Trong kho tàng âm nhạc truyền thống của các DTTS Việt Nam, âm nhạc của mỗi dân tộc lại mang một sắc thái riêng, gắn liền với đời sống tinh thần của mỗi dân tộc. Cùng với dòng chảy của thời gian, với sự sáng tạo của các nghệ sĩ, âm nhạc dân tộc cũng được làm mới để phù hợp với xu hướng hiện đại. Không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, âm nhạc của các DTTS còn góp phần làm giàu thêm cho nền âm nhạc Việt Nam.
Là một quốc gia đa dân tộc, Việt Nam có sự đa dạng về văn hóa, phong tục, ngôn ngữ, tiếng nói… trong đó, âm nhạc mang sắc thái riêng, bao gồm kho tàng dân ca, nhạc cụ phong phú, đặc sắc gắn liền với đời sống tinh thần của mỗi dân tộc.
Nếu đồng bào dân tộc Thái có điệu khắp – một làn điệu dân ca đặc trưng, giàu bản sắc đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong các lễ hội, đám cưới, lễ mừng nhà mới, mừng cơm mới, mừng năm mới… thì người Chăm lại tự hào với làn điệu H’ri gắn liền những câu hát ru sâu lắng, da diết…
Âm nhạc của mỗi dân tộc có những nét đặc trưng, đa dạng là thế, nhưng khi sống trong nền âm nhạc đương đại, chất liệu âm nhạc của mỗi dân tộc lại được chuyển hóa, được làm mới để phù hợp xu hướng và thị hiếu của người nghe.
Là người con dân tộc Tày của mảnh đất xứ Tuyên, từ khi còn nhỏ nhạc sĩ Tân Điều đã được đắm mình trong những làn điệu sli, lượn, then… mượt mà, tha thiết của đồng bào Tày, Nùng. Để rồi những làn điệu ấy luôn ẩn hiện trong từng sáng tác của ông: “Đường về Tân Trào”, “Áo chàm đi hội”, “Vấn vương câu hát ới la”, “Mùa bông”, “Lời suối hát”, “Đánh yến”, “Con gái bản tôi”…
Trong ca khúc “Con gái bản tôi”, nhạc sĩ Tân Điều đã vận dụng một cách linh hoạt và nhuần nhuyễn các làn điệu dân ca, làm cho giai điệu, ca từ trở nên mượt mà: “Con gái bản tôi ai ai cũng khéo/Nắng gắt trên lưng chưa rời rẫy nương/Ríu ra ríu rít bên giàn khung cửi/Dệt nên cuộc sống với bao tiếng cười”. Ca khúc là bức tranh tái hiện không gian văn hóa miền núi khi tác giả khéo léo thêm ngữ điệu cảm thán của người Tày như “a lúi” sau mỗi câu hát.
Nếu nói đến kế thừa chất liệu âm nhạc dân tộc vào các sáng tác mới mà không nhắc tới dân ca Mường có lẽ là một thiếu sót. Đặc trưng của dân ca Mường thiên về tự sự, lấy ngôn ngữ văn học dân gian làm chủ đạo. Nhiều luyến láy là một trong những nét riêng của dân ca Mường. Sự luyến láy tạo ra âm điệu riêng để cùng chung một làn điệu mà mỗi vùng, thậm chí mỗi Mường lại có sự độc đáo khác nhau.
Âm nhạc DTTS làm giàu kho tàng âm nhạc Việt Nam
Nhạc sĩ Huy Tâm, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Hòa Bình cho biết: Mỗi thế hệ nhạc sĩ đều có những cách sử dụng chất liệu dân ca Mường rất riêng. Ví dụ, thế hệ các nhạc sĩ những năm 1960 cho đến khoảng trước năm 2010 thường sử dụng chất liệu dân ca Mường vào các sáng tác bằng cách giữ nguyên bản bài dân ca. Tuy nhiên, những năm gần đây, các nhạc sĩ mới họ không “bằng lòng” với kiểu sáng tác cổ điển mà đã mạnh dạn đưa hơi thở của cuộc sống hiện đại, đó là nhạc nhẹ vào các tác phẩm có sử dụng chất liệu dân ca Mường. Hướng khai thác này đã cho thấy hiệu ứng tốt ở một số ca khúc.
Tiêu biểu như ca khúc “Hòa Bình tay trong tay” của nhạc sĩ Trần Ngọc Dũng. Hay nhạc sĩ Nguyễn Cường trong chuyến đi thực tế, sáng tác tại Hòa Bình với ca khúc “Đi gặp sông Đà” vừa mang âm hưởng dân ca Mường, vừa sử dụng chất liệu dân ca được khán giả đánh giá cao.
Theo PGS. TS Nguyễn Bình Định, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam: Âm nhạc của các DTTS có vai trò quan trọng và là yếu tố quyết định tạo ra sự đa sắc, đa hương cho vườn hoa nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Các DTTS có những tư duy về vấn đề giai điệu, điệu thức, điệu quãng, nhạc cụ và cách thể hiện riêng. Điều đó góp phần tạo nên bản sắc riêng từng dân tộc, tạo nên sự phong phú đa dạng của âm nhạc dân tộc Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Âm nhạc của các DTTS có vai trò quan trọng và là yếu tố quyết định tạo ra sự đa sắc, đa hương cho vườn hoa nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Điều đó góp phần tạo nên bản sắc riêng từng dân tộc, tạo nên sự phong phú đa dạng của âm nhạc dân tộc Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.