Tản mạn chuyện đàn Bầu

Những năm đầu thế kỉ XXI, khi đang còn công tác tại Viện Âm nhạc,  tôi có xây dựng hai đề tài nghiên cứu khoa học. Đề tài thứ nhất nghiên cứu “Lý thuyết âm nhạc cổ truyền Việt Nam”. Đề tài thứ hai nghiên cứu, xuất bản sách “Nhạc cụ các dân tộc Việt Nam”. Hai đề tài đều được đánh giá chưa cấp thiết và không được duyệt. Tuy nhiên khi lao vào viết đề cương đề tài, tôi đã có dịp sưu tầm và hệ thống các tài liệu. Nhờ vậy tôi mới có được chút kiến thức ít ỏi để gửi đến hội thảo hôm nay một số tư liệu tản mạn của tôi về đàn bầu.

Tháng 10 năm 1978, tôi được nhạc sỹ Zoãn Mẫn Trưởng phòng Sưu tầm tư liệu Viện Nghiên cứu âm nhạc lúc bấy giờ, giao cho nhiệm vụ đi tìm nghệ nhân xẩm đàn bầu, đưa về Viện thu thanh lấy tư liệu, đồng thời  chuẩn bị để nghệ nhân tham gia “Nhạc hội đàn Bầu lần thứ nhất” sẽ tổ chức tại Hà Nội vào các ngày 30 và 31 tháng 12.

Để tìm được nghệ nhân đàn bầu xẩm, tôi đến gặp bác Nguyên nghệ nhân chơi đàn hồ xẩm nổi tiếng trong giới hát xẩm Hà thành để tìm hiểu về các nghệ nhân xẩm chơi đàn bầu. Sau đôi ba câu chuyện giao đãi bác cười và nói với tôi: Xẩm đúng xẩm đàn bầu hiện nay chỉ còn có ông Thân Đức Chinh ở Bắc Giang, ông này tài ba lắm, nhưng phải vất vả mới tìm được. Tôi có gặp ông ấy đôi ba lần ở hội Lim vào những năm sáu bảy mươi. Còn xẩm trẻ hiện nay nó chơi linh tinh chẳng có bài có bản gì đâu.

Nghe theo lời chỉ dẫn của bác Nguyên, tôi lên đường đi tìm Thân Đức Chinh. Tôi đến Sở Văn Hóa Hà Bắc trình bày công việc, ngõ hầu nhận được sự giúp đỡ của Sở. Sở đã cho tôi tờ giấy giới thiệu để tiện giao dịch với các xã và cho biết, gặp được ông này khó lắm, ông ấy đi hát hết làng này sang làng khác ấy mà.

Tôi nghĩ, có đi đâu thì ông ấy cũng phải về nhà. Nghĩ vây, tôi làm vậy. Tôi tìm đến nhà ông, nhưng người nhà nói, ông ở với bà hai ở thôn bên. Tôi sang thôn bên, người hàng xóm của ông nói : vợ chồng ông ấy đi hát ở xã dưới, chiều anh xuống đấy may thì gặp được.

Nghe theo lời của ông hàng xóm, chiều hôm đó tôi tìm tới xã dưới, người dân chỉ cho tôi đường rẽ vào sân hợp tác. Gần tới sân, tôi đã nghe tiếng trống đế ròn tan gõ nhịp lưu không cho điệu Chèo. Tôi tắt máy, dựng xe tiến lại gần, ngồi xuống chỗ khán giả nghe hát. Xẩm Thân Đức Chinh ngồi trình diễn trên manh chiếu chẳng lành lặn gì; khán giả khoảng đôi ba chục  người vây quanh. Chương trình Hát Xẩm của ông có điệu Xẩm, có Chèo, có Cải Lương, có dân ca các miền, có cả khẩu thuật. Ông vừa đàn, vừa hát, vừa đánh trống, đánh bập beng. Xen giữa mỗi tiết mục là những câu chuyện bông lơn gây cười cho khán giả. Suốt từ lúc tôi tới không thấy ai bỏ về, họ ngồi tới khi ông gẩy đàn bầu dây buông câu “Chương trình của Đài chúng tôi tới đây là hết” khán giả mới lục tục đứng lên ra về trong tiếng cười vui vẻ. Tôi rất ngạc nhiên vì chẳng thấy ai cho ông tiền. Hỏi ra mới biết, Hợp tác xã đã có hẹn với ông, tiền Hợp tác xã sẽ chi.

Chỉ tiếc một điều, tôi đi điền dã lần ấy không máy ghi âm, không máy ảnh, chả nói gì đến máy quay phim, tất cả chỉ cậy vào trí nhớ. Các thủ trưởng thời bấy giờ quan niệm cứ thu thanh được các bài nhạc là đủ rồi, là hoàn thiện rồi, ai lại đi thu những điều tra điền dã rườm ra ấy làm gì. Quan niệm sưu tầm âm nhạc dân gian một thời là thế.

Hôm đó tôi ngồi với Xẩm Thân Đức Chinh nơi sân hợp tác tới hơn 6 giờ chiều, lân la hỏi hết chuyện này sang chuyện khác chung quanh nghệ thuật đàn bầu xẩm.

Ông nói, thời xưa tôi nghe các cụ kể : Vào thời nhà Đinh, vua Đinh có hai Hoàng tử, thuở bé họ thương nhau lắm, cho đến khi lớn lên, Hoàng tử em lại được vua cha chọn làm người kế vị. Hoàng tử anh tức tối, bày mưu chọc mù mắt Hoàng tử em rồi đẩy ra ngoài cổng kinh thành không cho trở về. Hoàng tử em đi lang thang rồi lạc vào rừng. Chịu đói rét, khổ cực nhiều tháng ròng, nhưng không một lời trách móc người anh. Một ngày, Hoàng tử quỳ gối cầu trời phù hộ giúp chàng thoát khỏi cảnh khổ cực nơi rừng xanh. Lời cầu nguyện của chàng thấu đến Cửu trùng. Ngọc Hoàng thượng đế sai tiên nữ giáng trần mang tặng cho chàng cây đàn một dây. Nhận đàn từ tay tiên nữ, chàng chưa kịp nói lời cám ơn tiên nữ đã bay về trời. Chàng đặt đàn lên phiến đá rồi chạm tay vào dây đàn, kì lạ, đàn phát ra muôn vàn âm thanh kì diệu. Những âm thanh kì diệu ấy đưa chàng thoát khỏi chốn rừng xanh. Chàng trở về, ngồi bên cổng kinh thành gẩy đàn. Tiếng đàn vọng đến tai Hoàng tử anh. Hoàng tử anh sai lính ra dẫn chàng vào cung. Hoàng tử nói, ngươi hãy gẩy đàn cho ta nghe. Nhận ra tiếng người nói là anh mình, Hoàng tử em cất tiếng đàn kể lại chuyện xưa. Đàn vừa dừng tiếng, thì cũng là lúc Hoàng tử anh trút hơi thở cuối cùng. Chuyện đến tai vua cha, ông lệnh đưa Hoàng tử em lên kế vị. Hoàng tử em nghĩ phận mình là người mù lòa nên từ chối và ôm đàn rời khỏi kinh thành. Từ đấy chàng đi khắp xứ sở, đàn hát cho mọi người nghe. Nghề Hát Xẩm coi Hoàng tử là tổ nghề của mình [1].

Tôi hỏi vui : Thế đàn của Hoàng tử có giống đàn của ông không ? Thân Đức Chinh vừa cười vừa nói : Chuyện thế chứ ai mà biết giống hay không. Chỉ biết nó là đàn một dây thôi. Trước đây tôi tự chế đàn bằng ống vầu đấy. Vầu ống no to, vỏ mỏng, nên tiếng kêu to. Cách đây mấy tháng cũng có ông hỏi tôi : có phải đàn bầu làm bằng quả bầu dài không. Tôi bảo, vỏ bầu nó mỏng thế làm thế nào được, chỉ làm bằng ống vầu thôi. Có khi vầu nói thành bầu khi nào chẳng hay.

Tôi quan sát cây đàn của ông vừa chơi, thì đây là cây đàn bầu hộp, có chiểu dài bằng 5 gang tay tôi (khoảng trên 1m), mặt đàn phẳng, hai đầu đàn bít kín. Vòi đàn bằng tre, dày và cứng, dài hơn hai gang tay (cỡ 50 phân). Dây đàn bằng sắt tách từ dây phanh xe đạp. Khi mắc dây, độ chếch của dây so với mặt đàn gần 35 độ. Khi chơi ông lấy đầu gối chân phải tỳ giữ hộp đàn. Trước mặt sát với hộp đàn, ông đặt một cái đấu bằng sắt tây úp sấp (thay cho trống đế), một cái bập beng nằm ngửa. Đây là hai nhạc cụ gõ ông dùng chơi cùng với tiếng đàn vào những đoạn tiền tấu, gian tấu và hậu tấu. Que gẩy đàn của ông dài chừng hơn 30 phân, to bằng chiếc đũa, một đầu thuôn nhọn. Que gẩy đàn dùng để gẩy đàn, làm búa gõ đàn và đánh nhạc cụ gõ.

Quan sát khi biểu diễn, tôi thấy ông có 3 cách chơi đàn bầu :

  • Cách thứ nhất chơi dây buông, không đánh bồi âm. Âm thanh phát ra là âm thanh thật, có ba cao độ chắp bùng binhgiống với tiếng trống cơm để đệm tiết tấu cho hát trống quân, cò lả. Ông cũng dùng cách chơi này để bắt chước giọng nói con người . Âm thanh nghe lạ tai.
  • Cách thứ hai ông dùng một que chống, đặt vào các khoảng cách khác nhau của dây đàn để nối âm thanh dây đàn xuống mặt đàn, tao ra 2 âm có cao độ khác nhau ở hai phía đầu dây. Cách này xem gần giống với cách làm trống đất trong hát Trống quân. Khi chơi, ông dùng que gẩy đàn gõ vào hai bên dây, tạo ra các âm hình tiết tấu và cả giai điệu. Tiếng nghe lanh canh như tiếng đàn 36 dây.
  • Cách thứ ba ông chơi đàn bằng cách đánh vào điểm có các bồi âm. Cách này cho tiếng đàn đẹp, chơi được các bài bản có giai điệu nhiều cao độ, phức tạp.

Ba cách chơi đàn của ông dường như chỉ tập trung vào đệm cho hát xướng, chứ không chơi theo lối nhạc không lời. Đây là cách làm rất phù hợp để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thật âm nhạc có lời của bà con nông dân – một thói quen của người dân Việt từ xa xưa cho tới ngày nay.

Chuyện của tôi với Thân Đức Chính cứ “dây cà ra dây muống”, tôi lan sang chuyện hát Trống quân. Ông nói : Tôi bị mù từ nhỏ, chẳng nhìn thấy cái trống để hát Trống quân nó ra thế nào, mà những đám hát Trống quân tôi cũng không mấy khi gặp.

Câu chuyện giữa tôi và Thân đức Chinh chấm dứt khi mặt trời đã gác đỉnh non đoài. Tôi chỉ kịp nhắc lại để ông nhớ ngày tôi sẽ lên đón ông về Viện Nghiên cứu Âm nhạc thu thanh và dự Nhạc hội đàn bầu. Ông cầm đàn gẩy dây buông câu nói : “chia tay nhé”. Tôi cúi xuống xiết chặt tay ông, rồi dắt xe, nổ máy phi về Hà Nội.

Từ bấy đến nay đã hơn 30 năm và cũng hơn 30 năm từ “Nhạc hội đàn bầu lần thứ nhất”  chưa bao giờ có “Nhạc hội đàn bầu lần thứ hai” để được gặp lại ông.

Trong “kho” kiến thức của tôi hôm nay, ông vẫn là người duy nhất có ba cách chơi đàn Bầu, đó là cách chơi dây buông,cách chơi chống dây và cách chơi bồi âm. Ông là đúng là dấu gạch nối giữa cổ và kim, là căn cứ sống động để chúng ta có thể nghiên cứu về sự phát triển của đàn bầu Việt Nam trong tiến trình lịch sử.

Năm 2009, khi Nhà xuất bản Âm nhạc mời tôi cộng tác xây dựng đề cương bộ sách 1000 năm Âm nhạc Thăng Long – Hà Nội, khi đi thu thập tư liệu tôi đã bắt gặp bức ảnh có chú thích  “Một gánh hát rong ở Hà Nội là hình ảnh sinh hoạt văn hóa của người Việt xưa” trong cuốn sách ảnh có tựa đề Hà Nội Xưa [2]. Cũng lần ấy tôi lại bắt gặp bức ảnh người chơi đàn bầu, phía dưới có chú thích “TONKIN. – Musicens aveugles” (Hà Nội. – Hai người nhạc sỹ mù). Xem kĩ lại hai bức ảnh chụp nhạc sỹ mù chơi đàn bầu ở Hà Nội những năm đầu thế kỉ XX, chúng tôi nhận thấy hộp đàn của họ bằng gỗ, cần đàn to dài ước chừng trên 60 phân (từ đất lên qua mặt), dây đàn chếch với mặt đàn khoảng 45 độ, que gẩy đàn dài ước chừng gần 30 phần. Với lối cấu trúc này, đàn bầu Xẩm những năm đầu thế kỉ XX có rất nhiều khả năng chơi dây buông là chính. Bởi nếu chơi bồi âm thì tiếng sẽ rất nhỏ. Nguyên do vì dây đàn cách quá xa mặt đàn và vòi đàn rất cứng, không thể uyển chuyển như vòi đàn của xẩm Thân Đức Chinh cuối thế kỉ XX đã có phần ngắn hơn, nhỏ hơn và mỏng hơn.

  Tonkin. – Musiciens aveugles (Hà Nội – Hai người nhạc sỹ mù)

Đối chiếu cách ngồi chơi đàn, cấu trúc cây đàn, của các nhạc sỹ Xẩm trong ảnh với cách ngồi và lối chơi dây buông của xẩm Thân Đức Chinh, chúng ta có thể nhận thấy : đàn bầu xẩm những năm đầu thế kỉ XX vẫn giữ lối chơi dây buông để đánh các âm hình tiết tấu đệm cho Hát Xẩm. Cách chơi dây buông gợi ra sự  liên tưởng tới trống đất và cách đánh trống đấttrong tục hát Trống quân được tổ chức ở các làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ vào mùa Trung thu.

Cách chơi đàn bầu dây buông là lối chơi đàn bầu ra đời trước nhất, có khởi đầu từ câu chuyện tổ nghề Xẩm chơi đàn một dây thời nhà Đinh (968-980)[3]. Rất có thể lối chơi này kéo dài suốt 802 năm cho tới năm 1770 thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765 – 1777) mới có thêm cách chơi bồi âm. Cách chơi bồi âm ra đời làm thay đổi chất lượng và phong cách nghệ thuật đàn bầu, đưa đàn bầu xâm nhập vào một số hình thức sinh hoạt âm nhạc trong cung đình. Sự xâm nhập này đã được các nhà làm sử thời Nguyễn để mắt đến và chép đàn bầu ra đời năm 1770 vào bộ sử Đại Nam Thực Lục. Bộ sử còn chép người sáng tạo ra đàn Nam cầm (đàn bầu) [4]  là Tôn Thất Dục. Nguyên Văn: “Dục hiếu học, giỏi thơ, càng tinh về thuật số và âm nhạc, tục truyền đàn Nam cầm là do Dục chế ra” [5]. Hơn một trăm năm sau, đàn bầu (Nam cầm) đã tham gia sâu rộng vào nghệ thuật ca hát thính phòng Huế. Có lẽ điều đó đã làm cho các học giả như Hoàng Yến và G. Cordier cùng cho rằng đàn Bầu được đưa vào Huế năm 1892 đến năm 1896. Nhưng thực ra nó đã có mặt ở Huế từ những năm 1770 với sự góp sức của Tôn Thất Dục và các nghệ nhân xẩm đàn bầu Hà thành.

Tìm hiểu đàn một dây thế giới, tôi tra từ điểnLa-Rút-xờ (Le petit Larousse illustré – 2001). Từ điển gọi đàn một dây làMonocorde và giải thích: Mô-nô-coóc là nhạc cụ có một dây duy nhất (Monocorde : Se dit d’un instrument de musique à une seul corde). Nếu theo giải thích này thì đàn một dây có ở rất nhiều nước trên thế giới như : Ấn Độ có đàn một dây Gopi-Yantra, Tuntina (không phím) ; Nhật Bản có đàn Ichigenkin (có phím), Campuchia có đàn Xadiu Campuchia (không phím) , Trung Quốc có đàn một dây Tushuenkin (Độc huyền cầm, có phím) ; người Bongo ở Trung Phi có đàn Arc-en-terre gọi là Thổ cung cầm (không phím) [6]. Ở Việt Nam ngoài đàn bầu một dây còn có đàn Chhay Điêu của người Khmer Nam Bộ (không phím) , đàn Kơni của người Gia rai (có phím), đàn Rabap Katoh của người Chăm (có phím) cũng là những cây đàn một dây.

Lối chơi đàn một dây mà chúng tôi được tiếp cận như đàn một dây ở Thái Lan, ở Việt Nam thì những cây đàn một dây đều chơi dây buông, dây bấm, không chơi bồi âm. Từ đấy suy ra thì chơi dây buông trên đàn bầu của Thân Đức Chính, là cách chơi đàn một dây cổ nhất của người Việt Nam còn tồn tại đến cuối thế kỉ XX. Lối chơi này đến nay không còn ai chơi được.

Trung Quốc là nước có nền văn hóa âm nhạc từ rất sớm đương nhiên họ phải có đàn một dây. Chứng cứ, Maurice Courant viết trong Lịch sử âm nhạc Trung Quốc và Triều Tiên xuất bản tại Paris năm 1913 thì “Dưới triều Tống (968-1293) và nhà Nguyên (1314-1369), trong dàn nhạc cung đình, người ta còn thấy loại đàn Độc huyền cầm” [7].

Độc huyền cầm là cách gọi của Trung Quốc để chỉ cây đàn một dây của họ. Những người có tí chữ nghĩa Hán Nôm ở Việt Nam gọi gán cho đàn bầu Việt Nam cái tên “Độc huyền cầm” của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu có gọi là “Độc huyền cầm” thì cũng phải hiểu đây là “Độc huyền cầm” chơi theo cách đánh vào các điểm có bồi âm được sáng tạo vào những năm 1770 triều Nguyễn thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765 – 1777) [8], chứ không phải đánh dây bấm như cây đàn “Độc huyền cầm” của Trung Quốc viết trong sách của Maurice Courant .

Cách đánh vào các điểm có bồi âm trên một dây đàn, cách sáng tạo ra vòi đàn mềm để dễ kéo căng dây nhằm mục đích tạo ra các cao độ khác nhau trên một âm, dễ luyến láy các âm ; cách làm ngắn que gảy đàn là sáng tạo lớn của người Việt Nam trên cây đàn bầu. Làm cho đàn Bầu từ chức năng đệm hát sang chức năng nhạc cụ hòa tấu, độc tấu.

Cùng với những sáng tạo về cách chơi đàn, các nhạc sỹ chơi đàn bầu Việt Nam còn cải tiến hình dáng và kết cấu đàn Bầu. Hiện nay đàn bầu có hai loại: Đàn bầu điện tử và đàn bầu hộp. Đàn bầu hộp, thành đàn được làm bằng gỗ dầy, cần đàn làm bằng sừng có “núm bầu” bằng gỗ, khóa đàn bằng kim loại, mặt đàn làm bằng gỗ mỏng hơi cong lên, dây đàn mắc chênh với mặt đàn khoảng trên dưới 10 độ. Đàn bầu điện tử có hình dáng tương tự như đàn bầu hộp nhưng mặt đàn làm bằng gỗ dày để chống rung, phía cuối đàn có lắp hệ thống điện tử nối với máy tăng âm. Xét về mặt mỹ thuật, đàn Bầu cải tiến có dáng đẹp, âm thanh vang, sáng, đặt trên một giá đàn thiết kế công phu, chắc chắn, giúp cho người biểu diễn ở trạng thái thoải mái nhất, không phải ngồi bệt dưới đất như Xẩm Thân Đức Chinh và những nghệ sỹ Xẩm tiền bối của ông. Sáng tạo này đã làm cho đàn bầu Việt Nam thoát khỏi sự nghèo nàn về cung bậc, âm sắc và trở thành cây đàn một dây muôn điệu, hiện đại mà vẫn bảo lưu được tính cổ xưa.

Gần một trăm năm qua, kể từ khi nghệ sỹ đàn bầu Mạnh Thắng biểu diễn đàn bầu trên sân khấu cố đô Yangon (Myanmar) , đến các cuộc lưu diễn khắp thế giới của các đoàn ca múa nhạc ở Việt Nam, các nhạc sỹ đàn bầu Việt Nam đã làm cho đàn bầu trở thành cây đàn được thế giới biết đến và yêu thích. Nhiều nhạc sỹ chơi đàn dân tộc Trung Quốc thích học đàn bầu Việt Nam. Năm 1966 khi đi biểu diễn tại Trung Quốc, nghệ sỹ đàn bầu Đức Nhuận đã  dạy cho một nghệ sỹ trung quốc học đàn bầu Việt Nam trong suốt 45 ngày . Năm 1969, khi đi lưu diễn tại Trung Quốc, các nghệ sỹ Trung Quốc lại theo học đàn bầu của nghệ sỹ đàn bầu  Đoàn Anh Tuấn. Trong số đó có một nam diễn viên của Đoàn Ca nhạc dân tộc Thượng Hải đã theo học trong hai tháng. Khi về nước, Đoàn Anh Tuấn còn tặng cho cậu học trò này một cây đàn bầu Việt Nam và một cuốn tài liệu “Hướng dẫn tự học đàn bầu” do anh biên soạn  [9].

Đến nay dường như có ai đó đang có ý định đánh tráo nơi xuất xứ và nguồn gốc đàn bầu. GS. Trần Quang Hải ở Paris gửi cho chúng tôi bài viết “Đàn bầu của Việt Nam hay của Trung Quốc” qua  trang mạng. Bài viết có câu: “Đối với việc muốn lấy đàn bầu là nhạc cụ của Trung quốc với lý do là Trung Quốc có một bộ lạc người Kinh sống ở xứ họ” [10]. Theo chúng tôi, rất có thể bộ lạc người Kinh sống ở Trung Quốc còn bảo lưu được cây đàn một dây của họ và cũng rất có thể cây đàn một dây của bộ lạc này mới được Trung Quốc “phát hiện” gần đây theo một dụng ý nhất định. Còn trước đấy các bộ sử nhạc Trung Quốc không thấy viết về đàn bầu. Còn đàn một dây mà Maurice Courant viết trong Lịch sử âm nhạc Trung Quốc và Triều Tiên xuất bản tại Paris năm 1913 là cây đàn “Độc huyền cầm” (Tushuenkin) .

Độc huyền cầm (Tushuenkin) Trung Quốc

 

“Độc huyền cầm” (Tushuenkin)  được mô tả như sau “Phía dưới bầu đàn bằng phẳng như mặt đất, mặt đàn cong cong như vòm trời, đầu đàn rộng và vuông góc, đuôi đàn thon thon và tròn như hình trứng ngỗng, hai bên thân đàn có hai chỗ lõm vào là bụng đàn và cổ đàn, ngựa đàn gọi là “núi tiên”, hai chỗ ở dưới thân đàn được coi như ao rồng và tổ phượng hoàng” [11]Đây là cây đàn một dây, có phím bấm gắn trên mặt đàn.

Theo mô tả, thì cây đàn Tushuenkin  có hình dáng khác với cây đàn bầu Xẩm và đàn bầu cách tân [12] của Việt Nam. Cách đánh đàn chắc chắn cũng khác chứ không thể là cách đánh  bồi âm như đàn bầu Việt Nam được vì nó có phím bấm, không có vòi đàn để tạo cao độ khác nhau trên một dây đàn. Vậy, không biết vô tình hay hữu ý mà đàn bầu cách tân của Việt Nam lại có trong cuốn “Từ điển Âm nhạc Trung Quốc” [13] và lại được coi là đàn một dây  củamột bộ lạc người Kinh sống ở xứ Trung Hoa với tên gọi là Đàn mạc ý ai và được mô tả gần gũi với đàn bầu xẩm và đàn bầu cách tân của Việt Nam. Xin dẫn ra đây đoạn mổ tả về đàn một dây Đàn mạc ý ai do nhà nghiên cứu Hán Nôm Đinh Văn Minh dịch trong cuốn Từ điển Âm nhạc Trung Quốc : “Độc huyền cầm (đàn một dây) là nhạc khí gẩy của dân tộc Kinh [14]. Tiếng kinh gọi đàn này là “Đàn mạc ý ai” [15]. Thân đàn bằng ống tre chẻ dọc làm đôi, lấy một nửa, dài khoảng 1 mét ; cũng có cây đàn làm bằng hộp gỗ dài hình khối chữ nhật. Đầu đàn phía tay trái, gắn cần đàn chất liệu tre hoặc sừng. Giữa cần đàn, buộc sơi dây thiếc nối với đầu bên phải thân đàn. Ở giữa cần đàn, tại nơi tiếp xúc với dây đàn, gắn hộp khuếch âm (cộng hưởng) bằng gỗ hình chiếc mũ cói. Khi diễn tấu cầm mẩu tre, gẩy vào những điểm phiếm âm [16] tương ứng trên dây đàn, tay trái tiếp xúc cần đàn, lắc sang phải hoặc trái, làm thay đổi độ căng chùng của dây đàn, tạo ra nhiều âm sắc khắc nhau và có thể làm đẹp thêm cho các làn điệu. Âm sắc loại đàn này du dương, trong trẻo, dịu dàng, giàu chất ca xướng.

Âm vực của đàn là : d1 – c3. Sau khi kéo đẩy dây đàn, âm vực có thể đạt tới c1-g3. Những năm gần đây, cây đàn này được cải tiến, người ta gắn thêm một miếng ván gỗ hình thang lên mặt đàn, có thể diễn tấu thực âm, vừa đàn được cả phiếm âm. Thêm nữa người ta còn dùng kĩ thuật khuếch đại âm thanh, càng làm phong phú thêm kĩ xảo diễn tấu và khả năng biểu hiện của loại nhạc khí này” [17]

  Đan mạc ý ai   
Đan mạc ý ai cải tiến

Xem cây đàn Đàn mạc ý ai trên đây, được in trong từ điển Âm nhạc Trung Quốc, do Nxb Âm nhạc nhân dân, ấn hành năm 1985 ở Bắc Kinh, chúng ta không khỏi ngạc nhiên vì đàn bầu Việt Nam đã được biến thành   Đàn mạc ý ai của Trung Quốc ít nhất từ năm ra đời của cuốn từ điển này. Ngẫm ra, khi Trung Quốc đã tự cho mình có Đàn mạc ý ai thì cớ gì vào những năm 60 thế kỉ XX các nghệ sỹ của họ lại phải theo học đàn bầu Việt Nam của nghệ sỹ đàn bầu Đức Nhuận và nghệ sỹ đàn bầu Đoàn Anh Tuấn (?!)

Trong lịch sử, việc dân tộc này, quốc gia này tiếp thu nhạc cụ của quốc gia khác là chuyện thường xảy ra. Giống như, các triều đại phong kiến Việt Nam tiếp thu các nhạc cụ Nhã nhạc của các triều đại Phong kiến Trung Hoa là chuyện đã xảy ra. Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam lại tiếp thu mẫu mã cây đàn nhị cải tiến của Trung Quốc, tiếp thu cách bấm dây trên đầu ngón tay khi chơi đàn nhị của Trung Quốc là chuyện bình thường của giao lưu và tiếp thu văn hóa. Chỉ có điều cần chân thật và minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, tôn trọng sự thật lịch sử, tôn trọng chủ quyền văn hóa của các quốc gia, không “mập mờ đánh lận con đen”.

Từ câu chuyện tổ nghề mà Thân Đức Chinh kể cho tôi nghe, đến cách chơi đàn bầu dây buông và bồi âm của ông ; từ sự ra đời của đàn bầu được chép trong Đại Nam Thực Lục, đến những bức ảnh chụp Xẩm đàn bầu ở Hà Nội của các nhiếp ảnh gia nước ngoài chụp vào những năm 1900 ; từ ý kiến của Hoàng Yến đến ý kiến của G. Cordier, của G. Knosp là những cắn cứ xác thực để khẳng định đàn bầu là của Việt Nam do những người khiếm thị Việt Nam sáng tạo ra. Nó đã và sẽ tiếp tục được các thế hệ những người làm nhạc Việt Nam thời nay thay nhau sáng tạo, làm cho đàn bầu ngày càng hoàn thiện và  trở thành một nhạc cụ giàu sức biểu hiện.