Nghi lễ Chầu văn, hay còn gọi là Hầu đồng là nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất với tên gọi chính thức “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại vào ngày 1/12/2016.
Giá trị tâm linh to lớn
“Tín ngưỡng thờ Mẫu” là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời của người Việt Nam, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn… là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút mọi tầng lớp trong xã hội.
Mỗi giá đồng là một lần trùm khăn đỏ, thay xiêm y, xức nước hoa, tô son, điểm phấn, đeo vòng, vấn khăn… với những điệu múa hương, múa lửa rất điệu nghệ, rồi phán truyền, hướng về “đời sống thực tại” ban hạnh phúc, tài lộc, may mắn sức khỏe… (Trong ảnh, một buổi biểu diễn chào mừng ngày “Tín ngưỡng thờ Mẫu” được UNESCO vinh danh. Ảnh: Báo Một Thế Giới)
Trong dân gian, tục thờ Mẫu có nguồn gốc từ thời Tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này kết hợp trong khái niệm Thánh Mẫu hay còn gọi là nữ thần Mẹ.
Trải qua lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển hình thành tín ngưỡng Tam phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ), Tứ phủ (ba phủ trên có thêm Địa phủ).
Theo tư liệu của Cục Di sản văn hóa, từ thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành. Tín ngưỡng thờ Mẫu còn gắn liền với nghệ thuật Chầu văn hay còn gọi là Hát văn – một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo. Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Mường, Tày, Nùng, Dao… thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.
Hầu đồng còn có tính giao thoa văn hóa, cởi mở, giao lưu với các nền văn hóa khác. Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.
Niềm tự hào dân tộc
Với giá trị văn hóa tín ngưỡng to lớn, từ cuối năm 2012, Bộ VH-TT&DL đã thành lập Hội đồng di sản phi vật thể. Ngay trong lần ra mắt, Hội đồng đã trình lên Bộ hồ sơ Hầu đồng, đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Sau đó Bộ đã giao cho trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam phối hợp với tỉnh Nam Định chuẩn bị hồ sơ gửi lên UNESCO để công nhận nghi lễ Hầu đồng (trong đó có Hát văn) là Di sản phi vật thể nhân loại.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, đạo Mẫu thực sự là một tổng thể lộng lẫy tinh tế, xứng đáng đại diện cho văn hoá dân tộc trong mọi hoạt động quảng bá sắp tới cho văn hoá Việt Nam trên toàn thế giới |
Các thông tin trong Hồ sơ đã chỉ ra rằng, di sản đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản. Từ góc độ xã hội, với tính chất cởi mở của di sản, đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo. Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ thứ XVI thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử… Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành.
Trong đó, bộ phận cấu thành của di sản này góp phần vào khả năng thực hành di sản nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nó ở các cấp độ khác nhau; đưa ra được những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tham gia vào việc thờ Mẫu như là biểu tượng của lòng từ bi và độ lượng, cùng với đó là sự kết hợp của Đạo giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác.
Với việc được UNESCO thông qua thì “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hoá cần được bảo vệ khẩn cấp gồm: Nhã nhạc – Nhạc Cung đình triều Nguyễn (2003), Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Hát Ca Trù của người Việt (2009), Dân ca Quan họ (2009), Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng (2010), Hát Xoan Phú Thọ (2011), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012), Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013), Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghi lễ và Trò chơi Kéo co (2015, Hồ sơ đa quốc gia, hợp tác với: Hàn Quốc, Campuchia và Philippin).
Theo GS Trần Lâm Biền, sự kiện UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Xét về khía cạnh văn hóa, đây cũng là sự khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đoàn Việt Nam tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia. (Ảnh: Báo Thế giới & Việt Nam).
Theo ông Phạm Sanh Châu – Vụ trưởng Vụ Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), người có mặt tại Ethiopia tham dự phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003 đánh giá thì “đây là lần đầu tiên UNESCO vinh danh Người phụ nữ Việt nam qua hình ảnh của Thánh Mẫu”.
Còn bà Trần Thị Hoàng Mai – Phó Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Quốc gia Việt Nam cho biết, đây là một niềm tự hào của Việt Nam, của những người thực hành tín ngưỡng, của giới chuyên gia, của những người tham gia quản lý.
Là một dịp để nâng cao ý thức, hiểu một cách sâu sắc hơn giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, từ niềm tự hào đó thấy được trách nhiệm bảo vệ giá trị di sản này. Danh hiệu này cũng nâng cao vị thế của Việt Nam, là một trong số những nước được UNESCO công nhận nhiều di sản văn hóa.
Đạo diễn Việt Tú, người sáng lập Viettheatre với vở diễn Tứ Phủ cũng từng chia sẻ: “Với người Việt Nam thì đây chắc hẳn là điều rất đỗi vui mừng vì chúng ta đã có thêm một di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Về khía cạnh văn hoá thì vị thế của Việt Nam sẽ được nâng cao hơn. Thông qua niềm vui này, những nét đẹp về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, đặc biệt là ở phần trình diễn sẽ được cả thế giới biết đến và tôn trọng”. Có thể nói, việc UNESCO vinh danh “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” cũng là dịp nâng cao ý thức, hiểu sâu sắc hơn về giá trị Hầu đồng, có kế hoạch cụ thể để bảo tồn, phát huy và đẩy mạnh ra nước ngoài… và giữ gìn, bảo tồn đúng quy định. Đặc biệt là không được thương mại hóa đức tin, làm trái với tín ngưỡng thờ Mẫu. Giữ gìn, bảo tồn, phát huy như thế nào? Tục thờ Mẫu của Việt Nam được hình thành từ rất sớm. Điều này được khẳng định trong các tư liệu cổ còn đang lưu giữ tại Viện Hán Nôm. Đã có thời kỳ tục thờ này phát triển cực thịnh và được gọi là Đạo Bà Đồng hay còn gọi là Đạo Mẫu. | GS Trần Lâm Biền: Hiện nay trong dòng họ Trần Lê thuộc thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản còn lưu giữ nhiều tư liệu cổ gồm ngọc phả, gia phả và 07 đạo sắc phong từ năm 1683 đời vua Chính Hòa đến năm 1924 đời vua Khải Định. Tại Phủ Chính Phủ Dầy còn lưu giữ 14 đạo sắc phong (từ năm 1730 đời vua Lê Vĩnh Khánh đến năm 1924 đời vua Khải Định) được các vua và nhân dân suy tôn là Mẫu Nghi Thiên Hạ, Chúa Tể Việt Nam, Mã Vàng Bồ Tát, Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương, Thượng Đẳng Trung Thần và là một trong bốn vị thánh Tứ Bất Tử của Việt Nam. Theo tư liệu cổ của giáo sĩ phương Tây và tài liệu Hán Nôm từ năm 1765 đã gọi là Đạo Thánh Mẫu (Đạo Bà Đồng). Đây là đạo gốc mang những nét đẹp đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt được hình thành và hun đúc từ tục thờ cúng tổ tiên và những vị anh hùng dân tộc, có công với dân, với nước được nhân dân suy tôn, lập các đền phủ, miếu mạo thờ phụng từ xưa đến nay. |
Chia sẻ với PV, bà Trần Thị Huệ, Thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương (Phủ Dầy Nam Định) cho biết: Đạo Mẫu là đạo gốc của Việt Nam, thờ các vị thánh, các vị anh hùng dân tộc có công dựng nước và giữ nước đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no cho nhân dân. Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội đăng một số clip thuyết giảng với nội dung gây bức xúc và phẫn nộ trong cộng đồng tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam, ảnh hưởng đến Đạo mẫu.
Bà Trần Thị Huệ, Thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương (Phủ Dầy, Nam Định): Đạo Mẫu là đạo gốc của Việt Nam, thờ các vị thánh, các vị anh hùng dân tộc có công dựng nước và giữ nước đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no cho nhân dân, cần được bảo tồn, phát huy giá trị. (Ảnh: C.Tr) |
Hơn thế, 19h ngày 31/12/2017 tại khu vực Uông Bí – Quảng Ninh, một số tài khoản mạng xã hội tiếp tục xuất hiện một số người tổ chức đăng đàn thuyết pháp, giải đáp cho các phật tử và những lời giải đáp thể hiện thái độ không đúng mực, xuyên tạc “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và các vị thánh có công với đất nước với nhân dân vẫn được nhân dân phụng thờ và tôn kính.
Các tài khoản này chưa được xác thực. Các cấp, các ngành chức năng cần vào cuộc xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm minh những hành vi sai phạm, chia rẽ tôn giáo, gây nhiều bức xúc cho nhân dân (nếu có), trả lại công bằng và uy linh cho Đạo Mẫu Việt Nam; và cũng là bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo nói chung, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Theo baonhandao.vn