Hồ Văn Cường – từ cậu bé hát đám cưới đến thiên sứ cảm xúc

Cậu bé hát dân ca Hồ Văn Cường đang trở thành một trong những gương mặt sáng giá nhất trong chương trình thần tượng âm nhạc nhí 2016 bằng lối hát đầy tình cảm và lôi cuốn.

Hồ Văn Cường gây ấn tượng ngay với ban giám khảo và khán giả ngay từ vòng Audition của chương trình Vietnam Idol Kids 2016. Với giọng hát giàu cảm xúc và khả năng xử lý các ca khúc dân ca rất chuyên nghiệp, Cường được kỳ vọng là ứng viên quán quân ngay từ những số đầu tiên lên sóng.

Cậu bé nghèo  “hát đám cưới”

Cường sinh ra tại miền đất nghèo khó Gò Công, Tiền Giang, cha mẹ làm nông với thu nhập không ổn định mà vẫn phải chi trả cho nhiều khoản chi tiêu học tập của em. Chính vì thế, cậu bé 13 tuổi quyết định đi hát đám cưới để vừa thỏa mãn niềm đam mê ca hát, vừa giúp ba mẹ trang trải trong cuộc sống hằng ngày.

Khi được giám khảo Tóc Tiên hỏi thăm về công việc đặc biệt này, cậu bé không thể kiềm được nước mắt khi nhớ về tuổi thơ gian khó của mình. Cường nói: “ Con đã đi hát từ năm lớp sáu, mỗi lần hát được bao nhiêu tiền đều đem về phụ cho cha mẹ đóng tiền học.”

Những chia sẻ thật lòng của Cường  khiến ban giám khảo khá bối rối cũng như lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả qua truyền hình. Và đây cũng chính là dấu ấn khiến Hồ Văn Cường đi gần hơn tới trái tim độc giả qua hình tượng cậu bé nghèo hát đám cưới với dòng nhạc dân ca.

Ho Van Cuong – tu cau be hat dam cuoi den thien su cam xuc hinh anh 1
Hồ Văn Cường xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở Tiền Giang. Ảnh: BTC

Thiên sứ cảm xúc của Vietnam Idol Kids

Hồ Văn Cường đối mặt với thử thách khó khăn hơn khi chính thức bước vào phần trình diễn ở vòng studio và các đêm gala xếp hạng sau phần thi gây sốt ở vòng audition trước ba vị giám khảo.

Cậu bé chưa từng học qua một trường lớp chuyên nghiệp, cũng như ít có cơ hội được trình diễn trên một sân khấu lớn với áp lực khán giả. Điều này khiến bộ ba ban giám khảo cũng như nhiều khán giả lo lắng cho cậu khi cạnh tranh với 6 thí sinh nam khác.

Vượt ngoài sự mong đợi của mọi người, ngay từ vòng studio, Văn Cường đã khiến hội trường không ngừng reo hò khi thể hiện xuất sắc tiết mụcVề miền Tây. Từ giọng hát đến cách trình diễn đều tự tin và lôi cuốn. Tiết mục tạo một dấu ấn không nhỏ trong cộng đồng mạng với hơn 2.8 triệu lượt xem trên fanpage chính thức của chương trình.

Đến tiết mục Còn thương rau đắng mọc sau hè ở đêm Gala 1, Hồ Văn Cường không chỉ  khiến hai giám khảo văn Mai Hương và Issac bật khóc mà còn lay động trái tim hàng triệu khán giả xem đài.

Trở về với đúng sở trưởng của mình trong điệu nhạc chậm rãi, êm ái, cùng những lời ca da diết đầy tự sự, Hồ Văn Cường thực sự được tỏa sáng trên sân khấu Vietnam Idol Nhí 2016. Tiết mục giúp cậu bé lần thứ 2 liên tiếp dẫn đầu top bình chọn của cuộc thi và trở thành tiết mục được tìm kiếm nhiều nhất trên kênh YouTube của chương trình tới thời điểm này.

Một điều thiếu may mắn cho Cường khi bước vào đêm gala thứ 2 chính là sức khỏe. Việc chưa quen với môi trường tập luyện, cũng như áp lực đối với mỗi vòng thi, khiến em bị ốm và gặp khó khăn khi luyện tập.

Nhưng sau khi kết thúc phần thi của mình, ngay cả ban giám khảo và khán giả đều xúc động vì tình cảm của em trong bài hát và hơn nữa là nỗ lực hết mình mà em mang đến. Khán giả Tịnh Cường đưa ra nhận xét trên mạng xã hội ngay sau khi nghe xong tiết mục Bông hồng cài áo: “Phải công nhận Cường hát quá hay. Mình đã nghe nhiều bản khác. Nhưng đến lúc Cường thể hiện, mình thấy sao da diết và cảm xúc thế. Yêu em và luôn cổ vũ cho em”.

Cũng từ tiết mục sâu lắng này, nữ ca sĩ xinh đẹp Tóc Tiên đã dành tặng cho cậu bé một biệt danh mới là “Thiên sứ cảm xúc” của chương trình.

Làn gió mới của dân ca Việt

Sau Phương Mỹ Chi, đến thời điểm này,  Hồ Văn Cường chính là một giọng hát dân ca chiếm được nhiều tình cảm yêu mến từ khán giả dù vẫn còn những khiếm khuyết như khả năng trình diễn, kỹ thuật lấy hơi,….

Chỉ sau vài tuần phát sóng, các video của cậu bé dân ca đã được lan truyền mạnh và nhận được nhiều sự ủng hộ. Các tiết mục trình diễn của em được nhiều đối tượng khán giả đón nhận, từ các bà các cô, khá giả lớn tuổi cho tới chính những khán giả đồng trang lứa với Cường.

Bên cạnh một “soái ca nhí” Gia Khiêm sáng sân khấu, một Jayden phiêu hết mình, một Thiên Tùng đầy màu sắc…. Văn Cường vẫn không hề thua kém với chính thế mạnh của mình là dòng nhạc dân ca dễ đi vào lòng người.

Tuy nhiên, đây vừa là một lợi thế nhưng cũng có thể là sở đoản của Cường trong một sân chơi đòi hỏi sự đa dạng và bản lĩnh sân khấu như VietNam Idol nhí.

Chắc chắn em sẽ phải thử sức với những phong cách âm nhạc khác trong những đêm thi tới. Hy vọng với sự nỗ lực hết mình, sự hỗ trợ của các chuyên gia của chương trình và hơn trên hết là những xúc cảm chân thành có sẵn, cậu bé sẽ trở thành một trong những ngôi sao nhí sáng giá của dòng nhạc dân ca Việt Nam.

Cậu bé nghèo làm ‘tan chảy’ khán giả với câu hò về Tiền Giang

Câu hò ngân dài, giọng hát ngọt ngào về quê hương Tiền Giang giúp Hồ Văn Cường tiếp tục được khán giả yêu thích và bình chọn nhiều nhất tại Vietnam Idol Kids.

Đêm Gala thứ năm của cuộc thi Thần tượng Âm nhạc nhí (Vietnam Idol Kids) diễn ra tối 3/7 tại TP HCM với các ca khúc có chủ đề dân gian.

Cậu bé Hồ Văn Cường xuất hiện trên sân khấu ở vị trí thứ tư. Đây là lần đầu tiên Cường hát về quê hương của mình qua ca khúc Tiền Giang quê em (nhạc sĩ Nhất Trung). Trước đêm thi, cậu bé tâm sự nhạc phẩm gợi em nhớ nhiều kỷ niệm thân thương về quê nhà, nhất là cảnh ngày nhỏ hơn, em cùng cha đi mò cá mà không dám xuống sông vì “sợ cá sấu”.

Hồ Văn Cường trình diễn với phong cách vui tươi, nhí nhảnh hơn so với các tuần thi trước. Ảnh: Phước Trí.
Hồ Văn Cường trình diễn với phong cách vui tươi, nhí nhảnh hơn so với các tuần thi trước. Ảnh: Phước Trí.

So với các tuần thi trước, Hồ Văn Cường xuất hiện ngày càng chỉn chu hơn về trang phục, phong cách. Trong bộ áo dài cách điệu, cậu bé hát đám cưới cất câu hò ngọt ngào dạo đầu nhạc phẩm, dẫn người nghe về chốn miệt vườn với con trâu, đồng lúa, với vườn cây trĩu qua, dòng sông nặng phù sa. Những địa danh như Trung Lương, Kiến Tường, chợ Lách… được hát rõ qua từng giai điệu đong đầy cảm xúc. Mọi người đã im lặng lắng nghe em hát và sau đó dành cho Cường tràng pháo tay vang dội.

Có một điều nhiều người nhận ra, trong top 6, Hồ Văn Cường không phải là thí sinh nắm vững kỹ thuật hát nhất nhưng cậu bé lại là người hát tự nhiên nhất. Trong câu hò, câu hát của Cường có những chỗ lạc giọng, có chỗ hụt hơi, tuy vậy, về tổng thể, em mang đến một màn trình diễn dạt dào cảm xúc với sự mộc mạc, bình dị.

 

Cả ba giám khảo Văn Mai Hương, Tóc Tiên và Isaac đều đồng tình ý kiến: khi nghe cậu bé Tiền Giang hát, dù nhận ra lỗi, khán giả vẫn có thể bỏ qua để “tan chảy” vào cảm xúc mà em mang đến.

Giám khảo Tóc Tiên nhận xét: “Nghe con hát xong, cô muốn về thăm quê Tiền Giang của con ngay lập tức. Lần này, lúc con hát, ba cô chú giám khảo cười như được mùa vì thấy con đã thoát khỏi hình ảnh ủ rũ để là một Hồ Văn Cường tươi sáng. Cô cảm nhận được một Hồ Văn Cường thuộc về ánh đèn sân khấu, không còn rụt rè, nhút nhát như những ngày đầu tiên”.

Còn giám khảo Văn Mai Hương cho rằng người dân Tiền Giang sẽ tự hào về Hồ Văn Cường. “Những người xa Tiền Giang chắc sẽ rất nhớ quê hương khi nghe con hát”, cô nói. Giám khảo Isaac nhận xét Cường đã biết diễn xuất hơn trong ánh mắt, phong cách tự tin và có tinh thần nghệ sĩ hơn dù phía sau hậu trường  vẫn là một cậu bé ít cười nói.

Hồ Văn Cường tiếp tục nhận được sự ủng hộ cao từ giám khảo và khán giả với lượng bình chọn cao nhất trong top 6: 78, 41% bình chọn.

Phát huy các giá trị dân ca Tày, Nùng, Mông, Dao

Dân ca là những bài hát cổ truyền do nhân dân sáng tác, được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác và được nhân dân ca hát theo phong tục tập quán của từng địa phương, dân tộc, để phát huy các giá trị của dân ca các dân tộc Tày, Nùng, Mông đã lưu giữ, bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ.

Hát then - nét văn hóa đặc sắc của người Tày Cao Bằng.
Hát then – nét văn hóa đặc sắc của người Tày Cao Bằng.

 Dân ca có 2 thành phần quan trọng cấu thành là âm nhạc và lời ca. 2 thành phần đó gắn bó với nhau, nhưng mỗi thành phần đều có chức năng riêng và những đặc điểm riêng. Âm nhạc đã làm cho lời ca thêm uyển chuyển đậm đà bay bổng. Lời ca đưa đến người nghe tình cảm ý nhị sâu xa của đối tượng gửi gắm.

Với người Tày, qua bài Khao noọng khao nàng (Liên hoan cùng bạn gái) của đoàn quân then sau khi hoàn thành hành trình lên mường trời trở về trần gian, có cuộc liên hoan với các nàng tiên, ở Khau Các, Khau Gài, người trần cũng nhận áo nàng tiên tặng. Hát then nằm trong phạm trù dân ca, tình yêu giữa nàng tiên cùng người trần cũng chân chất mặn mà “Nghỉ ngơi búng thượng phương tam ký/ Tiên nữ liền kẻ slửa đâư đang/Noọng kẻ slửa bâư chang tức thí/Slửa noọng chao hẩư vỉ then quan/Slửa noọng nủng pây tàng au dặm/Rụ gạ pây thúc nặm bấu rằm/Slửa noọng nủng hâng văn bấu khát/Tốc khảu pầy mìn hác bấu thư/Tiên nự chao khảu mừ hử chúa/Cốc gường rẳp au slửa tức thì/Trạng lẳc bít khảu mừ tiên nự/Chả loóc như vô sự bấu yăng…” (Tạm dịch: Dừng chân nghỉ ngã ba mường trời/Tiên nữ bèn cởi áo đang mặc/Em cởi áo mớ trong tức thì/Áo em trao cho chàng quan then/Áo em mặc đi đường lấy mát/Cho dù đi gặp mưa không ướt/Áo em mặc lâu ngày không rách/Rơi vào lửa áo cũng không cháy/Tiên nữ giao vào tay cho chúa/Trưởng quan đón lấy áo tức thời/Chàng vụng cấu vào tay tiên nữ/Giả vờ như vô sự không thưa…).

Cũng từ trong dân ca hát then Tày, ta thường được nghe bài Phát tàng (Mở đường) lời đã hay hòa trong âm nhạc bay bổng, vang lên tình cảm thật hào sảng. “Tứn lố noọng păn chang/Tứn lố pỉ noọng rà/Pỏ chài hẳm mạy luông pây cón/Mẻ nhình hẳm mạy ón rèo lăng/Tàng thoỏc hẩư dân phàng/Phát tàng hẩư dân quá/Tàng nẩy tàng pây lẩy pây nà/Tàng nẩy tàng pây mà tàng tẩư/Tốc tỉ nẩy noọng chải/Công viểc lầu khoái khoái đã xong/Củ pác khuyên mọi cần cỏi nghị”. (Tạm dịch: Dậy thôi nàng văn chương/Dậy thôi anh em ta/Con trai đẵn cây to đi trước/Con gái chặt cây nhỡ theo sau/Mở đường cho dân qua/Mở đường cho dân lại/ Đường này đường đi ruộng lên nương/Đường này đường đi về nơi nọ/Đến nơi này ta nghỉ/Công việc ta nhanh nhanh đã xong/Cất lời mời chàng nàng cùng nghỉ).

Khúc hát có đàn tính đệm lời, cả gường và sở cùng những người đến xem buổi hát then đều hừng hực như cùng trong một khí thế hăng hái lên đường lao động công ích: “Phát tàng hẩư dân quá/Tàng nẩy tàng pây rẩy pây nà…” (Tạm dịch: Mở đường cho dân lại/Đường này đường đi ruộng lên nương…).

Dân ca Nùng có bài Sli Nùng Lòi nổi tiếng vì tình cảm của họ khi đã giao kết. Lời ca ban đầu chắc là chỉ của một lứa đôi (Chàng là Vàn Cồ, Quảng Uyên, nàng là Xinh Van, Hạ Lang) nhưng bài hát dân ca được lưu truyền đã trở thành tâm tình của mọi thanh niên đang tuổi yêu một thuở: “Vàn Cồ chao kít đủi Xính Van/Cừn vằn kin dú slim bố an/Vảng piền nổc tẻ bên pay nuống/Cần tẻo Quảng Uyên cần Hạ Lang…” (Tạm dịch: Hoan Ca giao kết với Thanh Hoan/Đêm ngày lòng dạ cứ bàn hoàn/Giá là chim anh tìm bay tới/Người ngả Quảng Uyên người Hạ Lang…).

Dân ca của dân tộc Mông vô cùng phong phú khi ta đọc quyển Dân ca Mèo (Mông) của Doãn Thanh sưu tầm nghiên cứu, xuất bản những năm 60 thế kỷ trước. Bài Khống mí nhủa (Ru em) thật êm ái. Trong lúc mẹ của em đang vất vả, mồ hôi rơi cùng chiếc cuốc bướm không ngừng nghỉ trên nương dốc; chắc em không hiểu nỗi cực nhọc của những bà mẹ Mông đi làm rẫy vất vả. Người chị hát, ru em ngủ giúp mẹ với những câu hát da diết: “Ơ.. ơ…Mí na h’cầu h’chẩu chi cùa tầu ơ…/Nh’tỉ da lầu chi mùa h’dua h’plê h’plẩu ơ…/Ơ mí Nhủa h’câu xênh chi cùa lau ơ…” (Tạm dịch: Em có biết nghe không/chị đang ru em/và nói những lời hát lạc quan lắm…).

Bài hát cứ lặp đi lặp lại, êm ái, kỳ diệu thay cái ngủ đưa em vào giấc mộng thơ ngây mơ hồ. Từ đó, ta có thể liên tưởng đến bài hát Vén noọng (Ru em) của người Tày “Nèn ới nen… nén noọng nén nèn/Nèn đắc nèn đí/ Nèn thả pí pây lí au pya/Nèn thả mé pây nà au luổm/Đảy tua luốm pác đeng/ Đảy tua mèng pác cắm/Au luốm cỏm mà pjầu/Au luốm lầu mà mắm/Luốm lẻp đảy soong vầu/ Luốm lầu đảy roong buốc/Nổc choóc đảy lai tua/Tua nâng pây mí ỏm…” (Tạm dịch: Ngủ ơi ngủ… Em hãy ngủ môi đỏ/Được con ve môi thâm/Muỗm cánh cộc mớm ăn bữa chiều/Muỗm cánh dài mớm em/Muỗm gầy được hai đùm/Muỗm béo được hai ống/Chim sẻ bắt nhiều con/Một con đi giặt tã…).

Người Dao tiền có nhiều bài dân ca gọi chung là dung. Tộ dung là đọc thơ có âm điệu hấp dẫn, páo dung (hát trữ tình), hạo dung… Trong đó, Dung pái là bài dân ca hỏi thăm nhau của người Dao. Hát rằng: “Chí muổn châm/Châm chây hai chiêu a hai viển a miền/Châm chây hai chiêu ô viển khe/In hò tài tháo chiêu muôn ồ chìn/Xút bú chiêu chưởng có nhụt tào a chưởng có a thìn/Chưởng lìu coong xiu doi xai mỉn/ Khuy in tài kít u phang a lìn..” (Tạm dịch: Xin hỏi em/Là khách châu nào a hay người huyện nào/Em ở châu nào huyện nào/Cớ sao em lại tới trước cửa nhà này/ Nói cho biết/Chung ánh trăng soi a chung ánh mặt trời/Rửa mặt nước suối cùng chung dòng/Ta chung lửa khói với ta chung một nhà…).

Điểm qua mấy bài dân ca trên của 4 dân tộc anh em Tày, Nùng, Mông, Dao, chúng ta có thể khẳng định mỗi dân tộc có nền dân ca phong phú, song ai cũng nhận thấy các thiếu phụ trẻ hôm nay trong các bản làng dân tộc, khi con khóc không biết hát ru cho con ngủ. Không biết sử dụng âm nhạc êm ái (dù là bài hát hiện đại) để ru con. Lỗi ấy do các bậc cha mẹ không truyền lại cho con cháu, mà cũng là lỗi ở nhận thức thời đại, có mấy người quan tâm và thấy được giá trị dân ca, tuy ai cũng biết dân ca chứa đựng bản sắc dân tộc, mà bản sắc dân tộc là thẻ căn cước vào đời của một cá nhân trong dân tộc ấy. Ví như một người Tày mà lại không biết hát một bài dân ca người Tày, sao có thể nói tôi là người Tày được?

Để phát huy các giá trị dân ca cần có tổ chức để sưu tầm. Tại tỉnh ta, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh ngày càng phát triển, thu hút những người nhiệt tình tham gia. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho công tác phát huy giá trị dân ca. Nói dân ca trước tiên là âm nhạc. Bản thân mỗi bài dân ca gồm nhiều yếu tố: Giai điệu, nhịp điệu, tiết tấu, hòa thanh, phức điệu, khúc thức… Cần tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm sưu tầm, dụng cụ chuyên dụng thu thập các bài dân ca. Mở các lớp truyền dạy rộng rãi trong nhân dân. Có như vậy mới lưu giữ, bảo tồn và phát huy được các làn điệu dân ca của từng dân tộc trường tồn với thời gian.

Theo Baocaobang.vn

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh giữ vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (gọi tắt là Nghệ Tĩnh). Đây là loại hình nghệ thuật có sức sống lâu bền, in đậm bản sắc tâm hồn, cốt cách của người dân xứ Nghệ, là di sản quý trong kho tàng văn hóa Việt Nam.

(Nguồn ảnh: internet)
(Nguồn ảnh: internet)

Đặc điểm của Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Khởi phát từ hai hình thức dân ca Nghệ Tĩnh là hát ví và hát giặm, Ví, giặm được sử dụng phổ biến trong hầu hết mọi sinh hoạt thường ngày, từ ru con, dệt vải đến trồng lúa, chèo thuyền…

Là lối hát ví von để đối đáp giữa bên nam và bên nữ, ví thuộc thể ngâm vĩnh bằng phương pháp phổ thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể…). Hát ví thường là hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co giãn một cách ngẫu hứng, âm điệu cao thấp, ngắn dài tùy thuộc vào lời thơ (ca từ) bằng hay trắc, ít từ hay nhiều từ. Tính biểu cảm của hát ví phụ thuộc vào hoàn cảnh, không gian, thời gian và tâm tính của người hát. Vì vậy, điệu ví nghe lúc thì mênh mang, sâu lắng, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình, đôi khi lại dí dỏm, hài hước, tươi trẻ. Có nhiều loại ví khác nhau như: ví phường cấy, ví phường gặt, ví phường nón, ví phường đan, ví phường vải, ví phường củi, ví trèo non, ví đò đưa,… với ba hình thức diễn xướng là hát lẻ, hát đối đáp và hát cuộc.

Giặm gần nghĩa với giặm lúa, điền nan, là thể hát nói bằng thơ ngụ ngôn (vè 5 chữ). Thông thường, một bài giặm có nhiều khổ, mỗi khổ có 5 câu (câu 5 thường điệp lại câu 4), mỗi câu có 5 chữ (không kể phụ âm đệm). Khác với ví, giặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh – phách nhẹ, nhịp nội – nhịp ngoại với hai làn điệu chính là hát ngâm và hát nói. Giặm rất giàu tính tự sự, tự tình, kể lể, khuyên răn, phân trần, giãi bày, cũng có khi dí dỏm khôi hài, châm biếm trào lộng và trữ tình giao duyên. Có nhiều loại giặm khác nhau như: giặm kể, giặm nói, giặm vè, giặm nam nữ, giặm cửa quyền, giặm ru, giặm xẩm… với hai hình thức diễn xướng là giặm vè và giặm nam nữ.

Dân ca ví, giặm sử dụng nhiều từ ngữ địa phương với lối hát gần gũi, mộc mạc. Kỹ thuật hát chủ yếu được các nghệ nhân trao truyền bằng hình thức truyền khẩu, đảm bảo khi hát phải đúng tiết tấu, cao độ, trường độ, luyến láy, thể hiện được giọng hát, ngữ điệu của phương ngữ Nghệ Tĩnh.

Giá trị nổi bật của Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Dân ca ví, giặm gắn liền với đời sống và tập quán của cộng đồng người Nghệ Tĩnh, có sức sống mạnh mẽ, luôn được trao truyền, bảo tồn và phát huy trong đời sống đương đại. Đây là loại hình nghệ thuật có khả năng biểu đạt tư tưởng, tình cảm của người Nghệ Tĩnh, đồng thời phản ánh một cách chân thực mọi biến động của đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, Dân ca ví, giặm còn góp phần giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống như hiếu thảo với cha mẹ, lòng chung thủy vợ chồng, cách cư xử giữa con người với con người; kêu gọi chống áp bức, bất công trong xã hội. Tham gia vào cuộc hát ví, giặm là cơ hội để tăng cường sự gắn kết cộng đồng.

Dân ca ví, giặm là không gian “mở” dành cho tất cả những ai yêu thích ca hát, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo. Các cuộc hát đảm bảo quyền bình đẳng, sự tôn trọng lẫn nhau giữa cộng đồng, nhóm người và cá nhân, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Dân ca ví, giặm còn là nguồn cảm hứng, là chất liệu để các nghệ sĩ đương đại sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc, sân khấu mang âm hưởng dân ca, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Thực hành Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Dân ca ví, giặm được thực hành rộng khắp trong cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Theo kết quả kiểm kê của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (năm 2013), hiện có 75 nhóm Dân ca ví, giặm với khoảng 1.500 thành viên tham gia, trong đó có 803 nghệ nhân tại 260 làng (168 làng ở Nghệ An và 92 làng ở Hà Tĩnh).

Với những giá trị độc đáo và nổi bật, ngày 27/11/2014, tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (UNESCO) tổ chức tại Paris (Pháp), Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phạm Phương