50 năm, dàn dựng, biểu diễn khoảng 100 vở các thể loại, nội dung khác nhau từ kinh kịch, dã sử, dân gian, truyền thuyết lịch sử, truyền thống yêu nước đến đề tài hiện đại, phóng tác từ kịch bản nước ngoài…

Là người được các thế hệ sau này tôn là “hậu tổ nghề Tuồng”, Nguyễn Hiển Dĩnh đã viết và soạn lại trên 20 vở tuồng như “Phong Ba Đình”, “Lục Vân Tiên”, “Giáp kén xã nhộng”, “Lý Mã Hiền”, “Võ Hùng Vương”… Kịch tuồng của Nguyễn Hiển Dĩnh mang lời văn, lời thơ giản dị, sử dụng ca dao tục ngữ cho lời thoại ngắn gọn, súc tích.

Trọn một đời cống hiến cho nghệ thuật, Nguyễn Hiển Dĩnh đã đào tạo nhiều học trò xuất sắc, trong đó có Nguyễn Nho Túy, Chánh Đệ, Chánh Phẩm, Văn Phước Khôi, Nguyễn Lai – được triều Nguyễn phong là Ngũ Mỹ, là 5 người đóng tuồng giỏi nhất của xứ Quảng thời bấy giờ.

Bén duyên với tuồng và gặp người bạn đời của mình trong những chuyến lưu diễn, đến nay vợ chồng NSND Thu Nhân, NSƯT Cao Đình Liên dường như đã đi trọn một đời tuồng.

Với Thu Nhân, bà làm quen với môn nghệ thuật này từ năm 1969 rồi thấm dần vào máu thịt lúc nào không hay. Ngày mới vào nghề, bà ghiền tuồng đến nỗi nhiều đêm về nằm mơ thấy mình chuẩn bị diễn mà chưa thay quần áo, đến lớp học mà chưa kịp hóa trang, luống cuống sợ thầy mắng mà tỉnh ngủ.

Thời gian khó, những thế hệ nghệ sĩ đi trước như bà thường xuyên có những chuyến lưu diễn về vùng sâu vùng xa. Ban đêm rét lạnh, quần áo mang theo không đủ ấm, kê bàn ghế làm giường, khó khăn đủ bề nhưng chẳng bao giờ bà có suy nghĩ sẽ bỏ tuồng. Bà bảo, tuồng như liều thuốc mê, học tới đâu mê tới đó nên dù khó khăn cũng quyết ở lại với tuồng.

Một số nghệ sĩ ở Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh kể rằng, khi còn sống, nghệ nhân Hồ Hữu Có đã truyền dạy cho bao thế hệ nghệ sĩ hầu hết các động tác trong vũ đạo tuồng. Ông từng chia sẻ, trong tuồng, nếu đem so sánh giữa hát và điệu bộ thì kẻ tám lạng, người nửa cân. Ví như trong vở tuồng “Giáp thập điều” dịch từ kinh kịch Trung Quốc, nhân vật Hoàng Phi Hổ khi quyết định bỏ vua Trụ tàn ác ra đi mang theo tâm trạng đi cũng dở, ở không đành.

Nhân vật nếu chỉ đọc lời thoại “Lụy san san nửa đi nửa ở” mà thiếu những vũ đạo biểu hiện sự giằng co trong suy nghĩ, những cái khoát tay dứt khoát, những động tác “khán” mạnh mẽ thì khó thể hiện được nội tâm nhân vật. Diễn tuồng khó là vậy nên không phải ai bước vào nghề cũng nổi tiếng và để lại ấn tượng trong lòng khán giả.

3. Cùng với niềm vui tuồng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thời gian qua, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tiếp tục đẩy mạnh việc đưa tuồng xuống phố, đến các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với mong muốn loại hình nghệ thuật này tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả. NSƯT Phạm Thanh Tỵ, nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, mỗi năm ngoài diễn tuồng tại nhà hát từ 30 đến 40 buổi, đoàn còn tổ chức những chuyến lưu diễn theo hợp đồng hội làng, phục vụ lãnh đạo thành phố đón tiếp các đoàn khách…

Cũng theo NSƯT Thanh Tỵ, để khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ hiểu và yêu nghệ thuật tuồng không phải chuyện một sớm một chiều hoặc chỉ vài buổi tiếp xúc là xong. Bên cạnh việc đào tạo đội ngũ nghệ sĩ kế cận, người làm công tác quản lý văn hóa cần phải hình thành những thế hệ khán giả yêu sân khấu dân gian. Có như vậy tuồng mới thật sự tìm lại được chỗ đứng trong lòng dân chúng.

Trong khi khán giả Đà Nẵng dần được tiếp cận nhiều hơn với nghệ thuật tuồng thì các làng, xã ở tỉnh Quảng Nam cũng thường xuyên tìm đến Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh kèm theo lời mời diễn. Đơn cử mới đây, vợ chồng ông Đinh Hoàng Nghị, Trưởng ban đi rước ở làng Phước Thượng, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) đã đi một quãng đường dài gần 100 km ra Đà Nẵng mời đoàn tuồng về diễn trong Lễ hội mục đồng sắp diễn ra tại địa phương.

Có thể nói, mỗi lần được đứng trên sân khấu biểu diễn trước hàng chục, hàng trăm khán giả chăm chú lắng nghe đã như tiếp thêm sức mạnh cho những nghệ sĩ trót mang nghiệp với tuồng.

Nguồn: Theo Đà Nẵng Online