UBND tỉnh Bình Định vừa phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ đón bằng UNESCO công nhận nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là tin vui của 9 tỉnh miền Trung có nghệ thuật Bài Chòi, mà còn là cơ hội để chính quyền và cộng đồng chung sức bảo tồn, phát huy nghệ thuật Bài Chòi, làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Di sản độc đáo của cư dân các tỉnh Trung bộ
Bài Chòi là một trò chơi dân gian, xuất hiện cách đây khoảng 300 – 400 năm, mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng dân cư các tỉnh Trung bộ (từ Quảng Bình vào đến Khánh Hòa) thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hay lễ hội truyền thống. Người dân các tỉnh Trung bộ đều ưa chuộng loại hình nghệ thuật này. Bài Chòi lưu giữ bản sắc của cư dân bản địa với những giá trị văn độc đáo và sức sống mạnh mẽ được cộng đồng cư dân Trung bộ gìn giữ bao đời nay.
Từ trò chơi dân gian, nói tiếng nói của dân gian, chủ yếu phục vụ tầng lớp nhân dân lao động và được chính người dân kế thừa và phát triển thành nghệ thuật, Bài Chòi trở thành một loại hình sân khấu ca kịch dân gian đặc sắc của khu vực miền Trung. Trải qua mấy trăm năm, lúc thăng, lúc trầm, nhưng nghệ thuật Bài Chòi như mạch nước ngầm, luôn hiện diện trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân các tỉnh khu vực Trung bộ.
Ông tổ của Bài Chòi là nhà văn hóa Đào Duy Từ (1571 – 1634). Ông còn là nhà văn hóa, quân sự kiệt xuất dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Ông đã phát triển Bài Chòi từ kiểu “hát ống” của những người canh rẫy.
Sử sách còn ghi, phần nhiều thời gian Đào Duy Từ ở đất Tùng Châu, tức huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định ngày nay. Ông đã tổ chức để dân khai khẩn, sản xuất, chỉ huy đào sông Đào kết nối từ sông Lại Giang ra tận Tam Quan. Trong quá trình khẩn hoang, việc trồng trọt thường bị thú rừng lấn phá. Người nông dân thường dựng những chòi cao hơn 2m, vững chắc, kèm dàn âm thanh (trống, mõ, phèng la) để trấn áp, xua đuổi thú hoang. Mỗi khi có thú rừng thì khua trống, gõ mõ để thú rừng hoảng loạn, tháo chạy.
Khi nhàn rỗi, để khuây khỏa, người dân chế ra hai ống tre căng dây và bịt một đầu bằng da ếch để làm ống loa nói chuyện với nhau từ chòi này sang chòi khác, hát đối đáp qua những câu ca dao, tạo thành loại hình “hát ống”.
Ông Đào Duy Từ đã phát triển từ “hát ống” thành trò chơi “đánh bài chòi” với những lá bài và lập thành hệ thống quy củ để giải trí. Qua đó không chỉ tạo không khí vui tươi cho người dân, mà còn là kinh nghiệm răn đời, dạy người.
Bài Chòi có hai hình thức chính: Chơi Bài chòi và trình diễn Bài Chòi. Chơi Bài Chòi liên quan đến một trò chơi thẻ bài trong chòi tre vào Tết Nguyên đán.
Trong nghệ thuật Bài Chòi, thơ ca, âm nhạc, ngôn ngữ, phong tục, lối sống được chuyển tải một cách mộc mạc, tự nhiên, tạo sức hấp dẫn với công chúng. Rất nhiều tục ngữ, ca dao, bài vè… được biến tấu, diễn tả sinh động mọi cảnh đời, từ tình yêu đôi lứa đến những khúc mắc nhân tình thế thái, tạo nên sự riêng biệt của Bài Chòi. Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật Bài Chòi là các anh chị Hiệu, những nghệ nhân biểu diễn Bài Chòi đơn lẻ và những nghệ nhân làm thẻ bài.
Mở ra cơ hội mới cho địa phương có Bài Chòi
Những năm gần đây, phong trào chơi Bài Chòi, hội Bài Chòi ở khu vực miền Trung diễn ra quanh năm, từ thành thị đến nông thôn, tạo không khí vui tươi, lành mạnh.
Khi nghệ thuật Bài Chòi chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã mở ra cơ hội mới cho chính quyền và người dân phát huy nhiều hơn nữa giá trị môn nghệ thuật dân gian này trong đời sống văn hóa tinh thần.
Tại tỉnh Bình Định, việc bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật Bài Chòi được tỉnh đặt ra từ lâu như: Nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn những giá trị tiêu biểu của hát bội, Bài Chòi; truyền dạy nghệ thuật hát Bội, Bài Chòi trong cộng đồng và trường học…
Bình Định đang thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật Bài Chòi. Ngoài các đơn vị, đoàn hát Bài Chòi chuyên nghiệp, Bình Định có nhiều câu lạc bộ, điểm hát Bài Chòi dân gian thường xuyên hoạt động. Đặc biệt, tại huyện Hoài Nhơn – nơi được coi là sản sinh ra nghệ thuật đánh Bài Chòi cổ, cũng là huyện duy nhất ở Bình Định có câu lạc bộ dân ca Bài Chòi ở cả 17 xã, thị trấn và hiện đang xúc tiến thành lập câu lạc bộ Bài Chòi cấp huyện.
Mấy năm gần đây, nghệ thuật Bài Chòi không những phục vụ nhân dân, mà còn thu hút nhiều du khách đến tham gia, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng. Tại một số thành phố lớn thuộc của vùng Trung bộ, Bài Chòi đã được chính quyền đưa xuống phố, níu chân du khách thưởng thức và tham gia chơi cùng.
Ông Trịnh Công Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài Chòi thuộc Trung tâm Văn hóa Đà Nẵng cho biết, từ một thú chơi dân dã, chơi Bài Chòi đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Hiện nay, khách du lịch trong và ngoài nước tham gia chơi Bài Chòi tại Đà Nẵng ngày càng đông. Chủ trương đưa bài chòi xuống phố là ý tưởng hay, đưa những cái đẹp của nghệ thuật dân gian đến gần với người xem hơn.
Còn ở Hội An – thành phố du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, để gìn giữ nét độc đáo của nghệ thuật Bài Chòi, từ năm 1998, Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố Hội An đã mở nhiều lớp đào tạo nhạc công, diễn viên hát dân ca, Bài Chòi. Những năm sau đó, thành phố Hội An đã đưa dân ca, Bài Chòi vào trường học, mở nhiều lớp dạy hát dân ca, Bài Chòi miễn phí cho trẻ em.
Thanh Thuận
Theo baomoi.com