Về sự trường tồn của nghề hát Then

1. Một vài khái niệm về hát Then và cây tính (còn gọi cây đàn Then)

Hát Then là một hình thái nghệ thuật do nhân dân lao động sáng tạo từ khi có lao động tập thể (có cộng đồng) nảy sinh nhu cầu bộc lộ và giao lưu tình cảm. Nói hát Then là nói hai phần : phần lời (là chủ yếu) phần nhạc đệm lời khi hát (là phần cần thiết). Ban đầu người ta vẫn hát nhưng chưa có tên gọi cho loại hình hát và cây tính đệm lời.

Nhạc cụ tất nhiên có người làm ra đầu tiên. Người ta làm ra nó bằng những vật liệu dễ kiếm: một quả bầu khô trên giàn trước sân, một ít dây tơ lấy từ cuộn tơ còn mắc trên khung cửi, một đoạn cành dâu thẳng ở bờ dậu rào vườn. Một người làm ra cái đàn, gảy lên nghe hay, nhiều người cùng tiếp tục sản xuất và sáng tạo, cải tiến làm nên cây tính ngày nay. Cây tính có từ xa xưa lắm. Một bài hát cổ có nhắc tới cây tính còn ngân nga mãi đến bây giờ:

Tính vuồn tính khát sai tả coóc

                   Mèng vuồn mèng hăn bioóc dạn thom…

(Đàn buồn, đàn đứt dây buông phím

Ong buồn, thấy hoa nở làm ngơ…)

Người Tày nói “tói tính” có nghĩa là “gảy đàn” (cái thứ đàn của người Tày ấy), cho nên có ai lỡ nói “gảy đàn tính” sẽ có nghĩa là “gảy đàn + đàn” trở nên vô nghĩa. Ngày nay ta đã quen gọi cây tính là “cây đàn Then”, cho nên ta nói “gảy đàn Then” là thuận tai.

Nói về bài hát Then (tên bây giờ ta gọi, xa xưa chưa có tên) vốn dĩ có
hai luồng:

– Luồng dân gian: chủ yếu giải tỏa tình cảm. Có từ lâu đời, đã phát triển, đang tồn tại và tiếp tục phát triển.

– Luồng cúng bái: phát sinh và phát triển khi dân gian xuất hiện nhu cầu giải tỏa tâm linh. Luồng này phát triển sẽ  thành nghề hát Then cúng bái.

Nghề hát Then mà bài nghiên cứu này muốn tìm hiểu sự trường tồn của nó là nghề hát Then cúng bái (chant culturel).

 2. Thăng trầm của nghề hát Then cúng bái

Nghề hát Then cúng bái hình thành từ lâu đời, nhưng nhiều công trình nghiên cứu cho rằng nó ổn định, phổ biến và phát triển mạnh từ cuối thế kỷ XVII khi trình độ hiểu biết của dân chúng về khoa học chưa cao, điều kiện thuốc men thường chỉ là dùng cây thuốc thảo dược theo kinh nghiệm dân dã.

Trong nông thôn ở đầu bản làng nào cũng có một ngôi miếu nho nhỏ gọi là Thọ công (thổ công) để thờ thần làng bản, với mong muốn “nhân khang vật phụ” (như mấy chữ đại tự trưng ở Thọ công). Gốc cây cổ thụ, bến nước, mỏ nước (giếng phun)… đều có chỗ cắm hương cúng bái. Mồ mả trên sườn núi người ta cũng san một chỗ gọi là sân thờ sơn thần… Nghĩa là trong tín ngưỡng dân gian vẫn công nhận là ở thế giới khác dương gian có lực lượng siêu nhiên ma quỷ. Với tổ tiên cũng có thế giới riêng huyền bí tồn tại hồn phách các cụ. Gia đình nào cũng lập bàn thờ tổ tiên, các ngày sóc vọng thắp hương tưởng nhớ cúng bái đều kỳ. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã từng phát hiện: “Tất cả  các dân tộc Việt Nam đều tin rằng người chết sẽ tiếp tục sống ở thế giới tổ tiên. Điều đó thể hiện về một nguyện vọng đối với sự bất tử của con người”[1]. Cho nên, có thể nói, gần bốn thế kỷ nghề hát Then cúng bái thịnh hành (cuối XVII – nửa đầu thế kỷ XX). Người chủ lễ hát Then sẽ là cô Then và anh Giàng (gọi chung là Then) chủ trì khi được gia đình “có việc“ mời đến giúp giải hạn hoặc làm lễ kỳ yên… Then sẽ là người (tiếp thu kinh nghiệm và thói tục dân gian) có khả năng giao tiếp với tổ tiên, thần linh, ma  quỷ… đứng ra làm lễ cúng bái.

Khi đất nước chuyển sang một chế độ chính trị mới (Dân chủ cộng hòa rồi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa) trình độ nhân dân được nâng cao dần. Có một thời, ấy là vào những năm cuối thập kỷ 50 đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, ngành văn hóa Cao Bằng có nhiều hoạt động tích cực để khôi phục và chấn hưng văn hóa. Các từ ngữ lần đầu xuất hiện như “bình cũ rượu mới – chống mê tín dị đoan – bài trừ hủ tục trong ma chay cưới xin” v.v… Riêng với đội ngũ làm Mo, Then, Tào, Bụt được các cấp chính quyền giám sát vận động không hoạt động, đồng thời tổ chức mời các vị lên huyện tập trung học tập nhận ra mặt tiêu cực của nghề cúng bái. Các vị làm nghề cúng bái đều nhận thấy cái vô lý, cũng như nhiều cái không lý giải được, nên đã tự nguyện tự giác bỏ nghề, nộp nhạc cụ, nhạc khí cùng các pho sách từ cổ xưa truyền lại ghi chép những bài cúng bái bằng chữ Hán Nôm… Nhưng rồi chừng hai mươi năm sau – khoảng những năm đầu thập kỷ 80 (cũng ở thế kỷ trước) – nghề cúng bái lại xuất hiện dần dần, đội ngũ làm nghề ban đầu còn ít, dần dà đông đảo, hoạt động ban đầu bí mật (làm lễ vụng trộm) rồi cũng công khai dần. Có ai bắt gặp, hỏi han dọc đường, các thầy Giàng cô Then nói vui là “đi làm văn nghệ ”. Các nhà làm nghề hát Then được đón rước bằng xe máy. Nhạc cụ, nhạc khí có vỏ, có bao khâu rất đẹp. Đến hôm nay, nghề Mo, Then, Tào, Bụt đã hiện diện tồn tại công khai trong đời sống xã hội.

Tại sao nghề hát Then cúng bái tồn tại? Và sẽ tồn tại đến bao giờ? Lý giải vấn đề sự tồn tại của nghề hát Then là một vấn đề thú vị.


3. Hát Then cúng bái có phải tôn giáo không?
Liệu đến bao giờ nghề hát Then có thể mất?

Đọc các văn bản sưu tầm được về hát Then ta thấy nội dung lời văn phảng phất tư tưởng, triết lý tôn  giáo.

Thứ nhất, hát Then có quan hệ với đạo Phật không?

Người Tày thường gọi nghề Then là Pụt, Vủt (hay Vỉt biến âm Pụt). Từ ấy chắc là biến âm từ từ nguyên có nguồn gốc tiếng Ấn Độ phiên theo tiếng Anh là Buddha, tiếng Pháp viết Bouddha. Chữ Bắc Kinh có viết ta đọc theo âm Hán Việt là Phật nhưng tiếng phổ thông Bắc Kinh lại đọc là Phỏ[2] (trong khi đó dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc lại gọi là Mật). Cho nên ta có thể hiểu tiếng Vủt (hay Pụt) của tiếng Tày có nguồn gốc với tiếng Phật.

Triết lý đạo Phật trong bài hát Then thể hiện khá rõ. Ngay thuyết luân hồi được tô đậm trong lễ “Tiến hoa thánh mẫu”. Trong xã hội cũ nạn hữu sinh vô dưỡng khá phổ biến, với trình độ hiểu biết về khoa học cũng như điều kiện thuốc men thiếu thốn, các thiếu phụ chịu thiệt thòi về hạnh phúc. Người ta đã nghĩ ngay rằng bởi Mẹ Hoa cho ta con, ban cho ta bông hoa bạc hoa vàng, hoa vàng là con trai, hoa bạc là con gái; Mẹ ban cho con xuống trần gian, có lúc mẹ lại đòi về. Người mẹ trẻ đẻ bảy con mà không nuôi được con nào. Người ta phải nghĩ đến nhờ Pụt, nhờ Phật, nhờ Mẹ Hoa. Ai nghe lời Then hát đều thấy xót xa. “Mẹ đẻ bảy anh em luân hồi / Người xuống là người lên đi lại / Người trần lo ruột héo xót xa / Ngày ngày giọt lệ sa kêu Mẹ. Không muốn cho con trở lại mường trên, người ta phải làm lễ. Nội dung của lễ là chống lại thuyết luân hồi mà cũng là cầu xin Mẹ nhận lễ đừng thả hoa xuống trần gian lại đòi hoa trở về. Đứa trẻ trở về mường trời trước đây và đứa trẻ ở trần gian bây giờ hãy đoạn tuyệt quan hệ, đừng nhớ đến nhau nữa. Câu hát Then có đoạn: “Chốn này chốn bán con hoang / Nàng này bán con vụng / Chúa (Then) sẽ thăm rừng trúc nơi khác / Tiên (Then) sẽ ngăn rừng trúc đường xấu đường tội / Thứ nhất ngăn bằng dòng nước / Thứ hai ngăn bằng núi cao / Thứ ba ngăn bằng biển lớn / Thứ tư ngăn bằng sông sâu / Thứ năm ngăn bằng đào giếng / Dỡ lấy núi ở Nam Hải để ngăn / Dỡ lấy núi Thái San để chặn / Ba núi nóng như máu / Ba núi nóng như lửa / Lấy cả sắt xuống che / Lấy cả đồng xuống chặn / Keo đi thì Keo lạc lối / Hác đi thì Hác lạc đường / Anh em ở thế gian mát mẻ / Ngày đêm ở, không còn tìm nhau / Không mong đêm mong ngày tìm nhau nữa / Chớ cưỡi ngựa yên vàng xuống tìm / Từ đó hồn không luân hồi về trêu ghẹo (…)”.

Muốn bảo đảm hạnh phúc cho mẹ trẻ, gia đình phải biện lễ mời cô hát Then (hay Giàng) hát những bài “dời non lấp biển”ngăn lối luân hồi của trẻ. Trong bài có nói đến Bụt, đến Thích Ca: “Bay lên núi Kim Quý mây bay / Núi Lân Liệu mây dồn / Núi mỏ nước chảy chứa chan / Lên đường loan Bụt Cả / Núi Thạch Kim Thạch Ngần sáng mắt (…) Một chốc đã thăm chốn ao sen / Ngọc Nữ sai nàng tiên ra đón / Chúa đến cầu Thích Ca / Chúa đến hoa Thích Đế… (Tiến hoa thánh mẫu).

Nhà làm nghề hát Then có một điện thờ, ở giữa có đại tự chữ Hán Phật, bên trên có bức hoành phi Từ bi quảng đại. Các câu đối ở điện thờ thường có là “Vạn vạn tinh binh lai tĩnh nội – Thiên thiên lực sĩ đáo bàn chung”. Lại có câu “Nhất niệm thông tam giới – Nhân luân thấu cửu thiên…”.

Thứ hai, với đạo Nho, lời hát Then thể hiện thế nào?

Tư tưởng Nho giáo có đủ trung hiếu tiết nghĩa. Điển hình nhất là khúc hát về “Thằng cu Vỉnh”. Nhà Vỉnh có hai mẹ con. Một lần Vỉnh đi chăn trâu ngoài đồng nội, Vỉnh thấy con trâu cái đẻ con thật vất vả khổ cực. Chiều về Vỉnh kể mẹ nghe, mẹ nói mẹ đẻ và nuôi con còn vất vả gấp trăm lần. Bà mẹ kể Vỉnh nghe, chỉ nói mỗi chuyện mang thai đã vất vả như thế nào: “Ôi thôi, Vỉnh, thôi thôi /Trâu đẻ con còn dễ / Ngày trước mẹ mang thai khó gấp mấy / Mang trong tháng thứ nhất / Mới thấy mỏi thấy mệt / Mang đến tháng thứ hai / Ngày đêm lo trong dạ / Trót có lúc thở dài / Mang đến tháng thứ ba / Xuống sàn mẹ vịn thang / Đi xa phải mang gậy / Mang đến tháng thứ tư / Thấy chiếu mẹ muốn nằm / Thấy gối mẹ muốn ngủ / Mang đến tháng thứ năm / Thấy bố mẹ ngại thưa / Thấy chồng không muốn nói / Mang đến tháng thứ sáu / Thấy cựa quậy trong thân / Thấy nằm ngang trong bụng / Mang đến tháng thứ bảy / Chồng biết điều biết nghĩ  / Chồng biết quý biết khôn / Đón Then về giải buồn / Người mẹ thấy nhẹ nhõm vui vui / Mang đến tháng thứ tám / Nắng ra mẹ muốn hong / Nắng hồng mẹ muốn sưởi / Mang đến tháng thứ chín / Khác nào mang quan tài trong thân / Hồn mẹ chơi dọc đường còn về chăng? / Mang đến tháng thứ mười / Đến khi đẻ thì đẻ / Đến lúc sinh thì sinh… (Thằng cu Vỉnh). Một hôm trước khi đi làm, buổi sáng mẹ báo con biết mẹ ốm không dậy được. Trưa về Vỉnh nấu cháo mẹ ăn, mẹ không dậy nữa, đã chết. Làng xóm biết tin mang dao, thạ đến chia thịt, Vỉnh nghĩ công lao mẹ đẻ con, thương mẹ, phải vái lạy xóm bản: “Vái lạy Vỉnh rằng xin / Vỉnh rụt cổ sụp lạy / Nói ngày trước mẹ đẻ khó thay / Mẹ ngã cháu còn kiêng / Mẹ chết cháu còn để tang / Cháu sẽ mổ lợn nhỏ để đền thịt / Giết lợn bé để cho thịt / Mọi người bỗng nhiên êm dạ / Mường dưới mới kéo về / Mường trên kéo về bản…”.  Lòng hiếu thảo đã động tâm nhiều người.

Trích dẫn trên khiến ta suy nghĩ, lòng hiếu thảo là cái đức tính vốn có của con người, là tình mẫu tử cố hữu. Khi xã hội chuyển dần sang thời kỳ phong kiến có Đạo Nho, lòng hiếu thảo được củng cố vững bền thêm, trở thành một trong bốn đạo đức trung hiếu tiết nghĩa của đạo Thánh hiền.

 Thứ ba, nói về Đạo Giáo trong hát Then ?

Ta thấy ngay những nghi thức cúng bái đã biểu hiện rõ nghề hát Then mang nhiều yếu tố đạo Giáo. Nhưng về nội dung đạo Giáo lúc này không còn nặng về chăm chút triết lý sâu xa huyền diệu mà chỉ còn mang ý nghĩa luân lý. Khi cúng bái người hát Then hướng lên bề trên là ai? “Lạy lên đức mình vàng ngôi sang / Là Tam Thanh Tam Bảo / Bắc cực trấn thiên / Chân vụ huyền thiên thượng đế (…) Lạy lên đức Khoăn Hảo, đạo Khoăn Gường / Ngũ đại nguyên sư Đặng Triệu Mã Quang Khang…” (bài Then Soạn lễ vào cung Ngọc Hoàng). Đã thờ Tam Thanh lại còn thờ Tam Bảo là nghĩa làm sao? Tam Thanh là Ngọc Thanh (Ngọc Hoàng) Thái Thanh (Thái thượng lão quân), Thượng Thanh. Ngũ đại nguyên sư là Đặng Triệu Mã Quang Khang… là các bậc được tôn thờ của Đạo Giáo. Tam Bảo là Đạo Bảo, Kính Bảo, Sư Bảo là các vị được tôn thờ bên Phật Giáo. Đang dọn lễ vào cung Ngọc Hoàng (bên Đạo Giáo) lại có cả Tam Bảo (bên Phật) có nghĩa là lẫn lộn tôn giáo.  Nghề hát Then (và những bài hát Then) theo tôn giáo nào không rõ. Thậm chí họ còn gọi Thích Ca là Mẹ Thích Ca. Tóm lại qua bài Soạn lễ vào cung Ngọc Hoàng ta thấy rõ Hát Then không là đạo Phật, cũng không phải đạo Giáo.

Khảo sát nghề hát Then theo ba tôn giáo Phật giáo, Nho giáo, Đạo Giáo, ta thấy đạo nào cũng được nghề hát Then thu nhận ít nhiều khác nhau. Nhưng đậm nét hơn có lẽ là Phật. Vì thế chăng mà ta gọi người hát Then là Pụt, là Vủt (cận âm với Buddha – gốc Phật). Còn người đàn ông làm nghề này  người ta gọi là Giàng. Từ khi có nghề hát cúng bái (chant culturel) ta gọi người làm nghề cúng bái cùng chung một tên là nghề hát Then.

Nói rằng những yếu tố Phật khá đậm nét trong hát Then, nhưng các Pụt, Vủt, Giàng không am hiểu về đạo Phật. Hàng ngày họ không tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tọa thiền như các phật tử. Thậm chí họ gọi Thích Ca Mầu Ni bằng cái tên là Mẹ Thích Ca: “Con đã tìm của về / Gường nay biện được lễ / Kiếm được bó hương quế, ôm hương thơm / Kiếm được vò rượu Lìn / Tìm được bình rượu Hỏa / Nấu được ba mâm bánh, năm mâm chay / Cỗ gói trầu lên gửi / Phong quả lên mời vua Ngọc Hoàng / Gói trầu thơm lên mẹ Thích Ca…” (bài Then Soạn lễ vào cung Ngọc Hoàng). Họ không cần biết Thích Ca là thái tử Siddhartha, con trai vị vua một xứ ở nước Nêpan (Phía bắc Ấn Độ) dưới chân núi Himalaya hùng vĩ. Vào năm 563 TCN, khi sắp đến ngày lâm bồn, hoàng hậu Maya Devi (vợ vua Tịnh Phạn) xin nhà vua cho phép mình rời hoàng cung trở về quê nhà tại vương quốc Devahada để sinh con đầu lòng theo phong tục và truyền thống xứ này. Khi rời khỏi kinh thành chừng 25 cây số, ngang qua một khu vườn xinh đẹp tại làng Lumbini, thái tử Siddhartha được sinh hạ dưới gốc cây Vô Ưu[3].  Về sau Siddhartha tu tâm khổ luyện tìm ra triết lý thoát tục thành Buddha. Lumbini trở thành nơi linh địa đã sinh ra đức Buddha Sakya Muni (Phật Thích Ca Mầu Ni).

Đạo nào cũng có thánh địa như Vatican của Thiên chúa giáo, Benares của Ấn Độ giáo, Mecca của Hồi Giáo, Jerusalem của Do Thái Giáo, Lumbini của Phật Giáo… Những người hát Then không biết thánh địa đạo Phật, không am hiểu triết lý của Phật Giáo. Cho nên nếu cố gắng tìm đặt cho nghề hát Then tên một tôn giáo phù hợp cũng khó.

Về ảnh hưởng của chủ nghĩa hay triết lý trong hát Then không thể phân rành mạch là Phật giáo hay Đạo giáo. Mà cái rõ nhất trong hát Then là chữ Hiếu, chữ Đễ của Nho giáo, chữ Thiện trong Phật giáo, là tín ngưỡng dân gian tin vào những điều dị đoan, bùa bèn, khấn âm dương của Đạo Giáo thời kỳ suy đồi…

Mọi quan niệm và hành động đều được dân gian hóa, nghĩ rằng tốt thì làm, xấu thì bỏ. Dân gian hiểu biết quá ít ỏi về tôn giáo cùng triết lý của nó, đồng thời hiểu quá ít về khoa học nên chỉ có nhu cầu thông qua cúng bái để quan hệ với thần linh, ma quỷ, với tổ tiên.

Tựu trung lại là nghề hát Then chưa đạt đến trình độ một tôn giáo. Bởi vậy tìm nguồn gốc của hát Then chỉ nên tìm ở tâm linh dân gian. Dân gian vẫn tin rằng con người có phần xác và phần hồn. Mà khi các bậc tổ tiên đã khuất vẫn luôn phù hộ độ trì con cháu. Khi người ta cần sự giúp đỡ của tổ tiên đều thắp hương lên và khấn vái. Cô Then khi làm lễ hát đến bài Xỉnh đẳm(mời tổ tiên) tổ tiên hiện về nói chuyện với con cháu, nghe đúng giọng nói người đã khuất… Hát Then nằm trong phạm trù tín ngưỡng dân gian. Nội dung hát Then là tâm linh dân gian. Vậy là dân chúng nhờ vả đến nghề hát Then chỉ để giao tiếp được với thế giới của thần linh cũng như tổ tiên.

Hát Then chỉ là một sinh hoạt thuộc về tâm linh dân gian, cho nên nó tồn tại lâu dài, vì Lời Hát Then là di sản văn nghệ dân gian, nhất là hát Then lại thuộc về tâm linh dân gian, dân gian còn thì văn nghệ dân gian còn, tâm linh dân gian còn thì nghề hát Then còn.

Mà nếu như nghề hát Then xếp vào loại tôn giáo nào chăng nữa, đến ngày nay cũng chưa ai nghĩ rằng Then sẽ dễ dàng mất đi theo quy luật có sinh có diệt. Tất nhiên vạn vật không thể nhất thành bất biến, nhưng đến bao giờ Then “biến“ thì chưa ai nói được.

Tập thể nhóm viện sĩ khoa học ở một nước khoa học tiên tiến Liên Xô (cũ) cũng đã kết luận: “Những người theo chủ nghĩa vô thần giải thích nguồn gốc tôn giáo một cách duy tâm, như cho rằng một mặt tôn giáo bắt nguồn từ sự dốt nát của quần chúng nhân dân, mặt khác là sự lừa bịp của các cha cố. Do đó họ không thể vạch ra được những biện pháp đấu tranh đúng đắn chống tôn giáo. Họ cho rằng chỉ cần hoạt động giáo dục là có thể thủ tiêu được tôn giáo”[4]. Vì vậy chăng mà vào những năm thập kỷ chín mươi thế kỷ trước, ngành văn hóa Cao Bằng đã có quy định (đăng trên báo Cao Bằng) không đặt vấn đề cấm hát Then mà chỉ quy định lễ hát Then chỉ được thu lễ phí tối đa là bao nhiêu tiền, khỏi có sự lạm dụng thu phí không thống nhất hoặc người hát Then tùy tiện nâng giá cúng lễ khi đi làm Then. Hát Then phục vụ được tâm linh dân gian nên nó vẫn đang tồn tại trong đời sống xã hội.

 

4. Nghề Hát Then tồn tại còn vì nội dung lời hát thể hiện được ý thức,
tình cảm của dân gian cũng như tinh thần nhân văn cao cả.

Những bài hát Then chứa đựng tâm linh tín ngưỡng của dân gian là một trong những yếu tố quan trọng cho sự tồn tại của nghề hát Then.Nội dung nhân đạo, tư tưởng nhân văn của lời hát rất phù hợp ý nguyện dân gian. Ví dụ khi trẻ ốm, ấm đầu, trong tâm linh dân gian nghĩ rằng hồn vía đứa trẻ đi chơi lạc đường về hoặc bị ma quỷ bắt, người ta đã phải nhờ đến Then làm lễ. Then ngồi trước mâm lễ, khấn vái thập phương, hát bài Cống sứ đi tìm vía trẻ khắp nơi. Theo dõi lời cúng bái, ta biết người hát Then đã phải biện lễ đầy đủ, nghĩ rằng phải đi sứ để tìm vía trẻ lạc, chắc phải nạp cống. Ngay lúc khởi hành, đứng ở bến nước, đoàn quân Then đi tìm vía biết bao băn khoăn đứng ở ngã ba ngã bảy đường: “Chúa đến đạo ngã ba đường rẽ / Một dòng  nước đi Khách là xanh / Một dòng nước về Kinh là đục / Một dòng nước đi tới Diêm La / Một dòng nước Thích Ca đến hợp / Vạn dòng nước đi Khách đại bang…”. Thiên nhiên rộng lớn biết bao ngả đường, Then biết đi lối nào tìm vía đây.  Mà tục ngữ ta đã đúc kết rồi “Tìm người như thể tìm chim / Chim ăn bể bắc đi tìm bể đông”. Ấy vậy mà đoàn quân Then cứ lặn lội qua bao miền núi non sông nước, những xứ Tây thiên những miền đất Khách, ngôn ngữ bất đồng (Nghe họ nói không rõ lời nào / Các gái Khách rủ nhau ra ngắm) để đi tìm bằng được. Cuối cùng nạp cống và bái lạy vua thiên nhan nhân đức. Then đã tìm thấy vía của cháu (họ Nông) đối tượng đang cần đi tìm đã “Vái lên quan Khách, trăm quan Nùng / Ngày qua đêm trước / Cháu Nông Mỗ là tên này / Vào thuyền sứ ẩn thân / Vào đò bạc ẩn náu / Không nhớ gì đến nhà cửa Việt Nam / Ngày nay ở dương gian cõi thế / Có bố mẹ về tìm / Cho tôi lên đây tìm / Cho quan lang đến đón / Lấy lễ đến tận nhà / Mang bạc mang tiền về tận chốn / Là cho hồn đón / Cho vía về. Nghe hát đến đây mọi người dự buổi lễ thở phào nhẹ nhõm vì Then đã gặp vía, nay hát tiếp dụ dỗ vía về là ổn thỏa: “Là vía hỡi / Bạc vàng phân chia / Kêu gọi hỡi hồn về  / Nào hồn  vía (Nông Mỗ) / Vào đây tà áo dài / Vào đây vạt áo mới / Ăn gì lớn ta về / Ăn gì rồi cũng lại / Về với bố với mẹ Việt Nam / Về với  anh em trang lứa quê cũ / Hú… vía hồn về…”. Khi nghe hát, mọi người như nhập cuộc đi tìm vía. Cho nên kết thúc buổi lễ hồn vía trẻ lạc đã trở về, mọi người đều thấy ấm lòng hởi dạ như chính con cháu trong nhà mình trở về và tin rằng nó sẽ khỏi ốm.

Dự buổi lễ kỳ yên cho cô gái bị ốm yếu héo mòn vì qua kỳ tháo cái thai chửa hoang, mọi người càng đồng cảm hơn. Lời hát cứ khoan nhặt du dương nói về tội lỗi của người con gái bị ép duyên trong hôn nhân và hình phạt của xã hội xưa vì chửa hoang với người tình cũ, là gọt đầu bôi vôi, là theo chân thầy lý và thằng mõ, đem rao khắp vùng. Mọi người nhìn mà khinh bỉ. Sau đó xóm làng kéo về sân đình ăn khao vì cô gái bị phạt vạ. Đấy là đời thường. Trong lời hát Then miêu tả hình phạt cho cô gái còn kinh dị hơn: “Tiền quân lễ lên lối Nặm Phàng / Tội phá thai theo đường Nặm Khế / Đường đại lộ thượng đế tam quan / Nào ai dung gian dâm hoa nguyệt / Về nhà chồng vẫn nết xấu xưa / Tham hoa nguyệt không ưa chồng mình / Vẫn cứ thói ngoại tình chơi hoang / Gặp gió xuân thật không kịp hối / Tình đã vậy chịu tội chứ sao ? Tẩy thai đi theo đường trai gái /  Lỗi đất trời mất đạo vợ chồng…”. Trong hát Then xử tội ra sao: “Lệnh chỉ sai Cúc Ngần xuống bắt / Phá hoang thai tội nặng chẳng vừa /Ngày ba lần dìm xuống ao nước / Cho đỉa vắt bám vào bú sữa / Máu trả máu cho cái thai xưa” . Hình phạt ngoài tục luật này càng rùng rợn hơn gọt đầu bôi vôi trong xã hội cũ. Buổi lễ  Giải tạ phá thương phá khắc do Then chủ lễ đãmời bà Nguyệt cùng các em Thôm Bon, Thôm Ngoạt, Thôm Chu, em Buôn Nụ mặt vàng, em Buôn Gương mặt nhăn nheo, các em Buôn Liễu, Buôn Hoa, nàng Buôn Gỗ gió trăng, “mời hai nàng Hoa Đào, Dương Liễu / mời đến người Dong Điểu phá hoa… cùng ngồi lại bàn hoa cho rõ / Lời kim ngọc đức cả vua ban”. Đây là vua trong Then. Vua ban thế nào ? Vua giải quyết vô cùng nhân đạo. Vua ra lệnh: “Mọi cuốc xẻng cùng mai lên đường / Người phá thai phải cùng có mặt / Mở thông đường Nặm Khế nước trôi / Phá nước nguồn Nặm Phàng cho dứt / Nặm Khế cạn, cạn thác cạn ghềnh / Nặm Phàng cạn, cát vàng phơi nắng / Lệnh truyền hãy lấy vợt cho nàng / Nếu nước lại dâng cao trở lại / Hãy lấy ống xuống múc cho nhanh / Trừ huyết quang phá thương giải khắc / Huyết bồn không để mắc vào thân / Nếu như đỉa lại bâu vào bám / Nàng lấy vợt xúc hết cho nhanh / Máu đỉa phải chảy tới nơi xa / Đàn đỉa cũng trôi về mường Khách / Đỉa trời không bám môi / Vắt trời không dính cổ / Trời mở sáng con quế ngọc châu…”. Mọi người dự lễ hát Then thở phào cùng xuýt xoa “Ôi nhân đạo quá“. Nội dung hát Then cũng như cách giải quyết sự việc đều theo quan điểm nhân ái như vậy nên hát Then được lòng mọi người, nghề hát Then sẽ trường tồn là vì vậy.

Có buổi lễ Then giải hạn, khi đoàn quân Then đang trên đường đi Khau Các, Khau Gài bài hát Then có mô tả nhiều lần về  quan hệ quân Then (người trần) và tiên nữ. Khi gặp các chàng trai dương thế, tiên nữ thường chủ động bắt chuyện và đã ước ao tha thiết có sự thông cảm gắn bó. Khi đoàn quân Then chèo thuyền đến bến Nặm Kim đã gặp cảnh: “Cất lời ra một khi bến giang? Tiên nữ mở trầu cau bờ bến / Bến này người thường diện qua lại / Được  thấy chúa nam giai phải lòng / Vào ăn trầu với em hãy đi / Cám ơn nàng xe dây thiếu nữ / Anh hãy còn công sự việc quan/ Không  dám ăn trầu cau cùng nàng / Ta còn có việc trạng sai thuyền / Tiên nữ cất lời cười mới nói / Ngày nay mới họa hoằn gặp nhau / Chưa kịp nói những lời trong dạ / Lại mắc vì việc trọng tướng sang / Để em phải ở đơn không chồng”. Người dương gian luôn nhớ đến công vụ nên vẫn tỉnh táo mà khuyên giải nàng để mình dứt khoát ra đi thanh thản: “Em  hỡi chớ lo  toan than thở / Anh còn mắc công vụ việc quan / Xong việc đã hãy toan nàng hỡi / Nghĩa hai ta bè bạn còn  lâu…”.

Cũng cùng hành trình ấy, khi đoàn quân Then đến chặng núi Khau Các, Khau Gài , người trần được nàng tiên mở tiệc đãi đọa, sau những tuần chuốc rượu say sưa, các chư vương trần thế không còn nhớ đến lý tưởng nữa. Khi xuân tình thức dậy giữa hai bên, tiên nữ đã nghĩ đến chuyện như ca dao cổ đã làm “Yêu nhau cởi áo cho nhau / Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”.Tiên nữ đã tặng áo bạc rất quý giá của mình, chư vương (tức là Then) đã nhận áo lại còn vụng cấu vào tay tiên nữ: “Tiên nữ liền cười nói cùng chàng / Em sẽ cởi áo bạc tặng người /Tiền bạc của kim ngân ai từ / Nếu lấy thì không phải đạo ta /Không lấy thì không hay đạo người / Lấy, ra kẻ cơ hàn bất tri / Không lấy, nên khinh khi của người”.  Đoàn quân Then người trần cũng có sự đắn đo suy tính, làm sao cho đúng đạo lý dân gian, cuối cùng tình cảm đã thắng lý trí, các quan Then (chư vương) nhận áo và giữ khư khư trước mặt ba quân đông đảo: “Chư vương đón lấy áo khư khư / Liền vụng cấu vào tay tiên nữ / Làm ngơ như vô sự, không thưa”. Cái hành động vụng cấu vào tay và vẻ mặt làm ngơ đã nói lên bao điều. Nói rằng quan hệ giữa các nàng tiên với người trần nhưng bài Then muốn nêu lên một vấn đề trong cuộc sống, đó là quan hệ nam nữ trong đời thường, là quan hệ lý  trí và tình cảm, quan hệ giữa lý tưởng và dục vọng con người; đồng thời quan hệ ấy nêu lên suy nghĩ về hạnh phúc lứa đôi trong xã hội (khi mà quy tắc sống của phong kiến là nam nữ thụ thụ bất thân).

Còn bao nhiêu lễ khác như:

– Lễ Bắc cầu xin hoa (Cái cấu xo bioóc,) một cái lễ rất quan trọng với các cô gái về nhà chồng mấy năm rồi mà vẫn chưa có con. Hát Then sẽ bắc cầu xin mẹ Hoa ban phúc.

– Lễ Vía tháng (Khoăn bươn) cho nàng dâu đã có thai vào tháng thứ ba, tháng thứ tám để cầu mẹ Hoa (Bụt Cả) bảo trợ tiêp.

– Lễ Hoa rụng (Bioóc héo) tống tiễn hồn đứa trẻ chết yểu về hẳn với mẹ Hoa đừng bao giờ nghĩ trở lại dương thế (theo luật luân hồi).

– Lễ Chui lầu (Dòn lầu) để cầu mong đứa trẻ được trường sinh bảo mệnh, hồn vía ở lầu cao đài các, tâm hồn sẽ khỏe mạnh vui tươi. Trong buổi lễ đứa bé được mặc áo vàng trên có viết nhiều chữ yểm rất đẹp. Sau lễ này, đứa trẻ được đeo bùa hộ mệnh, khiến già trẻ đều yên tâm.

–  Lễ Con xin (Lủc xo) khi nhận trẻ sơ sinh về nuôi bộ.

Lễ Gọi vía (Roọng khoăn) gọi vía về với thân người ốm.

– Lễ Đi sứ (Pây sử) tìm vía trẻ lạc

– Lễ Nối số (Tâu sổ) cho các đối tượng vào tuổi 49, 61, 73, 85 … để yên ổn vượt qua tuổi hoạn nạn.

– Lễ Chuyển thóc lương (Vẩn khẩu lường) cho các cụ cao tuổi trong chúc thọ v.v…[5]

Lời ca mượt mà hòa vào trong tiếng đàn Then du dương êm ái cùng khói hương thơm lừng, tâm hồn người dự buổi lễ cứ lâng lâng đi theo hành trình đường Then vượt mây vượt gió đến nơi cần cầu xin sự yên lành vĩnh cửu. Và nghề hát Then cứ tồn tại theo lời Then cùng tiếng đàn lâu lâu lại vọng lên từ gia đình nào đó trong thung lũng sâu thẳm, xa lắc…

 

5. Tư cách người hát Then quyết định phần lớn
sự tồn tại của nghề hát Then

Con đường của người vào nghề hát Then thường trải qua vài tuần “phấc”, nghĩa là nhảy nhót, ở không yên, lúc thì gấp hình con én bay, lúc thì cắt hình nhân có lọng vàng, xưa nay gảy đàn không hay nay bỗng nhiên có tiếng đàn tuyệt diệu, miệng thường hát những câu hát trữ tình theo tiếng đàn Then… Rồi người đó hay đi chợ phiên tìm bạn, vẻ mặt lúc nào cũng tươi rói lạc quan. Và sẽ có một phiên chợ nào đó cô con gái muốn vào nghề Then mang lễ vật đến mẹ say (mẹ thầy – một bà Then cao tay trong vùng) xin làm con sở, con hương. Mẹ say nhận cô gái làm gường (có lúc gọi sở, con hương). Từ đó mẹ say (mẹ thầy dạy) đi làm lễ ở đâu đều cho gường, sở đi cùng học tập và được kèm cặp thực tập khoảng ba bốn năm. Một điều lạ là học nghề hát Then không bao giờ dùng sách vở ghi chép bài bản mà là học truyền miệng bằng thuộc mới thôi. Sau đó gường ( hoặc sở) xin mẹ thầy cho làm Lễ hội Dàng Then (Lễ cấp sắc)

Trong Lễ cấp sắc có nhiều lễ nghi, nhưng quan trọng là con gường sở được sát hạch. Xin trích đọc một đoạn sát hạch, có câu hỏi câu trả lời.

– Chén rượu giữ thật chặt

Chén trà đặt lên còn giữ mãi, phải không?

(Không phải thế đâu ạ!)

– Nấu rượu thì mắng chó mèo

Nấu rượu lại mắng mỏ con, phải không?

(Không đâu ạ!)

– Diều hâu bắt vịt bắt gà đi xua đuổi

Hổ bắt lợn trong ruộng thì đuổi, có đúng không?

(Làm vậy đúng ạ!)

Trâu ngã, gường đi xả thịt

Nhà người gường đi rỡ, phải lẽ chăng?

(Không đi đâu ạ!)

Bến rửa đầu nhà sàn, sở đi chui qua dưới

Nơi thắp hương dưới sàn, sở  bước qua trên hay sao?

(Không đi đâu ạ)

– Người ta đang làm lễ nhà có tang

Gường nghênh ngang bước qua trước đám, nên chăng?

(Không bao giờ ạ)

– Thịt còn treo để vách

Cá còn treo ngoài sào kia, nên chăng?

(Không ạ, thịt cất từ đêm qua

Cá cất từ đêm trước rồi ạ)

Gường ăn cơm ở đĩa thừa

Gường gắp rau ở đĩa ôi thiu, thì sao?

(Không bao giờ ạ)

Đi làm đồng còn mê hoa

Đi làm ruộng còn hái nụ, hay sao?

(Không có chuyện hoa nguyệt bao giờ đâu ạ)

Gường ăn thịt thừa của chó

Gường ăn cá thừa ôi thiu, được chăng?

(Không ạ)

Gường đội nón vào tang

Gường lẫn lộn trai gái thì sao?

(Không đội nón vào tang

Không lẫn lộn trai gái đâu ạ)

Cuộc sát hạch chưa xong nhưng mẹ say (hoặc thầy cả) sơ bộ đánh giá: “Dạ dạ … (…) Tôi sẽ nói thay cho gường / Tiểu Then sẽ thưa cho rõ / Gường vốn thanh khiết luôn / Sở ăn chay vẫn thế / Mồng một gường ngồi ở như mèo / Hôm rằm gường độc thân như vượn / Tháng giêng ngày mồng một / Tháng bảy tết hôm rằm / Người đời ăn thịt ăn cá / Còn gường liếc mắt nhìn bát mẻ chua / Bụng lép như bụng cà cuống / Mắt xanh như mắt ve sầu / Ăn mẻ chua không biết chua / Ngồi không không biết đói / Thanh tịnh với Bụt Cả / Thanh khiết với Bụt Già.

Cuộc sát hạch vấn đáp lại tiếp tục:

 – Lặng lặng

Rộng miệng gường thầm thì nguyền rủa

Dài lưỡi thì đi lừa bịp hay sao?

(Không đâu. Không bao giờ)

 – Rộng miệng thì đi nói dối

Ăn không nhà người ta thì sao?

   (Không bao giờ)

– Rộng miệng thường mắng con ma

Lại đi chê kẻ nghèo khó thì sao?

   (Không đâu ạ)        

Đến đây giám khảo chuyển sang hình thức sát hạch khác: “Nâng gường lên ngang miệng để hỏi / Kéo gường lên ngang vai để lục vấn / Thước năm thốn đo cái bụng / Xích bảy thốn đo cái cổ (tức là tấm lòng) / Đo xuống tận cái ức / Tuốt xuống tận trái tim / Gọi khí trời về bụng / Gọi dòng máu về tim…

Lặng lặng

Nắm cổ để gường thổ

Cầm mồm để gường nhả

(Khạc. Phì)

Bài hát sát hạch gường sở miêu tả và kết luận: “Khạc lên toàn những hơi khói / Nhả ra toàn những sương mù / Tốt lắm thay… / Con bụt còn được như bụt hiền hòa / Con tiên còn được như tiên tha thướt / Con của thuồng luồng ắt giống thuồng luồng sông trên / Con của hổ cũng được như hổ lớn  đại ngàn / Con nhà ấy cũng được như nhà ấy cai quân / Ngày ngày đi quản ngựa được trọn vẹn / Đi cai quân được mạnh / Đồng dưới người ta đến tìm mời / Lối trên người ta đến tìm  đón / Xứng đáng làm Then rồi đây.

Vậy là gường sở này được làm lễ đội mũ và tiếp theo là lễ cấp sắc, một chứng chỉ vào nghề hát Then (viết bằng chữ Nho). Ba năm tiếp theo rèn luyện và tu dưỡng đạo đức sẽ được làm lễ hội nâng cấp lần thứ nhất…

Bấy lâu nay ta ít được tiếp xúc văn bản (hoặc không nghe lời Then hát) mà chỉ nghe tiếng đàn, nhìn khói hương nghi ngút, trông dân gian quây quần xung quanh người hát Then đã cho là mê tín dị đoan thôi. Có được nghe hát và xem những bài hát Then sưu tầm ta mới có suy nghĩ trân trọng về họ.

Có lần TS Phan Đăng Nhật đề nghị không nên gọi sinh hoạt dân gian ấy là “dị đoan”. TS Phan Đăng Nhật viết:  “Không nên dùng  chữ “dị đoan”, vì nó bắt nguồn từ chế độ độc tôn độc tài về tôn giáo; mà chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là tự do tin và tự do không tin, không ai được coi là chính giáo mà quy cho người khác là tà đạo, dị đoan…[6].

Có được nhiều dịp dự các cuộc lễ của Then, nghe Then hát cũng như nghiên cứu văn bản, ta mới hiểu nhân cách của Then. Theo nhóm nghiên cứu Hoàng Quyết, Vương Toàn:“ Then không làm nghề chuyên mua thần bán thánh hay lừa gạt. Bình thường họ là những người lao động thừa hưởng những kinh nghiệm của cha ông, nắm được phong tục tậpquán của dân tộc, nên có vai trò quan trọng đặc biệt là biết hướng dẫn thực hiện các nghi lễ (ma chay cưới xin) nên được người dân tôn trọng và nhờ cậy đến, để có thể “ giao tiếp ” với thần linh, trừ diệt ma quỷ… “[7].

Khi người hát Then được mời về làm lễ, ta nghe những lời Then hát khi mở đầu một đêm làm lễ đến là xúc động. Họ tôn trọng tổ tiên (đẳm), họ là người thay gia đình dâng lễ. Còn người am tường chỉ lối lên trên mường trời phải là tổ tiên, cần tổ tiên sẵn lòng giúp. Tiếng đàn Then đệm lời cứ thánh thót, ngón đàn cứ uyển chuyển, tiếng hát du dương bay vào không gian huyền bí của khói hương: “Nhờ đến cụ tổ cụ tông / cụ cao tằng tổ / Ông bà tổ tiên / Nơi cụ, cụ đi thay / Nhà cụ, cụ đi trước / Đi chỉ nơi chỉ ngõ / Đi chỉ sân chỉ nhà / Dẫn lối lên thượng phương thượng đế / Bởi tiên Then là người hạ thế dương gian / Biết không biết được nhiều / Khôn không khôn được hết / Hay không hay được nhiều / Khôn không khôn được đủ / Cụ tổ cụ tông / Cụ cao tằng tổ / Cụ ông cụ bà / ở thượng phương là biết hơn / Dẫn chúng tôi đi đến chốn / Giải hạn cho con cháu trong nhà / Trong gia tộc đêm nay… (Bái tổ). Trong khúc hát Gọi hương (Roọng hương), Then hát lời rất chân thành: “Con cháu được ăn không quên đũa / Được ở không quên ông / Không quên công tiên tổ….

Đối với bà con xóm bản đang vây quanh dự buổi lễ, thầy Then vẫn chân tình hát: “Hôm nay lo được rượu lễ về dâng / Cỗ bàn về cúng / Trần thế kiếm được về / Trần thế tìm là được / Nhưng khắc lo sợ không lọt / Lọt không tới / Đi gọi tiện Then tận nhà / Đi nhờ tiện Then tận cửa / Cùng tiện Then viết tờ sớ lên thay / Nàng tiên làm quan lang lên báo / Báo cao tổ được hay / Báo thế tổ được biết / Nhưng nơi này thiếu gì người sáng dạ / Lại cho tôi về kính phụng hiếu bang / Tay niệm lạy tướng sang các chúa / Lời nào nói lầm lỡ bảo giùm / Bản thân tiện Then giống như tiêu khách / Vác miệng về dọn tiệc rượu hoa / Bản ta thiếu chi người sáng dạ / Cho tôi về kính phụng hiếu bang / Tay niệm lạy tướng sang các vị / Lời nào không vừa ý xin khuyên / Lời nào không vừa lòng sẽ dạy…” (Gọi hương).

Chưa nói đến nội dung công việc cúng bái, chỉ nghe ngần ấy lời của Then ta đã yên tâm họ không là người buôn thần bán thánh khoác lác kiếm ăn bất lương. Họ đã nhận được niềm tin và sùng bái trong dân chúng.

 

6. Mấy lời kết

– Nghề hát Then cúng bái (chant culturel) là một hiện tượng xã hội đang tồn tại và phát triển rất cần những công trình nghiên cứu khoa học của  nhiều vị cùng tham gia để có được kết luận thỏa đáng.

– Nghề hát Then cúng bái đã trải qua những bước thăng trầm nhưng đến nay nó vẫn tồn tại bởi đây là vấn đề tín ngưỡng và tâm linh của dân gian. Nghề hát Then cúng bái tồn tại được còn vì nội dung lời hát chứa đựng một tinh thần nhân văn cao cả đồng thời những người hát Then cũng là những người có được cái tâm chân thành, nhân hậu.

– Những bài hát Then là những di sản quý báu của văn nghệ dân gian đang cần  được bảo tồn nghiên cứu công bố, phát huy những yếu tố tích cực của nó phục vụ  cuộc sống hôm nay và mai sau[8].