Tiểu sử Nghệ sĩ nhân dân quan họ Thúy Hường

Đôi nét về tiểu sử nghệ sĩ nhân dân quan họ Thúy Hường

Thúy Hường sinh ngày 01 tháng 05 năm 1967 ở xã Cách Bi, Quế Võ, Bắc Ninh. Học hết cấp 3, Hường nộp hồ sơ xin vào trường Sư phạm mẫu giáo như ý nguyện của gia đình nhưng vẫn âm thầm dự thi vào khoa âm nhạc trường Trung cấp  Văn hóa – Nghệ thuật Hà Bắc năm 1984. Giọng hát tự nhiên mộc mạc như khi ngồi trên con đê quê hương hát cùng bạn bè, nhưng lại đầy sức sống và quyến rũ, đã thuyết phục được Ban giám khảo kỳ thi năm đó. Thế là Thúy Hường vào học Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc. Sau khi tốt nghiệp Thúy Hường về Đoàn Dân ca Quan họ. Môi trường ấy đã giúp Hường không ngừng trưởng thành trên bước đường nghệ thuật. Số bài hát “lận lưng” của mẹ và dì truyền cho năm nào, nay đã được nhân lên gấp đôi mươi lần.

Hường mê dân ca từ bé. Niềm đam mê đó được bắt nguồn từ người mẹ của Hường. Bà có một chất giọng rất hay và vang như chuông. Từ nhỏ, Hường đã được nghe mẹ ru, mẹ hát rất nhiều và các làn điệu dân ca ấy cứ thấm dần và thấm đẫm vào mình như thế.

 

NSND Thúy Hường và NSND Thúy Cải

Đối với Hường nghệ thuật nói chung thì tình yêu bắt nguồn từ niềm đam mê, bên cạnh đó cần có một chút năng khiếu bẩm sinh nhưng quan trọng là sự phấn đấu và vươn lên không ngừng của người nghệ sĩ. Tình yêu Dân ca Quan họ trong Hường cũng được khơi theo dòng mạch ấy và cứ nhân lên, say cháy, lớn dần theo năm tháng.

 

Hường yêu tất cả những gì thuộc về Quan họ và Hường coi Dân ca Quan họ là lẽ sống của đời mình. Cũng nhờ Dân ca Quan họ Bắc Ninh mà tên tuổi của Hường được công chúng biết đến, được tin yêu và định vị bền vững trong lòng khán giả.

                                     Với NSND Thúy Hường quan họ đã ngấm vào máu

– Tháng 07/1987 là diễn viên Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh

– Từ 1987 đến nay gặt hái được 8 HCV cá nhân tại các hội diễn, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài nước.

– Năm 2001: được phong tặng danh hiệu NSƯT

– Năm 2012: được phong tặng danh hiệu NSND

– Đầu năm 2012: chuyển công tác về làm giảng viên thuộc khoa Dân ca Quan họ tại Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh.

Thúy Hường đã nhiều lần đem hát quan họ đi nước ngoài trình với quan khách gần xa. Nhưng nhớ lần tháp tùng Thương nhớ đồng quê đi dự Liên hoan phim ba châu lục Nantes (Pháp), LHP quốc tế Apsara (Cambodia), khán giả nước ngoài, Việt kiều tán thưởng vì đã được xem bộ phim hay về làng quê Việt Nam và hỏi cảnh thôn quê ấy còn như trong phim không, thế là Thúy Hường tranh thủ tiếp thị luôn: “Làng quê Việt Nam còn đẹp hơn thế nữa. Nếu muốn biết thêm thì xin mời quý vị sang thăm Việt Nam” và tặng thêm bài quan họ.

Gia đình:

Thúy Hường một trong những người phụ nữ rất “thuần Việt” rất tự tin trong một vẻ đẹp cũng rất tự nhiên mà tạo hóa ban cho. Hiện tại NSND Thúy Hường có một cậu con trai,  ông xã là bộ đội đã nghỉ mất sức. Thỉnh thoảng cũng đi lưu diễn cùng vợ. Thúy Hường cảm thấy thoải mái, hạnh phúc và bình yên với cuộc sống hiện tại.

Các Album

Đến nay, Thúy Hường cũng góp mặt khá nhiều CD quan họ cùng liền anh, liền chị khác, nhưng chị mới ra riêng một VCD của Hồ Gươm Audio.

Người ở đừng về
Gửi bức thư sang
Lúng liếng
Có ai xuôi về
Đào nguyên
Đêm qua nhớ bạn
Nhớ mãi khôn nguôi
Cắp nón đón đò
Bạn tình ơi
Lòng vẫn đợi chờ
Lý giao duyên
Một mình một bóng
Cây trúc xinh
Tìm người…

Khi nhìn Thúy Hường chít khăn mỏ quạ, mặc áo “mớ bảy mớ ba” thì tự nhiên  toát ra những làn điệu Quan họ cổ. Nào là: “Cây trúc xinh”, “Hoa thơm bướm lượn”, “Người ở đừng về”, “Lúng liếng”, “Nhớ mãi khôn nguôi”, “Bạn tình ơi”, “Lòng vẫn đợi chờ”, “Đêm qua nhớ bạn”. Tố chất của Quan họ, kỹ thuật hát “vang, rền, nền, nẩy” bằng sự nỗ lực học tập kiên trì rèn luyện của bản thân đã tạo nên một NSND Thúy Hường như ngày nay.

Thúy Hường đã hát trên sóng phát thanh, trên Đài Truyền hình và đã lưu diễn khắp nơi trong và ngoài nước. Rất nhiều thư của thính giả gửi về Đài TNVN đã chứng minh cho sự yêu mến giọng hát Quan họ của chị.

Bên cạnh hát Quan họ, điện ảnh cũng đến với Thúy Hường như một mối tơ duyên nhiều may mắn.

Phim ảnh:

Mặc dù Chưa từng học một ngày về diễn xuất nhưng gia tài điện ảnh với 3 vai diễn cũng đủ để nhiều diễn viên chuyên nghiệp mơ ước.

                                              Thúy Hường trong vai Ngữ “Thương Nhớ đồng quê”

  • Tần trong “Ngã ba Đồng Lộc
  • Di trong “Đầm hoang
  • Ngữ trong “Thương nhớ đồng quê

Để tìm ra Ngữ – người phụ nữ thôn quê mộc mạc, mòn mỏi chờ chồng (phim Thương nhớ đồng quê), phó đạo diễn Nhuệ Giang đã đi nhiều đoàn nghệ thuật và cuối cùng Thúy Hường được chọn. “Lần đầu đóng phim, nên ngẫm lại thấy nhiều cái ngơ ngác, ngớ ngẩn lắm”. Chẳng hạn việc khóc. Tính Thúy Hường vốn hài hước. Hôm ấy, đang kể chuyện tiếu lâm với đồng nghiệp, không hề biết đạo diễn đang suy tư nên bị “quạt” rồi bắt vào quay ngay. Hôm khác thì tập đến 12 h đêm mà vẫn chưa khóc được cảnh về nhà mẹ đẻ khóc vì bị chồng ruồng rẫy, bỏ đi biền biệt, đạo diễn bảo soi gương thì thấy mặt mày đen nhẻm, xấu quá (vì bình thường mặc trang phục quan họ phải đẹp hơn) đã …tủi thân rồi, lại NSƯT Hoàng Yến đóng vai mẹ đẻ lại cứ tỉ tê kể chuyện cảm động, thế là… xuống bếp khóc luôn. Đạo diễn bảo quay thử, nhưng sau lấy luôn làm cảnh quay thật vì quá đạt.

Ngoài vẻ hình thể khỏe khoắn, đầy nắng gió của một cô gái đồng quê thì cách diễn chân thực, dung dị đã tạo nên một Thúy Hường rất riêng trong điện ảnh. Vẫn tham gia làm phim, chứ Thúy Hường “không bao giờ bỏ quan họ, kể cả thành công lớn hơn với điện ảnh. Với nghệ sĩ Thúy Hường, điện ảnh là giấc mơ đẹp. Nhưng nếu theo điện ảnh từ đầu thì đâu có một Thúy Hường như ngày nay  Quan họ ngấm vào máu.