“Lão tướng Tuồng” Mịch Quang ra đi ở tuổi 100

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã từ trần vào 18h15 ngày 14.2.2018, hưởng thọ 100 tuổi. Mịch Quang được giới sân khấu trân trọng coi ông là “Lão tướng” của ngành Tuồng , ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2017 với hai tác phẩm:Đặc trưng nghệ thuật Tuồng và Khơi nguồn mĩ học dân tộc.

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang tên thật là Nguyễn Thế Khoán, sinh năm 1917 trong một gia đình yêu nước dòng dõi khoa bảng ở Bình Định, mảnh đất “địa linh nhân kiệt” nơi phát tích của vị anh hùng dân tộc Quang Trung và danh nhân văn hóa Đào Tấn. Kháng chiến chống Pháp, ông là cán bộ tuyên văn trung đoàn 94 ở Liên khu 5. Từ năm 1954, tập kết ra Bắc, Mịch Quang hoạt động trên nhiều lĩnh vực VHNT. Ông đã sớm tiếp thu được những tinh hoa văn hoá truyền thống của quê hương, sau bao nhiêu năm học tập, lao động sáng tạo không mệt mỏi, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã có nhiều đóng góp có giá trị trên 2 lĩnh vực: nghiên cứu và soạn giả sân khấu. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1999, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.

Ông là soạn giả có nhiều vở Tuồng và Cải lương nổi tiếng như: Giảm tô, Má Tám, Trần Hưng Đạo, Áo vải cờ đào, Phất cờ nương tử, Thanh gươm hát bội…  Các công trình nghiên cứu của ông: Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc được Giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 1995, Đặc trưng nghệ thuật Tuồng được Giải thưởng Ủy ban Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1996, Khơi nguồn mỹ học dân tộc”, “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống và hơn 80 tiểu luận đăng trên các tạp chí… từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng cho được hệ thống lý luận cơ bản của nghệ thuật dân tộc, phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc. Mịch Quang là một trong những người mở đường, đặt những viên gạch đầu tiên và đạt được những thành tựu quan trọng xây dựng sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống. Ông cũng là người đầu tiên giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Đào Tấn và trong suốt nửa thế kỷ qua vẫn tiếp tục có những công trình nghiên cứu sâu sắc về Đào Tấn – nhà yêu nước, nhà hoạt động sân khấu kiệt xuất, một nhà thơ lỗi lạc của dân tộc.

Cho đến nay, nhiều phát hiện, khám phá về nghệ thuật truyền thống dân tộc của Mịch Quang đã trở thành tài sản chung của giới nghệ thuật học dân tộc. Các khái niệm như “hiện thực tả ý”, “phương pháp mô hình hóa”, “sân khấu tổng thể tích hợp”, “tự sự kịch tính trữ tình”, “cấu trúc động mở” hay các phạm trù mỹ học dân tộc như “cái hùng”, “cái hậu”, “cái nhu” do Mịch Quang tổng kết đã được các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc có uy tín như GS Hoàng Châu Ký, GS.NSND Trần Bảng, GS Hồ Sĩ Vịnh, PGS.TS Tất Thắng, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong, GS.TS Trần Văn Khê… cùng nhiều nhà nghệ thuật học thế hệ sau vận dụng và phát triển.

Thành công nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Mịch Quang là tác phẩm Kinh dịch với nghệ thuật truyền thống (Sân khấu – Âm nhạc – Mỹ thuật) được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Hàng chục các tác phẩm vừa nghiên cứu khoa học, vừa sáng tác nghệ thuật, vừa nêu lên những kinh nghiệm quý báu của mình từ bao năm gắn bó với sân khấu của ông như chuyên luận xuất sắc về danh nhân Đào Tấn, về âm nhạc Cải lương, Bài chòi, về mỹ thuật dân tộc, những kịch bản sân khấu Kịch thơ, Tuồng, Cải lương được đánh giá cao…

Thực tiễn nghiên cứu sáng tác và biểu diễn nghệ thuật dân tộc hiện nay đang đặt ra những vấn đề bức xúc trong việc bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật của cha ông để lại. Trong tình hình đó, những công trình nghiên cứu và sáng tác của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang càng thêm có ý nghĩa và giữ nguyên giá trị thời sự, bổ ích cho những người đang hoạt động nghệ thuật dân tộc hôm nay. Thật may là trước ngày Mịch Quang mất, Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN đã phối hợp với gia đình, đồng nghiệp để tổ chức Lễ mừng thọ và Hội thảo “100 năm Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang” đã có những đánh giá khoa học về những công lao đóng góp trong sự nghiệp của ông đối với ngành nghệ thuật dân tộc. Tang lễ nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang được tổ chức vào ngày 21.2.2018 (tức ngày 6 tháng Giêng âm lịch) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

“Những kịch bản của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang sáng tác từ ngôn ngữ đến cấu trúc, hình tượng nhân vật được ông đầu tư rất công phu, đặc biệt là nhân vật người phụ nữ. Điểm mạnh của Mịch Quang là ông biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa những mảng miếng, trò diễn của Tuồng truyền thống như Thượng thành, Qua ải, Ngũ biến… để nâng lên làm bà đỡ cho các lớp trò”.
(NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)

 ​”Tôi đã tìm thấy cảm hứng và thích thú, kính phục “lão tướng Tuồng” Mịch Quang trong suy nghĩ, lý giải những vấn đề “hóc búa” ở mỗi công trình. Cũng vì các công trình của ông từ lý luận đến các vở tuồng đều mang tính phản biện rất cao và luôn là người phát hiện vấn đề. Đây chính là yếu tố quan trọng đã đưa Mịch Quang thành “đại bút” trong ngành nghiên cứu nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại”.

(PGS.TS Trần Trí Trắc)

 

 

Nguồn: Theo Đào Anh  vanhoaonline.vn

Vĩnh biệt danh hài Văn Chung: Tiếng cười dễ nhớ, khó quên

Nghệ sĩ Văn Chung – bậc cao niên mà các nghệ sĩ của nhiều lĩnh vực đều kính trọng – đã trút hơi thở cuối lúc 23h ngày 22-1 theo giờ địa phương tại tiểu bang California, Mỹ, hưởng thọ 91 tuổi.

Tôi còn nhớ như in cuộc điện thoại cuối cùng ông gọi cho tôi cách đây hai tháng. “Tôi khỏe lắm, giờ chỉ lo cho vợ, bà bị mất trí nhớ, nên thay đổi tất cả sinh hoạt thường nhật. Thương hơn là bà ấy cứ nhắc tôi đi hát, trễ tuồng rồi kìa. Tôi ứa hai hàng nước mắt…” – ông cười nhưng rồi nghẹn.

Nghệ sĩ Văn Chung và Thanh Thanh Tâm trong vở Đời cô Lựu
diễn tại Mỹ 

Nghệ sĩ Văn Chung tên thật là Quách Văn Chung, sinh ngày 21-9-1927 tại Sài Gòn. Ông đến với nghề từ một khao khát được làm anh kép hát, bởi ông có giọng ca rất mùi.

Sau khi chuyện tình duyên của ông với nghệ sĩ Thanh Hương tan rã, ông buồn rời khỏi gánh hát của cha vợ là NSND Năm Châu để tìm một hướng đi mới.

Thời đó nợ nần tứ xứ vì đi hát không có đoàn nào nhận, rồi quyết định rẽ sang một sở trường khác, đó là thử vận may làm hề. Ông nghiên cứu cách diễn để hình thành phong cách hề té, hề dê, hề sợ ma…

Những khuôn mẫu này cho tới hôm nay vẫn được một số diễn viên hài trẻ ứng dụng, thu lượm từ kinh nghiệm diễn xuất của Văn Chung.

“Tôi bước chân vào làng hài, học hai bậc sư tổ, đó là bác bảy Văn Chung và anh sáu Bảo Quốc, nên tôi ghép hai nghệ danh của hai sư phụ thành nghệ danh của mình” – danh hài Bảo Chung khóc khi nhắc đến người thầy mà anh tôn kính.

Phong cách diễn xuất của ông được giới chuyên môn đánh giá là thượng thặng trong giới nghệ thuật cải lương.

Đi lên từ những vất vả, khổ nhọc, ông nói: “Tôi học khóc trước khi học cười, nên vai nào tôi cũng suy nghiệm phía tận cùng sâu thẳm của tính cách nhân vật”.

Chính vì thế khi tôi sang Mỹ, câu đầu tiên ông nhờ tôi gửi đến các diễn viên trẻ đang diễn hài, đó là đừng quá chạy theo hình thức gây cười mà phải đi vào bên trong sâu kín tâm hồn của nhân vật, tình huống giúp tạo tiếng cười mỹ học, trí tuệ, chứ không phải cố diễn kệch cỡm mà khán giả sẽ nhớ đến tiếng cười của mình.

Ông nói kỳ vọng nhiều vào lớp trẻ và cũng cần thay những ngọn roi để phạt cái tật xem thường khán giả, ỷ tài, ỷ danh mà không vun vén cho nghề.

Ông cũng không quên kể đến một thất bại lớn nhất đời mình, đó là một lần ông đọc báo biết tin một người thiếu phụ vì bất cẩn đổ xăng trong nhà mà chồng chết, người vợ thoát chết nhưng bị công chúng lên án.

Tối đó diễn vở Tuyệt tình ca, ông cương thêm theo câu thoại không có trong kịch bản: “Em đồng ý cưới anh nha, dù em có đốt anh chết anh cũng chấp nhận”. Khán giả cười nghiêng ngả qua nhiều suất diễn ông “ứng biến”.

Tan suất diễn một ngày không xa, ông ra về thì gặp một phụ nữ mặc bộ đồ đen đứng đợi ông ở cửa rạp Hưng Đạo. Cô là nhân vật bị lên án trong bài báo, cô khóc và nói: “Thưa nghệ sĩ, tôi đâu có cố ý giết chồng mình.

Cái ngu của tôi sẽ là cơ hội để người khác không gây án, nhưng đêm nào nghệ sĩ cũng cười tôi, còn tôi khóc cả đêm thì nghệ sĩ có đau cùng nỗi đau của tôi không?”. Ông nghe qua câu chuyện, biết mình có lỗi, đã xin lỗi người thiếu phụ và từ suất diễn sau, ông không đề cập đến câu thoại đó nữa.

Nhân cách của nghệ sĩ Văn Chung chính là biết lỗi thì nhận và sửa chữa. Ông nói nghệ sĩ phải chịu áp lực từ công chúng, thương ghét rõ lắm. Sự tác động đó như những cây đũa bào sắc nhiều góc cạnh để viên ngọc ngày càng sáng hơn.

Thắp nén hương vĩnh biệt danh hài Văn Chung – cây đại thụ của sân khấu cải lương, tôi tin khán giả sẽ không bao giờ quên những vai diễn, tiếng cười dễ nhớ khó quên mà ông đã sáng tạo cho đời.

“Tôi nhớ sân khấu và bà con khán giả mình lắm”

Nghệ sĩ Văn Chung chuyển sang diễn hài giữa thập niên 1960. Sự nghiệp nghệ thuật của danh hài Văn Chung được nhắc đến với các vai diễn được ông khắc họa ấn tượng trong các vở: Tuyệt tình ca, Tìm lại cuộc đời, Khách sạn Hào Hoa, Tiền rừng bạc biển, Gái bán bar, Thảm kịch tuổi xanh… Ngoài ra, nghệ sĩ Văn Chung cũng thành công khi tham gia đóng những vai hề trong những bộ phim như: Lệnh bà xã, Triệu phú bất đắc dĩ, Chàng ngốc gặp hên, Con ma nhà họ Hứa…

Bảy năm qua, mỗi tuần ông đều lái xe đưa vợ đến sân khấu Cổ nhạc phương Nam, nơi ông đã cùng các nghệ sĩ Phượng Liên, Tuấn Châu, Ngọc Đáng, Thanh Thanh Tâm, Philip Nam, Cẩm Thu, Linh Tâm… gầy dựng sân chơi đờn ca tài tử.

Trong các câu chuyện ông kể, lúc nào cũng mong có một dịp được quay về với sàn diễn trong nước thực hiện một suất hát tri ân khán giả mộ điệu, nhưng căn bệnh tim có gắn con chip bên trong không cho phép ông đi máy bay.

“Có viết báo nhắc tới tôi, xin nói thêm vài câu cáo lỗi khán thính giả, tôi nhớ sân khấu và bà con khán giả mình lắm” – ông khóc. 

Nguồn: Theo Đạo diễn Thanh Hiệp / tuoitre.vn

NSND Trần Bảng – ‘ông trùm chèo’ thạo công nghệ tuổi 92

Nghệ sĩ cập nhật tin tức hàng ngày qua mạng xã hội và bận rộn với những cú điện thoại của học trò hỏi về nghệ thuật truyền thống.

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Bảng chuyển tới sống cùng gia đình Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trần Lực – con trai ông – trong căn hộ nhỏ tại Hà Nội khoảng một năm nay. Ngày thường, vợ chồng con trai đi làm, các cháu đi học, NSND Trần Bảng ở nhà một mình với sự hỗ trợ của giúp việc. Tuổi 92 mắt mờ, tai lãng nhưng ông vẫn tự chủ trong sinh hoạt cá nhân. So với một năm trước, nghệ sĩ trông đậm người và khỏe mạnh hơn. Ông “kêu ca”: “Từ ngày chuyển qua đây, tôi tăng cân và chớm tiểu đường vì ăn đồ ngọt của lũ trẻ (các con Trần Lực)”.

NSND Trần Bảng hay xem lại các vở chèo do ông đạo diễn qua Ipad.

Nghệ sĩ chẳng mấy khi ra ngoài tụ họp bè bạn bởi hội đồng niên của ông giờ như “bóng chim tăm cá”. Số ít thì nằm liệt, phần nhiều đã khuất núi. Hơn nữa vợ ông vừa tạ thế nên việc đi đâu đó có đôi, có cặp cũng không còn. Dạo gần đây, NSƯT Trần Lực mua cho ông chiếc Ipad để tiện theo dõi tin tức, NSND Trần Bảng nhờ con lập tài khoản facebook, kết nối thành viên trong nhà. Tay run, ông chậm rãi vào phòng lấy ra chiếc Ipad. Trang cá nhân có nickname “Bang Tran” đỏ rực tin nhắn và lời mời kết bạn chờ phản hồi. Nghệ sĩ khoe vừa kết thêm rất nhiều bạn mới. “Họ đều là học trò, người quen, người mê chèo không có điều kiện đến nhà nên hay hỏi thăm tôi qua facebook. Hễ có ai gửi lời kết bạn, ông già này đồng ý luôn vì cái tính thích đông vui”, nghệ sĩ nói.

Nhà ba thế hệ chung sống, không ít lần có “va chạm” vui. Chuyện thường xuyên xảy ra là ông và cháu nội – Trần Bách (bảy tuổi) – tranh nhau dùng Ipad. Ông khen cậu bé thông minh và khôn ranh. Có lần, Trần Bách nằm cạnh, hát ru và chờ ông ngủ say rồi lấy máy về phòng chơi. Tỉnh dậy, nghệ sĩ tìm Ipad khắp phòng nhưng không thấy. Cuối cùng, NSƯT Trần Lực phải vào cuộc “điều tra”, giải quyết vụ việc.

Không khí trong nhà thường xuyên nháo nhác, vui nhộn là vậy nhưng NSND Trần Bảng vẫn có khoảng trầm của riêng mình. Ông ngậm ngùi nhớ vợ quá cố và cho rằng bản thân sống quá lâu nên cảm nhận mọi thứ dần nhàm chán. Thời gian chưa chuyển đến nhà con trai, NSND Trần Bảng sống với vợ tại căn nhà nhỏ trên phố Giảng Võ (Hà Nội). Mọi sinh hoạt gia đình thường ngày đều do một tay cố nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân quán xuyến. Để chồng yên tâm nghiên cứu chèo, hai con được chăm sóc đủ đầy, bà quyết định bỏ nghề diễn, về giảng dạy tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. “Nhớ và biết ơn bà ấy nhưng tôi để trong lòng, ít tâm sự với các con vì đứa nào cũng bận”, ông nói.

NSND Trần Bảng và vợ – cố NSƯT Trần Thị Xuân.

Trong phòng riêng, NSND Trần Bảng có giá sách đựng nhiều tác phẩm văn học và sân khấu. Những cuốn sách đã ngả màu thời gian được ông xếp ngay ngắn, ngăn nắp. Mấy năm trở lại đây, nghệ sĩ dành nhiều quan tâm đến sách thiền. Ông tìm trong đó sự thư giãn về thể trạng lẫn tinh thần. NSND Trần Bảng cho hay ở tuổi của ông không còn ham thích với sự tiện nghi trong cuộc sống. Trong cảm nhận của ông, các loại hình nghệ thuật giải trí đương thời ngày càng bão hòa. Nghệ sĩ than: “Cuộc đời cứ thấy cũ rích, chán thật”.

Vừa rồi, nghệ sĩ thấy vui hơn khi con trai – NSƯT Trần Lực – lập đoàn kịch riêng, nối nghiệp sân khấu của bố mẹ. Tự hào vì khán giả đón nhận hướng đi mới của con trai, NSND Trần Bảng cũng có chút “kể công”: “Nó đọc sách tôi vì chèo là sân khấu ước lệ. Thằng này nó nhà nòi, hưởng gen từ bố mẹ nên tiếp thu vốn văn hóa cổ rất nhanh”. Nghệ sĩ Trần Lực tuổi gần 60 nhưng trong mắt bố, anh vẫn như đứa trẻ. NSND Trần Bảng thương con trai làm việc mải miết bên ngoài, thường về muộn nên dạo này trông gầy hơn.

Hơn 30 năm rời xa sân khấu chèo, không vướng víu những công việc của nhà nghiên cứu nhưng nghệ sĩ vẫn bận rộn, tâm huyết góp ý chuyên môn cho nhóm học sinh thường xuyên qua nhà. Có khi, nhóm chèo tụ lại nhà ông đến khuya mới tan chỉ để nghe nghệ sĩ góp ý, chỉnh sửa động tác. Thi thoảng, cuộc trò chuyện với nghệ sĩ bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại. Học trò trung niên của ông vừa dựng vở chèo nhưng chưa đặt được tên phù hợp. Anh nêu ra các ý kiến để “ông trùm chèo” tư vấn và chọn thay.

NSND Trần Bảng (giữa) tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội NSSKVN
 Năm ngoái, ông nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật ở tuổi 91.

Gọi “trùm chèo” là bởi ông thuộc thế hệ đầu tiên khôi phục nghệ thuật chèo dần mai một trước phong trào Âu hóa những năm 1950. Bên cạnh đó, NSND Trần Bảng vừa là đạo diễn, nhà soạn giả, vừa là nhà nghiên cứu, lý luận chèo.

Cả đời làm chèo, vở diễn mà nghệ sĩ dành nhiều tình cảm nhất là Quan Âm Thị Kính. Tác phẩm được ông phục hồi ba lần vào các năm 1957, 1968 và 1985. Sau mỗi lần, NSND Trần Bảng nhận ra Thị Kính không phải là phụ nữ mềm yếu, thụ động cam chịu những oan trái, khổ nạn hay hình tượng dầm dề nước mắt. Thị Kính cho thấy dù oan khiên, bất hạnh cũng không mất lòng trắc ẩn, sự vị tha của con người.

Đầu những năm 1950, nghệ sĩ tham gia viết và diễn kịch trong Đoàn văn công nhân dân Trung ương tại chiến khu Việt Bắc. Đoàn khi đó được chia làm ba tổ, hội tụ nhiều tên tuổi lão làng như Thế Lữ, Song Kim (tổ kịch), Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Doãn Mẫn, Thái Ly (tổ ca múa nhạc), Năm Ngũ, Dịu Hương, Cả Tam (tổ chèo). NSND Trần Bảng giữ vai trò tổ phó tổ kịch. Trong bối cảnh đoàn cần những tác phẩm đặc sắc phục vụ hội nghị quan trọng của Trung ương, năm 1953 ông phối hợp nghệ sĩ Năm Ngũ, Dịu Hương dựng vở Chị Trầm – vở chèo hiện đại đầu tiên của sân khấu chèo cách mạng. Sau thành công của vở diễn, ông viết nhiều kịch bản chèo như Con trâu hai nhà, Đường đi đôi ngả, Cô gái và anh đô vật, Tình rừng, Chuyện tình 80 năm, Máu chúng ta đã chảy…

Nhìn vào sự phát triển của loại hình nghệ thuật truyền thống này hiện nay, NSND Trần Bảng lạc quan vì nhiều câu lạc bộ được lập ra, lớp diễn viên không chuyên dày dặn và sinh hoạt văn hóa chèo ở các địa phương được dấy lên thành phong trào. Ánh mắt ông ánh lên niềm vui khi nói về thế hệ trẻ biết yêu nghệ thuật truyền thống và gìn giữ vốn văn hóa cổ của cha ông.

Nguồn: Theo Trọng Trường / vnexpress.net

NSƯT Trường Sơn – Truyền nhân cuối của gia tộc?

Nếu NSND Thanh Tòng được xem là chưởng môn nhân định hướng trường phái ca diễn cải lương tuồng cổ thì NSƯT Trường Sơn chính là người thổi hồn cho những khám phá mới của anh vợ.

NSƯT Trường Sơn được xem là người kế thừa di sản của gia tộc Bầu Thắng – Minh Tơ, sau khi NSND Thanh Tòng qua đời. Trọng trách của ông là truyền nghề ca diễn cải lương tuồng cổ cho hậu thế nhưng xem ra đây là công việc gian truân đối với ông.

Áp lực tìm hậu bối chân truyền
Mái tóc bạc trắng, đôi mắt bắt đầu không còn nhìn rõ mặt chữ, thế nhưng, đôi chân và đôi tay của ông vẫn rất linh hoạt, làn hơi vẫn sang sảng đầy nội lực. Mỗi ngày, ông vẫn có mặt ở sân đình Thái Hưng, nơi xưa kia là điểm biểu diễn của Đoàn Cải lương Minh Tơ – Khánh Hồng, để dạy nghề cho con cháu và hậu bối trân quý bộ môn tuồng cổ. Gia tộc Bầu Thắng – Minh Tơ, tính đến cháu ngoại của ông (bé Kim Thư đang là gương mặt nhí nổi bật sau bộ phim “Nắng”), đã có đến 6 đời ăn lộc Tổ nghiệp.
Ngôi nhà nhỏ của NSƯT Trường Sơn nằm trong con hẻm dẫn vào đình Thái Hưng, ông sinh sống ở đây 60 năm qua. Không gian nhỏ này là nơi các nghệ sĩ: Tú Sương, Ngọc Nga, Lê Thanh Thảo lớn lên, mỗi ngày reo vang tiếng đàn lời ca. Trong gia tộc, nếu NSND Thanh Tòng được xem là chưởng môn nhân định hướng trường phái ca diễn cải lương tuồng cổ, loại bỏ những niêm luật lai căng từ bài bản, vũ đạo của các đoàn hát Quảng Đông, Triều Châu du nhập vào Sài Gòn thập niên 1960, nhằm hình thành phong cách cải lương tuồng cổ thì NSƯT Trường Sơn chính là người thổi hồn cho những khám phá mới của anh vợ, nhằm khẳng định khuôn mẫu để thế hệ sau dựa theo đó mà sáng tạo. Nhân vật Lý Đạo Thành trong tác phẩm đỉnh cao “Câu thơ yên ngựa” chính là vai diễn để đời, biết bao thế hệ diễn viên trẻ đã học hỏi cách hóa thân của ông.
 
NSƯT Trường Sơn trong vai Vương Tư Đồ
“Từ khi anh Năm – Thanh Tòng qua đời, tôi ý thức trọng trách của mình, làm mọi cách để hun đúc tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ để họ đam mê bộ môn này. Nếu không có sự định hướng, không hệ thống một cách bài bản những gì mà ông cha để lại thì sẽ không nhân rộng những bài học quý về vũ đạo, võ thuật, âm nhạc, cảnh trí, trang phục đúng chuẩn của cải lương tuồng cổ thuần Việt” – NSƯT Trường Sơn trăn trở.
Từ áp lực đó, ông ngồi vào bàn, tập làm công việc hệ thống hóa những tuồng tích, kịch bản của gia tộc. “Trước đây, anh Thanh Tòng đã từng làm và trình bày công trình nghiên cứu khoa học “Từ hát bội đến cải lương tuồng cổ”, do Hội Sân khấu TP HCM đầu tư. Dựa theo kết quả này, tôi bắt đầu triển khai sâu hơn những ngóc ngách của niêm luật. Bằng cách nào để đi vào nội tâm nhân vật, bằng cách nào khai thác âm nhạc và vận dụng đờn ca tài tử, bài bản, các điệu lý nhằm thay thế dần nhạc Hồ Quảng nhưng vẫn sinh động, độc đáo” – ông nói.
Muốn truyền nghề ra ngoài gia tộc
Từ sân đình Thái Hưng, nghệ sĩ Bạch Long gầy dựng đoàn đồng ấu mang tên mình, có hơn 60 diễn viên trẻ xuất thân từ chiếc nôi này, “cậu Hai Trường Sơn” (tên gọi thân quen của người trong gia tộc) luôn là nghệ sĩ thị phạm, trình bày những khám phá mới về vũ đạo, ca diễn cho giới trẻ lĩnh hội. Nghệ sĩ Thành Lộc cũng từng cầm cờ, chạy roi ngựa, đóng các vai nhỏ trên sân đình này, để ngày nay trở thành một trong những người lèo lái thương hiệu kịch IDECAF, dàn dựng nhiều tác phẩm đỉnh cao mà nền tảng học tập cũng từ chiếc nôi cải lương tuồng cổ của gia tộc. “Tôi muốn ươm mầm cho nhiều hạt nhân nòng cốt tương tự. Để khi nhắm mắt xuôi tay, yên tâm vì đã kịp gửi gắm cho thế hệ trẻ những bài học quý của cha ông” – ông tâm sự.
“Trong lãnh địa sân khấu, “đo ni đóng giày” là lợi thế của người viết kịch bản, người dựng, nhắm vào thế mạnh của diễn viên để phân bổ vai diễn, tạo hiệu quả nghệ thuật nhưng với tôi, cách đó sẽ gây sự nhàm chán. Nếu không biết vận dụng ưu thế của diễn viên, khơi dậy sự ứng biến của họ với các vai phá cách, làm mới mẻ hơn trong diễn xuất thì nghệ thuật sẽ giậm chân tại chỗ. Vì vậy, tôi khuyến khích con gái mình – NSƯT Tú Sương diễn Bao Công, Đổng Trác, Lý Đạo Thành… hay động viên Quế Trân diễn Ngọc Hân, Ngọc Bình, Bùi Thị Xuân…Với các bạn trẻ như: Võ Minh Lâm, Chí Cường, Hoàng Đăng Khoa, Minh Trường, Điền Trung… phải mạnh dạn làm mới với những vai diễn khác sở trường” – NSƯT Trường Sơn nêu quan điểm.
Ông hăng hái quy tụ nhiều diễn viên trẻ tham gia các lớp tập huấn do ông truyền dạy. Gọi là lớp chứ các cuộc trao đổi không nhất thiết tại nhà mà ở ngay sàn tập của rạp. Trong chương trình “Ba thế hệ về lại cội nguồn” của người cháu rể Kim Tử Long, chính là nơi để ông đi tìm hậu bối chân truyền. Nhiều người nói hậu bối chân truyền của ông chính là NSƯT Tú Sương, ông đặt kỳ vọng vào cô con gái thứ ba này. “Thế nhưng, tôi muốn trao nghề thêm cho người ngoài gia tộc. Vì như thế sẽ nhân rộng hiệu quả nghệ thuật mà ông cha tôi đã truyền lại” – ông nói. Ông muốn tiếng trống, tiếng đờn, lời ca và vũ đạo không chỉ nằm trên bản thảo mà rộn vang khắp nơi. Nghệ thuật cải lương tuồng cổ có thế mạnh thể hiện những bản anh hùng ca bất khuất của cha ông, nên trọng trách của ông là viết và dàn dựng thêm nhiều hơn nữa những vở diễn hay về tấm gương anh hùng dân tộc.
Tiếc không có nhiều người để trao truyền
 
Ông không mệt mỏi dù tuổi cao sức yếu, chỉ cảm thấy tiếc khi những bài học của ông không có nhiều người để trao truyền. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều diễn viên trẻ đón nhận từ ông những bài giảng tâm huyết.
 

Nghệ sĩ Võ Minh Lâm vẫn xem NSƯT Trường Sơn là bậc thầy trong ca diễn cải lương tuồng cổ. “Tôi học từ ông rất nhiều bài học kỹ năng của nghệ thuật tuồng cổ. Thần sắc trong ca diễn, độ tinh luyện trong động tác vũ đạo của ông cứ hút hồn chúng tôi. Tôi nguyện tiếp nối ông để nâng cao giá trị của bộ môn này”.

Nguồn: theo Thanh Hiệp  nld.com.vn

Nghệ nhân ưu tú Bùi Quốc Thi: Người truyền giữ Chầu văn

Nghệ nhân ưu tú Bùi Quốc Thi được coi là “cung văn đại thụ” trong làng chầu văn ở Hà Nội hiện nay. Không chỉ hát văn trong hầu đồng, bằng sự sáng tạo của mình, ông đã đưa chầu văn đến gần hơn với công chúng dưới chiều cạnh giá trị nghệ thuật.

Cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật hát Chầu văn 
Nghệ nhân Bùi Quốc Thi là thế hệ thứ 4 trong gia đình có truyền thống hát chầu văn ở quê hương Vân Đình, Ứng Hòa (Hà Nội). Ông được thừa hưởng những giá trị tinh túy, nguyên vẹn của hát văn cổ từ cha ông để lại. Từ khi còn nhỏ tuổi, ông đã bắt đầu học hát. Có vốn chữ Nho, thêm ngón đàn nguyệt gia truyền từ nhiều đời cùng với năng khiếu bẩm sinh nên ông học rất nhanh và sớm cảm nhận được những tinh hoa của loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Năm 14 tuổi, ông đã tự mình đi hát tại các đền phủ gần nhà.
Nghệ nhân Bùi Quốc Thi chia sẻ: “Trước kia, tôi chỉ hát cho những gia đình khá giả, tiểu thương giàu có, vì họ mới có tiền để tổ chức được những giá đồng hát chầu văn. Điều đó khiến cho nghi lễ tín ngưỡng nhuốm màu mê tín nên bị cấm đoán suốt một thời gian dài. Tiếc cho một loại hình âm nhạc đặc sắc của dân tộc đang có nguy cơ mai một, tôi luôn trăn trở làm thế nào để giới thiệu những giá trị của hầu đồng đến với khán giả để mọi người xem, hiểu và thấy được giá trị độc đáo của hoạt động tín ngưỡng này”.
Với mong muốn ấy, nghệ nhân Bùi Quốc Thi đã từng bước đưa nghệ thuật hát văn đến gần hơn với công chúng qua các chương trình giao lưu nghệ thuật truyền thống hay các đêm diễn quần chúng của làng. Theo ông “hát chầu văn không nhất thiết phải có hầu đồng”, chính vì thế ông đã đưa Chầu văn ra những không gian rộng hơn bằng cách sử dụng những bài thơ để phổ nhạc dùng trong hát chầu văn như bài “Vân Đình quê ta”, hay tự sáng tác những bài có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước như “Ơn Đảng Bác Hồ”.
Hiện nay, trong giới nghề, nghệ nhân ưu tú Bùi Quốc Thi được coi như là một trong những “cung văn đại thụ”, người nắm giữ không ít tinh hoa hát chầu văn đất Hà Thành ngày nay. Với giọng hát thanh cao, hào sảng, trẻ trung, khi nghe ông hát, không ai nghĩ đó là giọng hát của một người đã gần 60 tuổi. Ông đã sưu tầm và lưu giữ được hàng trăm bài hát với khoảng 50- 60 làn điệu khác nhau trong đó có gần 20 làn điệu hát văn cổ.

Nghệ nhân ưu tú hát chầu văn Bùi Quốc Thi.
 
Đưa chầu văn đến gần hơn với công chúng
Không chỉ là một nghệ sĩ đi hát, Nghệ nhân Bùi Quốc Thi luôn tâm nguyện truyền dạy lại nghệ thuật hát văn cho thế hệ sau để bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Ông đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn hát văn xứ Đoài để thường xuyên đưa nghệ thuật hát văn vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng thông qua các hội thi, hội diễn. Hiện nay, CLB Hát văn xứ Đoài có gần 50 thành viên tham gia sinh hoạt. Nhiều thành viên ở các tỉnh xa như Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… cũng đến xin học hát. Không chỉ dạy học niêm luật, sự trau chuốt, lề lối, tinh túy trong cách hát, nghệ nhân Bùi Quốc Thi còn dặn dò học trò sống làm sao cho tròn đạo lý, đồng thời tìm cách đưa giá trị nghệ thuật hát văn đến gần hơn với công chúng. Hiện nay, nhiều học trò của ông đã trở thành những cung văn nổi tiếng.
Nhưng với ông, hạnh phúc hơn cả là đã truyền được ngọn lửa đam mê sang con trai và cháu nội. Con trai của ông-Bùi Thành Đạt, 33 tuổi là một cung văn có tiếng trong “làng Chầu văn”. Bùi Thành Đạt cho biết “Từ khi còn nhỏ, tôi thường xuyên được nghe ông hát, bố hát, những làn điệu văn cứ thế ngấm tâm hồn khiến tôi cũng say mê như bố. Hiện nay, tôi đã hát những làn điệu cơ bản, biết gõ phách để phụ bố đi diễn và truyền dạy cho những học viên trong CLB Hát văn xứ Đoài. Bố tôi cũng xác định để tôi nối nghiệp gia đìn. Hiện nay, đứa con trai hơn 2 tuổi của tôi cũng bắt đầu bập bẹ tập hát văn”.
Bên cạnh việc sưu tầm, sáng tác, truyền dạy và đưa nghệ thuật hát văn đến gần với công chúng, nghệ nhân ưu tú Bùi Quốc Thi cùng với các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã tham gia biên soạn và xuất bản nhiều cuốn sách về nghệ thuật hát văn, tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ông cũng là người đóng góp một phần công sức để đưa di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016.
Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, năm 2015, nghệ nhân Bùi Quốc Thi vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Ông cũng nhiều lần được nhận  Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của TP. Hà Nội.
Nguồn: Theo Hồng Minh  cinet.vn

Nghệ sĩ Linh xẩm: Giữ hồn nghệ thuật hát Xẩm

Hát Xẩm là bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc gắn bó lâu đời với người Việt, đặc biệt là tại các địa phương đồng bằng Bắc Bộ như: Bắc Giang, Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa… Loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt này bắt nguồn và gắn bó với cuộc sống dân dã nơi thôn quê, với cuộc sống phồn hoa nơi thị thành và kẻ chợ…

Hát Xẩm là bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc gắn bó lâu đời với người Việt, đặc biệt là tại các địa phương đồng bằng Bắc Bộ như: Bắc Giang, Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa… Loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt này bắt nguồn và gắn bó với cuộc sống dân dã nơi thôn quê, với cuộc sống phồn hoa nơi thị thành và kẻ chợ…

Nghệ sĩ Linh xẩm và các “học trò” tái hiện một chiếu xẩm truyền thống
tại chương trình “Tết Việt 2018”

Tuy nhiên, từ sau những năm 1970 đến nay, hát Xẩm dần mai một và rơi vào quên lãng. Hiện nay, số lượng các chiếu xẩm hay những nghệ sĩ gắn bó với hát xẩm chỉ còn “đếm trên đầu ngón tay”. Bắt nguồn từ những nguyên nhân  đó, các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu thuộc giáo phường Đình làng Việt đã thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn hát xẩm với mong muốn gìn giữ, tiếp nối mạch chảy của hát Xẩm trong dòng chảy âm nhạc đương đại của Việt Nam. Trong đó, nghệ sĩ Đào Bạch Linh (Linh xẩm) (từ Hải Phòng) là một trong những nghệ nhân trẻ giành nhiều tâm huyết vào công cuộc gìn giữ và phát triển nghệ thuật hát Xẩm. Anh cũng chính là một trong những học trò cuối cùng của nghệ nhân Hà Thị Cầu – nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ 20.
Anh tâm sự, “Mình đến với hát Xẩm cách đây đã hơn chục năm. Gia đình mình không có truyền thống về nghệ thuật nhưng sau khi tiếp xúc mình rất có tình cảm và yêu thích loại hình nghệ thuật này bởi nó chứa đựng rất nhiều cung bậc tình cảm hỉ, nộ, ái, ố. Đứng trước bất cứ một vấn đề gì xẩm có đầy đủ các cung bậc từ vui vẻ đến châm biếm, mỉa mai. Trước cách mạng có xẩm dân vận, trong quá trình xóa mù chữ có xẩm bình dân học vụ, hay xẩm tàu điện. Bên cạnh đó, hát xẩm có môi trường diễn xướng đặc biệt, thường ở nơi kẻ chợ, tập trung đông người như ở hội đình, hội làng, hội chùa… Như vậy, các nghệ nhân đã đặt vào từng câu hát xẩm rất nhiều tình cảm và loại hình nghệ thuật này cũng rất gần gũi với đời sống nhân dân.”
Đúng như chia sẻ của nghệ nhân Linh Xẩm, hát Xẩm là loại hình “hát nói kể chuyện”, giai điệu hình thành dựa trên thanh điệu tiếng Việt và ngữ điệu lời văn. Tính chuyên nghiệp của hát Xẩm được quy định chặt chẽ ở bốn yếu tố: tính chất văn học, làn điệu (cấu trúc âm nhạc), nhạc khí và môi trường diễn xướng. Đặc biệt, hát Xẩm có một hệ thống các làn điệu thể hiện nhiều trạng thái tình cảm khác nhau, mỗi một làn điệu đều có những nét đặc trưng riêng. Trong đó các nghệ nhân thường sử dụng 12 làn điệu, đó là: Xẩm Thập Ân, Xẩm Huê Tình, Xẩm Hà Liễu, Xẩm Ba Bậc, Xẩm Trống Quân, Xẩm Hò Khoan, Xẩm Phồn Huê, Xẩm Chợ, Xẩm Sai, Xẩm Ngâm và Hát Ai. Ngoài ra còn có làn điệu Tàu Điện do các nghệ nhân hát Xẩm hành nghề ở Hà Nội sáng tạo. Cái hay của xẩm ở chỗ nghệ nhân luôn phải vừa hát, vừa diễn tấu nhạc cụ cùng lúc. Đây cũng là đặc điểm độc đáo của nghệ thuật hát xẩm mà không phải ai cũng có thể học và thực hành.
Con đường đến với hát Xẩm của nghệ nhân Linh Xẩm cũng gặp không ít khó khăn. Trước tiên là ở trình độ thanh nhạc, sau đó là việc cân bằng giữ việc học xẩm và học đại học, và khó khăn nhất chính là việc tiếp cận những chỉ dạy của nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Anh chia sẻ: “Lúc học xẩm mình vẫn còn là sinh viên, lúc đó điều kiện đi lại không có, bởi mình theo học nghệ nhân Hà Thị Cầu ở rất xa, tận Ninh Bình. Nhưng cái khó nhất ở chỗ nghệ nhân Hà Thị Cầu là người thầy rất giỏi nhưng cụ lại không phải là cô giáo, thế nên để học được cụ rất khó. Vì vậy phải đến năm thứ 3 tôi mới “thấm” xẩm”.
Nhưng nếu như trong quá khứ Xẩm thường hát ở những nơi đông người qua lại như bến sông, bãi chợ, sân đình và hát để kiếm kế sinh nhai thì ở giai đoạn hiện nay môi trường trình diễn này đã không còn. Thay vào đó là những môi trường trình diễn mới, ít nhiều có ảnh hưởng bởi yếu tố chuyên nghiệp hóa. Việc phục dựng các làn điều cổ, việc giữ được cái cổ truyền của nghệ thuật hát xẩm trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Gắn bó với xẩm ở giai đoạn môn nghệ thuật này thoái trào, nghệ nhân Linh xẩm vẫn luôn “đau đáu” với công cuộc phục hưng hát xẩm. “Thực ra mà nói nghệ nhân hành nghề giờ gần như “tuyệt chủng”. Chúng tôi hát nhiều nhưng chủ yếu là do đam mê và vẫn phải có thêm nghề khác nữa. Hiện nay, hát xẩm đang bị mai một, trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa có nhưng hành động mạnh mẽ để vực dậy bộ môn nghệ thuật truyền thống này”, anh Linh chia sẻ.
Song hành với việc đi biểu diễn giao lưu để quảng bá và phát triển nghệ thuật hát xẩm, anh Linh vẫn thường xuyên hướng dẫn và truyền nghề cho các thành viên ở câu lạc bộ hát xẩm Hải Phòng (với khoảng hơn 20 thành viên) để cùng đàn hát cho nhau nghe và gìn giữ ngọn lửa đam mê với xẩm.
Tuy nhiên, “để giữ được nghệ thuật hát xẩm, đầu tiên mình phải làm nó sống lại với đúng khuôn mặt của nó; để phát triển nghệ thuật hát xẩm hơn nữa thì không chỉ bản thân chúng tôi phải nỗ lực mà ngay cả các cơ quan chức năng cũng phải nổ lực hỗ trợ chúng tôi biểu diễn, giao lưu, đồng thời có sự đầu tư thật xứng đáng”, anh Linh khẳng định.
 Theo: Gia Linh / cinet.vn

Như Quỳnh chính thức ngồi ghế nóng làm huấn luyện viên

Thông tin này vừa được ban tổ chức Thần tượng bolero xác nhận. Theo đó, nữ ca sĩ Như Quỳnh sẽ làm huấn luyện viên mùa thứ ba cùng với Ngọc Sơn và Quang Lê.

Nữ ca sĩ Như Quỳnh được rất nhiều thế hệ khán giả yêu mến.
Thần tượng bolero là chương trình dựa trên format Nation’s best voice của Time Symphony (Anh). Đây là cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát dành cho những thí sinh có niềm đam mê với dòng nhạc trữ tình, quê hương và dân ca. Kết thúc hai mùa thi, chương trình đã tìm ra được hai quán quân là Trung Quang và Hellen Thủy với sự hỗ trợ từ dàn giám khảo tên tuổi như Ngọc Sơn, Quang Lê, Quang Linh, Cẩm Ly, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Quang Dũng, Đan Trường…
Trở lại mùa thứ ba, ban tổ chức khiến nhiều khán giả bất ngờ khi mời được nữ ca sĩ Như Quỳnh ngồi “ghế nóng” chương trình này. Đây là lần đầu tiên, “giọng ca không tuổi” Như Quỳnh làm huấn luyện viên một chương trình truyền hình. Trước đó, chị cũng thu hút nhiều sự quan tâm của khán giả trong những lần về nước và sắp tới đây là liveshow đầu tiên tại Hà Nội sau nhiều năm xa quê.
Ghi dấu ấn trong lòng khán giả với những ca khúc bolero, trữ tình ngọt ngào, việc Như Quỳnh xuất hiện trong vai trò một huấn luyện viên khiến nhiều người chờ đợi. Nếu như khán giả đã quen với những “chiêu trò” gây cười của hai huấn luyện viên Quang Lê, Ngọc Sơn thì Như Quỳnh có thể xem là một ẩn số thú vị của mùa giải năm nay thay cho hai “bóng hồng” Lệ Quyên và Cẩm Ly.
Nguồn: Theo báo Thanh niên

Rộn rã chiếu chèo

Cái nắng như đổ lửa cuối tháng 5 không làm vơi đi nhiệt tình của các thí sinh cùng những tiếng hát, nhịp đàn rộn rã trong Cuộc thi hát chèo và dân ca xã Tư Mại, huyện Yên Dũng (Bắc Giang).

Ðặc biệt, câu lạc bộ (CLB) chèo thôn Bắc Am còn có một dàn diễn viên nhí, độ tuổi lên chín, lên mười tham gia thi tài, càng tăng thêm niềm vui, cảm xúc của người dân nơi đây.

Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Giang phối hợp Trung tâm Văn hóa huyện Sơn Ðộng
 tổ chức lớp truyền dạy nghệ thuật hát chèo cho 69 học viên người cao tuổi.
Tiếp nối dòng chảy truyền thống
Bắc Giang vốn là đất chèo. Ðặc biệt, phong trào hát chèo không chuyên đang phát triển khá mạnh, dưới hình thức các CLB tại Nhà văn hóa thôn hoặc hộ gia đình. Ghé thăm CLB chèo làng Hạ, huyện Tân Yên, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng ông Nguyễn Trọng Nguyên, giọng ca “vang bóng một thời” duy nhất còn lại của một thế hệ tên tuổi Ðội chèo làng Hạ, được thành lập từ những năm 1957, 1958. Ông Nguyên năm nay 78 tuổi, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) năm 2015, là nghệ nhân đầu tiên ở lĩnh vực chèo của Bắc Giang được phong danh hiệu này. Trong câu chuyện say sưa về nghề, ông cho chúng tôi biết, CLB chèo làng Hạ có 64 thành viên, ở độ tuổi từ 30 đến 50. Ngoài thời gian làm nông nghiệp, họ thường tập trung tại Nhà văn hóa thôn để học hát vào thứ bảy, chủ nhật. Trước đây, mọi người chỉ hát được một hoặc hai làn điệu, nay đã có thể thuộc được khoảng 20 điệu ca; cách nhả chữ cũng chuyên nghiệp hơn, nhịp phách ăn khớp nhịp nhàng. Chèo làng Hạ đã gặt hái khá nhiều thành tích trong các cuộc thi không chuyên cấp xã, huyện, tỉnh và chương trình giao lưu với các địa phương. Ðiều khiến nghệ sĩ của CLB chèo làng Hạ tự tin là ông chủ nhiệm – NNƯT Nguyễn Trọng Nguyên giàu kinh nghiệm, luôn say sưa sáng tạo cái mới; đảm nhận vai trò viết kịch bản, sáng tác lời và đạo diễn. Bên cạnh đó, CLB có dàn nhạc cổ giỏi với bảy tay đàn vững nghề không kém các nghệ sĩ chuyên nghiệp và bộ nhạc cụ tương đối đầy đủ, đạt tiêu chuẩn, do UBND xã Cao Thượng tài trợ. Tuy nhiên, những nhạc công “tay ngang” này cũng đã trên dưới 50 tuổi, khiến không ít người lo lắng về đội ngũ kế cận.
Nếu CLB chèo làng Hạ tự hào vì dàn nhạc “xịn” thì các đồng nghiệp tại CLB chèo thôn Bắc Am, xã Tư Mại lại tự tin vì dàn múa nữ, với những vũ công gồm nông dân, tiểu thương vô cùng uyển chuyển trong các làn điệu dân gian. Với 24 thành viên, người cao tuổi nhất 75, trẻ nhất 25, trung bình mỗi tháng, CLB chèo thôn Bắc Am nhận một show diễn. Tuy không phải nhiều, song đó cũng là niềm mơ ước của nhiều nghệ sĩ nghiệp dư. Ông Nguyễn Tiến Tài, thành viên CLB cho biết, đây là CLB duy nhất trong chín CLB chèo của huyện Yên Dũng hoạt động dưới sự quản lý của UBND xã, bởi bề dày truyền thống văn nghệ của thôn; nhờ đó tính chuyên nghiệp trong học tập và biểu diễn được nâng lên đáng kể. Các nghệ sĩ làng quê tự đặt ra chỉ tiêu không thua kém một đơn vị nghệ thuật: một năm phải học hát hai đến ba làn điệu mới; dàn dựng hai đến ba tiểu phẩm mới. Mỗi lần tham dự cuộc thi hay sự kiện quan trọng đều mời nghệ sĩ chuyên nghiệp về dạy. Mọi hoạt động của xã như hội họp, bầu cử, đại hội Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, giao lưu…, các nghệ sĩ CLB đều được mời biểu diễn. Tuy sinh hoạt theo hình thức tự nguyện, phương thức xã hội hóa, song CLB chèo Bắc Am vẫn nhận được sự ủng hộ tích cực của chính quyền địa phương. Năm 2014, CLB được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tài trợ bộ loa đài chất lượng tốt. “Mỗi khi có sự kiện lớn, UBND xã cấp kinh phí khoảng 3 đến 4 triệu đồng; thôn Bắc Am cũng ủng hộ tiền mỹ phẩm, trang phục. Các thành viên tham gia biểu diễn được ghi thêm công điểm, khi đến kỳ hạn được trừ tiền nộp thóc” – ông Nguyễn Tiến Tài hồ hởi “khoe”. Số tiền tuy không nhiều, song là nguồn cổ vũ lớn để các diễn viên, dù bận rộn đến mấy, cũng tạm gác công việc, tập trung cho niềm vui nghệ thuật. Ðó cũng là lý do CLB chèo Bắc Am ngày càng được trẻ hóa.
Vốn là diễn viên Ðoàn văn công tỉnh Bắc Giang từ những năm 1964-1965, sau này, ông Nguyễn Tiến Tài đi bộ đội, rồi về thôn, là một trong những người thành lập và là chủ nhiệm CLB chèo. Khi tuổi cao, ông nhường lại vị trí này cho em trai mình là Nguyễn Thế Cử, hai cô con dâu nhà ông Tài cũng tích cực tham gia CLB. Chị Lưu Thị Thêm, con dâu ông cho biết: “Khi lấy chồng, tôi chỉ hát quan họ, không biết hát chèo, song bố chồng cứ động viên tham gia. Quả thật, với chèo, không theo thì thôi, chứ càng theo càng thích. Trước đây, tôi bán hàng bận rộn, nay chuyển sang làm nghề trông trẻ để có nhiều thời gian tập luyện, biểu diễn”. Chị Thêm đã vào CLB được bốn năm, từng đóng vai Cô Son trong tác phẩm cùng tên tham gia Hội diễn nghệ thuật chèo không chuyên của tỉnh, được giải A toàn đoàn và giải A cá nhân. Ngoài trông trẻ, chị còn tham gia công việc của thôn, công tác dân số của xã; việc trở thành nghệ sĩ chèo nghiệp dư giúp chị rất nhiều trong công tác xã hội. “Tôi vốn nhút nhát, nhưng nhờ giao lưu, biểu diễn trên sân khấu mà năng khiếu diễn thuyết được phát huy. Vì thế, tôi làm được những việc mà trước kia mình không hề nghĩ đến” – chị Thêm bộc bạch.
Các CLB chèo thôn, làng thường biểu diễn dịp hội hè, đình đám, phục vụ hoạt động của địa phương và tham gia các cuộc thi không chuyên. Vì thế, nghệ thuật chèo làng quê cũng phát triển theo hướng riêng. Bên cạnh làn điệu cổ, những bài ca mới luôn được ra đời, đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Ngoài các trích đoạn kinh điển như “Quan âm Thị Kính”, “Lưu Bình Dương Lễ”, “Xúy Vân”…, những tiểu phẩm mới được sáng tác nhằm hưởng ứng các cuộc thi liên quan vấn đề xã hội. Không chỉ phong phú về các bài hát ca ngợi Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình yêu quê hương đất nước, hạnh phúc gia đình, chèo Bắc Giang còn có nhiều bài phê phán thói hư tật xấu của xã hội, như mê tín dị đoan, nghiện hút… NNƯT Nguyễn Trọng Nguyên từng nhận giải sáng tạo, đạo diễn xuất sắc cho tiết mục về phòng, chống bạo lực gia đình trong một số cuộc thi. CLB chèo thôn Bắc Am từng được giải A của huyện Yên Dũng với tác phẩm phê phán tệ nạn nghiện hút ma túy…
Phát triển nguồn lực từ đội ngũ không chuyên
Hơn mười năm trước, nhận thấy phong trào hát chèo các thôn phát triển mạnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã giao Nhà hát Chèo Bắc Giang chịu trách nhiệm quản lý, đào tạo để gìn giữ nghệ thuật dân tộc và ươm mầm tương lai. Hát chèo ở làng, xã vốn tự phát, theo kinh nghiệm dân gian; vì thế tuy mạnh nhưng vẫn có nguy cơ chệch hướng, nhiều giọng ca tốt vẫn có thể hát sai. Bản thân nghệ thuật chèo chuyên nghiệp từng chịu sức ép từ sự phát triển, biến động của cuộc sống nên có những biến đổi, sân khấu chính thống cũng từng xuất hiện loại chèo pha tạp. Vì thế, sự tham gia của những nghệ sĩ chuyên nghiệp vào phong trào phát triển các CLB chèo rất quan trọng; là hợp tác hai bên cùng có lợi.
Hằng năm, Nhà hát Chèo Bắc Giang cử hai đội xuống các làng tập huấn cho giọng ca không chuyên từ 15 đến 20 ngày. Mỗi khi có cuộc thi hay hội diễn, các nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng hỗ trợ đồng nghiệp làng xã dựng vở, dạy diễn xuất, mua sắm trang, thiết bị. Nguồn kinh phí này được tỉnh cấp cho nhà hát để thực hiện nâng cao, chuyên môn hóa biểu diễn của các CLB nghiệp dư. Sau hơn 10 năm thực hiện, hoạt động phong trào tự phát đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Nhiều diễn viên không chuyên hát hay, diễn giỏi không kém diễn viên chuyên nghiệp. Trên hành trình theo đuổi nghệ thuật khó khăn, không ít nghệ sĩ chuyên nghiệp chán nản, muốn bỏ nghề; song khi thấy ngọn lửa nhiệt tình của những người dân yêu chèo, niềm đam mê lại bùng lên. NSND Trần Thông, Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang cho biết, nhiều nông dân, vì yêu ca hát đã đem cả thóc đến quyên góp cho CLB, khiến các nghệ sĩ thật sự xúc động. “Phong trào nghệ thuật không chuyên phát triển mạnh là điều đáng mừng cho nghệ thuật chính thống. Bởi khi đó, trách nhiệm nghề nghiệp của người nghệ sĩ cũng được nâng cao” – NSND Trần Thông tâm sự. Quan tâm phát triển phong trào nghệ thuật nghiệp dư, không chỉ góp phần nuôi dưỡng niềm yêu nghề đối với các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, mà còn nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật cho khán giả. Bởi khi họ đã rành về nghệ thuật, sẽ đi xem biểu diễn và “soi” diễn viên từng ly, từng tý. Diễn viên càng chịu áp lực sẽ càng tiến bộ. Các diễn viên của nhà hát khi xuống thôn là thầy giáo, nhưng khi trở về vẫn phải đi diễn theo nhiệm vụ. Trò diễn cho thầy áp lực một, thầy diễn cho trò áp lực gấp mười lần. Mỗi năm, nhà hát vẫn phải bảo đảm chỉ tiêu diễn phục vụ nhân dân địa phương từ 120 đến 130 đêm; vì thế, diễn viên lỡ hát sai, diễn chệch thì… “biết tay” học trò!
Phong trào hát chèo tại địa phương phát triển mạnh chính là nguồn cung cấp diễn viên cho Nhà hát Chèo Bắc Giang. Trước đây, khi hình thức hoạt động còn nặng tính tự phát, mỗi khi tuyển được diễn viên nhà hát lại gửi lên Trường đại học Sân khấu – Ðiện ảnh Hà Nội đào tạo. Nhưng khi tốt nghiệp, các diễn viên thường không quay về, vì vậy nhiều năm liền, đơn vị này bị mất nguồn diễn viên đã tuyển. Song từ khi phong trào không chuyên được chuyên nghiệp hóa, khi tuyển được diễn viên, nhà hát đào tạo ngay tại Trường trung cấp Văn hóa du lịch tỉnh Bắc Giang. Sinh viên học xong được về nhà hát làm việc, nhà hát không còn phải lo về nguồn lực kế cận.
Thu Huyền / nhandan.com.vn

Đưa nghệ thuật chèo đến gần khán giả

Liên tục giành những giải thưởng cao tại các cuộc thi tài năng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, đồng thời gặt hái những thành công lớn tại nhiều liên hoan nghệ thuật quốc tế, với những đêm diễn luôn sáng đèn hàng tuần, Nhà hát Chèo Viêt Nam tiếp tục khẳng định vị thế nhà hát nghệ thuật quốc gia, một đơn vị năng động, nhiệt huyết trong việc đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với công chúng.

Nhà hát Chèo Việt Nam được khởi đầu từ sự ra đời của Tổ Chèo trong Đoàn Văn công nhân dân Trung ương, được thành lập năm 1951 tại Chiến khu Việt Bắc, trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, Tổ Chèo đã được nâng cấp trở thành Đoàn Chèo Trung ương. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, Đoàn đã phát triển thành Nhà hát Chèo Trung ương rồi đổi tên là Nhà hát Chèo Việt Nam.
Tiếp nối thành tích 65 năm qua, Nhà hát Chèo Việt Nam hiện nay là nhân tố quan trọng góp phần bảo tồn vốn Chèo cổ, chỉnh lý nâng cao các tác phẩm tiêu biểu của Chèo cổ, song hành với việc đào tạo các thế hệ nghệ sĩ tiếp nối cho ngành Chèo.
Đông đảo các nghệ sĩ gạo cội, các nhà quản lý, và công chúng tới thưởng thức vở diễn “Thị Hến” của Nhà hát Chèo Việt Nam.
Trong bối cảnh nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, trong đó có nghệ thuật chèo gặp nhiều khó khăn, Nhà hát Chèo Việt Nam luôn giữ vững  định hướng bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống.
Khán giả yêu mến chèo vẫn đều đặn được thưởng thức những giai điệu chèo mượt  mà, sâu lắng vào 20h tối thứ 6 hàng tuần tại sân khấu Rạp Kim Mã với những vở diễn, trích đoạn được đầu tư công phu, tập luyện kỹ càng, những vở diễn tạo nên tên tuổi của nhà hát Chèo Việt Nam như: Bắc Lệ đền thiêng, Hề đố đá, Mầu – Nô – Phú ông (trong vở Quan Âm Thị Kính), Thị Mầu lên chùa, Lưu Bình –  Dương Lễ, Thị Nở – Chí Phèo, Hát Đò đưa, Xã trưởng mẹ Đốp, Giá đồng… Bên cạnh những vở chèo với tích cổ và đề tài dân gian, đề tài hiện đại, đề tài người lính cũng được khai thác để làm giàu thêm vốn đề tài, đồng thời tiếp cận gần hơn với khán giả như vở “Giai điệu Tổ Quốc” sắp được công diễn vào tối 30/12 tới đây.
Thành công lớn của Nhà hát Chèo trong năm 2017 có lẽ là việc phục dựng thành công vở “Nàng Thiệt Thê” và dựng mới 02 vở “Thị Hến” và “Bà Chúa Kho”, đặc biệt là việc vở “Quan âm Thị Kính”  vinh dự được lựa chọn biểu diễn tại Hòa nhạc Hòa giải Thế giới năm 2017 và tham dự Festival Nhà hát Chuncheon tại Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, Nhà hát Chèo Việt Nam cũng tham gia biểu diễn phục du công chúng (150.000 lượt khán giả) tại nhiều chương trình như: Biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và bà con nhân dân các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017; Biểu diễn chương trình tại Làng Văn hóa – Du lịch các Dân tộc VN; Ghi hình vở chèo “Huyền tích một loài hoa”, “Giếng Thơi trong lòng phố” trên Đài Truyền hình VN; Biểu diễn phục vụ đồng bào chiến sĩ vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Lào Cai; Biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội hai vở Súy Vân và Dây tràng hạt diệu kỳ; Kết hợp với Trường ĐH SK-ĐA Hà Nội hỗ trợ thi tốt nghiệp cho Lớp diễn viên, nhạc công Chèo khóa K34 thuộc Dự án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực của Nhà hát Chèo VN giai đoạn 2014 – 2020 và tầm nhìn 2025…
Nhiều diễn viên trẻ của nhà hát được giao những vai diễn “nặng ký” trong những vở diễn huyền thoại. Hình ảnh trong vở “Quan Âm Thị Kính” vinh dự được lựa chọn biểu diễn tại Hòa nhạc Hòa giải Thế giới năm 2017. 
Đội ngũ nghệ sĩ trẻ của Nhà hát luôn được quan tâm, dành những ưu ái và được thử sức trong nhiều vai diễn. Điều đó cũng phần nào lý giải vì sao Nhà hát Chèo Việt Nam luôn gianh được thứ hạng cao trong các cuộc thi tài năng do Bộ VHTTDL tổ chức như Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017 với 2 HCV, 2 HCB, 1 giải diễn viên có đóng góp tích cực và 2 HCV và 1 HCB cá nhân tại Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017.
Như chia sẻ của NSƯT Thúy Ngần trong cuốn “Tâm tư với nghiệp chèo”, nếu trước đây, lớp nghệ sĩ như chị và các bạn đồng lứa được các nghệ nhân như thầy Trần Bảng, nghệ nhân Dịu Hương, nghệ nhân Minh Lý dạy nghề, “dạy cả cách ăn cách nói”, thì nay, NSUT Thúy Ngần đã trở thành giảng viên tiếp tục truyền lửa chèo cho các thế hệ tiếp nối.
Cái khó nhất có lẽ là làm sao để giữ được chất “chèo”, giữ được hồn cốt của chèo truyền thống, mà vẫn hấp dẫn được thị hiếu khán giả hiện nay. Đó không chỉ là trăn trở của Nhà hát Chèo Việt Nam mà còn của rất nhiều nghệ sĩ gạo cội, những người thầy vẫn “cần mẫn” với công việc, với nghiệp chèo.
Hy vọng rằng với sự đồng lòng của các nghệ sĩ Nhà hát, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ VHTTDL, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững và viết tiếp những trang sử vẻ vang của nhà hát, vẫn luôn kiên định với việc bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật chèo truyền thống, đồng thời năng động hơn nữa trong việc tiếp cận nhiều đối tượng khán giả, để nghệ thuật chèo sống mãi…
Sưu tầm: Nguồn hội sân khấu Việt Nam

35 cá nhân TPHCM được xét tặng Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú

Theo thông tin từ Sở VH- TT thành phố Hồ Chí Minh, Sở vừa hoàn tất hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân ưu tú cho 35 cho 35 cá nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2 – năm 2018 trên địa bàn TPHCM.

Các nghệ nhân được xét tặng lần này thuộc các loại hình: nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội.
Cụ thể, có 12 nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu NNND là: Trần Trọng Dậu (nghệ nhân Đức Dậu) – biểu diễn nhạc cụ dân tộc; Đàng Quang Dũng – nghệ thuật múa Chăm; Vương Xú Há (Trương Hán Minh) và Trương Hớn Minh (Trương Lộ) – nghệ thuật tranh thủy mặc và thư pháp; Lương Tấn Hằng và Lưu Kiếm Xương – biểu diễn lân sư rồng; Nguyễn Thị Hồng Oanh – dân ca, ví giặm Nghệ Tĩnh; Nguyễn Tấn Nhì, Lê Hoàng Tấn, Lê Thanh Tùng, Phạm Thị Tuyết và Phạm Công Tỵ – nghệ thuật đờn ca tài tử.
Hoạt động múa Chăm tại Bình Thuận
Hoạt động múa Chăm tại Bình Thuận
23 cá nhân được đề nghị tặng danh hiệu NNƯT gồm: Phan Văn Chấn – lễ hội truyền thống; Phan Nhứt Dũng – nhạc lễ Nam bộ, đờn ca tài tử, cải lương, hát bội; Trần Ngọc Đáo, Nguyễn Văn Thành – múa bóng rỗi; Nguyễn Văn Khánh – ca Huế, ngâm thơ; Huỳnh Hiệp Liệt – nhạc lễ Nam bộ; Nguyễn Thị Kim Loan, Nguyễn Văn Tạo – đờn ca tài tử, cải lương; Nguyễn Thị Nhàn – hát chầu văn; Lưu Văn Quang – dân ca quan họ Bắc Ninh; Trần Công Thành – xiếc dân gian; Phạm Thị Thịnh – tập quán tín ngưỡng thờ Mẫu; các nghệ nhân: Nguyễn Văn Chức, Lê Thị Xuân Đào, Phan Minh Đức, Võ Trường Giang, Lê Thị Thu Hà (nghệ nhân Kim Thanh), Nguyễn Thị Hương, Võ Văn Kim (Duy Kim), Lê Minh Quân, Phan Thị Thu, Đặng Văn Vĩnh và Huỳnh Thanh Tuấn – lĩnh vực đờn ca tài tử.
Hát văn - hầu đồng bắt nguồn từ tín ngưỡng Thờ mẫu trong dân gian
Hát văn – hầu đồng bắt nguồn từ tín ngưỡng Thờ mẫu trong dân gian
Nguồn: Minh An / sggp.org.vn

Tiểu sử Nghệ sĩ ưu tú chèo Khắc Tư

 NSƯT Khắc Tư là một cái tên đã trở nên thân quen với thính giả cả nước. Năm tháng đi qua, đời người dường như ngắn lại, một vài nghệ sĩ từng hát chung với ông trên làn sóng đã vắng bóng nhưng suốt mấy chục năm qua, giọng hát ấy, con người ấy vẫn gắn bó thủy chung với làn sóng phát thanh. Đã qua tuổi tri thiên mệnh nhưng với người Nghệ sĩ  này thời gian như ngừng trôi dành chỗ cho tình yêu nghệ thuật chèo đến cháy bỏng say mê.  

Tiểu sử

Nghệ sĩ Khắc Tư sinh năm 1953 ở vùng quê Phúc Thọ Hà Tây. Mảnh đất Xứ Đoài trăm mến ngàn thương này đã tạo nên biết bao danh lam thắng cảnh nổi tiếng và cũng tạo nên biết bao nghệ sĩ tài năng cho đất nước, và Khắc Tư là một trong số đó. Cha của ông có cốt cách của một nhà nho, cụ biết nhiều về hán học lại thông thạo nghệ thuật chèo, đã có thời cụ theo và tập diễn với Đoàn chèo Cổ Phong. Được sống trong môi trường nghệ thuật nên Khắc Tư sớm yêu say mê bộ môn này. Năm 1973, khi tròn 19 tuổi, cậu học sinh trắng trẻo, đẹp trai ấy thi và trúng tuyển, về công tác tại Đoàn chèo Hà Tây.

Tên tuổi của NSUT Khắc Tư quen thuộc với thính giả cả nước qua nhiều thế hệ

Cuộc đời nghệ thuật của Nghệ sĩ Khắc Tư bắt đầu bằng vai nhà sư trong vở chèo: “ Quan âm Thị Kính “. Chỉ với vai diễn ngắn này thôi Khắc Tư đã không chỉ làm “ nhiều cô Thị màu “ trong Đoàn thầm yêu trộm nhớ mà còn làm không ít các cô thôn nữ say mê, Cũng qua vai diễn Khắc Tư hiểu rằng: với nghệ thuật chèo muốn thành công phải lao động thật nghiêm túc. Phải lao tâm khổ tứ,rèn luyện ngày đêm. Từ đó ông vừa học thầy, vừa học bạn. Có giọng hát hay thôi chưa đủ mà giọng hát ấy phải có “ màu chèo “, có kỹ thuật luyến, láy, nhấn nhá, nhả câu, nhả chữ sao cho đẹp cho bay. Qua một thời gian không lâu, nhờ tình yêu chèo cháy bỏng, Khắc Tư đã tạo được điều đó. ông trở thành một giọng hát chèo hay không chỉ của Đoàn chèo Hà Tây mà của cả nước.

Sự nghiệp

Hơn 20 năm gắn bó với Đoàn chèo Hà Tây, có thể nói Khắc Tư đã sống hết mình vì nghệ thuật chèo. Ông là một trong những người đi tiên phong trong sân khấu chèo thể nghiệm, ông thể nghiệm chèo bằng chính giọng hát, lối diễn của mình. Trên 20 năm Khắc Tư đảm nhiệm hầu hết các vai chính của Đoàn, vai nào ông cũng diễn thành công và để lại ấn tượng đẹp trong lòng công chúng. Thời kỳ cao điểm ông diễn cả ba buổi liền không nghỉ. Có thời gian NSƯT Khắc Tư vừa tập vừa diễn ròng rã 9 tháng liền không nghỉ. Đó là một sự lao động thực thụ: Nghiêm túc và hết lòng vì nghề. Khán giả yêu chèo của Hà Tây nói riêng và cả nước nói chung vẫn chưa thể quên hình ảnh Khắc Tư trong các vai: Thiện sĩ trong vở chèo cổ: “ Quan âm thị Kính “- huy chương vàng hội diễn năm 1990, Kỹ sư Kiên trong vở: “ Tiếng hát non Tản “, vai Tiệp trong vở: “ Phía sau tượng chúa “, Bác sĩ Quang trong vở: “ Một tình yêu sẽ đến “, ông chánh án trong vở: “ Bông hồng kiêu hãnh “, Hiệp trong vở: “ Người tốt nhà số 5 “- huy chương vàng hội diễn Sân khấu 1985.

Cuối những năm 1990 Khắc Tư chuyển ra Nhà hát chèo Trung ương công tác. Với người Nghệ sĩ, công tác tại đâu không quan trọng, điều quan trọng là họ cống hiến cho nghệ thuật những gì, và với Nghệ sĩ Khắc Tư cũng vậy. Ra Nhà hát chèo Trung ương, ông tiếp tục gặt hái được nhiều thành công qua vai diễn, nhưng thành công nhất trong thời gian này của Khắc Tư chính là ông đã đào tạo được nhiều Nghệ sĩcó giọng hát hay mà chưa biết hát chèo. Họ đã coi ông như người thầy và ông đã nhiệt thành truyền dạy cho họ cách hát và lối hát thật là nhuần nhuyễn, ngọt ngào, đằm thắm và rất chèo.

 Chân dung NSUT Khắc Tư

Gần 30 năm qua, thính giả yêu chèo cả nước đã rất quen thuộc với giọng hát của Nghệ sĩ Khắc Tư. Có thể nói từ năm 1978 đến nay cho dù trong hoàn cảnh nào, bận mấy, nhưng khi có lời mới của Đài TNVN là ông đều nhận thu. Trong mỗi bài ca mà Nghệ sĩ Khắc Tư thu thanh, bao giờ cũng thấy ông cẩn thận nhịp phách, chau chuốt từ cách lấy hơi, nhả chữ bởi ông biết hàng triệu người sẽ nghe ông hát, trong số họ có rất nhiều người bạn nghề, người khó tính, và cả những bạn trẻ đang học hát chèo và họ đang kỳ vọng học ở ông những kỹ thuật hát qua chương trình hát chèo của Đài TNVN. Quả vậy, nhiều Nghệ sĩ của các Đoàn chèo và cả không chuyên vẫn lấy giọng hát chèo của Khắc Tư làm khuôn mẫu để học tập. Có thể nói, cho đến nay giọng hát chèo của Nghệ sĩ Khắc Tư vẫn là một trọng những giọng hát chèo nam hay nhất, là “ Khuôn vàng thước ngọc “ để so sánh thế nào là một giọng hát chèo hay. Nhờ những đóng góp không nhỏ cho nghệ thuật chèo, Nghệ sĩ Khắc Tư đã được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý NSƯT năm 1993.

Điều đáng quý, đáng trân trọng là trên 30 năm gắn bó với chèo, có rất nhiều giải thưởng, được nhiều ngườì yêu mến, ái mộ nhưng Nghệ sĩ Khắc Tư vẫn không bằng lòng với chính mình. Ông luôn luôn trau dồi giọng hát ,tìm cách “ làm mới” mình, chính vì vậy thính giả không chỉ được nghe Khắc Tư hát chèo mà còn được nghe Khắc Tư hát văn, hát quan họ, ngâm thơ . . .

Hai NSƯT Khắc Tư và Thuý Ngần biểu diễn bài “Quân tử vu dịch” trong vở chèo “Lưu Bình – Dương Lễ” cho sinh viên Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội.

Những bài bài chèo nổi tiếng của Nghệ sĩ Khắc Tư

Đường trường trên non
Đường trường vị thủy
Đào liễu
Đường trường tiếng đàn
Nhịp đuổi
Chinh phụ
Vị thủy đầu can nhật
Sa lệch chênh
Con nhện giăng mùng
Đường trường thu không
Tình thư hạ vị (Song ca với Thanh Hoài)
Sử chuyện (Song ca với Thanh Hoài)
Duyên phận phải chiều (Song ca với Thúy Mùi)
Quân tử vu dịch (Song ca với Thanh Hoài)
Tình thư hạ vị (Song ca với Minh Thu)
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa (Hát văn)

Ca nương Bạch Vân – sớm khuya một mình với kiếp cầm ca

Hơn 30 năm gắn bó ca trù, NSƯT Bạch Vân chấp nhận cảnh cô độc, không chồng con, sống đạm bạc, tiết kiệm từng đồng để giữ lửa nghề.

Hồng hồng tuyết tuyết, mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi” – tiếng hát réo rắt của ca nương Bạch Vân vang lên trong một buổi sinh hoạt ca trù tại đình Kim Ngân, Hà Nội. Chị vận chiếc áo dài tím, vấn tóc gọn gàng, tay gõ phách và mắt nhắm nghiền đắm mình vào lời hát. Trong không gian tôn nghiêm thoảng mùi hương trầm, khách đến nghe say sưa và trầm ngâm theo lối nhả chữ chậm rãi, da diết của nghệ nhân.
           
Ca nương Bạch Vân trên chiếu hát.
Ca nương Bạch Vân trên chiếu hát.

Rời khỏi chiếu hát, NSƯT Bạch Vân bước xuống hàng ghế khán giả và cúi đầu  cảm ơn. Khi những vị khách cuối cùng khuất bóng, chị nhanh chóng trở vào thu dọn đồ đạc. Không người đón đưa, với ca nương Bạch Vân, về nhà lúc nửa đêm sau mỗi buổi diễn là chuyện bình thường. Hơn 30 năm gắn bó với nghiệp ca trù, phần lớn thời gian Bạch Vân sống trong cảnh đơn độc. Chốn lui về thường ngày của chị là căn nhà nhỏ nằm sát khu tập thể Giảng Võ. Bạch Vân sống trên căn gác xép rộng chừng 25 mét vuông. Dưới nhà, chị cho thuê cửa hàng để kiếm đồng ra đồng vào.

Đồ đạc trong phòng lỉnh kỉnh chai lọ, sách báo, bếp ăn. Tất cả đều bày biện trên mặt sàn để phục vụ cho cuộc sống độc thân của phụ nữ ưa sự giản tiện. Gia tài giá trị nhất với Bạch Vân là cây đàn đáy dựng góc nhà và bộ phách hàng đêm theo chị lên chiếu hát.

Trời trở lạnh, Bạch Vân bị khan tiếng vì mấy đêm diễn ngoài sân đình. Nữ nghệ sĩ nhấp chén trà cho đượm giọng rồi chua chát tâm sự về phận đời nhiều đắng cay. Chị từng trải qua cuộc hôn nhân muộn mằn khi tuổi đã ngoài tứ tuần. Chị gặp người đàn ông tên Nguyễn Bá Hải khi anh đang tu tại chùa Một Cột. Giữa hai người nảy sinh tình cảm, anh hoàn tục rồi cùng Bạch Vân dựng xây tổ ấm. Bạch Vân thấy chồng là người có năng khiếu đàn nên đã tìm thầy dạy để hai người có thể ngồi chung chiếu hát. Khi cuộc sống ổn định, nghệ sĩ mở quán cơm chay mang tên mình.
 
                        Cuộc sống sinh hoạt của NSƯT Bạch Vân gói gọn trong căn gác xép.

Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, cuộc hôn nhân nhanh chóng đổ vỡ do đam mê ca trù trong Bạch Vân quá lớn. Chị toàn tâm toàn lực đến độ mang bầu không dám giữ lại vì sợ phải san sẻ thời gian với ca trù. Có hôm, buổi sáng Bạch Vân từ Hà Nội đi Nghệ An, hát xong chị lại về ngay Hà Nội để tiếp tục công việc trên đình Kim Ngân. Nữ nghệ sĩ nói: “Có sinh, chắc con cũng chết đói. Người ta có con thì trung tâm vũ trụ là con mình. Còn Bạch Vân, trung tâm vẫn phải là ca trù. Đó là tình yêu lớn nhất”.

Phần khác, chồng chị mải mê kinh doanh nên không còn gắn bó với đàn hát. Nữ nghệ sĩ thẳng thắn chia sẻ: “Nếu yêu Bạch Vân là phải yêu ca trù, còn không thì chia tay”.

Chấp nhận từ bỏ hạnh phúc riêng, Bạch Vân chọn ca trù làm tình yêu và lẽ sống. 

Thuở đầu thành lập Câu lạc bộ ca trù Hà Nội năm 1991, chị chạy vạy vay hàng trăm triệu để lo trả lương và phương tiện đón nghệ nhân gạo cội từ khắp nơi về biểu diễn. Bạch Vân sống tằn tiện, không dùng tivi, không sử dụng các thiết bị điện lạnh chỉ vì muốn tiết kiệm tối đa sinh hoạt phí nhằm dành tiền cho câu lạc bộ. Khan hiếm khán giả nên đến bây giờ, chị vẫn thường xuyên bỏ tiền túi để bù lỗ. Ca nương Bạch Vân có lần toan tự tử khi ở thế cùng cực: tiền hết, câu lạc bộ hoạt động khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp, Bạch Vân cùng các nghệ nhân có lịch diễn cố định tại đình Kim Ngân, Hà Nội.

Hơn 30 năm gắn bó với trống chầu, bộ phách, nữ nghệ sĩ nhiều lần kiệt sức vì chính đam mê của mình. Cuối năm 2015, NSƯT Bạch Vân gặp tai nạn khi chở một người bạn về nhà. Chị bị cướp giật túi xách và ngã văng ra đường, tưởng không đứng dậy nổi. Nghĩ đến khán giả đang chờ, chị nén đau gượng dậy, cố nổ máy lên đường. Do nhiều người dân có mặt can ngăn, chị đành hủy buổi diễn để vào viện. Bác sĩ chẩn đoán Bạch Vân bị giãn xương cột sống và phải bó cố định ít nhất ba tháng. Nhưng chưa được mươi ngày, chị trốn lên sân khấu để dạy hát, giao lưu, trình diễn. Khi khán giả về hết cũng là lúc Bạch Vân ứa nước mắt vì sống lưng đau buốt đến tận xương tủy. Cứ thế, chứng bệnh thành cái tật hành hạ chị khi trái nắng trở trời.

Mùa đông năm ngoái diễn ở đình về, do tắm nước lạnh nên chị bị cảm, người co cứng. Chị cố gượng dậy, nhờ anh trai đưa đến thầy lang chữa trị ngay trong đêm để kịp lịch diễn ngày hôm sau. Giữ trọn lời hẹn với khán giả, Bạch Vân bước lên sập hát, mình mẩy run cầm cập. Miệng chị lẩm bẩm lời khấn cầu xin tổ nghiệp phù trợ. Hát xong một bài, chân bủn rủn, Bạch Vân vẫn lại gần giao lưu cùng khán giả. Nghệ sĩ quả quyết: “Tôi sẵn sàng chết trên sân khấu để cháy hết mình với nghệ thuật cổ truyền và đền đáp tình yêu của khán giả”. Tình cảnh của ca nương Bạch Vân như lời nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát nói về kiếp cầm ca của nghệ nhân dân gian: “Sinh vì nghề, tử vì nghệ, nếu phải chết để bảo vệ lấy một tiếng phách tre, một tiếng đàn bầu, phải đâu không có người dám chết”.Lẻ bóng ở tuổi 60, thời gian rảnh rỗi, Bạch Vân ở nhà chăm sóc đàn mèo để kiếm niềm vui. Thỉnh thoảng, chị cùng nhóm bạn tổ chức chuyến thiện nguyện lên vùng sâu vùng xa hoặc lái xe máy đến thăm hỏi những nghệ nhân ca trù gạo cội. Chị bảo họ đều ở tuổi xưa nay hiếm, chẳng may có mệnh hệ gì, lấy ai truyền lại vốn quý của âm nhạc dân tộc.

Bạch Vân là mây trắng. Nữ nghệ sĩ nhiều lần trách đùa sự trắng tay của mình đều vì cái tên do anh trai đặt. Hơn 30 năm giữ lửa cho ca trù Việt, Bạch Vân chẳng mong gì cho mình. Không cần nhà cao cửa rộng, chỉ miễn sao chị được lên sân khấu, được hát cho mọi người nghe và giữ ngọn lửa ấy vẫn cháy.

Ca nương Bạch Vân tên thật là Lê Thị Bạch Vân, sinh năm 1957 tại Nghệ An. Năm 1986, Bạch Vân bắt đầu đi tìm các nghệ nhân ca trù để học hỏi với mong muốn khôi phục lại bộ môn nghệ thuật này. Năm 1991, nghệ sĩ thành lập Câu lạc bộ ca trù Hà Nội – câu lạc bộ ca trù đầu tiên của Việt Nam – và mời nhiều nghệ nhân dân gian về biểu diễn, đồng thời bắt tay đào tạo thế hệ ca nương, kép đàn mới. Năm 2012, Bạch Vân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. 

Nguồn: Vnexpress.net

Ngọc Huyền hội ngộ các nghệ sĩ cải lương gạo cội

Nghệ sĩ đến thăm các giọng ca kỳ cựu như Diệu Hiền, Ngọc Đáng… ở viện dưỡng tại TP HCM.

Ngọc Huyền và các nghệ sĩ cải lương gạo cội 1
Ngọc Huyền và các nghệ sĩ cải lương gạo cội 1

Vừa từ Mỹ về TP HCM chuẩn bị cho đêm biểu diễn lần đầu tiên được cấp phép trong nước, Ngọc Huyền dành thời gian đến thăm các nghệ sĩ lão thành ở viện dưỡng lão tại quận 8. Từ trái qua: Nghệ sĩ Thiên Kim, Ngọc Đáng.

Ngọc Huyền và các nghệ sĩ cải lương gạo cội 2
Ngọc Huyền và các nghệ sĩ cải lương gạo cội 2

Chị ân cần hỏi thăm sức khỏe của Ngọc Đáng – một trong những nghệ sĩ cải lương lớn tuổi nhất tại đây. Viện dưỡng lão là nơi lui tới của Ngọc Huyền mỗi dịp về nước.

Ngọc Huyền và các nghệ sĩ cải lương gạo cội 3
Ngọc Huyền và các nghệ sĩ cải lương gạo cội 3

Chị cùng các nghệ sĩ Lệ Thẩm (trái), Ngọc Hương, Diệu Hiền (phải) hát lại trích đoạn kinh điển như “Tần Quỳnh khóc bạn“, “Gánh cỏ Sông Hàn“, “Ông lão chèo đò“…

Ngọc Huyền hỏi thăm các nghệ sĩ cải lương gạo cội
Ngọc Huyền hỏi thăm các nghệ sĩ cải lương gạo cội

“Được thăm các cô chú, được hát lại những câu vọng cổ, cải lương, tôi càng thêm thấm thía được tình yêu nghề và đạo nghĩa ở đời”, Ngọc Huyền nói.

Ngọc Huyền hỏi thăm các nghệ sĩ cải lương gạo cội 2
Ngọc Huyền hỏi thăm các nghệ sĩ cải lương gạo cội 2

Chị vào tận giường hỏi han các nghệ sĩ đang nằm liệt vì bệnh. Ngọc Huyền trao 25 triệu đồng ủng hộ Viện dưỡng lão nghệ sĩ.

Ngọc Huyền hỏi thăm các nghệ sĩ cải lương gạo cội 3
Ngọc Huyền hỏi thăm các nghệ sĩ cải lương gạo cội 3

Diễn viên Hòa Hiệp đồng hành cùng Ngọc Huyền trong chuyến từ thiện. Chị cũng trích bốn triệu đồng nhờ một người quen gửi tặng nghệ sĩ Hùng Minh khi biết gia cảnh túng thiếu của ông lúc về già.

Nguồn: https://giaitri.vnexpress.net/photo/san-khau/ngoc-huyen-hoi-ngo-cac-nghe-si-cai-luong-gao-coi-3655847.html

Tiểu sử nghệ sĩ nhân dân ca trù Quách Thị Hồ

Quách Thị Hồ (11 tháng 6 năm 1909 – 4 tháng 1 năm 2001) là một nghệ nhân ca trù nổi tiếng. Bà là người đầu tiên đưa tiếng hát ca trù của Việt Nam ra nước ngoài. Năm 1988, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

 

                                Nghệ sĩ nhân dân Qúach Thị Hồ và bà Nguyễn Thị Phúc hồi trẻ

Tiểu sử

Bà sinh ngày 11 tháng 06 năm 1909 tại làng Ngọc Bộ, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, Hưng Yên (trước thuộc tỉnh Bắc Ninh, nơi sản sinh nhiều làn điệu quan họ). Bà sinh ra trong một gia đình có nghiệp đàn hát lâu đời. Mẹ bà cũng là một ả đào có tiếng. Lên 6 tuổi, bà đã theo mẹ đi hát. Bà được mẹ vỗ lòng và truyền nghề cho. Mẹ bà từng đoạt giải nhì (Á Nguyên) tại cuộc thi hát ở Hải Dương. Còn bà, nổi tiếng từ những năm 30 của thế kỷ XX. Nhiều người còn kể, khoảng năm 1939-1941, có chầu hát ở nhà bà, quan viên đi hát đã phải chi tới 4 chỉ vàng (100 đồng tiền Đông Dương cũ).

Năm 1930, bà đi ra Hà Nội hát, sau đó làm chủ nhà hát Vạn Thái ở phố Bạch Mai. Bà trở thành đào nương nổi tiếng cùng với bà Nguyễn Thị Phúc. Sau Cách mạng tháng 8, rồi kháng chiến chống Pháp, bà đi hát ở Vĩnh Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên.

Năm 1954, hoà bình lập lại ở miền Bắc, bà làm cộng tác viên cho chuyên mục ngâm thơ của Đài tiếng nói Việt Nam cùng với bà Nguyễn Thị Phúc. Do hoàn cảnh lúc này nghệ thuật ca trù bị coi là tàn dư của chế độ phong kiến cũ nên những đào kép đều từ bỏ nghề Tổ. Năm 1976, Giáo sư Trần Văn Khê từ Pháp trở về Hà Nội và tìm gặp các nghệ nhân ca trù. Tại đây ông đã ghi âm tiếng hát của bà đem đi giới thiệu với thế giới. Năm 1978, Hội đồng Âm nhạc Quốc tế của UNESCO và Viện Nghiên cứu Quốc tế về Âm nhạc đã trao tặng bà bằng danh dự cho công lao “gìn giữ một di sản nghệ thuật truyền thống quý báu của Việt Nam, một vốn quý của nhân loại”. Năm 1983, băng ghi âm tiếng hát của bà đại diện cho Việt Nam đã được xếp hạng nhất tại Liên hoan Quốc tế Âm nhạc Truyền thống châu Á ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Năm 1984, bà tham gia bộ phim tư liệu Nghệ thuật ca trù của đạo diễn Ngô Đặng Tuất và hội ngộ cùng các nghệ nhân khác như Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Hào, Chu Văn Du, Nguyễn Thế Tuất, Phó Đình Kỳ, Đinh Khắc Ban, Phó Thị Kim Đức, Phạm Thị Mùi. Quách Thị Hồ đã trở thành nghệ nhân ca trù tiêu biểu của Việt Nam. Giọng hát của bà đã được Đài tiếng nói Việt Nam thu âm, phát sóng rộng rãi trên sóng phát thanh của Đài. Năm 1988, bà được nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, là nghệ nhân ca trù duy nhất nhận danh hiệu này.

 

                                     Bà  là người đầu tiên mang tiếng hát ca trù ra nước  ngoài

Bà mất tháng giêng năm 2001, khiến bao nhiêu người tiếc nuối, vì mất một nghệ sĩ ca trù hàng đầu ở nước ta.

Giọng hát và sự nghiệp

Bà sở hữu một giọng hát đặc biệt, cùng tiếng phách điêu luyện đã chinh phục nhiều người thưởng thức. Nhiều người đánh giá giọng hát của bà như:

“Có người ví tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi một tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài ấy. Tiếng hát ấy vừa cao sang bác học, vừa mê hoặc ám ảnh, diễn tả ở mức tuyệt đỉnh nhất các ý tứ của các văn nhân thi sĩ gửi gắm trong các bài thơ. – Vũ Khang
“Chất giọng khỏe, đanh, sắc như đổ vàng vào tai người nghe, chất giọng đầy uy quyền có thể hiếp đáp được người nghe” – Trần Ngọc Linh
Một trong những kĩ thuật đặc trưng nhất của bà là kĩ thuật đổ hột hay nảy hạt – một kĩ thuật thường thấy trong chèo, tuồng và cả quan họ. Giáo sư Trần Văn Khê và Trần Quang Hải cho rằng kĩ thuật đổ hột trong giọng hát của bà là đặc trưng của nghệ thuật hát ả đào. Tuy nhiên Trần Ngọc Linh lại phản bác ý kiến này. Ông cho rằng: kĩ thuật đổ hột hoàn toàn không có trong bất cứ nghệ nhân cũ nào khác, hay cũng không được nhắc đến trong bất kì tác phẩm nghiên cứu nào về ca trù trước đây, điều đó chứng tỏ đổ hột hoàn toàn không phải là kĩ thuật Ca trù. Để giải thích về giọng hát đặc biệt của bà, ông cho rằng đổ hột là yếu tố tự nhiên trong giọng hát của bà, tiếp thu từ người mẹ và giáo phường ở Kinh Bắc – cái nôi của nghệ thuật quan họ. Sau này những cô đầu trong nhóm Ca trù Thái Hà đã bắt chước kĩ thuật này của bà qua những băng ghi âm của bà. Nhóm đã thực hiện nhiều chuyến lưu diễn, thông qua sự giới thiệu của ông Trần Văn Khê, đưa tiếng hát ca trù ra thế giới và những điều này đã gây ra sự nhầm lẫn trong giới nghiên cứu ca trù về kĩ thuật đổ hột.

Trong những năm thập niên 1950-1970, nghệ thuật ca trù không có chỗ đứng do bị coi là tàn tích của chế độ phong kiến cũ. Nhiều đào nương kép đàn đã phải bỏ nghề, bỏ Tổ. Nhưng chỉ có bà là người dám tự nhận mình là một cô đào, sống với Tổ và nghề, như câu nói dũng cảm mà bà đã từng nói: “Tôi sẵn sàng đeo biển trước ngực đi trên phố để nói tôi là người hát Ca trù”.

Liên hoan âm nhạc quốc tế năm 1976, bà đoạt giải nhất, được nhận bằng khen ở Iran. Tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế 1978 ở Mông Cổ, bà chiếm tới hai giải: giải nhất và giải Hàn Lâm.  Khi tiếng hát ca trù lần đầu tiên được vang danh trên thế giới, bà đã được ghi nhận là một trong những nghệ nhân ca trù tiêu biểu. Cũng từ đây, nghệ thuật ca trù đã dần được khôi phục, và được biết đến là một trong những di sản quý báu của Việt Nam và nhân loại Bà còn đoạt giải thưởng cao về âm nhạc do UNESCO tổ chức ở Bình Nhưỡng… Bà được phong Nghệ sĩ Nhân dân năm 1988. Nhiều nhà nghiên cứu đương thời như Trần Văn Khê, Ngô Linh Ngọc, Lý Khắc Cung… và nhiều nhà báo đã viết về bà…

Những năm cuối đời, tuổi đã ngoại 80, bà giành thời gian để truyền nghề cho lớp nghệ sĩ thế hệ sau như: Thúy Đạt, Thanh Hoài, Vũ Kim Dung, Ngọc Huyền, Thúy Hòa v.v…

Có thể nói Quách Thị Hồ là người đã có công đóng góp lớn trong việc khôi phục, quảng bá và phát triển nghệ thuật ca trù. Giọng hát của bà cũng được nhiều nghệ sĩ học hỏi như nhóm Ca trù Thái Hòa và nghệ sĩ Thúy Loan.

                                     Nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ sở hữu một giọng hát đặc biệt

Tán thưởng

Nghệ nhân Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc đã được nhắc tới trong Giai thoại về một chầu hát không tiền khoáng hậu của Thạch Lam (ký tên Hoài Điệp Thứ Lang).
Nhà thơ Trần Huyền Trân đã viết bài thơ Sầu chung để tặng cho bà:
“Tự cổ sầu chung kiếp xướng ca:  Mênh mông trời đất vẫn không nhà/Người ơi mưa đấy? Hay sênh phách/ Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa…/Thôi khóc chi ai kiếp đọa đầy/ Tỳ bà tâm sự rót nhau say/ Thơ ta gửi tặng người ngâm nhé/ Cho vút giọng sầu tan bóng mây”

Nhà viết kịch Tào Mạt, tác giả vở chèo bộ ba “Bài ca giữ nước”, sinh thời làm thơ và viết thư pháp, tặng Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ:Năm bà 76 tuổi, Nghệ sĩ nhân dân Tào Mạt đã viết tặng bà:

Trang tặng Quách Thị Hồ nghệ sĩ
“Bắc cách, Nam phong, cung dữ thương,
Hà Mô lục tuế trại Thu Nương,
Ca trường lạc hội mai tiêu phẩm
Thất bát hồ cầm hựu nhất chương”
dịch là:

Trân trọng tặng nghệ sĩ Quách Thị Hồ
Bắc cách, Nam phong, cung dữ thương
Hà Mô sáu tuổi sánh Thu Nương
Ca tàn, hội vãn hương mai ngát,
Bảy tám hồ cầm lại một chương

Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài cũng tìm đến ngôi nhà chật hẹp ở ngõ Văn Chương thăm bà. Họ đến từ Mỹ, Pháp, Australia… nhiều Việt kiều về nước từng nghe bà hát và ngâm thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng đến thăm với tấm lòng đầy ngưỡng mộ.

Trong một hồi ký in trên tạp chí Văn, số 36, ra ngày 15/6/1965 ở Sài Gòn, Hoài Điệp Thứ Lang (một bút danh khác của Đinh Hùng) nhắc lại cái đêm nhóm Tự Lực Văn Đoàn, trước năm 1945, xuống nhà hát của danh ca nổi tiếng ở Ngã Tư Sở là Bạch Liên, Nguyễn Tuân bữa đó cũng có mặt, đã tụ họp được cả 4 danh ca ở mấy xóm cô đầu nổi tiếng đất Hà thành xưa (Khâm Thiên, Vạn Thái, Vĩnh Hồ, Ngã Tư Sở…) là: “Hai chị em Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm (hai giọng ca đệ nhất thời danh), dì Trương Bẩy (một đào hát đã nhiều tuổi mà giọng hát vẫn còn độc đáo), Bích Thạch Hồn (một danh kỹ hát rất khuôn và có nghệ thuật pha trà tuyệt hảo), Hồ Vạn Thái giỏi chữ nho, nổi tiếng với những bài “Tương Tiến Tửu” và “Tiền, hậu Xích Bích Phú…”.

Hồ Vạn Thái được nhắc ở đây chính là nghệ sĩ Quách Thị Hồ, vì hồi đó bà có nhà hát ả đào ở xóm Vạn Thái…

Nhà nghiên cứu Văn Tâm nhắc lại đêm hát ca trù ở Văn Miếu, bà Quách Thị Hồ, từng hát ca trù cho Bác Hồ nghe. Ông viết: “Hai danh ca Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc, trong một chương trình ca nhạc chung, từng có dịp hát ca trù cho Bác Hồ nghe tại Văn Miếu, Hà Nội. Đó là chiều mồng Một tết Nguyên đán năm Nhâm Dần (5/2/1962).

Ba hôm sau, một cán bộ Bộ Văn hóa tìm gặp nhà thơ Chu Hà (người trong Ban tổ chức) tỏ ý lo ngại: “Hôm mồng Một tết ấy, sao “dám” hát ả đào?”. Chu Hà cho vị cán bộ văn hóa mẫn cán nhưng trình độ nghiệp vụ còn “hạn chế” đó biết, suốt hơn 2 giờ, Bác Hồ “chăm chú xem các tiết mục” (trong đó tất nhiên có ca trù) với vẻ tâm đắc hiếm có” (dẫn theo Nguyễn Đức Mậu, trong “Ca trù nhìn từ nhiều phía”, Nhà xuất bản VHTT – 2003, trang 549).

Là người mê ca trù, nghiên cứu ca trù nhiều năm, nhà thơ Ngô Linh Ngọc, nhắc đến Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ với những lời mến mộ tài năng, đầy kính nể.

còn viết thêm trong một dịp khác: “Hát ca trù chính là hát lên những bài thơ, với yêu cầu diễn cảm ý thơ, tình thơ, cao nhất. Vì vậy, đào nương phải học “nhả chữ” cho thật giỏi. Lão nghệ sĩ Quách Thị Hồ thường dạy các học trò: Khi hát “cái lộc bình nó rơi” thì hình như nó đang rơi thật trướ

Bài nào bà hát cũng có cốt cách riêng, những khúc nhấn, luyến riêng, không thể trộn lẫn được. Vẫn phong độ hát ấy, nhưng người nghe đắm đuối khi bà hát, mà sau bài hát là những dư âm, những ảnh hình đọng lại vẫn còn những nét khó quên… Hát “Thiên Thai”, đĩnh đạc đàng hoàng… Hát “Hương Sơn phong cảnh” thì núi non như hiện ra trước mắt; còn “Tỳ Bà Hành”, đoạn chốt, đoạn cuối câu hát vẫn trong mà cũng nghẹn ngào chia sẻ với cô kỹ nữ bến Tầm Dương và chàng Tư Mã đất Giang Châu…

Một người mê ca trù từng nói: “Giọng Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ, trời cho đã đành, nhưng còn nhờ thâm niên và khổ luyện. Đó là giọng hát đẹp, quý hiếm, “bắt tròn, bắt chợt, buông chữ, nhả chữ”, tiếng nào cũng đầy nhạc cảm, đầy dư âm…” Muốn đạt đến trình độ ấy, phải học “luyến” chữ cho thật khéo. Nghe bà Hồ luyến từng chữ của “Tỳ Bà Hành”, thì cứ như mỗi chữ là một cái hình tròn, tiếng hát công phu uốn theo đủ hết các vành tròn của chữ, không để hở một ly nào trong lời thơ…

CD, đĩa nhạc

CD Ả đào – Nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ do Viện âm nhạc sản xuất
Trên Đài Tiếng nói Việt Nam, thỉnh thoảng phát lại giọng hát điêu luyện của bà trong các bài “Hương Sơn phong cảnh”, “Tỳ Bà Hành”… về đêm khuya, nghe như thấy núi, thấy mây, thấy tiếng suối tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh!

Nguồn: Hội ca trù thăng Long

Các bạn có thể nghe thê những bài hát ca trù khác:

  1. Người đẹp không lấy lần hai
  2. Lời thề non nước
  3. Hồng hồng tuyết tuyết
  4. Hương Sơn Phong Cảnh
  5. Tỳ bà hành
  6. Cánh bèo
  7. Đêm xuân nghe khúc ca trù
  8. Dâng hương ngày giỗ tổ
  9. Sắc biếc màu xanh
  10. Trường An hoài cổ

Tiểu sử nghệ sĩ ưu tú Văn Chương

NSUT Văn Chương – giọng hát vàng của làng chèo

Tiểu sử:

Nghệ sĩ  Văn Chương tuổi Dậu, anh sinh năm 1969 trong một gia đình không có người làm nghệ thuật ở Chúc Sơn, Chương Mĩ, Hà Tây ( nay là là Hà Nội ), nhưng anh may mắn được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Xứ Đoài mây trắng, nơi có chiếu chèo Đoài nổi tiếng và cũng là quê hương của nhiều nghệ sĩ danh tiếng nên anh đã biết nghe, biết thưởng thức chèo ngay từ khi còn nhỏ. Duyên chèo, nghiệp chèo đã thấm đẫm vào anh từ lúc nào không rõ.

Năm 1984, khi vừa tròn 16 tuổi chàng trai trẻ Văn Chương háo hức thi tuyển vào Đoàn chèo Hà Tây với một niềm tin cháy bỏng rằng mình sẽ theo nghiệp chèo đến trọn đời. Sau khi trúng tuyển, vừa theo đoàn tập luyện, biểu diễn, vừa tự tìm tòi học hỏi, Nghệ sĩ Văn Chương dần dần đã gom góp cho mình được một vốn liếng chèo kha khá.

Gần 30 năm miệt mài lao động nghệ thuật, với chất giọng ngọt ngào, đắm thắm, ấp áp, với lối diễn xuất tinh tế, giầu cảm xúc … Văn Chương đã tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng và bạn nghề. Trở thành một trong những nghệ sĩ “vàng mười” của thế hệ diễn viên chèo hôm nay.

                                          Nghệ sĩ Văn Chương được ví như “giọng hát vàng” của làng chèo

Thành tựu:

Như cái duyên tiền định với nghệ thuật chèo cổ, Văn Chương chỉ thực sự thành công với những vai diễn đậm chất chèo. Khi nghệ thuật chèo truyền thống được phục hồi, Văn Chương như con chim sổ lồng tung cánh trước trời xanh lộng gió. Chương hát, Chương diễn với tất cả sự khát khao của tuổi trẻ, niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật chèo. Khán thính giả yêu chèo của Hà Tây và cả nước luôn luôn dành sự yêu mến cho một Văn Chương sang trọng, hào hoa phong nhã trong các vai Hoàng tử vở: “Tấm Cám”, và trích đoạn: “Hoàng Trìu kén vợ”, đặc biệt là vai Lưu Bình trong vở: “Lưu Bình Dương Lễ”… Rồi anh tiếp tục thành công với những vở mang đề tài lịch sử quê hương Hà Tây như: Phạn Huy Chú trong vở “Dáng Trúc Sài Sơn”; ông Nghè trong vở “Truyền thuyết ông Nghè”; Tự So trong vở “Nước mắt cô đào”; Tâm trong vở “Quê hương có thật”… Huy chương vàng cho vai diễn Lưu Bình, Giải giọng hát nam hay nhất, giải diễn viên xuất sắc nhất, diễn viên đóng vai “Kép nền” đẹp nhất. 4 cái nhất trong một Vai diễn của một Hội diễn, trong lịch sử sân khấu chèo ít diễn viên nào có được. Đó chính là thành quả lao động không mệt mỏi hàng chục năm trời của Văn Chương.

Sau hơn 30 năm cống hiến cho nghệ thuật  nghệ sĩ Văn Chương đã gặt hái được những thành công không nhỏ: dành nhiều huy chương vàng, bạc trong các kỳ hội diễn của Trung ương và địa phương, nhiều năm liền được Ủy ban nhân dân, Sở văn hóa thông tin tỉnh tặng bằng khen.

Từ cuối năm 2006,  Văn Chương vừa làm công tác quản lý, vừa theo học lớp đại học cán bộ Quản lý văn hóa. Thời gian cứ cuốn anh đi, nhưng duyên chèo nghiệp chèo vẫn theo anh. Như cái duyên tiền định, bao nhiêu năm anh cộng tác gắn bó thân thiết với Đài TNVN. Hơn 20 năm qua Đài TNVN, Đài THVH, Đài PTvà TH hà Tây, Hà Nội coi anh như người nhà, thường xuyên mời anh cộng tác. Khán thính giả khắp nơi vẫn ái mộ, viết thư gọi điện chúc mừng, gửi gắm niềm tin mỗi khi nghe hay xem được một tiết mục mới  mà anh thể hiện.

Tháng 02/2007, môt vinh dự lớn đến với Nghệ sĩ Văn Chương: anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý NSƯT. Nhưng vinh dự lớn hơn cả Văn Chương là một trong những nghệ sĩ chèo có danh tiếng và được mến mộ nhất hiện nay.

Năm 2009, Văn Chương quyết định về đầu quân cho Đài với chức danh Trưởng phòng nghệ thuật của Nhà hát Đài TNVN ở  đây anh không chỉ phát huy khả sáng tạo qua những tiết mục hát chèo, hát văn mà còn biên tập các bài dân ca để các nghệ sĩ Nhà hát thu thanh phát sóng

Hiện nay, NSUT Văn Chương đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, với cương vị Trưởng phòng Nghệ thuật – Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo công chúng yêu mến bộ môn nghệ thuật độc đáo này, NSUT Văn Chương cho ra mắt Album Hát văn mới của anh gồm 5 CD. Album hát văn mới này không chỉ tập hợp, chọn lọc những giá văn đặc sắc của 4 CD trước mà anh còn thể hiện thêm một số giá chầu như: Chầu Năm, chầu Mười, cô Đôi, cô Sáu… những bản Văn đầy đủ và nội dung sâu sắc hơn. Với sự trải nghiệm cùng năm tháng, giọng hát của NSUT Văn Chương ngày càng dầy dạn hơn, ấm áp hơn, tinh tế, nồng nàn mà không kém phần lắng sâu, truyền cảm.

 Hơn 20 năm qua, sau các bậc thầy, bậc đàn anh như Quý Bôn, Khắc Tư, Duy Thường… NSƯT Văn Chương là giọng hát chèo hiếm, quý, được khán thính giả yêu chèo coi như “Giọng hát vàng” của làng chèo.

 

Gia đình

Tới nghệ thuật Văn Chương là một Nghệ sĩ  thành danh, trở về cuộc sống đời thường Văn Chương có một cuộc sống gia đình hạnh phúc.Vợ anh, Nghệ sĩ Lệ Hằng, cùng nghề nên chị rất hiểu và thông cảm với chồng, 2 con anh, một gái một trai đều ngoan, học giỏi. Nhìn thấy sự thành đạt của Văn Chương mà thấy mừng.  “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân “, người có tâm với nghề hẳn trời không phụ công. Cầu chúc cho anh có sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật chèo tất cả tài năng và tâm huyết. Khán, thính giả, bạn bè đồng nghiệp và nghệ thuật chèo xứ  Đoài vẫn đang kỳ vọng, trông đợi ở anh rất nhiều.

 Tuyển tập những bài hát văn, ngâm thơ hay nhất của NSUT Văn Chương

 

Tiểu sử nghệ sĩ nhân dân chèo Thúy Mùi

Để chèo không lạc lõng giữa thời buổi hiện đại, để chèo được sống giữa thủ đô, không thể không nhắc đến NSND Thúy Mùi. 10 năm liền “cầm cương” Nhà hát chèo Hà Nội với những kế hoạch đầy táo bạo, Thúy Mùi đã chứng tỏ chị nói được, làm được, dần tìm ra ánh sáng cho một đường hầm tưởng chừng không có lối thoát.

Thúy Mùi (sinh năm 1963) là một nghệ sĩ nhân dân, nhà quản lý chèo trong làng chèo Việt Nam. Hiện bà là Giám đốc nhà hát Chèo Hà Nội, một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục dẫn đầu các cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo tại hội diễn các năm 2011, 2013 và 2016. Bà cũng từng là đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XII. Năm 2015, NSND Thúy Mùi được thành phố Hà Nội tôn vinh trong danh sách “10 công dân Thủ đô ưu tú” vì có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Thúy Mùi không lộng lẫy, hào nhoáng mà duyên dáng, đằm thắm dịu dàng như giọng hát của chị. Những ai yêu chèo đều biết tới giọng chèo đặc biệt của chị – giọng hát trời phú mê đắm lòng người. Có lẽ, chị là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi của làng chèo vẫn giữ được giọng hát đằm thắm, nuột nà ở cái tuổi tứ tuần.

                                                                              Nghệ sĩ nhân dân Thúy Mùi

Tiểu sử

Nghệ sĩ chèo Thúy Mùi tên khai sinh là Trịnh Thị Mùi, sinh năm 1963 tại Khánh Mậu, Yên Khánh, Ninh Bình. Yên Khánh là vùng chèo nổi tiếng nhất ở Ninh Bình. Cha của NS Thúy Mùi là Trưởng ban Văn hóa xã Khánh Mậu, nơi có 5 đội chèo thường diễn với nhau vào những dịp tết đến, xuân về, dịp trung thu và ngày hội làng.Trước khi đến với nhà hát Chèo Hà Nội bà theo học chèo tại nhà hát Chèo Ninh Bình và đổi tên đệm theo tên Nghệ sĩ chèo Thúy Mùi của Đoàn chèo Sông Vân được bà thần tượng.

Sự nghiệp

Thúy Mùi không nhận mình là “hàng sao” trong đội ngũ nghệ sĩ chèo đất Bắc dù rằng chị có giọng hát hay, cách diễn ngọt và khuôn mặt tròn trịa với ánh nhìn lúng liếng. Chị luôn tự giễu mình có vóc dáng nhỏ bé và mang chiều cao… khiêm tốn.

Thế nên, dù đã để lại dấu ấn ở một số vai đào thương như Ỷ Lan trong Lý Thường Kiệt, nàng Mai trong Người Thiên Ðô… nhưng Thúy Mùi vẫn ghi danh sang hề chèo khi chị cố gắng khai thác tiềm năng “bé nhỏ” ấy với vai mẹ Ðốp trong Quan âm Thị Kính, góp thêm một cách “cù” khán giả và cù tài đến nỗi vai bà già ra thành phố của chị đã giành huy chương vàng trong Liên hoan sân khấu hài toàn quốc năm 2011.

Trên cương vị giám đốc nhà hát Chèo Hà Nội, Bà mạnh dạn đầu tư các vở diễn: “Oan khuất một thời” đến “Vương nữ Mê Linh”, hay gần đây nhất là “Long thành diễn xướng”, tiếp tục thực hiện dự án sân khấu học đường với vài chục tỉ đồng.
– Đã ra đời CD “Dịu ngọt lời ru” với các trích đoạn như “Hát ru đào liễu” (trích trong vở chèo cổ Tấm Cám); Thư tình hạ vị (trích trong vở Lưu Bình)…
– CD thơ xuân “Hai sắc hoa ti gôn – Mưa xuân” phát hành trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 26/1/2011 gồm 12 bài thơ như Mưa xuân, Người hàng xóm, Tương tư (Nguyễn Bính), Hai sắc hoa ti gôn (TTK), Núi đôi (Vũ Cao), Ông đồ (Vũ Đình Liên), Đây thôn Vỹ Dạ (Hàn Mạc Tử), Về đồng (Phạm Duy), Này em Thị Màu (Ngân Vịnh)… Phần phối khí mang màu sắc âm nhạc dân gian gồm những nhạc cụ như Đàn Tranh, Đàn bầu, Đàn Nguyệt… và phần dẫn chương trình của Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức.
– Tham gia các CD “Gái quê“, “Lỡ bước sang ngang“…

                                    NSND Thúy Mùi “cầm cương” hơn 10 năm nhà hát chèo Hà Nội

Thành tích
Đạo diễn xuất sắc nhất giải trao cho vở diễn “Vương nữ Mê Linh” tại cuộc thi Nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc Hải Phòng năm 2013. Đồng thời “Vương nữ Mê Linh” cũng giành huy chương vàng.

PGS Tất Thắng đã nhận xét về Nghệ sĩ nhân dân Thúy Mùi như sau:

“Lo được cho anh em có đời sống vững vàng ở những năm sân khấu đầy thăng trầm thế này là cái tài của Thúy Mùi. Thế nhưng ở gương mặt nổi bật của sân khấu kịch hát này, tôi còn thấy cô ấy tràn đầy những khát vọng nghệ thuật và đã có thành công. Sân khấu hôm nay cần những nghệ sĩ, nhà quản lý tâm huyết như thế.”

Những năm gần đây, Nhà hát Chèo Hà Nội do NSND Thúy Mùi lãnh đạo liên tục dẫn đầu về thành tích huy chương tại các cuộc thi, hội diễn sân khấu chèo.

Những bài thơ ngâm hay nhất NSND Thúy Mùi

  1. Mùa xuân
  2. Hai sắc hoa Tigon
  3. Người hàng xóm
  4. Đây thôn Vĩ Dạ
  5. Đò lèn
  6. Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
  7. Núi đôi
  8. Ứóc gì anh hóa ra hoa
  9. Khuyên con
  10. Trên trời có đám mây xanh
  11. Hát ru Bắc Bộ
  12. Con cò đi đón cơn mưa
  13. Hát ru chồng những đêm khó ngủ…

Nguồn: Báo tuổi trẻ online, Dân Trí, Hội sân khấu Việt Nam…

Tiểu sử nghệ sĩ chèo Hồng Ngát

Nghệ sĩ Hồng Ngát từ lâu đã trở thành cái tên quen thuộc đối với khán thính giả trên toàn quốc. Tên bà gắn liền với chèo nổi tiếng đến nỗi mà chỉ cần nghe tên cô gái nào là Hồng Ngát là người ta nghĩ ngay đến đây là người tình cảm, hoài cổ, ngọt ngào.

                                                                             Nghệ sĩ chèo Hồng Ngát
Thân thế sự nghiệp

Bà tên thật là Đỗ Thị Ngát, sinh  năm 1966 tại  Cao Thượng, Tân Yên, Bắc Giang. Hiện đang là Phó giám đốc nhà hát tiếng nói Việt Nam, nghệ sĩ ưu tú của Việt Nam. Tên Hồng Ngát là do một cô giáo đặt cho bà, ban đầu bà không có tên đệm “Hồng” mà chỉ có “Thị” như phần lớn tên nữ hồi đó ở Việt Nam. Cô giáo đặt cho bà trùng với tên nhà biên kịch – nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát .Không phải con nhà nòi, cũng không phải lớn lên trong một môi trường nghệ thuật. Nhiều làn điệu dân ca, trong đó có nghệ thuật chèo Hồng Ngát học được đều nhờ làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam, dù chưa phân biệt được làn điệu. Từ chuyện chỉ nghe hát dân ca qua Đài tiếng nói Việt Nam, rồi lẩm nhẩm hát theo đến thuộc làu, đến chuyện vừa bế em vừa… đi thi khi trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh về tuyển diễn.
Năm 1983, sau khi học xong cấp 3 ở trường huyện thì Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội về tuyển sinh qua Đoàn chèo Nghệ thuật Hà Bắc. Vốn là người thích hát hò bà đăng ký dự thi. Qua vòng một, bà được các anh chị ở đoàn nghệ thuật chèo Hà Bắc như Hồng Tính, Thanh Nhàn, Trần ThôngThanh Hải hướng dẫn một số điệu hát như điệu lới lơ, sáp thùng… để chuẩn bị dự thi tiếp. Lúc đó bà được đánh giá là có giọng lạ, đặc biệt và điệu bộ, cử chỉ rất hợp với hát chèo nên được động viên cố gắng luyện tập để thi tiếp vòng trong. Phải thi qua 3, 4 lần nữa, bà và mấy anh em nữa mới được chọn.. Cùng lứa bà vào học tại trường Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội thời đó có Xuân Hinh, Quốc Trượng, Duy Từ, Xuân Quyết… sau này hầu như đều thành đạt với nghề.

Năm thứ 2 ở Đại học, bà cùng với Xuân Hinh đi hát quan họ tại các buổi giao lưu văn nghệ tại các trường đại học, các đơn vị bộ đội. Từ các phong trào này, bà lọt vào mắt của các biên tập viên Ban văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam. Kể từ đó, hầu như chương trình mừng Đảng mừng Xuân vào chiều 30 Tết năm nào cũng đều có mặt Hồng Ngát. Hồng Ngát diễn bên cạnh những nghệ sĩ đàn anh đàn chị như Thu Hiền, Trung Đức, Hồng Năm… Năm cuối cùng đại học, nhạc sĩ Phan Phúc, khi đó là trưởng Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam, về trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh nhận chị về Đoàn Ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam (nay là Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam) vào tháng 3 – 1989 và công tác suốt từ đó đến nay.

Năm 2008, trong cuộc thi Giọng hát vàng ASEAN, với bài hát “Hầu Xá Thượng – Cô bé Thượng Ngàn” ở bảng phong cách âm nhạc dân gian, Hồng Ngát đã đoạt Huy chương Vàng một cách thuyết phục với bài hát “Hầu Xá Thượng – Mẫu cô bé Thượng Ngàn”

Hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Đài TNVN, dù làm công tác quản lý, không còn lên sóng nhiều như trước, nhưng Hồng Ngát luôn giữ thói quen cầm giấy tập bài mới hàng ngày, tập đến khi nhuần nhuyễn lời mới thôi. Là một trong những nghệ sĩ chèo hàng đầu Việt Nam hiện nay, ngoài công việc ở Đài TNVN, Hồng Ngát còn nhận được nhiều lời mời biểu diễn, giảng dạy về nghệ thuật chèo, nhưng bà chỉ nhận lời khi có thể hoàn thành công việc tới nơi tới chốn.

Bà được đào tạo tại trường sân khấu, có khả năng nhưng lại không được diễn trên sân khấu, ít có cơ hội được xuất hiện trước công chúng, không thủ vai nào trên sân khấu. Hơn 20 năm trong nghề trừ 2 vai diễn trong báo cáo tốt nghiệp là vở Quan Âm Thị Kính và “Người đàn bà bất hạnh”, bà không tham gia vai nào nữa mà chỉ chuyên tâm cho việc thu thanh các bài hát dân ca, các làn điệu chèo lời cổ, lời mới, để phát sóng phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đài tiếng nói Việt Nam. Chương trình hát dân ca trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam luôn được công chúng cả nước đón đợi là niềm hạnh phúc nhất đối với người nghệ sĩ công tác tại đây. Thi thoảng bà xuất hiện trên truyền hình với trang phục chèo truyền thống hay với tà áo mớ ba mớ bẩy. Bà thường được mời tham gia một số chương trình theo yêu cầu hay chương trình hợp tác phối hợp. Công việc chính hiện nay của Hồng Ngát phụ trách “đầu vào” nội dung, tổ chức thu thanh các bản nhạc dân tộc, bài hát dân ca Bắc Bộ, hát chèo.

 

                                                 Nghệ sĩ Hồng Ngát sinh ra là để dành cho chèo

Ghi nhận

Do những cống hiến của Hồng Ngát trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam hàng chục năm, bà được Nhà nước Việt Nam xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 2001. Trong danh sách những nghệ sĩ được đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 2011 có tên bà.

Nhận định cá nhân

Theo bà, muốn hát được chèo cũng phải hội tụ đủ yếu tố như quan họ là “vang, dền, nền, nảy” rồi lại phải có được cái mượt, cái rung đặc trưng của nghệ thuật chèo. Hồng Ngát tâm sự: “Ai cũng mơ mình một lần được như vậy. Nghệ sĩ khi cống hiến không để mong mình đạt được danh hiệu gì đó, nhưng khi những cống hiến của mình được ghi nhận thì đó là niềm vui lớn. Trong niềm vui còn có sự may mắn. Thành tích này nếu được ghi nhận, không phải riêng tôi có được, mà trong môi trường công tác, tôi còn được sự giúp đỡ của đồng nghiệp để hoàn thành chuyên môn. Thành tích của cá nhân nhưng là công sức của tập thể, sự quan tâm của lãnh đạo Đài, sự yêu mến của khán thính giả”…[3] Hồng Ngát vẫn mong có một dịp nào đó được cùng một số anh em nghệ sĩ, những người con của sông Thương đã trưởng thành về thăm lại quê tri ân nơi vùng đất mình đã sinh ra. Rồi cũng muốn có sự phối hợp với cơ quan chuyên môn phát hiện những tài năng có triển vọng, tạo điều kiện cho đi đào tạo nâng cao trình độ…[1]

Đánh giá về Hồng Ngát

Xung quanh nghệ sĩ Hồng Ngát là những câu chuyện rất “đời” về bà trong nỗ lực mang làn điệu chèo đến với người dân của cả nước. Thời ấy, mọi phương tiện thiếu thốn, thứ duy nhất bà có thể học được chèo là “nghe hát dân ca qua Đài tiếng nói Việt Nam, rồi lẩm nhẩm hát theo đến thuộc làu”. Một chuyện khác nữa là bà “vừa bế em vừa… đi thi khi trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh về tuyển diễn”… Những điều này đã nói lên rằng, một Hồng Ngát đã biết vượt lên chính mình, cũng như niềm đam mêm đã thúc dục bà tiến sâu vào chèo.

Trong một bài báo của tác giả Việt Hưng – Thu Hương với tựa đề “Một giọng chèo đẹp”, nghệ sĩ Hồng Ngát chia sẻ: “Muốn hát được chèo cũng phải hội tụ đủ yếu tố như quan họ là “vang, dền, nền, nảy” rồi lại phải có được cái mượt, cái rung đặc trưng của nghệ thuật chèo. Thứ hai để có những thành công như hôm nay, em nhận được sự giúp đỡ chỉ bảo của rất nhiều thầy, cô giáo trong trường, những anh chị em đi trước, đồng nghiệp đặc biệt là ông xã vốn là giảng viên của trường lại người đúng gốc đất tổ của chèo Thái Bình”. Nói thể để thấy rằng, Hồng Ngát không những tài năng mà còn là người thật biết khiêm tốn, một tấm gương cho những ai đam mê nghệ thuật sân khấu học hỏi.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, nghe Hồng Ngát hát trong chương trình “30 phút dân ca và nhạc cổ truyền” của Đài TNVN, rồi sau đó xem chị xuất hiện trong các chương trình ca nhạc mừng Đảng, mừng Xuân trên truyền hình vào chiều 30 Tết hàng năm, tôi hiểu rằng, người phụ nữ này sinh ra là để dành cho chèo…

Gia đình

Chồng bà vốn là giảng viên của trường, lại người quê Thái Bình nổi tiếng về hát chèo.

                           NS Hồng Ngát đoạt Giải vàng dân gian tại “Liên hoan Giọng hát Vàng
ASEAN 2008

Những bài hát chèo hay nhất của NSND Hồng Ngát

  1. Ngày xuân ước hẹn
  2. Nghi Vạn quê anh
  3. Nhớ chuyến đò chiều
  4. Nhớ ngày anh đi
  5. Nhớ ngày giỗ tổ
  6. Phảng phất Côn Sơn
  7. Phong thư em viết
  8. Quê em Can Lộc anh hùng
  9. Rộn khúc chèo quê
  10. Tâm sự mùa xuân
  11. Thăm lại quê hương
  12. Thành sen nhớ Bác
  13. Thơm ngát hương cau
  14. Tiếng hát công nông
  15. Tình ca quê hương
  16. Tình quê lắng đọng lời ru
  17. Tình ta ngan ngát hương đồng
  18. Tình thắm duyên quê
  19. Trường Sa bên em
  20. Tự tình đêm trăng sáng
  21. Ấm nồng tình quê…

Tiểu sử nghệ sĩ ưu tú cải lương Mỹ Châu

Mỹ Châu là một nghệ sĩ cải lương Việt Nam. Cô từng được mệnh danh là ngôi sao của thế hệ vàng cải lương Việt Nam cùng thời với Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh… Cô nổi tiếng có giọng nữ trầm đặc biệt, và sở trường đặc biệt là ca dây kép. Nhờ vậy, mà tên cô đã được dùng đặt tên cho một dây đàn cổ gọi là “dây Mỹ Châu”.

Sự nghiệp

Trước năm 1975

Mỹ Châu tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Châu, sinh ngày 21 tháng 8 năm 1950 tại Thủ Thừa, Long An, là con út trong gia đình có bốn người con. Thuở nhỏ, cô từng bộc lộ năng khiếu âm nhạc và mong muốn trở thành bác sĩ. Cha mất sớm, cô và các anh chị đều do người mẹ nuôi lớn. Tuy niềm đam mê của Mỹ Châu là ca tân nhạc, nhưng cô cũng học thêm cổ nhạc từ một người bạn của anh để chiều lòng mẹ cô vốn là một người rất mê cải lương.

                                                                                       Mỹ Châu và mẹ cô

Năm 7 tuổi, Mỹ Châu được ông bầu Ba Cang, chủ đoàn cải lương Tiếng Chuông, phát hiện tiềm chất của cô trong một lần cô hát cải lương tại trường. Năm 1961, Mỹ Châu bắt đầu bước vào nghề cải lương khi vừa 11 tuổi với lời mời của ông bầu Cang và sự kiềm cặp của mẹ.[2].

Khởi sự từ ban Tiếng Chuông, vai diễn đầu tiên của Mỹ Châu là vai đào con Sao Ly trong vở Giai nhân bên suối mộng. Không lâu sau, cô nhận được lời mời của ban Kim Chưởng, tuy nhiên, được sự đồng ý của mẹ, cuối cùng cô về với ban Lan và Được vừa được thành lập cuối năm 1961. Trong suốt gần một năm, cô chỉ được phân công ngâm thơ hậu trường những vở Nước chảy qua cầuKhi hoa anh đào nở.[3]

Mãi đến cuối năm 1962, khi vở Khi rừng mới sang thu được dựng, cô mới được phân thủ vai Ấu Quân. Được sự giới thiệu của danh cầm Hai Long, cô về với ban Thành Công, ca bài vọng cổ Bá Nha – Tử Kỳ, phát trên Đài phát thanh Sài Gòn. Do sự thành công của tiếng hát phát thanh, cô tiếp tục được các đoàn Kim Chung và Thủ Đô mời tham gia. Cuối cùng, cô về tham gia với đoàn Thủ Đô 2 làm đào chánh. Do thể hình còn nhỏ, nên đoàn hát phải thiết kế cho loại phục trang nhiều lớp dành riêng cho cô để có được vóc dáng phù hợp với vai diễn. Báo chí miền Nam thời bấy giờ đã đặt cho cô biệt danh “Lolita Mỹ Châu” để so sánh với nhân vật Lolita nổi tiếng thời bấy giờ trên tiểu thuyết và phim ảnh.

Năm 1965, cô nổi tiếng với vai Thùy Dương trong vở Hai lần thu hẹn trên sân khấu Thủ Đô. Cũng trong năm này, cô về đoàn Kim Chung. Được sự dìu dắt của nghệ sĩ Minh Cảnh, Mỹ Châu đã thành công khi thủ vai Mai Thảo trong vở Trinh nữ lầu xanh, được nhiều người mến mộ.

Năm 1967, Mỹ Châu được trao tặng Huy chương Vàng Thanh Tâm vì những thành tựu của mình trong nghệ thuật cải lương, cùng đợt với Phương Bình, Bảo Quốc, Ngọc Bích. Cũng trong năm này, cô được mời thu dĩa thu lại vở “Khi rừng mới sang thu” với vai chính nữ chúa Tọa Mã Sơn.

Trước năm 1975, những vở tuồng được thu vào băng đĩa như Sở Vân cứu giáKiếp nào có yêu nhauKiếm sĩ dơi, Gió giao mùaBình rượu nhiệm mầuTiêu Anh PhụngKhi rừng mới sang thuLan huệ sầu ai... đều có sự đóng góp của Mỹ Châu và khiến cô trở thành một trong những nghệ sĩ được thu thanh nhiều nhất.

Các nam nữ nghệ sĩ nổi tiếng mà Mỹ Châu từng có dịp diễn chung là Minh Cảnh, Thành Được, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Tuấn, Lệ Thủy, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ, Tuấn Thanh, Đức Minh….

                                                                       Nhan sắc Mỹ Châu hồi trẻ

Sau năm 1975

Sau năm 1975, Mỹ Châu vẫn tiếp tục thành công với nhiều vở diễn, như: Khách sạn hào hoa, Tâm sự Ngọc HânHoa Mộc LanMuôn dặm vì chồng (hoặc Nàng Hai Bến Nghé), Thái hậu Dương Vân NgaBên cầu dệt lụaTiếng trống Mê LinhVòng cưới anh traoHai phương trời thương nhớHoa độc trong vườnDòng sông đầm lầy

Trong những năm 1990–1992, khi video cải lương bắt đầu xuất hiện và đạt chất lượng cao, Mỹ Châu lại xuất hiện trên băng hình trong các vở mà cô đã diễn trước 1975, như Chiều lạnh tuyết băng sơnGiai nhân và loạn tướngBài thơ trên cánh diềuTrăng nước Lạc Dương thànhNắng thu về ngõ trúc… và đóng nhiều vở xã hội. Năm 1990, cô lập gia đình với Nghệ sĩ Đức Minh khi đã 40 tuổi.[4][5] Năm 1995, Mỹ Châu tuyên bố giải nghệ.

Từ năm 1997, Mỹ Châu hợp tác với các đài truyền hình, đặc biệt là Đài Truyền hình Cần Thơ, hãng phim Tây Đô, đài HTV… để thực hiện lại các vở tuồng nổi tiếng thời còn ở sân khấu Kim Chung và hãng đĩa Việt Nam như A Khắc Thiên KiềuKiếp nào có yêu NhauBóng hồng sa mạcĐợi anh mùa lá rụngKhi rừng mới sang thuTiêu Anh Phụng… Mỹ Châu tự mình tham gia đạo diễn và dàn dựng nên các tuồng thu lại này vẫn giữ được hầu hết lời văn và tâm ý của các tác giả, các tuồng đều đạt chất lượng nghệ thuật cao dù có nhiều diễn viên, nghệ sĩ sau 1975 như Thanh Ngân, Phượng hằng, Thoại Mỹ, Cẩm Thu, Ngân Huệ, Kim Tử Long, Trọng Phúc, Tuyết Ngân, Vũ Luân, Kim Tiểu Long, Kiều Oanh, Bảo Chung, Phú Quý… và các tài danh trước 1975 như Minh Phụng, Minh Vương, Hồng Nga, Bảo Quốc, Văn Chung, Thanh Tuấn, Hoài Thanh, Út Bạch Lan, Bích Thùy, Hữu Tài, Đức Minh…

Sau năm 2002, Mỹ Châu sang Hoa Kỳ để đoàn tụ với gia đình. Ở bên đó, cô sống tại tiểu bang Georgia và từ chối mọi lời mời đi hát. Trước khi ra đi, Mỹ Châu đã diễn hai vở Võ Tắc Thiên và Tơ vương sầu ly biệt (Hãng phim Tây Đô).

Vào những năm 2007-2008, Mỹ Châu hợp tác với Đài Truyền hình Cần Thơ để dàn dừng lại một số vở cải lương mà cô đã từng thành công trong suốt 45 năm diễn trên sân khấu như Chiều đông gió lạnh vềKhúc hát đoạn tình và một số vở xã hội như Mưa bay trong đờiNgười yêu của cha tôiTình đất tình ngườiTình Đời… Năm 2009, Mỹ châu cùng dịp Diệp Vàm Cỏ trình diễn nhiều bài tân cổ như Ký ức hoa đàoNội tôiHương cauChị tôi… Năm 2009–2010, Mỹ Châu đã dựng lại Hoa độc trong vườnMuôn dặm vì chồngSân khấu về khuya

Mỹ Châu cho ra đời CD “Chùm Tri âm” gồm 10 khúc tri âm như Dạ khúcẢo khúcCửu khúcNiệm Khúc. Qua DVD Nỗi nhớ (tác giả Tường Châu) với các bài Chuyện hợp tanỞ hai đầu nỗi nhớThương một người ở xaNhớ mẹ lý mồ côiBóng mátSợi nhớ sợi thương và Hoa mướp sau nhà với các bài Bà lão ăn màyKhi rừng xanh thay lá mớiEm vẫn đợi anh vềNhớ mẹ.

Mỹ Châu được cho là luôn được cộng đồng mạng ưu ái về tài năng cũng như tấm lòng với nghệ thuật Việt Nam, nhiều bài viết hay ghi nhận những thành quả, những cách làm mới, những đề tài mới, nghệ sĩ Mỹ Châu được đánh giá là nghệ sĩ của những năm 2009 – 2010. Nhiều đài truyền hình, báo đưa tin và phỏng vấn Mỹ Châu liên tục. Xuân Tân Mão 2011, Mỹ Châu thực hiện tác phẩm Sân khấu về khuya.

Năm 2012, Mỹ Châu hoàn toàn giải nghệ sau khi thực hiện chương trình “Tạ tình tri âm”, gồm 5 phần. Ngày 15 tháng 1 năm 2014, chồng Mỹ Châu là nghệ sĩ Đức Minh qua đời.

Cô được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1993 và Huy chương sự nghiệp sân khấu Việt Nam vào năm 1999 để tôn vinh những cống hiến và tận tụy yêu nghề của một minh tinh trầm lặng.

Với sự nghiệp hát cải lương kéo dài hơn 50 năm, bà có dịp diễn chung với nghệ sĩ: Đức Minh (chồng), Minh Phụng, Minh Vương, Trọng Phúc, Thoại Mỹ, Thanh Sang, Kim Tử Long, Thanh Kim Huệ, Thanh Tuấn, Út Trà Ôn, Phượng Liên, Cẩm Thu, Hữu Phước,…

                                                                                Nghệ sĩ Mỹ Châu và chồng

Danh sách các tuồng (video, truyền hình)

Hiện tại

Mỹ Châu tham gia sáng tác một số bài tân cổ giao duyên như Chuyện hợp tanBóng mátGiếng quêHuyền thoại hồ Núi Cốc,… với bút danh Tường Châu.

Các đoàn cải lương từng tham gia

  • Tiếng Chuông
  • Út Bạch Lan – Thành Được
  • Thủ Đô
  • Kim Chung 1 và 2
  • Thái Dương (trước năm 1975)
  • Sài Gòn 1 và 2
  • Hương Dạ Thảo
  • Thanh Nga
  • Hương Biển
  • Trúc Giang
  • Văn Công Thành phố
  • Sông Bé 2
  • Sài Gòn 3
  • Kiên Giang
  • Hương Mùa Thu (sau năm 1975)

Danh hiệu[sửa | sửa mã nguồn]

  • Huy chương Vàng triển vọng Thanh Tâm khi mới 17 tuổi (1967).
  • Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú 1993
  • Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu năm 1999
  • Nữ hoàng Kiếm hiệp
  • Nữ hoàng tân cổ giao duyên
  • Nhũ mẫu của cải lương
  • Giọng hát liêu trai
  • Lolita Mỹ Châu

Tên của cô được đặt cho một dây đàn cổ nhạc “dây Mỹ Châu”

Các vai diễn nổi bật

Cải lương

  • A Khắc Thiên Kiều (trong vở Người tình trên chiến trận)
  • Ai Sa (trong vở Bóng hồng sa mạc)
  • Ái Lan (trong vở Chiều đông gió lạnh về)
  • Cẩm Nhung (trong vở Lấy chồng xứ lạ)
  • Giáng Hương (trong vở Sân khấu về khuya)
  • Hiếu (trong vở Khách sạn hào hoa)
  • Hiền (trong vở Ánh lửa rừng khuya)
  • Hoàng Dung (trong vở Ánh Hùng Xạ Điêu)
  • Lan (trong vở Lan Huệ sầu ai)
  • Lan (trong vở Tìm lại cuộc đời)
  • Lý Thần Phi (trong vở Bao Cong Tra Án Quách Hoè)
  • Mỹ Lệ Xuân (trong vở Đời cô Hạnh)
  • Mộng Cầm (trong vở Hàn Mặc Tử)
  • Nữ chúa (trong vở Khi rừng mới sang thu)
  • Sở Vân (trong vở Sở Vân cưới vợ)
  • Thùy Dương (trong vở Tâm sự loài chim biển)
  • Tiêu Anh Phụng (trong vở Tiêu Anh Phụng)

Tân cổ giao duyên

  • Ai lên xứ Châu Thành
  • Ăn năn
  • Anh buồn em thương
  • Anh cày trên đất quê em
  • Anh cho em mùa xuân
  • Anh đi xa cách quê nghèo
  • Ánh mắt người thương
  • Áo anh xanh nước biển
  • Bạch Liên nương
  • Bà lão ăn mày (của Phan Thanh Vân)
  • Bài ca ngợi quê hương
  • Bà mẹ Gò Công
  • Bản tình ca
  • Bao giờ quên em
  • Bên bờ sông
  • Bên giòng Trị An
  • Bến lưới Kiên Giang
  • Bến không chồng
  • Biên giới ngày xuân
  • Biên giới tình em
  • Biển tím tình em
  • Biển dâu
  • Biết ra sao ngày sau
  • Bình minh trên nông trường
  • Bông cỏ may
  • Bông hồng cài áo
  • Bông huệ
  • Bóng mát
  • Bông so đũa
  • Bún nước lèo
  • Bức tranh xuân
  • Cách đồng Chánh Lộc
  • Căn nhà ngoại ô
  • Cánh chim không mỏi
  • Cánh chim trên biển
  • Cánh diều kỷ niệm
  • Cánh đồng và khúc dân ca
  • Cánh hoa yêu
  • Cánh thiệp hồng
  • Câu chuyện tình yêu
  • Câu hát bông sen
  • Cây dừa trước ngỏ
  • Cây thương nhớ
  • Chỉ tại cánh thiệp hồng
  • Chị tôi
  • Chiến công người địa chất
  • Chiều quê
  • Cho người vào cuộc chiến
  • Cho vừa lòng em
  • Chung cánh đồng quê
  • Chuyện chúng mình
  • Chuyện hợp tan
  • Chuyện ngày xưa
  • Chuyện tình hoa muốn biền
  • Cô Hường
  • Cô lái đò
  • Cô Mận làng tôi
  • Cơm mưa chiều tôi yêu
  • Con cấy lúa xuân
  • Còn đâu nắng đẹp
  • Còn đâu nắng đẹp và thơ
  • Con đường xua em đi
  • Con kinh ta đào
  • Đà Lạt sương mờ
  • Dâu ngày cưới
  • Đêm công viên
  • Đêm cuối
  • Đêm Đông
  • Đêm tàn bến ngự
  • Đêm tái ngộ
  • Đêm Tô Châu
  • Đêm tiễn đưa
  • Đêm xuân đợi chồng
  • Đêm xuân nhớ anh
  • Đên bến cảng
  • Đẹp lắm Kiên Giang
  • Đẹp mãi màu xanh
  • Đi trên quê anh
  • Điệp khúc yêu thương
  • Điệu buồn phương Nam (Tân nhạc: Vũ Đức Sao Biển; cổ nhạc: Anh Kiệt)
  • Định mệnh
  • Đọan cuối tình yêu (Nhạc: Tú Nhi; lời vọng cổ: Loan Thảo – Mạnh Quỳnh)
  • Đôi bóng
  • Đợi chờ
  • Đôi lời Tâm sự
  • Đôi mắt
  • Đôi ngã chia ly
  • Đồi sim
  • Đồi tím hoa sim
  • Đổi thay
  • Đổi thay 2
  • Đón xuân này nhớ xuân xưa
  • Đồng bìm bịp
  • Dòng kênh quê mẹ
  • Dòng lệ đau thương
  • Dòng sông Kỷ Niệm
  • Đừng buồn em nhé
  • Đừng nói xa nhau (Tân nhạc: Châu Kỳ – Hồ Đình Phương; cổ nhạc: Loan Thảo)
  • Dưới bóng hàng dừa
  • Đường hạnh phúc
  • Duyên kiếp
  • Em có buồn không em
  • Em đến thăm anh một chiều mưa
  • Em ở nông trường anh ra biên giới
  • Em sẽ về đâu
  • Em vẫn đợi anh về (của Phan Thanh Vân)
  • Em viết cho anh
  • Ga chiều
  • Gánh nước đêm trăng
  • Gánh sầu riêng
  • Gặp em trong quán nhỏ
  • Gặp lại giữa mùa xuân
  • Gặp nhau
  • Giấc mơ tiên
  • Giận anh
  • Giận hờn
  • Giao lưu ngày hội
  • Giếng quê
  • Gọi giấc mơ xưa
  • Gởi Củ Chi tình yêu
  • Gửi theo hạt lúa tấm lòng hậu phương
  • Gió từ tay mẹ
  • Gió xuân
  • Giọt lệ thương đau
  • Hạnh phúc mình đã gọi
  • Hạnh phúc quanh ta
  • Hai anh em chung một chiều cao
  • 24 giờ phép (Nhạc: Trúc Phương; lời vọng cổ: Yên Trang)
  • Hai lối mộng
  • Hàn Mặc Tử (Nhạc: Trần Thiện Thanh; lời vọng cổ: Viễn Châu)
  • Hành khúc ngày đêm
  • Hát ca ngợi quê hương
  • Hạt gạo tình quê
  • Hát với em mùa xuân
  • Hậu Giang mùa vui
  • Hãy yên lòng mẹ ơi
  • Hẹn hò
  • Hoa mướp sau nhà (của Phan Thanh Vân)
  • Hoa nhớ thương ai
  • Hoa thiên lý
  • Hoa tím ngày xưa
  • Hoa trắng ân tình
  • Hòn vọng phu I
  • Hòn vọng phu II
  • Huyền thoại hồ Núi Cốc
  • Hương cau
  • Hương quê
  • Hương thầm
  • Khi đã yêu
  • Khi em 15
  • Khi rừng xanh thay lá mới (của Phan Thanh Vân)
  • Khóc thầm
  • Không bao giờ ngăn cách
  • Không bao giờ quên anh
  • Khúc hát hoàng hôn
  • Khúc hát trái tim
  • Khúc tâm tình
  • Kiếp cầm ca
  • Kiếp tha hương
  • Kỷ niệm hai chúng mình
  • Kỷ niệm nào buồn
  • Ký ức hoa đào
  • Kỷ vật
  • Lá trầu xanh (Tác giả: Viễn Châu)
  • Lá thư
  • Lá thư miền Trung
  • Lá thư ngày tết
  • Làm dâu xứ lạ
  • Làng cá
  • Làng xưa xa bóng mẹ
  • Lạy mẹ con đi
  • Lỡ yêu rồi
  • Lời chúc đầu năm (1965, với Hùng Cường)
  • Lời hạnh phúc
  • Lời này cho nhau
  • Lời người lính xa xôi
  • Lời nguyện cầu nửa đêm
  • Lời người ra đi
  • Lối về xóm nhỏ (Nhạc: Trịnh Hưng; lời vọng cổ: Quế Chi) (với Minh Vương)
  • Lời yêu chưa ngỏ
  • Lỡ một chuyến về
  • Lòng mẹ
  • Lưu bút ngày xanh
  • Lý bánh bò
  • Lý bìm bịp
  • Mãi tìm nhau
  • Mảnh đất này
  • Mảnh đất vành đai
  • Máu chảy về tim
  • Màu da đỏ ước mơ
  • Màu xanh duyên hải
  • Mấy mùa xuân xa nhau
  • Mẹ Gò Công
  • Mẹ là mùa xuân hạnh phúc
  • Mẹ và quê hương
  • Một cõi đi về
  • Một chuyến sang ngang
  • Một khúc tình ca
  • Một người đi
  • Mưa bay ngoại ô
  • Mùa bông tràm
  • Mùa chiều sân ga
  • Mùa mật ngọt
  • Mùa mưa đi qua
  • Mưa ngâu dứt hạ (với Minh Phụng)
  • Mưa nửa đêm
  • Mưa rừng
  • Mùa thu đâu em
  • Mùa thu trong mắt em
  • Mùa xuân là những nhịp cầu
  • Mùa xuân ước vọng
  • Mùa xuân điểm hẹn
  • Mùa xuân quê biển
  • Mùa xuân quê tôi
  • 14 năm mong đợi
  • 12 bến nước
  • Nếu anh đừng hẹn
  • Nếu anh là lính chiến
  • Nếu duyên không thành
  • Nếu hai đứa mình
  • Nếu ta đừng quen nhau
  • Ngày hạnh phúc
  • Ngày xuân
  • Ngày xuân và cô giáo trẻ
  • Ngày về thăm nhau
  • Ngăn cách
  • Nghẹn ngào
  • Ngoại ô buồn
  • Người đẹp trữ la thôn
  • Người đi làm đẹp giang sơn
  • Người diễn viên
  • Người em Vĩ Dạ
  • Người mẹ trồng bông
  • Người phu quét lá sân trường
  • Người tình cung nữ
  • Người về thành phố
  • Người xưa cảnh cũ
  • Ngưu Lang Chức Nữ
  • Nhắn bạn tình xa
  • Nhẩn cỏ cho em
  • Nhớ Hàn Mặc Tử
  • Nhớ lần lỗi hẹn
  • Nhớ mẹ lý mồ côi
  • Nhớ mẹ (của Phan Thanh Vân)
  • Nhớ màu khăn tím
  • Nhớ trường Long Hòa
  • Những cô gái quan họ
  • Nội tôi
  • Nỗi buồn đêm đông
  • Nỗi buồn hoa phượng
  • Nỗi lòng người chinh phu
  • Nói với người tình
  • Nữ vương và Tứ Lang
  • Nửa đêm sầu hận
  • Nửa đêm ngoài phố
  • Nụ hoa Chưa Nở
  • Ở hai đầu nỗi nhớ
  • Phận gái thuyền quyên
  • Phận tơ tằm
  • Phía sau anh lính biên thùy
  • Phiên khúc chiều mưa
  • Phi vân điệp khúc
  • Phố buồn
  • Quê hương đẹp những dòng sông
  • Quán không tên
  • Quán không tên
  • Quê anh quê em
  • Quê hương đẹp lắm dòng sông
  • Quê hương
  • Quê hương một vì sao
  • Quê mới mùa vui
  • Quê mẹ
  • Quê nội
  • Quê tôi
  • Ra giêng anh cưới em
  • Ru nửa vầng trăng
  • Ru lại câu hò
  • Rước đuốc
  • Sao chẳng nói
  • Sầu lẻ bóng
  • Sợi nhớ sợi thương
  • Sông ga
  • Sông quê
  • Suối mơ
  • Sương lạnh chiều đông
  • Sương trắng miền quê ngoại
  • Tấm áo hậu phương
  • Tâm hồn nghệ sĩ
  • Tâm sự đời tôi
  • Tâm sự trong đêm người lính tuần tra
  • Tâm tình cô mậu dịch
  • Tên người bất tử
  • Tháng bảy mưa ngâu
  • Tháng 10 bông đào
  • Thiệp hồng báo tin
  • Thói đời
  • Thư cho vợ hiền
  • Thư gọi miền xa
  • Thư xuân
  • Thương thầm
  • Thương một người ở xa
  • Thư tình cuối mùa thu
  • Tiễn em theo chồng
  • Tiễn biệt
  • Tiếng gà quê tôi
  • Tiếng sông hồng
  • Tiếng thạch sùng
  • Tiếng xuân
  • Tiết Giao đoạt ngọc
  • Tình biển
  • Tình bơ vơ
  • Tình buồn
  • Tình ca bên hồ
  • Tình ca chiến hào
  • Tình ca mùa ly loạn
  • Tình chỉ đẹp
  • Tình đất đỏ miền đông
  • Tình đầu nho nhỏ
  • Tình đời
  • Tình đôi ta
  • Tình em trao trả về anh
  • Tình người cung nữ
  • Tình người hậu phương
  • Tình nhỏ mau quên
  • Tình thương và nghĩa vụ
  • Tình yêu đất biển
  • Tình yêu đầu đời
  • Tổ quốc vào xuân
  • Tôi yêu hòa bình
  • Tôi yêu màu nắng quê nhà
  • Thành phố em yêu
  • Trả lại thời gian
  • Trái tim thành phố
  • Trăm nhớ ngàn thương
  • Trận địa hôm nay
  • Trắng đen
  • Trăng rụng xuống cầu
  • Trên đồng lúa mới
  • Trên nông trường rộn tiếng ca
  • Tri âm cảm khúc
  • Tri âm dạ khúc
  • Tri âm niệm khúc
  • Tri âm nguyện khúc (của Diệp Vàm Cỏ)
  • Tri âm mộng khúc
  • Tri âm biệt khúc (của Diệp Vàm Cỏ)
  • Tri âm đoản khúc (của Diệp Vàm Cỏ)
  • Tri âm ảo khúc
  • Tri âm cửu khúc
  • Tri âm viễn khúc
  • Trở lại Mỹ Tho
  • Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây (Nhạc: Hoàng Hiệp; lời vọng cổ: Viễn Châu)
  • Trở về
  • Trong cuộc tình sầu
  • Trọng Thủy – Mỵ Châu (của Viễn Châu)
  • Trương Chi – Mỵ Nương
  • Từ ánh đèn ngày trước
  • Từ cây lúa tình yêu
  • Từ giây phút này
  • Từ thành phố này con ra đi
  • Uớc mơ cô thợ cấy
  • Vàm Cỏ khúc tình ca
  • Vầng trăng suy tư
  • Vẫy tay chào
  • Về Dầu Tiếng
  • Về dòng sông Trẹm
  • Về lại U Minh
  • Về mái nhà xưa
  • Về miền Trung
  • Về Phú Lập quê em
  • Về Trị An
  • Về xứ Kim Hồng
  • Vì trong nghịch cảnh
  • Viết thư tình gởi người miền xa
  • Vợ tôi mê tân nhạc (với Văn Hường)
  • Vùng đất mới
  • Vùng đất tôi yêu
  • Vùng quê tương lai
  • Vườn tao ngộ
  • Vườn xuân Trung Ngãi
  • Xin gọi nhau là cố nhân
  • Xuân đất khách
  • Xuân Trường Sa
  • Xuân về
  • Yêu trời biển quê ta

Danh sách các tuồng cải lương tham gia

1963-1975

  • Anh hùng xạ điêu
  • Bà chúa ăn mày
  • Bạch Viên Tôn Cát
  • Băng tuyền nữ chúa
  • Bảo cát
  • Bảo công phò nhị tẩu
  • Bình rượu nhiệm màu
  • Bóng hồng sa mạc
  • Bụi đời
  • Cánh chim bạt gió
  • Chiếc áo ân tình
  • Chiều đông gió lạnh về
  • Chiều lạnh tuyết băng sơn
  • Cô bán sầu riêng
  • Cuốn theo chiều gió
  • Đào Tam Xuân
  • Đêm huyền diệu
  • Đợi anh mùa lá rụng
  • Đời cô Hạnh
  • Dự Nhượng đả long bào
  • Giai nhân bên suối mộng
  • Giai nhân và loạn tướng
  • Gió giao mùa
  • Hai lần thu lồi hẹn
  • Hàn Tín – La hầu
  • Hành khất đại hiệp
  • Hẹn một mùa xuân
  • Hỏa sơn thần nữ
  • Hoa thơm Phong Nhị
  • Khi rừng mới sang thu
  • Khói cỏ quê hương
  • Kiếp nào có yêu nhau
  • Kiệu hoa lạc lối về
  • Lá trầu xanh (của Viễn Châu)
  • Lan Huệ sầu ai
  • Lạnh hoàng hôn
  • Lấy chồng xứ lạ
  • Mộ chồng ngọn cỏ còn xanh
  • Mối tình quê
  • Mùa thu trên Bạch Mã Sơn (của Yên Lang)
  • Mùa xuân ngủ trong đêm
  • Mỹ nhân và loạn tướng
  • Nắng thu về ngõ trúc
  • Người đẹp Trữ La thôn
  • Người gọi đò bên sông
  • Người tình trên chiến trận (của Mộc Linh, Nguyên Thảo)
  • Người yêu lý tưởng
  • Phàn Lê huê
  • Sở Vân cưới vợ
  • Sở Vân cứu giá
  • Tâm sự loài chim biển (của Yên Lang – Nguyên Thảo)
  • Thần nữ dâng ngũ linh kỳ
  • Thằng điên vùng bến hạ
  • Thanh xà – Bạch xà
  • Tiêu Anh Phụng
  • Tiếu ngạo giang hồ
  • Tình Thiên Thu (Kim Chung)
  • Tô Đắc Kỷ
  • Trinh nữ lầu xanh
  • Trương Chi – Mỵ Nương
  • Từ Hải biệt Thúy kiều
  • Vòng cưới anh trao

Sau 1975

  • A khắc Thiên kiều
  • Ánh lửa rừng khuya
  • Ảo vọng
  • Bạc trắng tim hồng
  • Bão biển
  • Bao Công tra án Quách Hòe
  • Bên cầu dệt lụa (của Thế Châu)
  • Bơ vơ
  • Cầu sương thiếp phụ chàng
  • Chiếc áo Long Phụng
  • Chiêu Quân Cống Hồ
  • Con gái chị Hằng
  • Còn mãi mùa xuân
  • Đi tìm hạnh phúc
  • Dòng sông và đầm lầy
  • Đừng cho ba má biết
  • Duyên nợ của ai
  • Giấc mơ quý báu
  • Giữa chốn bụi hồng
  • Hai phương trời thương nhớ
  • Hàn Mặc Tử
  • Hoa độc trong vườn
  • Hoa khuê các bướm quê nghèo
  • Hoa Mộc Lan
  • Hoa Trân Công Chúa
  • Hội chọn chồng
  • Khách sạn hào hoa
  • Khúc hát đọan tình
  • Kiếp cầm ca
  • Kiếp chồng chung
  • Kiếp nào có yêu nhau (của Nguyên Thảo, Hạnh Trung)
  • Lệnh Hồ Xung
  • Lời thơ trên tuyết
  • Má hồng soi kiếm bạc
  • Má hồng soi phận bạc
  • Mã Siêu báo phù cừu
  • Mái tóc người vợ trẻ
  • Mạnh Lệ Quân
  • Máu nhuộm sân chùa (của Yên Lang)
  • Mộc Quế Anh tân thời
  • Mối tình thôn dã (1992)
  • Mộng bá Vương
  • Mưa bay trong đời
  • Mùa thu trên non cao
  • Mười tám năm ly hận
  • Muôn dặm vì chồng
  • Nắng ấm ngoại ô
  • Nặng gánh giang san
  • Nàng hai Bến Nghé
  • Nếu em là hoàng đế
  • Ngao Sò Ốc Hến
  • Ngày tàn của bạo chúa
  • Ngày trở về chưa muộn
  • Ngọc Lan Hương
  • Ngọc thủy chung
  • Người cha vô thừa nhận
  • Người yêu của cha tôi
  • Nguyên soái bán vợ
  • Nhất kiếm bá vương
  • Nữ hoàng về đêm
  • Nửa mảnh tim
  • Nước mắt thâm tình
  • Phàn Lê Huê phá ngũ long trận
  • Phi Long công chúa
  • Phụng Kiều lý đáng
  • Phụng Nghi Đình
  • Sân khấu về khuya
  • Sau ngày cưới
  • Sở Vân cưới vợ
  • Sơn Tinh – Thủy Tinh
  • Tấm Cám
  • Tấm lòng của biển
  • Tâm sự Ngọc Hân
  • Thái hậu Dương Vân Nga (của Hoa Phượng, Chi Lăng, Hoàng Việt, Thể Hà Vân (phỏng theo kịch bản chèo của Thế Phương))
  • Thâm tình hạnh phúc
  • Theo chân đao phủ
  • Tiếng hát người yêu
  • Tiếng sáo đêm trăng
  • Tiếng sáo trăng khuya
  • Tiếng trống Mê Linh (của Vĩnh Điền)
  • Tiếng trống sang canh
  • Tìm lại cuộc đời
  • Tình đất tình người
  • Tình đời
  • Tình hận trên băng hồ
  • Tình và tiền
  • Tơ vương sầu ly biệt
  • Trà Hoa Nữ
  • Trảm Trịnh Ân
  • Trăng nước Lạc Dương thành
  • Trăng nước Tần Hoài
  • Trọng Thủy – Mỵ Châu
  • Trúng số độc
  • Truyền thuyết tình yêu
  • Tướng cướp Bạch Hải Đường
  • Ve sầu điệp nở
  • Viên ngọc giải oan
  • Võ Tắc Thiên
  • Võ Tòng sát tẩu
  • Xử án Bàng quý phi

Tiểu sử nghệ sĩ nhân dân cải lương Út Trà Ôn

Cuộc đời và sự nghiệp của ông” vua vọng cổ” Út Trà Ôn

Út Trà Ôn (1919-2001) là nghệ sĩ cải lương tài danh. Đó là người đàn ông có cái tên khai sinh thật thà như đếm: Nguyễn Thành Út ( vì ông là con thứ 10 và cũng là con út). Với năng khiếu bẩm sinh cùng sự đam mê khổ luyện suốt mấy chục năm ròng, Nguyễn Thành Út đã trở thành một nghệ sĩ cải lương được mến mộ suốt từ Nam tới Bắc, được suy tôn là “Vua vọng cổ” với nghệ danh Út Trà Ôn. Ông sinh tại ấp Đông Phú, làng Đông Hậu, quận Trà Ôn, xưa thuộc tỉnh Cần Thơ, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long.

 NSND Út Trà Ôn  được suy tôn " vua vọng cổ"
 NSND Út Trà Ôn  được suy tôn ” vua vọng cổ”                                   

Tiểu sử

Năm 16 tuổi, anh thanh niên Mười Út với lòng đam mê nghệ thuật cải lương học hát tại làng quê. Quê hương của ông cũng là một vùng đất nổi tiếng với nghệ thuật cải lương.

Năm 1937, Mười Út được người quen giới thiệu với Đài phát thanh Sài Gòn và từ đó chính thức có nghệ danh Út Trà Ôn. Giọng ca truyền cảm, ấm áp, chân thành, đậm chất miền Tây Nam Bộ của ông được giới thiệu trên làn sóng điện đã nhanh chóng được đông đảo thính giả yêu chuộng. Bản vọng cổ đầu tiên ông ca trên đài là bản: “Thức trót canh thâu“. Với niềm đam mê nghệ thuật và khả năng ca diễn xuất sắc, Út Trà ôn thường xuyên góp tiếng hát cho Đài phát thanh, thu âm cho các hãng băng đĩa. Đặc biệt, với giọng ca đặc biệt của mình, ông đã góp phần nâng cao uy tín cho hãng đĩa ASIA với bài vọng cổ “Tôn Tẩn giả điên” gồm có 20 câu, là một sáng tác của vị Yết-Ma (tu sĩ Phật giáo).

Năm 1942, ông lần lượt biểu diễn cho các gánh cải lương như: Hề Lập, Thanh Long, Tiến Hoá, Mộng Vân, Sao Mai, Thanh Minh…

Năm 1954, ông lập gánh hát Kim Thanh, đây là lần đầu tiên ông làm bầu 1 đại bang danh tiếng lừng lẫy lúc bấy giờ và cho đến ngày nay vẫn còn nhiều nghệ sĩ cao tuổi nhắc đến. Lúc ấy, đại bang này có nhiều nghệ sĩ tên tuổi lớn ví dụ như: Thanh Tao, Kim Chưởng, Thuý Nga cùng làm giám đốc.

Năm 1955, tại Sài Gòn, trong một cuộc trưng cầu ý kiến khán giả của báo giới, nghệ sĩ Út Trà Ôn đã được tặng danh hiệu “Đệ nhất nam danh ca”.

Năm 1960, Út Trà Ôn cộng tác với đoàn Thủ Đô (chủ nhân của đoàn này là ông Phan Văn Bản và đồng thời là chủ nhân của hãng dĩa Hoành Sơn)

Năm 1962, Út Trà Ôn và người bạn thân là nghệ sĩ Hoàng Giang (cũng là tên tuổi lớn) lập gánh Thống Nhứt, rồi cộng tác với các đoàn như: Dạ Lý Hương, Thái Dương, Quốc Thanh, Hương Dạ Thảo, Phương Bình, Thanh Hải, Tân Hoa Lan, Kim Chung ….

Năm 1975, sau ngày 30/4/1975, ông cộng tác với đoàn cải lương Sài Gòn 1, Trần Hữu Trang và sau đó là Sân khấu Tài Năng hay còn gọi là đoàn 2-84.

Tháng 3 năm 1997, ông được Nhà nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu NSND. Trước khi ông mất, đồng chí Nguyễn Minh Triết (bấy giờ là Bí thư Thành ủy Tp HCM)  đã tới tận bệnh viện thăm người nghệ sĩ lão thành.

Ông từ trần ngày 13 tháng 8 năm 2001 tại Thành phố Hồ Chí Minh, an táng tại Chùa Nghệ sĩ, Quận Gò Vấp. Hưởng thọ 82 tuổi.                                          

Mộ Út Trà Ôn tại nghĩa trang chùa Nghệ Sĩ, Gò Vấp

Danh hiệu

Năm 1997: Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân – đợt 4 và Huân chương Vì sự nghiệp sân khấu vì những đóng góp của ông cho nghệ thuật cải lương.

Các vai diễn nổi bật

Cải lương

                                                                                      NSND Út Trà Ôn và soạn giả NSND Viễn Châu

Soạn giả Viễn Châu sáng tác hơn 2.000 bài vọng cổ, thì có đến 2/3 có công truyền bá của NSND Út Trà Ôn. Trong đó có nhiều bài đã gây được dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, đặc biệt là bài Tình anh bán chiếu. Chỉ có 6 câu vọng cổ, trình bày chưa đến 10 phút mà đã đưa Út Trà Ôn và Viễn Châu lên ngôi vua của làng vọng cổ.Theo nhận xét của soạn giả Viễn Châu thì NSND Út Trà Ôn là một nghệ sĩ mộc mạc, tuy được khán giả hâm mộ nhưng sống rất khiêm tốn. Một số đồng nghiệp khác lại cho rằng, ông là người không “kén” vai diễn. Ông sẵn sàng tham gia những vai rất khác nhau, miễn là nó có cá tính, có số phận

Các bài vọng cổ nổi tiếng

Bằng giọng hát ấm và ngọt, nghệ sĩ Út Trà Ôn nổi tiếng với rất nhiều bài vọng cổ. Ông được khán giả ái mộ với những vở cải lương. Rất nhiều bài vọng cổ cho đến ngày nay vẫn còn đọng lại ít nhiều ký ức và tình cảm trong lòng người mộ điệu:

Tiếng tơ lòng
3 giờ khuya
Thích ca tầm đạo
Tình anh bán chiếu (Sáng tác: NSND Viễn Châu)
Tình người phu xe
Núm ruột quê hương
Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn
Gánh chè khuya (Tác giả: NSND Viễn Châu)
Gánh nước đêm trăng
Tôn Tẩn giả điên
Ni cô và lão ăn mày
Ông lão chèo đò
Đời (Tác giả: NSND Viễn Châu)

Gia đình

Út Trà Ôn là cha của ca sĩ Bích Phượng. Bích Phượng không đi theo nghiệp cải lương cha mà hát, thể hiện những làn điệu dân ca Nam Bộ.

Tuyển tập những bài  tân cổ cải lương hay nhất Út Trà Ôn

Nạn con rơi– Út Trà Ôn
Tiếng hát Muồng Tênh- Út Trà Ôn
Kiều Phong A Tỷ- Út Trà Ôn
Sương khói rừng khuya- Út Trà Ôn
Quân Vương và Thiếp– Út Trà Ôn
Lưu Bình Dương Lễ– Út Trà Ôn
Tình Người Phụ Xe- Út Trà Ôn
Kiều Phong A Tỳ- Út Trà
Ôn Thích Ca Tầm Đạo- Út Trà Ôn

Tiểu sử soạn giả nghệ sĩ nhân dân cải lương Viễn Châu

Cuộc đời và sự  nghiệp của nghệ sĩ” vua của các vị vua cải lương ” Viễn Châu

Viễn Châu (tên thật Huỳnh Trí Bá, sinh 1924 -2016), là một danh cầm đàn tranh và soạn giả cải lương người Việt Nam. Ông được cho là người đã khai sinh ra thể loại cải lương tân cổ giao duyên và đã có công đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương danh tiếng một thời. Ông được Nhà nước Việt Nam trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

 

Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu do cố nghệ sĩ Út Trà Ôn trình bày là một trong những tác phẩm được công chúng yêu thích nhất.

Thân thế và khởi nghiệp

Ông sinh năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ông xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả, là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.

Thuở nhỏ, ông học quốc văn ở trường làng và học Hán văn với những bậc túc nho ở tại nhà. Ngoài ra, khi còn học ở trường, ông đã mê đờn ca, cả tân lẫn cổ, thường có mặt trong các buổi đờn ca tài tử, hoặc cùng bạn bè tổ chức đờn ca. Ông mày mò những ngón đờn học lỏm qua đĩa hát nhựa cũng như các nhóm đờn ca tài tử ở làng quê. Đến năm 19 tuổi, ông đàn thạo các loại đàn tranh, vĩ cầm, guitar và được nhiều người khen ngợi.

Năm 1942, ông tham gia Ban cổ nhạc Ðài Phát thanh Pháp Á Sài Gòn. Tuy nhiên, dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của ông là truyện ngắn đầu tay “Chàng trẻ tuổi” được đăng trên báo Dân Mới và bài thơ “Thời mộng” được đăng trên báo Tổng xã mới trong năm đó.

Cuối năm 1943, ông theo đoàn Tố Như lưu diễn. Hai tháng sau, ông tham gia gánh ca kịch của Năm Châu ra Hà Nội lưu diễn. Trên bước đường nghệ thuật của mình, ông có cơ hội tiếp xúc với các nghệ sĩ tài danh bấy giờ như Năm Châu, Lê Hoài Nở, Trần Hữu Trang, Duy Lân,… và học hỏi được nhiều kỹ năng về tư duy sáng tác.

Tuy nhiên, “chuyến lưu diễn” của ông nhanh chóng kết thúc khi đoàn vừa về tới Sài Gòn thì một người anh kế của ông là Huỳnh Thanh Tòng bắt ông về quê, không cho theo đoàn hát nữa.

Bước gian truân của người nghệ sĩ

Cuối năm 1945, Pháp nổ súng tái chiếm Đông Dương. Bấy giờ, ông đã viết vở cải lương đầu tay “Hồn chiến sĩ”, với nội dung cổ vũ cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Vở tuồng đã được Ủy ban Kháng chiến hành chánh quận Trà Cú (lúc bấy giờ là quận Trần Chí Nam) tổ chức biểu diễn bán vé để góp quỹ kháng chiến.

Năm 1946, quân Pháp kiểm soát phần lớn vùng Trà Vinh. Người anh Huỳnh Thanh Tòng của ông bị quân Pháp bắt và bị bức tử ở đồn Long Toàn (Trà Vinh). Để tránh bắt bớ do từng cầm súng chống Pháp, ông bỏ xứ Đôn Châu lên Vĩnh Long tá túc trong nhà một người bạn rồi sau đó phiêu bạt lên Sài Gòn, tìm đến đoàn Năm Châu (lúc này đổi tên là đoàn Con Tằm) để nương nhờ và theo nghiệp nghệ thuật cải lương từ đó.

Tại Sài Gòn, ông bí mật hoạt động cho Ban công tác thành ở Sài Gòn. Không lâu sau, ông bị người Pháp bắt giữ cùng với 4 người khác để khai thác. Mặc dù không đủ bằng chứng kết tội, ông vẫn bị giam giữ mà không xét xử, sau đó bị đày đi an trí ở Cẩm Giang (Tây Ninh).

Mãi đến cuối năm 1949, ông mới được trả tự do. Ông mới trốn thoát và trở lại Sài Gòn, lại tìm đến đoàn Con Tằm với cái tên mới Trương Văn Bảy. Năm 1950, ông viết vở cải lương “Nát cánh hoa rừng” với bút danh Viễn Châu, phóng tác từ truyện đường rừng của Khái Hưng. Đây là vở cải lương đầu tiên của ông được đoàn Việt kịch Năm Châu trình diễn trên sân khấu đại ban tại Sài Gòn cũng trong năm 1950, được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt.

Từ đó, tên tuổi Viễn Châu bắt đầu được giới mộ điệu chú ý. Các tác phẩm biểu diễn đàn tranh của ông được nhiều hãng đĩa thu thanh và phát hành liên tục. Đương thờingón đờn tranh, Bảy Bá được xem là một trong 3 ngón đờn cổ nhạc đã được giới mộ điệu đánh giá cao và coi như bậc thầy là Năm Cơ (đàn sến) – Bảy Bá (đàn tranh) – Văn Vỹ (guitar phím lõm). Ngoài đoàn Việt kịch Năm Châu, ông còn cộng tác với các đoàn hát: Kim Thanh Út Trà Ôn (1955), Thanh Tao (1958), Thanh Nga (1962), Dạ Lý Hương (1969), Tân Hoa Lan (1969). Đồng thời, ông còn cộng tác với các hãng đĩa Việt Nam (1950), Kim Long (1951), Việt Hải (1953), Thăng Long (1954), Sống Mới (1968), Nhạc ngày xanh (1969), Hồn nước (1973, của Ngọc Chánh sản xuất băng từ),…

Sau năm 1975, ông cộng tác với Đoàn Văn công (1975), hãng băng Sài Gòn Audio (1978) và nhiều đoàn hát ở các tỉnh. Năm 1984, ông cùng đoàn nghệ thuật 284 lưu diễn ở các nước Tây Âu như: Đức, Bỉ, Pháp, Ý.

Cả cuộc đời ông từ năm 1950 trở đi toàn tâm ý dồn hết cho nghệ thuật cải lương. Mặc dù tuổi cao và bệnh trọng, nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác. Ông đang hoàn tất quyển hồi ký về cuộc đời và sự nghiệp của mình. Theo một học trò của ông là Nghệ sĩ Ưu tú Phương Quang, ông từng dặn con trai mình là nhạc sĩ Trương Minh Châu: “Ba chết, nhớ bỏ vô quan tài một mớ giấy, bút để xuống đó ba viết bài vọng cổ“.

Ông mất ngày 01 tháng 2 năm 2016 tại nhà riêng hưởng thọ 92 tuổi, sau đó hỏa thiêu tại Bình Hưng Hòa, thành phố Hồ Chí Minh.

                                       

                                  Nghệ sĩ nhân dân Viễn Châu và giọng ca sầu nữ Út Bạch Lan

Đánh giá

Ông được mệnh danh là “vua của các vị vua cải lương“, “là người tạo danh cho các nghệ sĩ”, bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài “Hòn vọng phu, Út Trà Ôn với “Tình anh bán chiếu“,… Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,…

Không có Viễn Châu là không có Ngọc Giàu cũng như gần hết các tên tuổi cải lương nổi tiếng của cải lương thời hoàng kim.””—Ngọc Giàu“.

Nhờ bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” mà Ngã Bảy Phụng Hiệp được nổi danh khắp vùng Nam bộ nên địa phương rất biết ơn soạn giả Viễn Châu!””— Lê Phú Khải, dẫn lời một lãnh đạo Huyện ủy Phụng Hiệp (Báo Cần Thơ). Một sáng tạo của Viễn Châu có ý nghĩa đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật là việc ghép tân nhạc vào bản vọng cổ mà ông gọi là “Tân cổ giao duyên“. Bản tân cổ giao duyên đầu tiên của ông có tựa “Chàng là ai” (tân nhạc của Nguyễn Hữu Thiết), sáng tác từ năm 1958, do Lệ Thủy ca năm 1964. Dù thể loại mới này đã gây ra nhiều tranh cãi trên báo chí thời bấy giờ, nhưng sức tồn tại của nó cũng như sự hâm mộ của công chúng là bằng chứng cụ thể nhất đối với tân cổ giao duyên.

GS.TS Trần Văn Khê và soạn giả Viễn Châu trên sân khấu Làn điệu phương Nam tại Nhà hát TP

Vinh danh

Năm 1988, Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú
Năm 2012, ông được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Năm 2014, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 cho những đóng góp xuất sắc đối với nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Một số tác phẩm tiêu biểu

Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 70 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và hơn 2.000 bản ca vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền. Dưới đây là một số tác phẩm tiêu biểu:

Tuồng cải lương

Nát cánh hoa rừng
Lòng dạ đàn bà
Tình mẫu tử
Đời cô Nga
Sau bức màn nhung
Bông ô môi
Chuyện tình Hàn Mặc Tử
Chuyện tình Lan và Điệp
Quân vương và thiếp
Qua cơn ác mộng
Nợ tình
Hoa Mộc Lan
Con gái Hoa Mộc Lan
Hai nụ cười xuân
Ai điên ai tỉnh…
Bản vọng cổ

Tình anh bán chiếu (1951)
Sầu vương ý nhạc
Võ Đông SơBạch Thu Hà
Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài
Tần Quỳnh khóc bạn
Lá trầu xanh
Lòng dạ đàn bà
Lan và Điệp
Hàn Mặc Tử
Tâm sự Mai Đình
Tâm sự Mộng Cầm
Xuân đất khách
Tu là cội phúc
Gánh nước đêm trăng
Đêm khuya trông chồng
Mẹ dạy con
Phạm Lãi biệt Tây Thi
Phàn Lê Huê
Tự Đức khóc Bằng Phi
Ai ra xứ Huế
Đêm tàn Bến Ngự
Hán Đế biệt Chiêu Quân
Dương Quý Phi
Kiếp cầm ca
Đời vũ nữ
Các bài vọng cổ hài viết riêng cho Văn Hường (như Vợ tôi tôi sợ, Vợ tôi đẹp ác,…)
Bướm
Hoa Hồ Điệp
Khúc hát dân ca với Lệ Thủy…
Nguồn: Theo báo Vnexpress, Tuổi trẻ online, Người lao động…