Công tác đào tạo nghệ nhân kế cận và truyền dạy Hát Xoan trong cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên hàng đầu trong Đề án bảo tồn Hát Xoan giai đoạn 2013 – 2020 và Kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản Hát Xoan hằng năm. Đây cũng là yếu tố có tính quyết định đến sự bền vững cho việc bảo tồn lâu dài của di sản Hát Xoan, phát huy vai trò của các nghệ nhân cao tuổi đào tạo các nghệ nhân trẻ. Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua, các phường Xoan gốc luôn duy trì các lớp học hát Xoan với 4 – 5 thế hệ, từ các học sinh 6 – 7 tuổi đến nghệ nhân cao niên 80 – 90 tuổi. Tại các lớp truyền dạy, các thế hệ đào, kép đã cùng nhau trao truyền kỹ năng trình bày các lời ca, điệu múa nhằm khơi dậy niềm đam mê của mỗi thế hệ đối với Hát Xoan.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch và các thành viên phường Xoan An Thái biểu diễn Hát Xoan tại đình Hùng Lô
Không phải tới khi di sản Hát Xoan được công nhận, các nghệ nhân mới nghĩ đến việc truyền dạy Hát Xoan cho các thế hệ sau mà họ đã âm thầm làm công việc đó trong suốt nhiều năm qua. Đến nay, Hát Xoan đã được đông đảo bạn bè thế giới biết đến và yêu mến, phong trào học, nghe và biểu diễn Hát Xoan đã trở thành một phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh. Cuộc sống của những nghệ nhân Hát Xoan ngày càng bận rộn hơn bởi vừa đi truyền dạy cho các lớp học ở nhiều nơi trong tỉnh vừa tiếp tục duy trì, mở rộng những lớp Hát Xoan cho các em nhỏ ở phường Xoan của mình. Trong ngôi nhà nhỏ đã bao đời nay gắn bó với câu ca di sản, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lịch – Trùm phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì đang truyền lửa Hát Xoan cho thế hệ trẻ. Nhìn hai anh em Bùi Việt Hào (8 tuổi) và Bùi Như Quỳnh (6 tuổi) đang tập trung cao độ ôn lại làn điệu Hát Xoan theo nghệ nhân truyền dạy mới thấy Hát Xoan ngày càng có sức hút với giới trẻ.
May mắn sinh ra ở phường Xoan gốc, lại có ông nội, bà ngoại và mẹ đều gắn bó với Hát Xoan, nên ngay từ nhỏ, Bùi Việt Hào, Bùi Như Quỳnh đã được làm quen với làn điệu Hát Xoan. Từ những buổi theo ông bà, theo mẹ đi tập luyện, biểu diễn, đến điệu hát ru đưa em vào giấc ngủ, cứ thế, câu Xoan đã ngấm dần, nhen nhóm tình yêu và đam mê trong các em.Dù ít tuổi là thế, nhưng Hào và Quỳnh đã thuộc lòng và biểu diễn được gần hết 31 bài Hát Xoan với những lời cổ rất khó học, khó nhớ. Hai anh em cùng với các nghệ nhân, thành viên của phường Xoan An Thái tích cực tham gia các chương trình biểu diễn, các hội thi, hội diễn phục vụ giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng hằng năm và biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước góp phần bảo tồn, phát huy di sản Hát Xoan.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, việc truyền dạy cho thế hệ trẻ đã được phường Xoan An Thái triển khai hiệu quả. Bà đã dồn hết tâm huyết của mình để truyền lại những gì tinh túy nhất của làn điệu Xoan cho thế hệ sau với hy vọng sẽ gây dựng những hạt giống trong làng Xoan tương lai. Học hát Xoan là phải tập luyện bài bản, theo lề lối. Có như vậy mới bảo tồn được nguyên gốc, một trong những giá trị cốt lõi mà tỉnh Phú Thọ cam kết với UNESCO. Điều này đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo của những nghệ nhân truyền dạy. Vì vậy, có những lớp chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng bà đã dồn hết tâm huyết để chỉ dẫn cho các học viên nắm đúng lời hát, điệu múa.
Rời phường Xoan An Thái, hình ảnh cô bé Trần Thị Linh mới 3 tuổi đang cùng với các anh chị luyện tập Hát Xoan mới thấy hết được tình yêu người dân nơi đây dành cho Xoan. Và đó cũng chính là nguồn động viên tinh thần lớn nhất nhất để những nghệ nhân như bà Nguyễn Thị Lịch tiếp tục bền bỉ trao truyền, giữ cho ngọn lửa Xoan ngày càng bừng sáng.
Các em nhỏ phường Xoan Kim Đái biểu diễn Hát Xoan phục vụ du khách tại Miếu Lãi Lèn
Cứ vào chủ nhật hằng tuần, đình làng thôn Kim Đái lại rộn ràng tiếng hát, tiếng trống. Là 1 trong 3 phường Xoan gốc của xã Kim Đức, phường Xoan Kim Đái có trên 60 thành viên. Hoạt động của phường Xoan Kim Đái rất đều đặn. Ông Trùm vừa là thầy dạy nghệ thuật hát Xoan, vừa là người tổ chức các cuộc trình diễn và lưu diễn của phường Xoan đi khắp các đình làng trong vùng. Thành viên của phường Xoan đủ độ tuổi, trong đó các cụ cao niên trên 80 tuổi, nhỏ tuổi nhất chỉ 7 tuổi. Dưới sự chỉ dạy nhiệt tình của các nghệ nhân, không biết từ bao giờ lớp con trẻ trong thôn đã say mê bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Em Nguyễn Thị Yên, xã Kim Đức chia sẻ: “Khi được các bà, các chú chỉ dẫn em cảm thấy rất vui và như được thêm những kiến thức về Hát Xoan, những điệu múa Hát Xoan”.
Anh Nguyễn Văn Quyết – Trùm phường Xoan Kim Đái cho biết: “Là lớp hậu bối được các cụ nghệ nhân truyền dạy nghệ thuật Hát Xoan, tôi luôn trách nhiệm giữ gìn truyền dạy cho các em thanh thiếu niên trong làng. Đến nay, các thành viên trong phường đã trình diễn thành thục các điệu Hát Xoan và thường xuyên tham gia biểu diễn tại các chương trình giao lưu, các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Để duy trì hoạt động của phường Xoan, thời gian tới, chúng tôi phối hợp với các khu dân cư trong xã tiếp tục mở lớp truyền dạy cho các em thiếu niên nhi đồng yêu thích Hát Xoan để giữ gìn, lưu truyền, phổ biến, phát huy cho thế hệ mai sau những giá trị độc đáo mang tính xã hội, nhân văn, những phong tục, tập quán tốt đẹp về Hát Xoan”.
Nghệ nhân Bùi Thị Kiều Nga – phường xoan Thét, xã Kim Đức cho biết: “Không phải bây giờ tôi mới truyền dạy cho các em mà nhiều năm nay công việc truyền dạy cho các em trong xã đã trở thành phong trào rộng khắp. Nhiều em tuổi còn nhỏ nhưng đã thuộc lòng bàn tay cả 3 quả cách trong Hát Xoan. Tôi rất mừng là các em vẫn thích hát và say sưa với Xoan. Với trách nhiệm là người đứng đầu phường Xoan, tôi sẽ cố gắng huy động các cháu thanh thiếu niên trong làng tham gia vào các lớp truyền dạy Hát Xoan trong cộng đồng. Cùng với đó, phường Xoan Thét tập trung truyền dạy lớp nghệ nhân kế cận – đây chính là những người sẽ giữ và truyền lửa di sản cho các thế hệ sau”.
Trải qua hàng nghìn năm, Hát Xoan nhiều lúc đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Thế nhưng loại hình nghệ thuật truyền thống này vẫn có sức sống mạnh mẽ và lâu bền. Có được điều này là nhờ vào sự hoạt động kiên trì của những phường Xoan gốc. Ông Nguyễn Đắc Thủy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Các nghệ nhân cao tuổi, các trùm phường Xoan gốc đã tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ một cách trách nhiệm và nhiệt tình, họ truyền dạy ở nhiều không gian khác nhau, có thể tổ chức truyền dạy ở nhà, đình, miếu và tổ chức tại các không gian khác ở những lớp học. Và như vậy sự tiếp nhận của thế hệ trẻ được đa dạng mọi lúc, mọi nơi”.
Để các phường Xoan gốc hoạt động tích cực và hiệu quả, đặc biệt phải giữ nguyên bản sắc của mình mà không chịu sự tác động từ bên ngoài, UBND tỉnh đã hỗ trợ các phường Xoan để họ điều hành và chủ động tổ chức truyền dạy Hát Xoan cho lớp nghệ nhân kế cận và trong cộng đồng với nền tảng vững chắc, tăng nhanh số lượng người nắm vững Hát Xoan và lớp khán giả của Hát Xoan lên nhiều lần. Các di tích lịch sử gốc có liên quan đến môi trường hoạt động của Hát Xoan, thờ cúng Vua Hùng như: Miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình An Thái, đình Kim Đái đã được khôi phục, trùng tu để tạo lại vị thế cho Hát Xoan trong lễ hội, nghi thức, phong tục và tạo không gian văn hóa, môi trường diễn xướng, đảm bảo sự phát triển bền vững của di sản Hát Xoan.
Nguồn: Theo Hương Giang/ Phu Tho Gov