Nghệ sĩ: Minh Cảnh
Minh Cảnh sinh năm 1937, tên thật là Nguyễn Văn Cảnh, là nghệ sĩ cải lương, sinh ra trong gia đình nghệ thuật tại Chợ Lớn – Sài Gòn. Ba ông là người Quảng Bình, mẹ là người Việt gốc Hoa.
Minh Cảnh và sự nghiệp
Năm 1959, vốn mê hát cải lương, Minh Cảnh đã được ông Hai Sĩ dạy ca vọng cổ. Sau đó được nghệ sĩ vĩ cầm Văn Được hướng dẫn ca tài tử ở Đài Phát Thanh.
Năm 1960, ông được nghệ sĩ Văn Được và nhạc sĩ đàn cò Ngọc Sáu giới thiệu với bầu Long để theo hát ở đoàn Kim Chung. Trong thời gian này Minh Cảnh được nhạc sĩ Bảy Trạch dạy thêm nhiều làn điệu, rồi được ra sân khấu trong các vở: Người nghệ sĩ mù đất Hà Tiên, Phù Kiều Trường Hận, Tiếng cười Bao Tự, Tuyết Phủ Chiều Đông, Chiều thu sầu ly biệt…
Năm 1961, nghệ sĩ Minh Cảnh nổi danh với bài vọng cổ “Tu là cội phúc” của soạn giả Viễn Châu và bắt đầu được mời thu đĩa ở hãng Asia, các làn điệu vọng cổ của soạn giả Viễn Châu như: Võ Đông Sơ, Lương Sơn Bá, Mưa trên phố Huế, Sầu vương ý nhạc, Chuyến xe lam chiều, Lưu Bình Dương Lễ, Lòng dạ đàn bà, Em bé đánh giày, Trái sầu riêng (với Mỹ Châu), Đời mưa gió, Ni cô và Kiếm sĩ (với Diệu Hiền), Người điên yêu trăng, Khóc cười, Hai bản đàn xuân (của Quy Sắc)….
Năm 1963, đoàn Kim Chung 2 được thành lập, Minh Cảnh chuyển sang đoàn 2 và nổi danh qua các vở: Manh áo quê nghèo, Bên cầu vọng thê, Lưỡi kiếm thần, Lời thơ trên tuyết, Bức hoạ da người, Bẻ kiếm bên trời, Hận đầu xanh, Bích Vân Cung kỳ án, Trinh nữ lầu xanh…
Minh Cảnh cũng đã được mời đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Ông luôn tâm huyết với nghề, được bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao và công chúng ghi nhận, một Minh Cảnh tài năng trên sân khấu.