Nghệ sĩ: NSƯT Xuân Hanh
NSƯT Xuân Hanh tên thật là Bùi Xuân Hanh, ông sinh năm 1949 tại Vân Nam, Phúc Thọ, Hà Tây, một trong những chiếng chèo nổi tiếng. Trở thành công nhân nông trường Sông Lô, tỉnh Tuyên Quang ông là một hạt nhân văn nghệ và giành được rất nhiều giải thưởng trong các cuộc liên hoan, hội diễn của nông trường cũng như của tỉnh.
Sau sáu năm công tác tại nông trường sông Lô Xuân Hanh đã trở thành diễn viên của Đoàn chèo Tuyên Quang.
Đến năm 1984, do hoàn cảnh gia đình ông đã chuyển công tác về Đoàn chèo Hà Nội. Nhớ về cuộc đời nghệ sĩ của mình, ông tâm sự : “Tôi vốn yêu chèo từ nhỏ. Lớn lên là công nhân nhưng lại được làm công tác văn hoá, văn nghệ nên máu chèo lại càng nồng nàn, say đắm. Vì vậy, chèo là duyên nghiệp của tôi”. Vâng, chính là duyên nghiệp, nên với hơn 60 năm tuổi đời, hơn 40 năm tuổi nghề nghệ sĩ Xuân Hanh đã gặt hái được những thành công không nhỏ, đó là các tấm HCV, HCB qua các kỳ hội diễn của Trung ương, của địa phương cho giọng hát hay, vai diễn giỏi. Và điều vinh dự nhất đối với NSƯT Xuân Hanh là ông đã được nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý – NSƯT.
Nghệ sĩ Xuân Hanh cộng tác thu thanh tại Đài TNVN từ những năm 70. Ngoài việc thu thanh giọng hát, ông còn soạn lời mới cho những làn điệu chèo.
Cho đến nay đã có trên 50 bài ca lẻ, ca cảnh, hoạt cảnh chèo do ông soạn lời mới được thu thanh và phát trên làn sóng Đài TNVN. Ông cũng là đồng tác giả của rất nhiều vở chèo của Nhà hát chèo Hà Nội, đoàn chèo Thái Bình.
Hơn 30 năm làm nghệ thuật, NSƯT Xuân Hanh đã trải qua hàng trăm vai diễn lớn nhỏ và là một giọng hát chèo được mến mộ trên sóng phát thanh. Xuân Hanh có khả năng hóa thân vào nhiều dạng vai khác nhau. Năm 1981, ông giành giải A tại Hội diễn Sân khấu chèo toàn quốc ở Thái Bình, cho vai anh Cần trong vở “Tiếng sáo rừng xanh”.
Ngoài việc làm diễn viên, ông còn chuyển thể kịch bản chèo. Ông đã chuyển thể được 15 vở diễn, và viết kịch bản 1 vở. Hầu hết những kịch bản này đều do Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng và trở thành những vở kịch được đông đảo khán giả yêu mến như “Người thiên đô”, “Oan khuất một thời”, “Ngọc Hân Công chúa”, “Cao Bá Quát”… và gần đây nhất là “Quan lớn về làng”(2011).