Nghệ thuật âm nhạc trong dân ca Việt Nam

Gắn chặt với lao động và đời sống xã hội, dân ca bao giờ cũng được diễn xướng trong những môi trường cụ thể. Điều kiện sinh hoạt của từng miền, từng dân tộc đã nảy sinh ra những hình thức ca hát và những làn điệu riêng, tạo thành những nét độc đáo của từng địa phương, của từng dân tộc.

Bộ phận dân ca gắn bó chặt chẽ với lao động sản xuất là những điệu hò lao động. Ngoài chức năng cổ vũ, họ còn đóng vai trò tổ chức lao động, nghĩa là tập hợp năng lực của mọi người vào công việc, điều khiển năng lực ấy qua nhịp điệu và kết cấu của bài ca.

Mỗi điệu hò thường có hai vế: Vế xô và vế kể. Vế xô là một nét nhạc cố định có độ dài ngắn khác nhau tùy theo tính chất của từng công việc. Vế xô trong những điệu hò tập thể bao giờ cũng được diễn xướng bằng đồng ca. Sự luân phiên, xen kẽ giữa xô và kể trong hò tạo thành một hình thái cấu trúc âm nhạc đặc biệt ít gặp trong loại dân ca khác, ta có thể gọi là lối cấu trúc chu kì liên hoàn.

Đối với những điệu hò ngân nga, chậm rãi thường sử dụng trên sông nước và do một người diễn xướng, thì đặc điểm của lối kiến trúc chu kì nhường chỗ cho kiểu cấu trúc đoạn ngâm. Vế xô ở đây được thể hiện trong tiếng đưa hơi uyển chuyển, thường đặt ở đầu câu và cuối câu hát; vế kể là lời ca mang nội dung tự sự.

Nghệ thuật âm nhạc trong dân ca Việt Nam
Nghệ thuật âm nhạc trong dân ca Việt Nam

Bên cạnh những bài hát lao động, những bài hát nghi lễ phong tục cũng là những thể loại có nguồn gốc lâu đời nhất. Thể loại này ở miền xuôi bao gồm các lối hát gắn với hội hè và phong tục của các địa phương như hát Xoan, Trò Trám (Phú Thọ và Vĩnh Phúc), hát Dô, hát Chèo tàu (Hà Đông và Sơn Tây), hát Dậm (Hà Nam), hát Ải lao (ngoại thành Hà Nội); các trò múa hát Lục cúng, Sắc bùa (Trung Bộ)… Trong dân ca miền núi, loại bài hát nghi lễ phong tục được diễn xướng trong lễ Vãi mạ của đồng bào Mường, hội Lồng tồng và hội Loòng Toòng của đồng bào Tày và Thái, hội Măng mọc của đồng bào Khơ mú, lễ Đâm trâu của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên…

Dân ca nghi lễ phong tục bao gồm nhiều thành phần nghệ thuật kết hợp lại: Âm nhạc, nhạc nhảy múa, hoạt cảnh hoặc kịch hóa. Là sự kết hợp giữa âm nhạc và lời thơ. Đó là những yếu tố tạo thành những vẻ đẹp khác nhau trong giai điệu dân ca. Những giai điệu bám sát ngữ âm của tiếng nói và bố cục của bài thơ là những giai điệu mang phong cách hát nói. Ngược lại, trong phần lớn những bài hát giao duyên do phải diễn đạt cảm xúc trữ tình với những sắc thái sâu lắng, ý nhị, thì những giai điệu ngân nga, uyển chuyển trở thành cốt cách. Những chuỗi âm thêu dệt rất tinh tế, uyển chuyển thường thấy trong những giai điệu quan họ và nhiều bài dân ca giao duyên khác là những âm điệu trữ tình độc đáo trong dân ca Việt Nam.

Hệ ngũ cung là cơ sở sớm nhất của giai điệu trong dân ca Việt Nam. Trong buổi đầu dân ca Việt Nam phát triển theo khuôn khổ của những thang hai và ba âm. Ở giai đoạn này, giai điệu ở tình trạng đơn sơ lặp đi lặp lại nhiều đường nét giống nhau hoặc có tiến hóa chút ít. Giai đoạn tiếp theo giai điệu của nhiều bài hát dựa trên cơ sở của thang 4 âm hoặc 5 âm. Sự chuyển dịch từ thang âm này sang thang âm khác trong mỗi bài hát đã trở thành một hiện tượng phổ biến. Đối với những bài dân ca xuất hiện muộn hơn thì tư chất âm nhạc đã có những biến đổi quan trọng. Một bộ phận bài bản tuy vẫn dựa trên thang 5 âm, nhưng giờ đây tầm âm đã được mở rộng đáng kể (có khi đạt đến hai quãng tám) và bố cục điệu tính của chúng không chỉ nhằm khắc phục sự đơn điệu mà còn tạo ra những hiệu quả mới, như chuyển điệu để gây cao trào, chuyển điệu để về kết.

Nhịp điệu trong dân ca Việt Nam linh hoạt và đa dạng. Bên cạnh những bài hát mang nhịp điệu uyển chuyển, nhiều bài hát gắn với nhịp điệu nhảy múa và lao động rất sôi nổi và khúc triết.

Sự phong phú và đa dạng trong hình tượng nghệ thuật, trong phong cách diễn xướng và trong ngôn ngữ âm nhạc của dân ca Việt Nam là kết quả của tài năng sáng tạo của Nhân dân ta từ đời này sang đời khác. Các nhạc sĩ Việt Nam tự hào về nền âm nhạc truyền thống của dân tộc mình và đang ra sức phát huy những tinh hoa của truyền thống đó, để xây dựng một nền âm nhạc dân tộc, hiện đại, xứng đáng với Nhân dân anh hùng và thời đại công nghệ 4.0 mà chúng ta đang không ngừng đổi mới và hội nhập.