Theo giảng viên âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai Nguyễn Mạnh Hiền, trong một số sân chơi âm nhạc lớn như: Bài hát Việt, Sao Mai Điểm hẹn, Vietnam Idol… công chúng yêu âm nhạc bắt đầu được làm quen với một thể loại âm nhạc hoàn toàn mới lạ, đó là dòng âm nhạc dân gian đương đại. Đây là những tác phẩm có sử dụng nhiều hoặc ít những thang âm, màu sắc đặc trưng của dân ca các dân tộc, vùng, miền… nhưng vẫn dễ dàng nhận thấy hơi thở, kỹ thuật của âm nhạc hiện đại.
Nếu chúng ta cắt bỏ hết tất cả phần lời ca của một ca khúc, chỉ lắng nghe giai điệu, mà trong đó toát lên được những đặc trưng âm nhạc của một dân tộc, vùng miền nào đó như sự sắp xếp quãng nhạc, thang âm, sự mô phỏng hay phát triển âm hình tiết tấu… được hiện đại hóa về hòa thanh, tiết tấu… thì có nghĩa là chúng ta đang nghe một ca khúc đương đại mang âm hưởng dân ca.
Thực tế cho thấy, đối với việc có sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong sáng tác ca khúc, đến nay đã có rất nhiều ca khúc Việt mang âm hưởng của dân ca Tây Nguyên và đã khẳng định được vị trí của mình qua bao thế hệ công chúng yêu nhạc. Đó là: Em là hoa Pơlang (Đức Minh); Tình ca Tây Nguyên (Hoàng Vân); Bóng cây Kơnia (Phan Huỳnh Điểu); Chuyện tình thảo nguyên (Trần Tiến); Sông Đakrong mùa xuân về (Tố Hải)…. Trong đó điển hình là nhạc sĩ Nguyễn Cường với hàng loạt các ca khúc như “H’Zen lên rẫy”, “Em hát thương ai”, “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”, “Thênh thênh ook ơi”; “Xôn xao cao nguyên Đak Lak”… Và, theo anh Nguyễn Mạnh Hiền, để có những tác phẩm hay, ngoài những hiểu biết sẵn có về văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên thì những chuyến thâm nhập thực tế về buôn làng sẽ là nguồn cảm hứng vô tận để các nhạc sĩ sáng tác được những ca khúc đương đại mang đậm “hồn Tây Nguyên”.
Với mong muốn đưa dân ca Jrai, Bahnar vào chương trình giảng dạy của Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Ánh-Phó Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Những bài dân ca mang đậm bản sắc dân tộc là những bài học rất bổ ích cho việc đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, nó khơi dậy cho học sinh những cảm xúc chân thực với cái đẹp, cái thiện. Ngay từ những bài học căn bản đầu tiên của chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành âm nhạc, chúng ta cũng có thể lồng ghép ngay những làn điệu dân ca của các dân tộc bản địa. Thông qua các làn điệu dân ca gần gũi của dân tộc mình, học sinh có thể tiếp thu những kiến thức, khái niệm âm nhạc một cách cụ thể, tích lũy những ấn tượng, cảm xúc chân thật về tác phẩm âm nhạc.
Là người duy nhất có 2 tham luận trình bày tại hội thảo, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật Gia Lai đề cập một cách sâu sắc, toàn diện đến những ca khúc mang âm hưởng và phong cách Tây Nguyên và đặc biệt quan tâm đến đặc điểm của âm nhạc dân gian Bahnar và âm hưởng Bahnar trong một số tác phẩm đương đại. Ông Hoan cho rằng, tuy có muộn hơn so với các dân tộc thiểu số ở miền Bắc nước ta, nhưng từ lâu âm hưởng, phong cách của âm nhạc dân gian Bahnar đã được một số nhạc sĩ ở nước ta tiếp thu và vận dụng vào trong các sáng tác của mình, bước đầu tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn yêu nhạc trong cả nước, nhất là đồng bào dân tộc Bahnar và Tây Nguyên; có thể kể đến những tên tuổi lớn như nhạc sĩ Y Dơn, nhạc sĩ Nhật Lai.
Đối với Gia Lai, đội ngũ nghiên cứu, sáng tác và biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp tuy còn quá mỏng, nhưng được thừa hưởng kinh nghiệm của những người đi trước, đồng thời được hấp thụ vốn âm nhạc dân gian, truyền thống của người Bahnar ngay trên mảnh đất ngàn đời của họ, những người hoạt động âm nhạc Gia Lai cũng đã sáng tạo được nhiều tác phẩm mang âm hưởng, phong cách âm nhạc dân gian Bahnar đáng được trân trọng. Tác phẩm của họ không những đạt giải cao trong các kỳ hội thi, hội diễn nghệ thuật chuyên và không chuyên nghiệp mà còn được quần chúng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Tiêu biểu là các tác phẩm: Độc tấu đàn goong Chuyện kể của già làng của Nghệ sĩ Ưu tú Thảo Giang, Mong anh về, Tiếng hát đêm nhà rông của nhạc sĩ Ngọc Tường, Mặt trời trắng, Cao nguyên xanh của Ngọc Minh, Cao nguyên xanh của nhạc sĩ Kpă Ylăng, Tiếng khóc của rừng lời thơ Kpă Ylăng, nhạc Măng Ngọc, đặc biệt là nhiều tác phẩm nhạc múa của các nhạc sĩ: Lê Xuân Hoan, Nguyễn Hậu, Khắc Phú và gần đây là ca khúc Tiếng đàn goong của già làng của nhạc sĩ Trương Đức Hà…